Thứ ba, 23 Tháng 10 2018 03:07

Môi trường thúc đẩy chuyển giá

Nền tảng pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho tập đoàn đa quốc gia chuyển giá là quyền tự chủ, tự định đoạt, tự chịu trách nhiệm trong kinh doanh theo quy định của pháp luật. Dựa trên quyền này, về nguyên tắc, các chủ thể kinh tế hoàn toàn có quyền quyết định giá cả của mọi giao dịch trong hoạt động kinh doanh của mình. Tuy vậy, một khi quyền định giá độc lập của doanh nghiệp biến thành “thủ thuật” chuyển giá, nó có thể phương hại đến quyền đánh thuế hợp pháp của các quốc gia đối với lợi nhuận của các doanh nghiệp. Bởi thế, trong cuộc chiến “chuyển giá” và “chống chuyển giá”, các nước đều cố gắng xác định một ranh giới để chế ước quyền định giá này.

Điều kiện cơ bản thúc đẩy doanh nghiệp chuyển giá là “có quan hệ liên kết”. Trong cơ chế thị trường, các chủ thể kinh tế được tự do cạnh tranh, bên bán hướng tới mục tiêu bán hàng với giá cao nhất có thể, bên mua thì ngược lại, đàm phán để được giá mua ở mức thấp nhất, hình thành nên giá thị trường mà cả bên mua và bên bán đều chấp nhận. Khi đó, hành vi chuyển giá không xảy ra. Khi bên mua và bên bán có quan hệ liên kết, được gắn kết bằng lợi ích thống nhất trên nền tảng sở hữu chung ở một mức độ nào đó, căn cứ vào chính sách thuế của các nước và tình hình sản xuất kinh doanh, họ có thể thỏa thuận với nhau về giá cả hàng hóa, dịch vụ, tài sản chuyển giao cho nhau nhằm đạt được mục tiêu chung của mình. Trong trường hợp này, một bên liên kết sẽ chịu thiệt do bán rẻ hơn hoặc mua cao hơn giá thị trường, tuy nhiên quyền lợi của họ sẽ được bù đắp lại thông qua cơ chế chia sẻ lợi ích tổng thể của cả hai bên, được gia tăng nhờ hành vi chuyển giá.

Tiêu chí để xác định doanh nghiệp có quan hệ liên kết theo OECD là khi một doanh nghiệp tham gia vào quản lý, điều hành hay góp vốn vào doanh nghiệp kia một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua trung gian; hoặc trường hợp hai doanh nghiệp có cùng một hoặc nhiều người hay những thực thể khác tham gia quản lý, điều hành hay góp vốn một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua trung gian.

Việc xác định giá thị trường đối với các giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết trên cơ sở một bên tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư dưới mọi hình thức vào bên kia hoặc các bên trực tiếp hay gián tiếp cùng chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư dưới mọi hình thức của một bên khác; các bên cùng tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư dưới mọi hình thức vào một bên khác[1].

Thông thường một doanh nghiệp nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 20% vốn sở hữu của doanh nghiệp kia trong một kỳ tính thuế có quan hệ giao dịch kinh doanh sẽ được xác định là các bên liên kết. Trường hợp hai doanh nghiệp đều có ít nhất 20% vốn sở hữu do một bên thứ ba nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp trong cùng một kỳ tính thuế có quan hệ giao dịch kinh doanh cũng được xác định là các bên liên kết.

Ngoài ra, các trường hợp các doanh nghiệp có quan hệ giao dịch kinh doanh trong cùng một kỳ tính thuế được xác định là các bên liên kết như:

- Cả hai doanh nghiệp đều nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 20% vốn đầu tư của chủ sở hữu của một bên thứ ba;

- Một doanh nghiệp là cổ đông lớn nhất về vốn đầu tư của chủ sở hữu của doanh nghiệp kia, nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 10% vốn đầu tư của chủ sở hữu của doanh nghiệp kia;

- Một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 20% vốn đầu tư của chủ số hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay;

- Một doanh nghiệp chỉ định thành viên ban lãnh đạo điều hành hoặc kiểm soát của một doanh nghiệp khác với điều kiện số lượng các thành viên được doanh nghiệp thứ nhất chỉ định chiếm trên 50% tổng số thành viên ban lãnh đạo điều hành hoặc kiểm soát của doanh nghiệp thứ hai; hoặc một thành viên được doanh nghiệp thứ nhất chỉ định có quyền quyết định các chính sách tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thứ hai;

- Hai doanh nghiệp cùng có trên 50% thành viên ban lãnh đạo hoặc cùng có một thành viên ban lãnh đạo có quyền quyết định các chính sách tài chính hoặc hoạt động kinh doanh được chỉ định bởi một bên thứ ba;

- Hai doanh nghiệp được điều hành hoặc chịu sự kiểm soát về nhân sự, tài chính và hoạt động kinh doanh bởi các cá nhân thuộc một trong các mối quan hệ sau: vợ và chồng; bố, mẹ và con (không phân biệt con đẻ, con nuôi hoặc con dâu, con rể); anh, chị, em có cùng cha, mẹ (không phân biệt cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi); ông nội, bà nội và cháu nội; ông ngoại, bà ngoại và cháu ngoại; cô, chú, bác, cậu, dì ruột và cháu ruột;

- Hai doanh nghiệp có mối quan hệ trụ sở chính và cơ sở thường trú hoặc cùng là cơ sở thường trú của tổ chức, cá nhân nước ngoài;

- Một doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm sử dụng tài sản vô hình hoặc quyền sở hữu trí tuệ của một doanh nghiệp khác với điều kiện chi phí phải trả cho việc sử dụng tài sản vô hình, quyền sở hữu trí tuệ đó chiếm trên 50% giá vốn (hoặc giá thành) sản phẩm;

- Một doanh nghiệp cung cấp trực tiếp hoặc gián tiếp trên 50% tổng giá trị nguyên vật liệu, vật tư hoặc sản phẩm đầu vào (không bao gồm chi phí khấu hao đối với tài sản cố định) để sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm đầu ra của một doanh nghiệp khác;

- Một doanh nghiệp kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp trên 50% sản lượng sản phẩm tiêu thụ (tính theo từng chủng loại sản phẩm) của một doanh nghiệp khác;

- Hai doanh nghiệp có thỏa thuận hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng.

Nguồn gốc nảy sinh hành vi chuyển giá là có sự khác biệt về chính sách thuế giữa các quốc gia, đặc biệt là sự khác biệt có ý nghĩa về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp. Nếu tất cả các quốc gia trên thế giới đều áp dụng một mức thuế suất thuế thu nhập thống nhất, thì việc chuyển giá để chuyển lợi nhuận từ doanh nghiệp thành viên hoạt động ở nước này sang doanh nghiệp thành viên hoạt động ở nước khác trở nên vô nghĩa, xét theo mục tiêu giảm nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp (Về mặt lý thuyết, ngay cả khi chính sách thuế của các nước là giống nhau, song nếu thuế thu nhập được thiết kế theo kiểu lũy tiến thì việc chuyển giá sao cho lợi nhuận chịu thuế của các công ty ở các quốc gia khác nhau trở nên ngang bằng với nhau hơn vẫn có thể làm giảm nghĩa vụ thuế tổng thể của các công ty. Tuy nhiên, khác với thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập công ty thường không phải là thuế lũy tiến). Trong trường hợp này, phân bổ lại lợi nhuận trước thuế trong nội bộ tập đoàn đa quốc gia chỉ dẫn đến sự di chuyển doanh thu thuế từ nước nọ sang nước kia mà không làm thay đổi nghĩa vụ thuế tổng thể của tập đoàn. Vì vậy, sự khác biệt về thuế giữa các quốc gia là tiền đề quan trọng của các hoạt động chuyển giá xuyên biên giới. Một tập đoàn đa quốc gia có địa bàn hoạt động càng rộng khắp trên phạm vi toàn cầu, càng có khả năng khai thác sự khác biệt này để thực hiện hành vi chuyển giá. Sự xuất hiện của các “thiên đường thuế” càng thúc đẩy các hoạt động này và thậm chí có thể đẩy chúng ra khỏi “làn ranh” của các hoạt động hợp pháp. Với những điều kiện trên, hoạt động chuyển giá còn được thúc đẩy (từ phía doanh nghiệp) trong những hoàn cảnh nhất định.

Hệ thống pháp luật của nước tiếp nhận đầu tư có nhiều lỗ hổng, không đồng bộ, chưa có đủ cơ sở pháp lý cho việc quản lý, thanh tra, kiểm soát các thủ thuật chuyển giá sẽ là môi trường thuận lợi cho chuyển giá. Bên cạnh đó, nếu nước tiếp nhận đầu tư quá coi trọng mục tiêu thu hút đầu tư FDI mà xem nhẹ việc ứng phó với vấn đề chuyển giá sẽ làm cho hành vi này trở nên phổ biến hơn cũng là một trong những môi trường thuận lợi cho chuyển giá.

Chuyển giá là thủ thuật kế toán phức tạp, mang tính nội bộ của doanh nghiệp, không dễ dàng phát hiện. Nếu như hoạt động quản lý của nhà nước yếu, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ ở các cơ quan có liên quan (chủ yếu là thuế, hải quan) không cao, thì các doanh nghiệp FDI thuộc các tập đoàn đa quốc gia càng dễ lợi dụng để chuyển giá. Các doanh nghiệp liên doanh, kể cả nhà nước của nước tiếp nhận đầu tư chỉ là cổ đông thiểu số cũng là môi trường thuận lợi để đối tác nước ngoài lợi dụng, thực hiện các thủ thuật chuyển giá.

Như vậy, để giảm thiểu số thuế phải nộp cho nước tiếp nhận đầu tư các doanh nghiệp FDI đã áp dụng các thủ thuật khác nhau trong việc tính giá cao hoặc thấp không theo giá thị trường tùy vào từng trường hợp cụ thể đối với hàng hóa dịch vụ tại thời điển giao dịch liên kết thiết lập.

 


[1] Theo quy định Thông tư số 66/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 22-4-2010 về Hướng dẫn hiện việc xác định giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành