Thứ năm, 24 Tháng 4 2014 00:00

Thực trạng và kiến nghị xử lý tài sản của doanh nghiệp khi lâm vào tình trạng phá sản

1. Những hạn chế, bất cập từ thực tiễn thi hành các quy định của pháp luật về giải quyết tài sản của doanh nghiệp lâm vào tình trang phá sản:

Hạn chế, bất cập trong tổ chức, hoạt động của Tổ quản lý, thanh lý tài sản:

- Việc thành lập Tổ quản lý, thanh lý tài sản còn chậm nên đôi khi tài sản của doanh nghiệp bị tẩu tán.

- Tổ chức thiếu ổn định, sự phối hợp giữa các thành viên trong Tổ quản lý, thanh lý tài sản còn chưa thường xuyên, chặt chẽ nên hoạt động chưa hiệu quả.

- Cơ cấu thành viên còn thiên về tính đại diện mà chưa chú trọng đến yêu cầu chuyên môn nên chất lượng hoạt động còn thấp.

- Còn sự mâu thuẫn giữa Luật Phá sản với Luật Thi hành án dân sự năm 2008 làm ảnh hưởng đến hoạt động của Tổ quản lý, thanh lý tài sản và việc tổ chức thi hành quyết định của thẩm phán.

Hạn chế, bất cập trong xử lý các khoản nợ được đảm bảo bằng tài sản thế chấp hoặc cầm cố:

Không rõ việc xử lý tài sản thế chấp là tách rời hay thực hiện chung với các thủ tục thanh lý nợ.

- Không rõ về phương thức xử lý tài sản bảo đảm, tức là cho phép bên nhận thế chấp được nhận chính tài sản thế chấp để thực hiện thanh toán khoản nợ có bảo đảm hay là Tổ quản lý, thanh lý tài sản tổ chức bán đấu giá tài sản bảo đảm để thu hồi tiền thanh toán nợ cho chủ có bảo đảm.

- Quy định về thời gian tạm đình chỉ xử lý tài sản thế chấp còn chưa rõ ràng, hợp lý.

Hạn chế, bất cập trong việc thu hồi nợ đối với cá nhân, tổ chức còn mắc nợ doanh nghiệp bị lâm vào tình trạng phá sản:

- Chưa quy định phương thức xử lý cho một số trường hợp đặc biệt như con nợ không có mặt tại địa phương và không xác định được địa vị ở đâu hoặc đối với con nợ cố tình vắng mặt trong đối chiếu nợ.

- Chưa có hướng xử lý đối với trường hợp các khoản nợ phải trả và các khoản nợ phải thu phát sinh từ tranh chấp với doanh nghiệp yêu cầu tuyên bố phá sản mà không thể thỏa thuận được.

- Chưa có quy định về việc thu hồi nợ của doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản với những người nợ doanh nghiệp.

Hạn chế, bất cập trong thủ tục thanh lý tài sản của doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản:

- Quy định về thanh lý tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất chưa hợp lý, rõ ràng nên gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai, do rất khó tách biệt giữa tài sản với quyền sử dụng đất.

- Quy định về định giá tài sản còn chưa hợp lý làm ảnh hưởng tới tính chính xách và gây thiệt hại cho các chủ nợ cũng như con nợ.

- Quy định về phương thức bán tài sản còn chưa hợp lý làm cho việc bán tài sản chậm, kéo dài thời gian giải quyết phá sản.

- Luật Phá sản thiếu quy định về vấn đề xử lý tài sản còn lại của doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản ở nước ngoài.

Một số bất cập, hạn chế khác liên quan đến xử lý tài sản của doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản:

- Khi thực hiện thủ tục phá sản, tòa án gặp khó khăn trong việc thu thập thông tin về chủ nợ, doanh nghiệp mắc nợ doanh nghiệp phá sản và doanh nghiệp phá sản.

- Nhiều doanh nghiệp có những khoản nợ khó đòi: Có những khoản nợ mặc dù đã tiến hành xác minh nhưng vẫn không tìm ra địa chỉ của con nợ. Có những khoản nợ của con nợ cũng đã và đang bị giải thể, phá sản nên không có khả năng thanh toán.

2. Một số đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Phá sản về xử lý tài sản của doanh nghiệp khi lâm vào tình trạng phá sản:

- Về Tổ quản lý, thanh lý tài sản, Luật Phá sản cần đổi mới tổ chức, hoạt động của Tổ quản lý, thanh lý tài sản theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.

- Về định giá tài sản, Luật Phá sản cần thay thế cơ chế định giá thông qua Hội đồng định giá tài sản bằng các tổ chức định giá chuyên nghiệp.

- Về bán đấu giá tài sản, Luật Phá sản cần bổ sung các phương thức bán đấu giá và coi đây là bước cuối cùng để tòa án quyết định tuyên bố phá sản.

- Về xử lý tài sản ở nước ngoài, Luật Phá sản cần bổ sung các quy định về vấn đề xử lý tài sản ở nước ngoài của doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản.

- Cần rà soát các đạo luật có quy định liên quan đến xử lý tài sản của doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản để sửa đổi, bổ sung một cách thống nhất, đồng bộ:

Đối với Luật Đất đai: Để xử lý tài sản liên quan đến quyền sử dụng đất, Luật Đất đai cần sửa đổi các trường hợp giao đất không thu tiền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất hàng năm cho doanh nghiệp và các thu hồi đất liên quan đến trường hợp này để giải tỏa vướng mắc cho trường hợp xử lý tài sản liên quan đến quyền sử dụng đất, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho các bên.

Đối với Luật Thi hành án dân sự: Cần sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan của Luật Thi hành án dân sự và Luật Phá sản. Về việc thu hồi nợ của tổ chức, cá nhân mắc nợ doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản. Đối với người mắc nợ đã qua xác minh, thu thập chứng cứ cho thấy họ có tài sản có khả năng trả nợ cho doanh nghiệp thì cần có hướng dẫn nhằm thu hồi nợ cho doanh nghiệp. Ngược lại, đối với những người mắc nợ thực sự có khó khăn, không có khả năng thanh toán, không có địa chỉ rõ ràng thì cần có hướng dẫn cụ thể để giải quyết dứt điểm cho phù hợp, không nên để kéo dài việc giải quyết phá sản vì không thu hồi được nợ. Có như vậy mới khắc phục được sự chồng chéo, bất cập giữa các văn bản pháp luật, tạo sự đồng bộ, giữa các quy định của Luật Phá sản và Luật Thi hành án dân sự, tạo điều kiện cho các ngành, tổ chức, cá nhân phối hợp giải quyết tốt việc phá sản của các doanh nghiệp, hợp tác xã.

Đối với Bộ Luật Dân sự: Cần sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Dân sự về các quy định có liên quan đến Luật Phá sản như xác định tính vô hiệu của các giao dịch do doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản ký kết; quyền đòi lại tài sản của người có tài sản cho doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản thuê hoặc mượn nhưng đã bị doanh nghiệp, hợp tác xã đó chuyển nhượng mà không có sự đồng ý của người cho thuê hoặc cho mượn.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành