Thứ ba, 16 Tháng 10 2018 02:04

Giới thiệu các phương pháp xác định giá chuyển giao theo nguyên tắc giá thị trường của OECD

Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã biên soạn, xuất bản và thường xuyên cập nhật “Hướng dẫn xác định giá chuyển giao cho các công ty đa quốc gia và cơ quan thuế”. Theo Hướng dẫn này, việc xác định giá giao dịch giữa các công ty liên kết trong cùng một tập đoàn phải dựa trên nguyên tắc giá thị trường khách quan. Giá giao dịch này phải được xem xét như giá giao dịch trên thị trường cạnh tranh hoàn hảo hoặc như giá giao dịch với công ty không quen biết (công ty độc lập). Các phương pháp xác định giá chuyển giao như sau:

1. Phương pháp so sánh giá giao dịch độc lập (Comparable Uncontrolled Price - CUP)

Phương pháp này so sánh giá của hàng hóa hoặc dịch vụ được chuyển giao trong giao dịch liên kết với giá được tính cho hàng hóa hoặc dịch vụ trong giao dịch độc lập có thể so sánh trong các hoàn cảnh so sánh tương đương. Sau khi đã loại trừ các tác nhân gây ảnh hưởng đến sự chênh lệch giá (giá giao dịch liên kết và giá giao dịch độc lập), giá được lấy làm căn cứ để xác định giá giao dịch nội bộ của tập đoàn đa quốc gia là giá giao dịch độc lập. Phương pháp này có thể dựa vào các giao dịch so sánh tương đương “nội bộ” hoặc các giao dịch so sánh tương đương “bên ngoài”.

Đây là phương pháp có nhiều ưu điểm nhất, song rất khó thực hiện, bởi trong thực tế khó tìm thấy các giao dịch độc lập có khả năng so sánh phù hợp với các chuẩn mực về so sánh, đặc biệt là đối với việc so sánh giữa các sản phẩm, quyền sở hữu trí tuệ hoặc dịch vụ; chỉ cần một điểm khác biệt nào đó cũng làm cho giá cả giao dịch bị thay đổi. Khi áp dụng phương pháp này, cần xem xét kỹ lưỡng khả năng so sánh giữa các sản phẩm với nhau. Mức giá có thể bị ảnh hưởng trọng yếu bởi sự khác biệt giữa hàng hóa hoặc dịch vụ chuyển giao trong giao dịch liên kết và giao dịch độc lập. Phương pháp CUP đặc biệt phù hợp trong các trường hợp một doanh nghiệp độc lập mua hoặc bán hàng hóa tương đồng hoặc tương tự với các hàng hóa được bán trong giao dịch liên kết hoặc trong hoàn cảnh các dịch vụ được cung cấp tương đồng hoặc rất giống với các dịch vụ được cung cấp trong giao dịch liên kết. Thông thường, phương pháp này được áp dụng khi công ty mẹ hay các công ty con cung cấp các sản phẩm cho nhau, đồng thời cung cấp cho công ty độc lập cùng một loại sản phẩm. Phương pháp này đôi khi có thể được sử dụng để xác định phí bản quyền trả cho việc sử dụng tài sản vô hình theo nguyên tắc giao dịch độc lập.

2. Phương pháp giá bán ra (Resale Price Method - RPM)

Phương pháp này dựa vào giá bán ra của sản phẩm do doanh nghiệp (liên kết) bán cho bên độc lập để xác định giá mua vào sản phẩm đó từ bên liên kết. Mức giá bán gia trừ đi (-) một khoản lợi nhuận thích hợp được tính theo tỷ suất lợi nhuận gộp trên mức giá bán này (gọi là “tỷ suất lợi nhuận gộp trên giá bán ra”) thể hiện tổng số tiền mà người bán lẻ muốn kiếm được để bù đắp các chi phí cho việc bán hàng và chi phí khác. Khoản còn lại sau khi trừ đi lợi nhuận gộp và các khoản chi phí khác có liên quan tới việc mua sản phẩm là giá giao dịch độc lập trong việc chuyển giao tài sản gốc giữa các doanh nghiệp liên kết.

Theo phương pháp giá bán lại, giá chuyển nhượng sản phẩm giữa các công ty liên kết có thể được mô tả bằng công thức sau đây:

TP = RSP x (1 - GPM)

Trong đó:

TP = Giá chuyển nhượng sản phẩm được bán giữa các doanh nghiệp liên kết cho công ty độc lập;

RSP = Giá bán ra, là giá doanh nghiệp liên kết bán cho khách hàng độc lập;

GPM = Tỷ suất lợi nhuận gộp mà một doanh nghiệp liên kết thu được, được tính bằng tỷ lệ giữa lợi nhuận gộp trên doanh thu thuần. Lợi nhuận gộp bằng doanh thu thuần trừ giá vốn hàng bán.

Phương pháp giá bán lại chỉ áp dụng trong điều kiện không có sự khác biệt về điều kiện giao dịch khi so sánh giao dịch độc lập với giao dịch liên kết gây ảnh hưởng trọng yếu đến tỷ suất lợi nhuận gộp trên giá bán ra (doanh thu thuần). Vì vậy, phương pháp này thường được áp dụng cho các trường hợp giao dịch đối với các sản phẩm thuộc khâu cung cấp dịch vụ đơn giản và các giao dịch thương mại có thời gian quay vòng từ khi mua vào đến khi bán ra ngắn, ít chịu sự biến động của thời vụ. Đồng thời sản phẩm trước khi bán ra phải không qua khâu gia công, chế biến, lắp ráp - những khâu có khả năng làm thay đổi tính chất sản phẩm gắn với nhãn hiệu thương mại để làm tăng giá trị sản phẩm một cách đáng kể.

3. Phương pháp giá vốn cộng lãi (Cost Plus Method - CPM)

Phương pháp này đánh giá bản chất của mức phí nội bộ theo nguyên tắc giao dịch độc lập bằng cách xem xét tỷ suất lợi nhuận gộp trên chi phí do nhà cung cấp hàng hóa (hoặc dịch vụ) gánh chịu đối với tài sản hữu hình được chuyển nhượng (hoặc dịch vụ được cung cấp). Phương pháp giá vốn cộng lãi so sánh tỷ suất lợi nhuận gộp mà doanh nghiệp có quan hệ liên kết thu được khi thực hiện sản xuất hoặc cung cấp dịch vụ, với tỷ suất lợi nhuận gộp mà các doanh nghiệp độc lập tương đương thu được.

Đối với phương pháp này, đầu tiên sẽ xem xét các khoản chi phí cấu thành giá vốn của hàng hóa (hoặc dịch vụ) của một doanh nghiệp khi bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ cho bên liên kết khác. Sau đó, một khoản lợi nhuận gộp tính theo tỷ lệ lợi nhuận gộp trên giá vốn sẽ được cộng vào giá vốn này nhằm xác định một mức lợi nhuận phù hợp trong mối tương quan với các chức năng đã thực hiện, các rủi ro gánh chịu, các tài sản sử dụng và các điều kiện của thị trường. Tổng các chi phí sau khi cộng khoản lợi nhuận gộp này vào giá vốn trên có thể được coi là giá thị trường khách quan của giao dịch liên kết nói trên.

Công thức xác định giá chuyển nhượng theo phương pháp này như sau:

TP = COGS x (1 + Tỷ suất lợi nhuận gộp)

Trong đó:

TP = Giá chuyển nhượng sản phẩm giữa công ty sản xuất và công ty liên kết;

COGS = Giá vốn hàng bán của công ty sản xuất;

Tỷ suất lợi nhuận gộp = Tỷ lệ giữa lợi nhuận gộp và giá vốn hàng bán;

Lợi nhuận gộp được tính bằng doanh thu trừ giá vốn hàng bán.

Phương pháp giá vốn cộng lãi thường được áp dụng trong trường hợp các bên liên kết bán các hàng hóa là bán thành phẩm cho nhau; trong trường hợp các bên liên kết đã ký kết các thỏa thuận hợp tác hoặc các thỏa thuận mua và bán hàng dài hạn; hoặc trong trường hợp giao dịch liên kết là cung cấp các dịch vụ nội bộ.

4. Phương pháp so sánh lợi nhuận thuần (Transactional Net Margin Method -TNMM)

Phương pháp so sánh lợi nhuận thuần so sánh tỷ suất lợi nhuận thuần (như là các tỷ suất lợi nhuận trên tổng chi phí, lợi nhuận trên tài sản và lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh danh trên doanh thu thuần) dựa trên một cơ sở phù hợp mà đối tượng nghi vấn thu được trong các giao dịch liên kết với chính tỷ suất lợi nhuận thuần mà đối tượng nghi vấn đó thu được trong các giao dịch độc lập tương đương hoặc so với tỷ suất lợi nhuận thuần mà các công ty độc lập tương đương khác thu được.

Các tỷ suất lợi nhuận thuần được tính bằng lợi nhuận thuần trước thuế (lợi nhuận trước thuế) trên doanh thu thuần, trên chi phí hoặc trên tài sản hoạt động sản xuất kinh doanh. Lợi nhuận trước thuế có thể cộng thêm (+) chi phí lãi tiền vay hoặc khấu hao tài sản cố định để xác định hiệu quả sản xuất kinh doanh trước khi chi trả các khoản chi phí này. Các tỷ suất sinh lời thường được sử dụng bao gồm:

- Tỷ suất lợi nhuận thuần trước thuế trên doanh thu thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh:

Tỷ suất = Lợi nhuận thuần trước thuế/Doanh thu thuần x 100%

- Tỷ suất lợi nhuận thuần trước thuế trên tổng chi phí từ hoạt động sản xuất kinh doanh:

Tỷ suất = Lợi nhuận thuần trước thuế/Tổng chi phí x 100%

- Tỷ suất lợi nhuận thuần trước thuế trên tài sản hoạt động sản xuất kinh doanh:

Tỷ suất = Lợi nhuận thuần trước thuế/Tổng tài sản sử dụng tạo ra thu nhập x 100%

Tỷ suất này được sử dụng trong trường hợp cơ sở kinh doanh có tài sản cố định chiếm tỷ trọng lớn trong tổng vốn đầu tư.

Phương pháp này được áp dụng thích hợp trong điều kiện không có sự khác biệt về điều kiện giao dịch khi so sánh giao dịch độc lập với giao dịch liên kết gây ảnh hưởng trọng yếu đến tỷ suất lợi nhuận.

Phương pháp so sánh tỷ suất lợi nhuận thuần được sử dụng để phân tích các vấn đề về giá chuyển giao liên quan đến tài sản vô hình hoặc dịch vụ. Phương pháp này có thể được áp dụng khi một doanh nghiệp liên kết sử dụng các tài sản vô hình và do đó không thể xác định trực tiếp được mức lợi nhuận phù hợp. Trong trường hợp này, khoản lợi nhuận theo nguyên tắc giao dịch độc lập của (các) doanh nghiệp liên kết không sử dụng tài sản vô hình được xác định bằng tỷ suất lợi nhuận của các bên độc lập thu được khi thực hiện chức năng tương tự với doanh nghiệp liên kết. Sau đó, khoản lợi nhuận còn lại thường được phân bổ cho doanh nghiệp liên kết kiểm soát tài sản vô hình. Trên thực tế, khoản lợi nhuận thu được từ tài sản vô hình được gọi là “khoản lợi nhuận phụ trội”, là khoản lợi nhuận còn lại sau khi trừ đi các khoản lợi nhuận phù hợp được phân bổ cho các chức năng khác theo nguyên tắc giao dịch độc lập.

5. Phương pháp tách lợi nhuận (Profit Split Method - PSM)

Phương pháp tách lợi nhuận được sử dụng nhằm loại trừ các yếu tố ảnh hưởng tới lợi nhuận của các điều kiện đặc biệt trong một giao dịch liên kết thông qua việc tách lợi nhuận mà các doanh nghiệp độc lập mong muốn nhận được từ việc tham gia vào giao dịch hoặc các giao dịch đó. Đây là phương pháp không phụ thuộc vào các giao dịch độc lập mà chỉ lấy các tư liệu từ các giao dịch độc lập làm cơ sở tham khảo.

Phương pháp tách lợi nhuận đầu tiên được áp dụng bằng cách xác định các khoản lợi nhuận sẽ được phân chia cho các doanh nghiệp liên kết từ các giao dịch liên kết (lợi nhuận tổng hợp). Sau đó, các khoản lợi nhuận này được phân chia giữa các doanh nghiệp liên kết căn cứ vào giá trị đóng góp tương đối của từng doanh nghiệp, dựa vào các chức năng thực hiện, rủi ro gánh chịu và tài sản sử dụng của từng doanh nghiệp trong các giao dịch liên kết. Dữ liệu về thị trường bên ngoài (ví dụ tỷ lệ phân chia lợi nhuận giữa các doanh nghiệp độc lập thực hiện các chức năng tương tự) sẽ được sử dụng để định giá từng khoản đóng góp của doanh nghiệp liên kết, nếu có thể, để các khoản lợi nhuận gộp giữa các doanh nghiệp liên kết phù hợp với khoản lợi nhuận mà các doanh nghiệp độc lập thu được khi thực hiện các chức năng tương đương với các chức năng do các doanh nghiệp liên kết thực hiện. Có hai cách phân chia lợi nhuận giữa các doanh nghiệp liên kết như sau:

- Phân chia lợi nhuận theo tỷ lệ đóng góp:

Theo cách phân chia này, lợi nhuận tổng hợp (tổng lợi nhuận từ những giao dịch liên kết được lựa chọn) sẽ được phân chia giữa các doanh nghiệp liên kết, dựa trên số liệu về phần lợi nhuận hợp lý mà các doanh nghiệp độc lập mong muốn có được từ những giao dịch tương đương hoặc dựa vào giá trị tài sản đóng góp (phần góp vốn).

Lợi nhuận phân bổ cho công ty tham gia = Tổng lợi nhuận/Tổng vốn đầu tư x phần góp vốn

Trong đó, giá trị tài sản đóng góp có thể bằng tiền, bằng dịch vụ và các tài sản khác được quy đổi ra giá trị bằng tiền; tổng lợi nhuận trước thuế (thu nhập chịu thuế) do các bên liên kết tham gia tạo ra; tổng vốn đầu tư là tổng các giá trị vốn góp.

- Phân chia lợi nhuận phụ trội:

Việc phân chia lợi nhuận phụ trội được thực hiện qua hai bước.

+ Bước 1: phân chia lợi nhuận cơ bản theo nguyên tắc giá thị trường. Theo đó, mỗi bên tham gia giao dịch liên kết được nhận phần lợi nhuận cơ bản tương ứng với phần đóng góp của họ trong giao dịch liên kết. Phần lợi nhuận cơ bản này phản ánh giá trị của lợi nhuận giao dịch liên kết tổng hợp mà công ty thu được do chức năng hoạt động của mình, chưa tính đến yếu tố đặc thù và duy nhất (ví dụ độc quyền sở hữu hoặc sử dụng tài sản vô hình hoặc quyền sở hữu trí tuệ). Thông thường, mức lợi nhuận ban đầu này được xác định thông qua việc áp dụng các phương pháp xác định giá chuyển giao truyền thống như phương pháp giá bán lại, phương pháp giá vốn cộng lãi hoặc phương pháp lợi nhuận ròng, thông qua việc tham chiếu tới lợi nhuận của các giao dịch có khả năng so sánh giữa các doanh nghiệp độc lập; hoặc tính theo tỷ suất lợi nhuận gộp hoặc theo tỷ suất sinh lời của sản phẩm, như sau:

Lợi nhuận cơ bản = Tỷ suất lợi nhuận x Giá thành

Trong đó:

Giá thành = Giá vốn hàng bán ra + Chi phí R&D + Chi phí bán hàng và quản lý chung

+ Bước 2: phân chia lợi nhuận phụ trội. Bất kỳ lợi nhuận phụ trội nào còn lại sau khi phân chia ở bước 1 sẽ được phân chia cho các bên liên kết tương ứng với tỷ lệ đóng góp liên quan đến tổng lợi nhuận phụ trội.

Tổng lợi nhuận phụ trội = Tổng lợi nhuận thu được - Tổng lợi nhuận cơ bản

Phần lợi nhuận phụ trội của mỗi công ty liên kết tham gia được xác định bằng cách lấy tổng lợi nhuận phụ trội nhân với tỷ lệ đóng góp của công ty. 

Phương pháp tách lợi nhuận thường được áp dụng trong trường hợp các bên liên kết tham gia nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, hoặc phát triển sản phẩm là tài sản vô hình độc quyền hoặc các giao dịch trong quy trình sản xuất kinh doanh chuyển tiếp giữa các bên liên kết từ khâu nguyên liệu đến thành phẩm cuối cùng để lưu thông sản phẩm gắn liền với việc sở hữu hoặc sử dụng quyền sở hữu trí tuệ duy nhất.

Cùng với các phương pháp trên, OECD còn đưa ra phương pháp thỏa thuận trước về giá tính thuế (Advance Pricing Agreement - APA). Đây là một thỏa thuận giữa người nộp thuế và cơ quan thuế về việc xác định giá của giao dịch liên kết, bao gồm tập hợp các điều kiện, tiêu thức (ví dụ: phương pháp lựa chọn mẫu so sánh, các yếu tố cần điều chỉnh khi phân tích, so sánh, các giả định trọng yếu đối với các thay đổi của hoàn cảnh kinh tế, thương mại có ảnh hưởng đến giao dịch trong tương lai...) nhằm thống nhất việc xác định trước giá chuyển giao trong giao dịch liên kết trong một khoảng thời gian xác định... Phương pháp APA áp dụng hiệu quả nhất trong trường hợp các phương pháp định giá chuyển giao nêu trên không thể áp dụng hoặc khó áp dụng. APA có thể được ký kết giữa người nộp thuế với cơ quan thuế của một quốc gia (APA đơn phương) hoặc được ký kết giữa người nộp thuế và cơ quan thuế của hai (APA song phương) hay nhiều quốc gia (APA đa phương).

APA đơn phương có thể ảnh hưởng đến nghĩa vụ thuế của các công ty liên kết thuộc quốc gia khác, nhất là việc đánh thuế hai lần. Do vậy, APA song phương và đa phương thường được áp dụng nhiều hơn.

Tuy nhiên, thủ tục thực hiện APA tốn nhiều thời gian và kinh phí, do vậy, APA không phù hợp với những doanh nghiệp nhỏ. Đa phần, APA được thực hiện đối với các doanh nghiệp có số lượng giao dịch liên kết lớn.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành