In trang này
Thứ năm, 25 Tháng 10 2018 03:15

Về nghề nghiệp báo chí

Trong xã hội, mọi người đều có nhu cầu kiếm sống, tồn tại và phát triển trên cơ sở một hoạt động lao động thông qua hình thức một nghề nghiệp cụ thể nào đó. Trong điều kiện bình thường, mỗi người có lẽ tốt nhất là chuyên tâm vào một nghề nhất định, để học hỏi, đầu tư, sinh sống và đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, trong kinh tế thị trường, kinh tế tri thức và bối cảnh toàn cầu hóa, đặc biệt ở các nước đang phát triển, khi nền kinh tế - xã hội chuyển đổi nhanh chóng từng ngày thì nghề nghiệp lại không phải là yếu tố cứng, được đóng khung định hình mà đối với xã hội hiện nay, hoạt động nghề có quá trình phát sinh, phát triển và suy thoái. Trong bối cảnh ấy, người ta hay nói đến khả năng thích nghi và chuyển đổi nghề của người lao động. Điều đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố, những điều kiện chủ quan và khách quan của nền kinh tế - xã hội cũng như khả năng tích lũy kiến thức và kỹ năng lao động và khả năng thích ứng của mỗi người.

Theo Đại từ điển tiếng Việt (NXB TP. Hồ Chí Minh, 2013), nghề nghiệp là “công việc chuyên làm theo sự phân công của xã hội. Theo đó, Nghề nghiệp có thể được hiểu là hoạt động lao động chính thức được xã hội thừa nhận đồng thời có hệ thống kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm đặc thù làm cơ sở cho hoạt động lao động ấy tồn tại và phát triển.

Từ quan niệm này, có thể thấy rằng, xã hội càng phát triển, quá trình chuyên môn hóa lao động càng cao thì càng có nhiều ngành nghề - nhiều hoạt động được xã hội thừa nhận chính thức về mặt pháp lý và dư luận xã hội lao động được đào tạo và cấp chứng chỉ hành nghề. Bên cạnh đó, có những hoạt động mà ở xã hội này không được thừa nhận, nhưng xã hội khác lại được coi là một nghề. Việc thừa nhận hay không thừa nhận này phụ thuộc vào trình độ phát triển và hệ thống giá trị văn hóa của cộng đồng. Ngoài ra, với ý nghĩa là hoạt động nghề nghiệp thì người lao động cần phải được đào tạo và cấp chứng chỉ hành nghề, nếu anh ta có đủ kiến thức cơ bản, năng lực, phẩm chất nghề nghiệp do nghề nghiệp ấy đòi hỏi. Năng lực là sự tổng hợp những thuộc tính, phẩm chất của cá nhân con người – như kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm nghề nghiệp, đáp ứng những yêu cầu của hoạt động lao động và đảm bảo cho hoạt động ấy đạt được những kết quả thực tế.

Có thể nhận diện các nhóm ngành nghề với những mối quan hệ với những mối quan hệ khác nhau, và do đó có những tính chất khác nhau. Trên cơ sở phân tách các nhóm ngành nghề theo bản chất hoạt động, nghề nghiệp được chia thành các nhóm nghề như: Nhóm ngành nghề chủ yếu giải quyết trong mối quan hệ với môi trường tự nhiên và xã hội; nhóm ngành nghề chủ yếu giải quyết mối quan hệ với kỹ thuật – công nghệ; nhóm ngành nghề chủ yếu giải quyết mối quan hệ với các quy luật (tự nhiên, xã hội và tư duy); nhóm ngành nghề chủ yếu giải quyết mối quan hệ với con người và các quan hệ giữa người với người.

Đối với hoạt động báo chí truyền thông, có thể thấy rằng báo chí thuộc nhóm ngành nghề không chỉ giải quyết mối quan hệ này, mà còn tác động và ảnh hưởng lên tất cả các nhómngành nghề khác. Và do đó, nguồn nhân lực lao động của bản thân nó có tính tổng hợp, chứ không chỉ có nhân lực được đào tạo từ nghề báo. Đó là một thực tế, phổ biến trên thế giới.Nhưng dù được đào tạo từ nghề gì, khi bước vào nghề báo, nhà báo cũng cần phải có kiến thức chuyên ngành mà anh ta làm việc một cách có hệ thống.

Làm báo là một nghề nghiệp đang ngày càng phát huy thể về nhiều mặt trong xã hội hiện đại. Bởi trong xã hội ngành báo chí - truyền thông ngày càng thể hiện rõ một số bản chất như: Báo chí truyền thông là phương tiện và phương thức thông tin - giao tiếp xã hội;, là phương tiện và phương thức kết nối xã hội; là phương tiện và phương thức can thiệp xã hội; là phương tiện và phương thức hoạt động chính trị - xã hội; và báo chí truyền thông là hoạt động kinh tế - dịch vụ xã hội.

Do bản chất lao động nghề nghiệp và mối quan hệ của nghề này với các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác, lao động báo chí có khả năng thu hút nguồn lực được đào tạo từ các ngành nghề rất khác nhau từ toán học, địa chất, nông nghiệp... đến ngữ văn, lịch sử nghĩa là tất cả những ai - miễn là người ấy có năng khiếu báo chí yêu thích nghề và có điều kiện hành nghề. Bởi vì trong quá tác nghiệp, nhà báo khám phá các sự kiện và vấn đề thời sự mà các sự kiện và vấn đề này lại luôn có mối quan hệ gắn bó với các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Nhà báo khó có thể thông tin, phân tích sự kiện và vấn đề một cách sáng rõ và sâu sắc nếu thiếu kiến thức về các lĩnh vực khác.

Ngoài ra, hoạt động báo chí có mối quan hệ rộng, liên quan tới nhiều nghề, và mối quan hệ này ngày càng thu hút sự quan tâm của tất cả các giới, từ chính trị, văn hóa, khoa học công nghệ, kinh tế - kinh doanh đến mọi ngành nghề và hoạt động khác nhau trong xã hội. Cũng như các ngành nghề khác, báo chí chuyên nghiệp cũng có lịch sử ra đời và phát triển của nó. Nhưng một trong những yếu tố bảo đảm cho hoạt động báo chí trở thành nghề nghiệp là bắt đầu có hoạt động đào tạo báo chí chuyên nghiệp.

Lao động báo chí là loại hoạt động chuyên nghiệp thu thập, xử lý, sản xuất và truyền tải thông tin cho công chúng xã hội trên các loại hình báo chí (bao gồm báo in và các sản phẩm in ấn, phát thanh, truyền hình và báo mạng điện tử, các hãng thông tấn và dịch vụ thông tin). Lao động báo chí chuyên nghiệp cần được đào tạo, đó là một quá trình từ đào tạo cơ bản ban đầu, đào tạo nâng cao và đào tạo lại... Cũng như các ngành nghề khác, lao động báo chí cũng cần có kiến thức, kĩ năng và kinh nghiệm làm cơ sở cho hoạt động báo chí phát triển bình thường.

Báo chí hiện đại đang bộ lộ dần hai khuynh hướng: vừa tăng tính chuyên nghiệp, vừa giảm dần tính chuyên nghiệp. Tăng tính chuyên nghiệp do việc phát triển khoa học và công nghệ truyền thông ngày càng chuyên biệt, do đội ngũ làm báo, viết báo chuyên nghiệp ngày càng tinh thông nghề và chuyên sâu theo lĩnh vực đề tài và theo nhóm đối tượng tế, do ngành kinh tế - công nghiệp truyền thông phát triển theo hướng tập đoàn xuyên quốc gia, do kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm làm nghề tích lũy được qua các thế hệ v.v... Tóm lại là do kiến thức, kĩ năng và kinh nghiệm nghề nghiệp càng chuyên sâu và hơn. Nhưng báo chí cũng có thể giảm tính chuyên nghiệp do sự lệ thuộc vào quyền lực chính trị và kinh tế ngày càng gia tăng - nhất là trong kinh tế thị trường, theo đó, tính độc lập tương đối của báo chí suy giảm. Bởi báo chí hiện đại đang phát triển trong cuộc đấu tranh chính trị - tư tưởng diễn ra ngày càng gay gắt, phức tạp và tinh vi hơn, trong điều kiện kinh tế thị trên sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt của các tập đoàn kinh tế, các nền kinh tế, trong đó có tập đoàn báo chí - truyền thông; mặt khác lợi ích nhóm ngày càng chi phối (thậm chí lũng đoạn) hoạt động báo chí nhiều hơn. Báo chí cũng phát triển theo hai hướng tưởng chừng đối lập nhau, nhưng lại cùng tồn tại trong một quá trình vừa đại chúng hóa vừa phi đại chúng hóa. Cùng với diện phổ quát thông tin của truyền thông đại chúng ngày càng nhanh chóng và rộng khắp; đồng thời diễn ra quá trình chuyên biệt hóa nhóm đối tượng tiếp nhận và sản phẩm thông tin len lỏi vào các nhóm nhỏ công chúng hết sức đa dạng, phong phú. Như vậy, việc xác định rõ tính chuyên nghiệp, hiện đại và bản chất của hoạt động nghề nghiệp báo chí truyền thông ngày nay này đã và đang đặt ra không ít thời cơ và thách thức trong quá xây dựng nền báo chí vững mạnh và chuyên nghiệp.

Trong hoạt động của Quốc hội nghề báo cũng có vai trò quan trọng, nhằm đáp ứng nguyên tắc hoạt động công khai của Quốc hội đã được quy định trong Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội, Nội quy quỳ họp Quốc hội và các quy chế hoạt động của Hội đồng dân tộc các Ủy ban thời gian gần đây, các phương tiện truyền thông đại chúng đã tham gia đưa tin, viết bài, phát hình, phát thanh các kỳ họp của Quốc hội và các phiên họp của Ủy ban thường vụ quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban một cách tích cực. Điều này cũng góp phần tuyên truyền, phổ biến về hoạt động của Quốc hội, cơ quan đại diện cho quyền lợi của người dân tới chính những người dân. Đặc biệt, hoạt động của báo chí trong Quốc hội đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước ta “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Không những thế, như chính các đại biểu Quốc hội cho biết, những thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng đã giúp đại biểu thực hiện tốt hơn các chức năng lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và duy trì mối quan hệ chặt chẽ hơn với cử tri.

Như vậy, vai trò của báo chí đối với hoạt động của Quốc hội và đại biểu Quốc hội là rất quan trọng. Là người đại diện của nhân dân nên việc tiếp thu và phản ánh ý chí và nguyện vọng của nhân dân là việc rất cần thiết trong xây dựng và hoạch địch chính sách, pháp luật của Nhà nước. Người đại biểu dân cử phải luôn biết sử dụng tốt các kỹ năng tiếp xúc với báo chí để có thể thông tin và truyền đạt ý chí, nguyện vọng của nhân dân đến các cơ quan có thẩm quyền nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri. Người đại biểu hoạt động có hiệu quả là người biết cách làm cho các chế độ, chính sách, pháp luật truyền tải tới cử tri một cách hiệu quả nhất, đồng thời những tâm tư, nguyện vọng của cử tri cũng được phản ánh tới cơ quan có thẩm quyền một cách chính xác trong thời gian ngắn nhất.