Cơ sở để tiến hành hoạt động chuyển giá giữa các phân xưởng hay các đơn vị thành viên trong nội bộ doanh nghiệp là giá chuyển nhượng sản phẩm, hàng hóa. Việc tổ chức quá trình sản xuất thông qua hình thức doanh nghiệp chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế nếu nhờ nó, người ta có thể tiết kiệm được các khoản chi phí giao dịch nhờ nhờ “nội bộ hóa” nhiều khâu giao dịch thị trường[1]. Trên thực tế, để tiến hành một quá trình sản xuất, kinh doanh, người ta có thể thuê, mua các yếu tố đầu vào như nhà xưởng, máy móc, thiết bị, lao động, mua các hàng hóa trung gian, tổ chức sử dụng chúng theo một cách thức nào đó để tạo ra hàng hóa đầu ra, và bán nó trên thị trường. Những giao dịch mua, bán các yếu tố đầu vào như vậy được thực hiện thông qua thị trường theo từng vụ việc cho phép người ta có thể tạo ra các sản phẩm hàng hóa mà không cần thành lập doanh nghiệp hay hãng sản xuất.
Ví dụ một nhà sản xuất có thể tạo ra một bộ phim bằng cách mua kịch bản, thuê đạo diễn, diễn viên, thuê máy móc, thiết bị làm phim, thuê phim trường hay các địa điểm để quay phim..., khi bộ phim hoàn thành, các hợp đồng thuê sẽ chấm dứt. Lợi thế của phương thức tổ chức sản xuất như vậy là người sản xuất có tiềm năng lựa chọn các nhà cung cấp đầu vào thích hợp trên thị trường với giá thuê/mua thấp nhất. Tuy nhiên, cách thực hiện này làm phát sinh nhiều chi phí giao dịch do người sản xuất phải mất rất nhiều thời gian để thu thập thông tin, đàm phán, thỏa thuận, mặc cả với người lao động và các đối tác khác nhau khi tiến hành các phi vụ mua, bán trên thị trường. Với việc thành lập doanh nghiệp, quá trình sản xuất trở nên ổn định hơn. Việc đầu tư lâu dài vào nhà xưởng, máy móc, thiết bị hay ký hợp đồng dài hạn với người lao động cho phép doanh nghiệp giảm thiểu nhiều chi phí giao dịch. Việc phân xưởng nọ chuyển giao hàng hóa trung gian cho phân xưởng ki, chẳng hạn phân xưởng sợi cung cấp sợi cho phân xưởng dệt vải được “nội bộ hóa” trong chu trình sản xuất của doanh nghiệp, giúp cho nó có thể tiết kiệm được các chi phí giao dịch (chi phí mà doanh nghiệp phải gánh chịu nếu mua sợi trên thị trường). Doanh nghiệp có khả năng biết một phần quan trọng các giao dịch thị trường thành giao dịch nội bộ, nhờ đó người ta có thể tiết kiệm được các chi phí giao dịch thị trường và khiến cho quá trình kinh doanh trở nên hiệu quả hơn, thậm chí cả trong những điều kiện cạnh tranh hoàn thảo là lý do tồn tại của doanh nghiệp.
Trong nội bộ một doanh nghiệp, khi một phân xưởng hay đơn vị thành viên này (chẳng hạn phân xưởng sợi) cung cấp một hàng hóa trung gian (sợi) cho một phân xưởng hay đơn vị thành viên khác (chẳng hạn phân xưởng dệt), sự vận động của hàng hóa không mang hình thức giao dịch thị trường. Hàng hóa vẫn có thể được định giá song mức giá này thường và không nhất thiết là giá thị trường. Đó là giá chuyển giao trong nội bộ một doanh nghiệp, được thiết lập nhằm phục vụ nhu cầu hạch toán nội bộ của doanh nghiệp.
Khi doanh nghiệp tồn tại dưới hình thức một tập đoàn kinh tế, mặc dù các thành viên của tập đoàn thường có vị thế độc lập hơn so với các phân xưởng trong một doanh nghiệp thông thường, giá chuyển giao vẫn được sử dụng trong các giao dịch nội bộ giữa các đơn vị hay công ty thành viên (còn được gọi là các bên liên kết) của tập đoàn. Đồng thời, các giao dịch này được gọi là các giao dịch “chịu sự kiểm soát”, khác với các giao dịch “ không chịu sự kiểm soát” giữa các doanh nghiệp hoạt động độc lập, không có quan hệ liên kết.
Các công ty có quan hệ liên kết thực hiện giá chuyển giao trước hết là nhằm đảm bảo cho việc quản lý, điều hành, điều phối hoạt động sản xuất, kinh doanh chung của tập đoàn thuận lợi hơn; công ty mẹ kiểm soát công ty con tốt hơn. Đồng thời cũng tạo cơ sở cho tập đoàn xây dựng tốt hơn chiến lược kinh doanh, trong đó có việc dự báo thị trường, xác định định hướng phát triển của tập đoàn như chủ trương mở rộng hoặc thu hẹp sản xuất, kinh doanh tại một thị trường, thâm nhập một thị trường mới; áp dụng công nghệ mới, chuyển đổi mặt hàng, thay đổi mẫu mã, chất lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ... Các công ty có quan hệ liên kết thực hiện giá chuyển giao với mục đích làm cơ sở để đánh giá, định giá tài sản của doanh nghiệp khi tham gia thị trường tài chính hoặc thực hiện liên doanh, liên kết, hợp tác kinh doanh với các đối tác khác...
Bên cạnh đó, việc thực hiện liên kết giá chuyển giao của các công ty nhằm mục đích tính toán, phân bổ lãi (hoặc lỗ) thuần trước thuế, xác định số thuế phải nộp tại các nước mà tập đoàn có các thành viên đang hoạt động. Các hoạt động thuộc diện này thường là các hoạt động định giá giữa các bộ phận trong nội bộ doanh nghiệp và giá hàng hóa, dịch vụ giữa các pháp nhân trực thuộc (hoặc liên quan) của doanh nghiệp, bao gồm chi nhánh, công ty con và trong một số trường hợp, công ty có chung thành viên hội đồng quản trị.
Ngoài ra, các công ty có quan hệ liên kết thực hiện giá chuyển giao còn phục vụ cho việc cung cấp thông tin cho các cơ quan nhà nước khi các cơ quan này thực hiện giám sát việc thực hiện nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp. Theo một số nghiên cứu, các tập đoàn có quan hệ liên kết thường áp dụng phương pháp “hai bộ sổ sách” (two sets of books). Theo đó, giá chuyển giao sử dụng cho hoạt động nội bộ và đo lường lợi nhuận sẽ được “tách riêng” ra khỏi giá dùng cho báo cáo thuế. Một bộ sổ sách độc lập được dùng để lưu trữ những chi phí cắt giảm được và bảo đảm tính nhất quán giữa báo cáo nội bộ và báo cáo thuế .
Về nguyên lý, mỗi tổ chức kinh tế độc lập đều hướng đến mục tiêu lợi nhuận nên luôn có mâu thuẫn lợi ích giữa bên mua và bên bán. Trong điều kiện bình thường, bên mua chỉ thực hiện việc mua hàng hóa, dịch vụ từ một công ty liên kết nếu giá mua bằng hoặc thấp hơn giá do các bên độc lập xác định. Ngược lại, bên bán chỉ bán hàng hóa hoặc dịch vụ cho một công ty liên kết nếu giá bán bằng hoặc cao hơn giá bán cho các công ty độc lập. Theo nguyên lý này, giá chuyển giao giữa các thành viên có vị thế kinh tế tương đối độc lập và sẽ hướng đến “giá giao dịch độc lập”, là kiểu giá giao dịch mà hai bên độc lập thỏa thuận chuyển giao cho nhau dựa trên nguyên tắc thị trường. Các giao dịch “chuẩn” này còn được gọi là giao dịch “mua bán ngoài”. Trường hợp giá “mua bán ngoài” có thể xác định được (ví dụ các hàng hóa mà các bên liên kết chuyển giao cho nhau có mặt rộng rãi trên thị trường tự do) thì thiết lập giá “nội bộ” theo nguyên tắc thị trường là không khó khăn. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, không có giá “mua bán ngoài” nên rất khó để xác định giá “nội bộ” một cách chính xác. Điều này xảy ra khi hàng hóa, dịch vụ mà các bên liên kết giao dịch với nhau là sản phẩm độc quyền (không có trên thị trường tự do), hay các tài sản vô hình (như giấy phép chuyển nhượng quyền thương mại, sở hữu trí tuệ hoặc công nghệ độc quyền).
Lợi dụng yếu tố trên và sự khác biệt về chính sách thuế, các tập đoàn đa quốc gia thực hiện giá chuyển giao giữa các công ty thành viên hoạt động ở các khu vực pháp lý thuế khác nhau, không theo giá thị trường, nhằm giảm thiểu nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp và tối đa hóa lợi nhuận. Lúc này, bằng việc “thiết kế” các mức giá chuyển giao nội bộ thích hợp, các tập đoàn sẽ điều phối thu nhập sao cho lợi nhuận của các công ty thành viên tại quốc gia có thuế suất cao xuống mức thấp nhất có thể và tăng tương ứng lợi nhuận của các công ty thành viên hoạt động ở các quốc gia có thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn hoặc ở các “thiên đường thuế”. Chẳng hạn, trong trường hợp muốn chuyển lãi về công ty mẹ (tại nước có thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp) thì công ty mẹ sẽ định giá chuyển giao cho các công ty con (ở nơi có mức thuế cao) với giá cao hơn giá thị trường. Do phải mua nguyên liệu đầu vào và trả chi phí dịch vụ cho công ty mẹ cao nên công ty con sẽ có lợi nhuận thấp, hoặc lỗ, từ đó số tiền thuế phải nộp thấp hoặc bằng không (0). Công ty mẹ sẽ đạt một mức lợi nhuận cao hơn, nhưng vì hoạt động ở nơi có thuế suất thấp nên số tiền thuế mà công ty phải đóng gia tăng không nhiều. Lúc này, tổng chi phí thuế toàn cầu của tập đoàn giảm xuống nên công ty sẽ có lợi về tổng thể.
Như vậy, bằng cách thiết kế giá chuyển giao trong các giao dịch giữa các thành viên sai lệch với giá thị trường, các công ty đa quốc gia có thể chuyển lợi nhuận trước thuế từ một quốc gia này sang một quốc gia khác để tối đa hóa tổng lợi nhuận sau thuế. Trong trường hợp này, định giá chuyển giao được xem là hành vi “chuyển giá nhằm chuyển lợi nhuận” (profit switching transfer pricing) hay thường gọi là hành vi chuyển giá.
Để hiểu rõ hơn kết quả tác động lên thuế và lợi nhuận của doanh nghiệp khi thay đổi giá chuyển giao, hãy xem ví dụ sau:
Ví dụ 1: Tập đoàn FOR.mnc đăng ký kinh doanh và chịu thuế ở thiên đường thuế (thuế suất thuê thu nhập doanh nghiệp = 0), có công ty con là công ty VN.fdi chịu thuế ở Việt Nam với thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 22%. Công ty VN.fdi mua nguyên liệu của công ty mẹ (FOR.mnc) để sản xuất thiết bị điện. Giả sử giá nguyên liệu để sản xuất 1 thiết bị điện hết 500 USD (giá thị trường), chi phí sản xuất và bán hàng là 200 USD, giá bán là 1.000 USD. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của FOR.mnc là 300 USD cho mỗi thiết bị (giá bán cuối cùng là 1.000 USD trong đó 500 USD chi phí nguyên liệu, 200 USD chi phí sản xuất và bán hàng). Tuy nhiên, việc xác định giá chuyển giao nguyên liệu không theo giá thị trường sẽ ảnh hưởng đến việc phân phối lợi nhuận của FOR.mnc. Nếu muốn giảm số thuế phải đóng, FOR.mnc điều chỉnh lợi nhuận về phía mình bằng cách tăng giá nguyên liệu đầu vào. Cụ thể:
Bảng 1. Mô tả hoạt động giao dịch bình thường theo giá thị trường
Đơn vị tính: USD
Giá nguyên liệu đầu vào của VN.fdi | Chi phí VN.fdi sản xuất và bán ra thị trường | Giá bán | Lợi nhuận trước thuế của VN.fdi | Số thuế phải nộp (22%) | Lợi nhuận sau thuế |
500 | 200 | 1.000 | 300 | 66 | 234 |
Bảng 2. Mô tả hành vi chuyển giá thông qua việc nâng giá đầu vào, hạ giá đầu ra khi giao dịch với bên liên kết
Công ty | Giá nguyên liệu đầu vào | Chi phí sản xuất và bán ra thị trường | Giá bán | Lợi nhuận trước thuế | Số thuế phải nộp | Lợi nhuận sau thuế |
VN.fdi | 800 ( tăng 300 ) | 200 | 1.000 | 0 | 0 | 0 |
FOR.mnc | 300 ( tăng giá bán cho VN.fdi ) | 0 (thiên đường thuế ) | 300 |
Trong trường hợp đầu, nếu xác định giá chuyển giao nguyên liệu từ công ty mẹ (FOR.mnc) cho công ty con (VN.fdi) theo đúng giá thị trường, thì công ty VN.fdi có lợi nhuận trước thuế là 300 USD, với thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 22% thì công ty VN.fdi phải nộp thuế 66 USD (300 x 22%). Lợi nhuận tổng thể của toàn Tập đoàn FOR.mnc (được thể hiện trong lợi nhuận củaVN.fdi ) là 234 USD.
Trong trường hợp thứ hai, doanh nghiệp thực hiện giá chuyển giao theo chủ đích riêng, không theo giá thị trường mà nâng giá mua nguyên liệu từ FOR.mnc thêm 300 USD nữa nên VN.fdi không có lợi nhuận (lợi nhuận = 0), do đó không phải nộp thuế. Còn FOR.mnc có lợi nhuận phát sinh 300 USD, nhưng do đăng ký kinh doanh và chịu thuế ở thiên đường thuế nên cũng không phải trả một đồng thuế nào. Như vậy, về tổng thể, FOR.mnc lãi ròng 300 USD.
Ví dụ 2: Ngược lại với ví dụ trên, VN.fdi không nhập nguyên liệu từ công ty mẹ mà khai thác nguyên liệu tại chỗ và bán sản phẩm cho công ty mẹ với giá thấp hơn giá thị trường và giá thành sản xuất ra sản phẩm.
Chẳng hạn, Tập đoàn FOR.mnc ở nước D (có thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 13%), có công ty con là Công ty VN.fdi chịu thuế ở nước sở tại (với thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 22%). Công ty VN.fdi khai thác nguyên liệu chè tươi ở nước sở tại để sản xuất ra sản phẩm TEA. Giả sử giá nguyên liệu để sản xuất 1 kilôgam TEA là 10 USD (giá thị trường), chi phí sản xuất và bán hàng là 2 USD, giá bán là 15 USD. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của FOR.mnc là 3 USD cho mỗi kilôgam TEA (giá bán cuối cùng là 15 USD, trong đó 10 USD chi phí nguyên liệu, 2 USD chi phí sản xuất và bán hàng). Để giảm số thuế phải đóng, VN.fdi bán sản phẩm TEA cho FOR.mnc ở nước D với giá 5 USD, chưa bằng giá thành sản xuất. Lúc này, VN.fdi lỗ nên không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Bằng cách này, doanh nghiệp FDI đã chuyển lợi nhuận về nước D, làm cho nước sở tại thiệt hại về nguồn thu thuế, trong khi đó VN.fdi vẫn khai thác tối đa tài nguyên thiên nhiên của nước sở tại.
Hai ví dụ trên cho thấy, chỉ bằng một thủ thuật thay đổi giá chuyển giao, lợi nhuận tổng thể của tập đoàn có thể thay đổi bằng việc điều tiết thu nhập chịu thuế giữa các đơn vị thành viên.
[1] Theo nghiên cứu của Ronald Harry Coase trong ‘The nature of the firm” (Bản chất của hãng) (1937)