Thứ ba, 25 Tháng 9 2018 07:55

Một số vấn đề về việc phân loại lao động nghề nghiệp báo chí

Hoạt động nghề nghiệp báo chí có thể được hiểu là một loại hoạt động chuyên nghiệp nhằm thực hiện công việc như thu thập, xử lý, sản xuất và truyền tải thông tin cho công chúng xã hội trên các loại hình báo chí như báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử….

Để phân loại loại hình lao động nghề nghiệp này, hiện nay có nhiều cách phân loại khác nhau dựa trên tính chất và hình thức hoạt động. Nếu căn cứ vào loại hình phương tiện truyền thông, có thể phân chia thành lao động báo in và các sản phẩm in ấn, lao động báo chí phát thanh, lao động báo chí truyền hình (vì trong phát thanh, truyền hình không phải chương trình, sản phẩm nào cũng được coi là sản phẩm báo chí), lao động báo mạng điện tử và lao động của hãng tin - thông tấn (loại hình dịch vụ thông tin đặc thù). Tính chất và đặc trưng các loại lao động này có nhiều điểm chung (vì đều là lao động thu thập, xử lý, sản xuất - chế biến và chuyển tải thông tin thời sự), nhưng cũng có nhiều đặc điểm khu biệt do đặc trưng loại hình, do phương tiện và phương thức sáng tạo, do đặc thù tiếp nhận của công chúng xã hội đối với mỗi kênh truyền thông… Chẳng hạn như, đối với lao động báo chí phát thanh, năng lực khai thác, sử dụng các chất liệu âm thanh chính như lời nói, tiếng động và âm nhạc, được chú trọng hơn.

Căn cứ vào tính chất thời sự của sản phẩmbáo chí, có thể phân chia lao động báo ngày, báo tuần, báo tháng (có thể tương ứng là thời sự, chuyên đề,... trong các loại hình báo chí khác). Căn cứ vào các công việc cụ thể, sẽ có cách phân loại chi tiết hơn, nhất là trong phát thanh, truyền hình sẽ có rất nhiều nghề khác nhau.

Bên cạnh đó, có nhiều quan điểm cho rằng nên chia thành lao động tổ chức quản lý, lao động giao tiếp xã hội, lao động sáng tạo tác phẩm. Luật Báo chí và văn bản hướng dẫn thi hành luật đề cập đến bốn chủ thể hoạt động báo chí là người đứng đầu cơ quan chủ quản cơ quan báo chí, cơ quan báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí và nhà báo; trong tòa soạn báo chí, có các chức danh như phóng viên, biên tập viên, bình luận viên, người hiệu đính,..

Nhưng dù ở vai trò nào nào thì chất nghề nghiệp của các chủ thể báo chí vẫn chủ yếu là phát hiện, thu thập, xử lý các sự kiện và vấn đề thời sự thành thông tin bổ ích và thú vị cho công chúng xã hội, cho nhóm đối tượng tiếp nhận. Điều này có thể hiểu là không thể có thông tin hấp dẫn và có ý nghĩa nếu thiếu lao động của nhà báo. Mỗi sự kiện đều có tiềm năng thông tin, tiềm năng ấy chỉ có thể được khơi thức hay không là phụ thuộc vào bàn tay chuyên nghiệp của nhà báo. Tuy nhiên, trong dây chuyền sản xuất tin tức, sự chuyên nghiệp ấy được thể hiện ở mỗi công đoạn khác nhau. Do đó, việc phân loại lao động báo chí góp phần nhận diện các loại hoạt động cụ thể trong lao động nghề nghiệp báo chí ấy.

Dựa trên tính chất tính chất trực tiếp hay gián tiếp, thường xuyên hay không thường xuyên của hoạt động báo chí, có thể phân chia thành nhà báo chuyên nghiệp và nhà báo không chuyên nghiệp – các cộng tác viên, thông tin viên. Tuy nhiên trong môi trường tuyền thông số và quá trình đô thị hóa, cùng với việc hình thành báo chí công dân, xu hướng hình thành đội ngũ nhà báo không chuyên ngày càng đông đảo và có vai trò tích cực đối với đời sống báo chí và đời sống xã hội.

Có thể thấy rằng, mỗi cách phân loại nghề nghiệp báo chí đều có những khía cạnh hợp lý của nó. Mỗi cách phân loại đều có thể giúp ích cho việc nhận diện chức năng, nhiệm vụ của mỗi loại công việc, chức danh và sản phẩm sáng tạo của nhà báo. Trên cơ sở ấy, mỗi chức danh trong từng hoạt động, sản phẩm có thể nhận diện rõ hơn những phần công việc, tiêu chí, kỹ năng làm việc và hiệu quả cần đạt được.

Căn cứ vào những phân tích đã nêu trên, có thể phân chia lao động báo chí thành bốn loại sau đây:

- Lao động tổ chức – quản lý;

- Lao động biên tập;

- Lao động tác giả,

- Lao động kinh tế - dịch vụ.

Theo cách phân loại này, lao động tổ chức, quản lý trong hoạt động báo chí là lao động dành cho một số ít người đảm nhận công việc tổ chức quản lý cơ quan báo chí, ngành báo chí như ở nước ta. Tức là quản lý ở cấp vĩ mô. Loại lao động này tuy có nhiều cấp độ khác nhau, nhưng những cấp độ ấy, đòi hỏi chủ thể của nó những kiến thức và phẩm chất tương thích do mục đích và yêu lãnh đạo, quản lý đặt ra.

Tổ chức - quản lý ở cấp vi mô (cơ quan báo chí) là tổ chức quản lý bảo đảm cho sản phẩm báo chí (số báo trình phát thanh, truyền hình...) được xã hội hóa theo tiêu chí chất lượng, đúng tôn chỉ mục đích, khu chính trị đã xác định. Người đứng đầu cơ quan báo chí lãnh và quản lý cơ quan báo chí về mọi mặt, bảo đảm thực hiện tôn chỉ mục đích và những yêu cầu bắt buộc ghi trong giấy phép xuất bản, chịu trách nhiệm trước thủ trưởng cơ quan chủ quản trước pháp luật và dư luận xã hội về mọi hoạt động của cơ quan báo chí do mình phụ trách. Giúp việc cho người đứng đầu cơ quan báo chí - tổng biên tập (hay giám đốc - đối với đài phát thanh, truyền hình), có các phó tổng biên tập, (hoặc các phó giám đốc).Về cơ bản hoạt động này nhằm mục đích thiết lập, phát triển, củng cố và mở rộng các quan hệ đối ngoại, mở rộng thị trường, nâng tầm của cơ quan báo chí của mình, ở đây đòi hỏi người thực hiện phải có khả năng giao tiếp xây dựng và củng cố các mối quan hệ xã hội. Bên cạnh đó, hoạt động quản lý vi mô này cũng đòi hỏi việc xây dựng các quan hệ đối nội - thiết lập, duy trình các đầu mối tổ chức các bộ phận công việc bảo đảm phát huy tối đa nguồn lực toà soạn cơ quan báo chí và kết nối nguồn lực xã hội trong quá trình thu thập, xử lý, sản xuất và chuyển tải thông tin đến công chúng nhanh chóng và hiệu quả nhất. Trên thực tế, vai trò vị thế xã hội của cơ quan báo chí phụ thuộc vào uy tín và năng lực nghề nghiệp của tổng biên tập; mặt khác, sản phẩm báo chí thể hiện rõ diện mạo văn hóa, nhân cách và phẩm chất nghề nghiệp của người đứng đầu cơ quan báo chí - nhất là đối với báo in và báo mạng điện tử. Trong kinh tế thị trường, lao động tổ chức quản lý cơ quan báo chí còn bao gồm lao động quản trị doanh nghiệp. Tính chất và mức độ quản trị doanh nghiệp phụ thuộc vào tính chất, loại hình và chính sách, cơ chế hoạt động của cơ quan báo chí.

Trong thực tế, muốn có một sản phẩm báo chí hay, hấp dẫn công chúng thì phải có đội ngũ nhà báo giỏi nghề, nhưng khi đã có đội ngũ nhà báo giỏi nghề chưa chắc đã có sản phẩm báo chí hay, hấp dẫn công chúng xã hội. Điều đó phụ thuộc vào năng lực và tính chuyên nghiệp của tổng biên tập (hay giám đốc) cơ quan báo chí. Tổng biên tập là một nghề, nhưng trước hết phải thạo nghề báo mới có khả năng làm cho cơ quan báo chí phát triển cả bề rộng và chiều sâu theo đúng nghĩa của nó.

Ở cấp vĩ mô, lao động tổ chức - quản lý mang tính quản lý nhà nước bao gồm cả việc xây dựng chính sách pháp lý, chính sách xã hội cho nền báo chí hoạt động nhịp nhàng, hiệu quả phục vụ mục đích chính trị và sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Đối với nước ta, nội dung quản lý nhà nước về báo chí đã được pháp luật quy định tại Luật báo chí và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Đối với loại hình nghề nghiệp báo chí mang tính chất là lao động biên tập,lao động biên tập, không nên coi đó chỗ là hoạt động sửa chữa tin, bài, biên tập kịch bản,... của biên tập viên hay cán bộ quản lý phòng, ban chuyên môn nghiệp vụ tòa soạn, tham gia hoàn thiện, nâng cấp tác phẩm báo chí trước khi lên trang in hay phát sóng. Trên thực tế, lao động biên tập thể hiện ở nhiều khâu công việc quan trọng khác nữa. Ví dụ như,  xây dựng kế hoạch, nhất là chiến dịch thông tin - truyền thông (bao gồm kế hoạch dài hạn, ngắn hạn và xử lý tình huống đột xuất); chủ động thiết lập và duy trì các mối quan hệ với phóng viên, cộng tác viên và các đối tác của tòa soạn (thông qua các đơn vị chuyên môn nghiệp vụ của tòa soạn báo chí); xây dựng chủ đề thông tin của trang báo, số báo hay chương trình phát thanh, truyền hình; xử lý các sự kiện, vấn đề và khủng hoảng. Như vậy, sửa chữa tin bài, tham gia hoàn thiện tác phẩm báo chí chỉ là một trong nhiều công việc của lao động biên tập.

Những người tiến hành một số loại hay tất cả các loại công việc trên đây gọi là biên tập viên. Biên tập viên được chia thành biên tập viên, biên tập viên chính và biên tập viên cao cấp.Trong báo chí hiện đại, xu hướng số lượng biên tập viên tăng lên.Ở các tòa soạn báo chí phương Tây, biên tập viên chính có vai trò đặc biệt quan trọng trong quy trình sản xuất sản phẩm báo chí.Ở nước ta, biên tập viên chính giữ vai trò quan trọng tùy thuộc vào vị trí công việc và thường gắn với chức vụ quản lí được phân công đảm nhiệm trong tòa soạn.

Yêu cầu lao động Biên tập thể hiện trong các khâu công việc được đảm trách, nhưng tất cả đều phục vụ chức năng là người tổ chức, thiết kế và “gác cổng” cho tổng biên tập.

Đối với loại hình lao động báo chí với tính chất là lao động tác giả. Lao động tác giả là loại lao động dành cho phần đông những người trong tòa soạn báo chí. Đó là loại lao động thu thập, xử lý thông tin, dữ liệu và trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm báo chí (bao gồm tin, bài, ảnh - có thể gọi là sản phẩm). Những người tiến hành loại lao động này một cách thường xuyên và chủ yếu, gọi là phóng viên; ngoài ra, tiến hành lao động này còn có các cộng tác viên, thông tin viên và nhà báo công dân...

Lao động tác giả, có thể nói là quy trình sáng tạo tác phẩm của phóng viên. Quy trình đó bao gồm nắm bắt tình hình thực tế đang vận động, phát hiện chủ đề và đề tài, tiếp cận, thu thập và xử lý thông tin, dữ liệu, viết và theo dõi - xử lý thông tin phản hồi từ công chúng và dư luận xã hội.

Đối với loại hình lao động báo chí mang tính lao động kinh tế - dịch vụ, có thể nói rằng, nhà báo nói chung là người sáng tạo ra tác phẩm và sản phẩm báo chí để sản phẩm ấy đến được với công  chúng xã hội là cả một quá trình lao động của nhiều công đoạn Với nhiều loại lao động khác nhau. Lao động kỹ thuật - lao động mỹ thuật trình bày, lao động chế bản in ấn, nghiên cứu DLXH và công chúng, phát hành, quảng cáo... Với báo chí truyền hình, tính chất ngành nghề lao động còn phong phú và phức tạp hơn nhiều, như ánh sáng, truyền hình, trang trí sân khấu, hóa trang... Mặt khác, để bảo đảm nguồn thu từ quản lý, khai các hoạt động dịch vụ, quảng bá thương hiệu, marketing,... lại cần có lao động dịch vụ đa dạng, mà những lọai hình lao động này hiện nay chưa được đào tạo một cách bài bản và chuyên nghiệp ở nước ta.

Như vậy, trên thực tế đối với báo chí hiện đại, tổng biên tập không người quản lý tòa soạn, quản lý việc sản xuất tin, sản phẩm báo chí mà.quan trọng hơn là người quản trị doanh nghiệp - tòa soạn báo chí. Như vậy, tổng biên tập còn cần có kiến thức quản lý kinh tế, biết hạch toán - thu - chi, biết quản lý và phát triển các loại nhân lực, các loại lao động khác nhau, biết tổ chức nghiên cứu để định hướng phát triển thị trường, mở rộng công chúng - khách hàng...

Các loại lao động kinh tế - dịch vụ trong báo chí rất đa dạng, như tài chính - kế toán, xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật, quảng cáo, PR, marketing, phát hành, nghiên cứu công chúng - thị trường, dịch vụ công ích và dịch vụ thương mại, dịch vụ kỹ thuật...

Yêu cầu cơ bản của các loại lao động kinh tế - dịch vụ của cơ quan báo chí nhằm thỏa mãn các mục đích như:

- Bảo đảm quy trình thu thập, xử lý, sản xuất tin tức và sản phẩm báo chí nói chung được nhanh chóng, kịp thời với chất lượng chính trị, chất lượng văn hóa, chất lượng khoa học và chuyên môn nghiệp vụ cao nhất có thể;

- Bảo đảm mở rộng, phát triển và củng cố quan hệ của cơ quan báo chí với công chúng - xã hội, quảng bá thương hiệu để phát triển nội lực và ngoại lực đến mức cao nhất có thể,

- Bảo đảm cho hoạt động của tòa soạn hài hòa, đạt được mục đích chính trị - xã hội và mục đích kinh tế - dịch vụ xã hội tối ưu nhất có thể;

- Bảo đảm phát triển sự nghiệp báo chí và lợi nhuận.

- Bảo đảm tăng nguồn thu ổn định và chi tiêu hợp lý, hiệu quả.

Ngày nay, trong cơ quan báo chí hiện đại, tỷ lệ lao động tòa soạn (phóng viên và biên tập viên) ngày càng có tỷ lệ giảm tương đối so với lao động kinh tế - dịch vụ (tài chính - Kế toán, quảng cáo,PR, marketing, phát hành...). Khuynh hướng phát triển của lao động kỹ thuật - dịch vụ trong báo chí hiện đại ngày càng gia tăng, trong đó đặc biệt vai trò của các kỹ sư tin học - điện tử, các chuyên gia nghiên cứu công chúng và phát triển thị trường, các chuyên gia tư vấn tổ chức chiến dịch thông tin - truyền thông cũng như vận động gây ảnh hưởng xã hội…

Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của thời đại, nhằm phù hợp với truyền thông đa phương tiện và hội tụ truyền thông, nhà báo trong hoạt động báo chí của mình cần tích hợp nhiều kỹ năng, thường xuyên, liên tục cập nhật nâng cao kiến thức và kỹ năng hoạt động.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành