Thứ ba, 18 Tháng 9 2018 04:06

Giáo dục quyền con người cho trẻ em

Giáo dục quyền con người cho trẻ em là một bộ phận cấu thành của giáo dục pháp luật cho trẻ em. Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là tôn trọng các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội. Nhà nước Việt Nam coi con người là mục tiêu và động lực của mọi chính sách phát triển kinh tế - xã hội và luôn nhất quán trong việc bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người. Với chiến lược phát triển con người, coi con người là trung tâm của sự phát triển, giáo dục quyền con người có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Ngày 12-11-2013, với 184 phiếu thuận trên tổng số 192 phiếu, Việt Nam đã trúng cử với số phiếu cao nhất trong số 14 nước thành viên mới, và lần đầu tiên trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 - 2015. Đây là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền của người dân trên tất cả các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, giáo dục, tôn giáo, tín ngưỡng...

Giáo dục quyền con người là một trong những nội dung quan trọng của giáo dục toàn diện, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ và là việc cần phải tiến hành một cách nghiêm túc từ tuổi mẫu giáo. Có thể coi trẻ mẫu giáo là thời kỳ hoàng kim của giáo dục quyền con người. Ở lứa tuổi này, tâm hồn trẻ rất nhạy cảm, dễ xúc động đối với con người, cảnh vật chung quanh, trí tưởng tượng của trẻ bay bổng và phong phú. Hiện nay, trong các trường mầm non, thông qua các “tiết học” tạo hình, múa hát, đóng kịch..., các em đã bắt đầu được tiếp xúc với quyền con người, mà cụ thể là quyền trẻ em.

Giáo dục quyền con người cho các giáo viên mầm non có tầm quan trọng đặc biệt nhằm bảo vệ, giáo dục, chăm sóc trẻ em một cách tốt nhất. Công tác giáo dục quyền con người cho các giáo viên mầm non là một việc làm hết sức cấp thiết hiện nay. Những vụ bạo hành trẻ em diễn ra gần đây như tại nhà trẻ Phương Anh (quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh), hai bảo mẫu Lê Thị Đông Phương và Nguyễn Lá Thiên Lý hành hạ dã man các cháu mầm non, hay vụ hảo mẫu Hồ Ngọc Nhờ (cũng ở quận Thủ Đức) đã nhẫn tâm đạp chết một cháu bé vì cháu không chịu ăn, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc vi phạm quyền trẻ em và tầm quan trọng của việc giáo dục các quyền con người, trong đó có quyền trẻ em cho các giáo viên mầm non. Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương và ít có khả năng tự bảo vệ mình. Vì vậy, để bảo vệ các em trước tiên phải giáo dục quyền con người và nâng cao ý thức cho các giáo viên mầm non về tôn trọng bảo vệ quyền trẻ em.

Bước đầu công tác giáo dục quyền con người trong nhà trường phổ thông ở nước ta đã được triển khai và đạt được những kết quả nhất định. Thực tế trên thế giới đã chứng minh tính hữu ích và hiệu quả của việc hình thành nhận thức và thái độ tôn trọng quyền con người của các cá nhân ngay từ khi còn trẻ thông qua việc triển khai giáo dục nhân quyền cho học sinh phổ thông. Xuất phát từ thực tế kể trên, nhiều quốc gia trên thế giới đã có chương trình giáo dục về quyền con người dành cho cho trẻ em từ lứa tuổi rất nhỏ. Hoạt động giáo dục quyền con người trong các nhà trường phổ thông những năm gần đây đã được quan tâm thực hiện với việc lồng ghép nhiều nguyên tắc và tiêu chuẩn cụ thể của luật nhân quyền quốc tế vào chương trình giáo dục của các nhà trường, đặc biệt là trong môn học đạo đức và giáo dục công dân (thực hiện ở các cấp phổ thông từ I, II đến III). Cụ thể như sau:

Đối với học sinh tiểu học (từ lớp 1 đến lớp 5), môn học đạo đức đã bao gồm các bài học nhằm hướng dẫn các em tôn trọng người khác như tôn trọng khách nước ngoài, tôn trọng thư từ, tài sản của người khác (lớp 3); tôn trọng phụ nữ (lớp 5)[1]. Trong các bài học này, tuy các khái niệm cụ thể về quyền chưa được sử dụng (chẳng hạn khi nói về tôn trọng phụ nữ thì mới nêu các lý do về đạo đức, xã hội chứ chưa đề cập “quyền của phụ nữ”) và các kiến thức, thông tin chuyển tải mới ở mức độ đơn giản, nhưng thông qua các bài học kể trên, học sinh có thể hiểu được một số nguyên tắc cơ bản của quyền con người và nghĩa vụ tôn trọng các quyền con người của các nhóm đối tượng có liên quan.

Ở cấp trung học cơ sở (từ lớp 6 đến lớp 9), số lượng bài học về quyền con người trong chương trình học đã nhiều hơn, các bài học chứa đựng những kiến thức rộng và sâu hơn về quyền con người. Mặc dù vậy, tương tự như ở cấp tiểu học, các bài học về quyền con người ở cấp trung học cơ sở vẫn được thiết kế thông qua những bối cảnh sinh hoạt hằng ngày và phù hợp với nhận thức xã hội của học sinh theo từng độ tuổi, để giúp các em có thể hiểu được các khái niệm và phạm trù đôi khi khá phức tạp trên lĩnh vực này.

Cụ thể, các bài học về quyền con người trong môn học giáo 1, công dân của học sinh phổ thông cấp II được thiết kế như sau[2]:

Trong môn học giáo dục công dân lớp 6 (tổng số 21 bài) có các bài: Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em (bài 12), Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (bài 13), Quyền và nghĩa vụ học tập (bài 15), Quyền được pháp luật bảo vệ về tính mạng, thân thể, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm (bài 16), Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở (bài 17), Quyền được bảo đảm an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín (bài 18).

Trong môn học giáo dục công dân lớp 7 (tổng số 18 bài) có các bài cơ bản như: Quyền được chăm sóc và giáo dục của trẻ em Việt Nam (bài 13), Quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo (bài 16), Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (bài 17).

Trong môn học giáo dục công dân lớp 8 (tổng số 21 bài) có các bài: Quyền và nghĩa vụ của công dân trong gia đình (bài 12), Quyền sở hữu tài sản và nghĩa vụ tôn trọng tài sản của người khác (bài 16), Quyền khiếu nại, tố cáo của công dân (bài 18), Quyền tự do ngôn luận (bài 19), Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (bài 20), Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (bài 21).

Trong chương trình môn học giáo dục công dân lớp 9 (tổng số 18 bài) có các bài cơ bản như: Quyền và nghĩa vụ của công dân trong hôn nhân (bài 12), Quyền tự do kinh doanh và nghĩa vụ đóng thuế (bài 13), Quyền và nghĩa vụ lao động của công dân (bài 14), Quyền tham gia quản lý Nhà nước, quản lý xã hội của công dân (bài 16). Nhìn chung, trong chương trình giáo dục phổ thông, môn học giáo dục công dân đã mang tính lý thuyết và tính khái quát khá cao, nhiều nội dung tương đối trừu tượng với lứa tuổi thiếu niên. Chương trình lớp 10 có đề cập một số nghĩa vụ của công dân nhưng chủ yếu từ khía cạnh đạo đức (đối với cộng đồng, với xây dựng và bảo vệ Tổ quốc).

Qua thực tế nêu trên, có thể nhận thấy dung lượng kiến thức về quyền con người trong chương trình giáo dục phổ thông ở Việt Nam là khá lớn so với mặt bằng chung trên thế giới. Một điểm tích cực nữa là việc thiết kế các bài học về quyền con người trong chương trình giáo dục công dân ở Việt Nam đã tính đến trình độ nhận thức và tâm lý của học sinh ở từng độ tuổi. Những điều này cho thấy sự quan tâm của Đảng và Nhà nước Việt Nam với hoạt động giáo dục về quyền con người, cũng như cho thấy triển vọng tốt đẹp của hoạt động giáo dục về quyền con người ở các nhà trường phổ thông ở Việt Nam.

Trong công tác giáo dục quyền con người cho trẻ em cũng còn nhiều hạn chế, bất cập cả về nhận thức và tổ chức thực hiện, kiểm tra, đánh giá. Một trong các hạn chế của hoạt động giáo dục nhân quyền trong các nhà trường phổ thông ở Việt Nam hiện nay là sự hiểu biết về quyền con Hài, cách thức, phương pháp giảng dạy, tọa đàm, tư vấn cho trẻ em về quyền con người của giáo viên và những người làm công tác giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức.

Về khía cạnh kiến thức, kỹ năng có thể nói, đa phần các giáo viên giảng dạy môn học giáo dục công dân ở các cấp học Phổ thông ở Việt Nam đều chưa được đào tạo hay tập huấn một cách quy chuẩn về quyền con người. Điều này sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giảng dạy các bài học về nhân quyền.

Về phương pháp, giáo dục nhân quyền đòi hỏi giáo viên cần áp dụng phương pháp giảng dạy đặc thù (phương pháp giáo dục cùng tham gia - participatory teaching methods), trong khi các nhà trường phổ thông ở Việt Nam hiện vẫn áp dụng phổ biến phương pháp giảng dạy truyền thống (còn gọi là phương pháp giáo dục áp đặt - banking education).

Việc sử dụng phương pháp giáo dục truyền thống làm giảm một cách đáng kể hiệu quả của hoạt động giáo dục nói chung, hoạt động giáo dục nhân quyền nói riêng và phương pháp giảng dạy truyền thống thông thường biến các tiết học về quyền con người thành các buổi thuyết giảng một chiều, khô cứng về đạo đức và luật.

Hệ thống tài liệu, phương tiện kỹ thuật phục vụ giảng dạy, nghiên cứu, học tập về quyền con người còn nhiều hạn chế. Nội dung, phương pháp giảng dạy quyền con người còn nhiều bất cập, hầu như mới chỉ dừng lại ở các quy định của pháp luật quốc tế, pháp luật Việt Nam, chưa gắn với các tình huống thực tiễn thông qua các bài tập đơn giản, thiết thực.

Như vậy, Giáo dục quyền con người có nhiệm vụ cung cấp kiến thức và kỹ năng, làm cho học sinh hiểu được các giá trị cốt lõi của các quyền như quyền thụ hưởng giáo dục; quyền trẻ em; quyền lao động; các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá; các quyền dân sự, đồng thời hiểu được cơ chế để bảo vệ các quyền đó cũng như đạt được các kỹ năng để có thể sử dụng các quyền này trong cuộc sống.

Trẻ em cần được gia đình, nhà trường và xã hội giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng phòng vệ và phản ứng trong những tình huống có thể gặp phải khi quyền của các em bị xâm phạm hay đơn giản là thái độ bình tĩnh trước những lời nói, hành vi không đúng mực của bạn bè. Hiệu quả giáo dục pháp luật đối với trẻ em sẽ được nâng cao rất nhiều nếu áp dụng các biện pháp thiết thực như giáo dục tính cách, kỹ năng ứng xử trong tham gia giao thông, tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông là vì tôn trọng quyền, lợi ích của người khác chứ không chỉ vì sợ bị báo cáo với nhà trường.

Giáo dục quyền con người cho trẻ em thực tế cân bắt đầu từ giáo dục đạo đức, giáo dục cho các em đức tính khoan dung, biết tha thứ và tinh thần cộng đồng. Hiện nay, môn học giá trị sống đã được đưa vào chương trình giảng dạy ngay từ lớp 1. Môn học này rất quan trọng để hình thành ý thức pháp luật, ý thức đạo đức, phải giáo dục trẻ em ngay từ tuổi thơ. Về vấn đề này, có thể tham khảo, học tập kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc giáo dục đạo đức, pháp luật cho trẻ em. Triết lý giáo dục đạo đức của Nhật Bản bao gồm: tinh thần tôn trọng nhân phẩm; kế thừa và phát triển văn hóa truyền thống, nhiệt tâm phát triển một đất nước và xã hội dân chủ; ý thức đạo đức, khả năng tự quyết định....[3].

Trong giáo dục pháp luật, giáo dục quyền con người cho trẻ em không chỉ dừng lại ở việc giới thiệu các quy định pháp luật và chỉ rõ các chế tài xử lý nếu vi phạm mà quan trọng hơn là nêu ý nghĩa của các quy định đó. Chẳng hạn, trong giáo dục về luật giao thông đường bộ, pháp luật bảo vệ môi trường, cần nêu rõ cho các em hiểu được ý nghĩa, lợi ích của các quy định đó, do vậy, vì sao phải tôn trọng và chấp hành. Tôn trọng pháp luật cần được hiểu như tôn trọng các giá trị cuộc sống của bản thân mình và của mọi người. Để làm được điều này, nhất thiết phải thông qua các chương trình lồng ghép giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức, giáo dục quyền con người và kỹ năng sống cho trẻ em.

 


[1] Bộ Giáo dục và Đào tạo: Vở bài tập Đạo đức 3 và Đạo đức 5, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2009.

[2] Bộ Giáo dục và Đào tạo (2007): Giáo dục công dân 6, 7, 8, 9, 10, 11 và Giáo dục Công dân 12, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2009.

[3]Giáo dục đạo đức cho học sinh ở Nhật Bản, http://www.dayhoc intel.net/ diendan/showthread.php?t=9510

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành