In trang này
Thứ hai, 19 Tháng 11 2018 08:00

Góp ý về hướng hoàn thiện chính sách thuế liên quan đến chuyển giá của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) xây dựng hoạch định chính sách về giá chuyển giao sao cho lợi nhuận được chuyển từ nơi có thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cao đến nơi thấp hơn trên cơ sở sự khác biệt trong chính sách thuế giữa các quốc gia nhằm tối thiểu hoá tổng nghĩa vụ thuế trong toàn tập đoàn.

Thực tiễn ở Việt Nam thời gian qua cho thấy doanh nghiệp FDI dấu hiệu của chuyển giá khi liên tục kê khai thua lỗ thông qua thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp một phần là do thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam chưa thật sự hấp dẫn[1].

Có thể thấy có mối liên hệ giữa việc doanh nghiệp FDI dấu hiệu của chuyển giá với những thay đổi về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp. Từ năm 2009 trở về trước, khi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam đang ở mức 28%, có khoảng 50% doanh nghiệp FDI kê khai lỗ, trong đó nhiều doanh nghiệp thua lỗ trong nhiều năm liên tiếp. Khi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp giảm xuống còn 25% (từ năm 2009 đến ngày 31-12- 2013) và 22% (từ ngày 1-1-2014 đến ngày 31-12-2015), tỷ lệ doanh nghiệp FDI thua lỗ cũng giảm xuống dưới 50% (năm 2010 là 44,2%, năm 2011 là 45%, giai đoạn 2012 - 2015 xấp xỉ 48%).

Việt Nam đã thực hiện lộ trình giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, từ ngày 1-1-2016, với mức thuế suất cơ bản là 20%. Dù vậy, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam vẫn cao hơn so với các quốc gia trong khu vực và nhiều quốc gia/vùng lãnh thổ khác trên thế giới, chưa kể các “thiên đường thuế” như Anđôra, Bahamát, Bécmuđa, Baren, Quần đảo Vơgin thuộc Anh... với thuế suất là 0%. Tại thời điểm năm 2013, trong số 12 nước, vùng lãnh thổ có nguồn vốn FDI đầu tư vào Việt Nam nhiều nhất, thì có 2 nước có thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cao hơn Việt Nam (Mỹ, Nhật Bản); 2 nước bằng Việt Nam (Trung Quốc, Malaixia); còn lại 8 nước, vùng lãnh thổ thấp hơn Việt Nam là Xingapo, Hồng Kông, Đài Loan, Hà Lan, Thái Lan, Quần đảo Vơgin thuộc Anh... Trong đó, “thiên đường thuế” Quần đảo Vơgin thuộc Anh đứng thứ 5 về quy mô vốn FDI (19,20 tỉ USD), mặc dù GDP của vùng lãnh thổ này chỉ đạt 1 tỉ USD. Khi các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam thực hiện giao dịch với bên liên kết ở các nước, vùng lãnh thổ nêu trên, động cơ và cơ hội chuyển giá sẽ xuất hiện. Một báo cáo của Edmund Malesky (2013) cho thấy, có gần một nửa số doanh nghiệp FDI (trong tổng số 1.600 doanh nghiệp FDI được thống kê) đầu tư vào Việt Nam là thuộc nước vùng lãnh thổ có thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn Việt Nam và trong đó có 36% doanh nghiệp thực hiện chuyển giá. Kể cả trong trường hợp nước xuất xứ của doanh nghiệp FDI có thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cao hơn Việt Nam (như Nhật Bản, Mỹ) thì vẫn có thể có chuyển giá trong các doanh nghiệp FDI ở nhóm nước này, bởi doanh nghiệp FDI còn thực hiện giao dịch với các bên liên kết hoạt động ở nước khác mà nơi đó có thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn Việt Nam.

Trong khi thuế suất, đặc biệt là thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp nếu ở mức cao sẽ khiến doanh nghiệp FDI gia tăng động cơ chuyển giá. Sau nhiều lần điều chỉnh, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam đã giảm xuống còn 20% (từ ngày 1-1-2016), mức thuế suất này không phải là quá cao so với nhiều nước khác. Tuy nhiên, do địa bàn hoạt động của các tập đoàn đa quốc gia ngày càng trải rộng trên toàn thế giới, nên việc tồn tại sự chênh lệch về mức thuế giữa Việt Nam và các nước có mức thuế thấp hơn sẽ tạo ra tiềm năng để hành vi chuyển giá của các doanh nghiệp FDI trở thành hiện thực, bởi phần lớn các hoạt động chuyển giá đang diễn ra xuất phát từ việc doanh nghiệp muốn chuyển lợi nhuận về nơi có thuế suất thấp hơn. Trong trường hợp Việt Nam, sự lựa chọn lợi ích từ thuế thu nhập doanh nghiệp hay chịu ảnh hưởng của chuyển giá cần được cân nhắc. Lợi ích từ thuế thu nhập doanh nghiệp là một khoản thu ngân sách nhà nước được bảo đảm. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp FDI chuyển giá thì nhà nước không những không thu được khoản này như “nghi án" chuyển giá của Coca-Cola, gần 20 năm thua lỗ nên không phải đóng một đồng thuế nào mà còn phải chịu thêm nhiều thua thiệt khác. Nếu giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, ngân sách nhà nước từ nguồn thuế này sẽ có giảm, nhưng động cơ thúc đẩy doanh nghiệp FDI chuyển giá cũng sẽ giảm, nguồn thu thuế trên thực tế có thể sẽ không sụt giảm do hạn chế được tình trạng chuyển giá. Lúc này, Việt Nam có thể sẽ phát huy tốt hơn những mặt tích cực từ doanh nghiệp FDI. Một số nghiên cứu nước ngoài nhận định “các quốc gia trên thế giới cạnh tranh nhau để thu hút vốn FDI bằng cách hạ thấp mức thuế suất hoặc ưu đãi về thuế” và “một cuộc đua xuống đáy (về thuế suất) là không thể tránh khỏi”. Nghiên cứu kinh nghiệm các nước Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Malaixia... cho thấy, các nước này đang thực hiện lộ trình giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp. Đây cũng là gợi ý cho Việt Nam trong việc nghiên cứu điều chỉnh thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp theo xu hướng giảm dần, có tính cạnh tranh với các nước trong khu vực. Ngoài ra, việc duy trì mức thuế cao trong các sắc thuế khác như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt vẫn tạo ra động cơ để các doanh nghiệp FDI chuyển giá. Vì thế, Việt Nam cần rà soát tổng thể hệ thống thuế để điều chỉnh phù hợp. Có thể giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế khác tương đương với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực. Kinh nghiệm của các nước phát triển cho thấy, các chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trong các lĩnh vực khuyến khích đầu tư không có nhiều chênh lệch so với mức thuế suất cơ bản. Ngay cả Trung Quốc là quốc gia có nhu cầu về vốn đầu tư nước ngoài khá lớn, song chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp không nhiều như Việt Nam. Các nước phát triển chủ yếu chỉ ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do vậy, giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là điều cần thiết, vừa để hạn chế tình trạng chuyển giá, vừa bảo đảm tính hấp dẫn của môi trường thu hút đầu tư của Việt Nam. Đồng thời, cần xem xét lại các chính sách ưu đãi thuế đối với đầu tư nước ngoài theo hướng ưu đãi hậu kiểm là chính, hơn là miễn giảm thuế ngay từ những năm đầu có lãi như hiện nay. Nói chung, các chính sách ưu đãi đối với đầu tư nước ngoài cần phù hợp hơn và theo hướng không tạo ra môi trường thuận lợi thúc đẩy chuyển giá.

Cần nghiên cứu ban hành quy định về "ấn định thuế trên doanh thu”. Hình thức ấn định thuế này áp dụng đối với doanh nghiệp có báo cáo thuế lỗ nhiều năm liên tục. Theo đó, nếu doanh nghiệp thua lỗ trong một khoảng thời gian nhất định (có thể là sau 5 năm), dẫn đến không có thu nhập chịu thuế thì sau đó, phải chịu một khoản thuế doanh thu theo tỷ lệ nhất định. Số thuế này còn có ý nghĩa như là một khoản chi phí mà doanh nghiệp FDI có trách nhiệm đóng góp cho nhà nước do được sử dụng tài nguyên thiên nhiên, đất đai, nhân lực, các công trình công cộng (như hạ tầng giao thông) và các nguồn lực xã hội khác. Đồng thời, bổ sung các quy định pháp luật để cơ quan thuế áp dụng những biện pháp tạm dừng hoặc không hoàn thuế giá trị gia tăng đối với các doanh nghiệp khai báo kết quả kinh doanh lỗ quá vốn chủ sở hữu cho đến khi doanh nghiệp khắc phục được tình trạng này.

Mặt khác, động cơ chuyển giá của các doanh nghiệp FDI còn liên quan đến mục tiêu giảm thiểu rủi ro. Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ trở nên rủi ro hơn nếu chính sách thuế tỏ ra thiếu minh bạch, hay thay đổi một cách bất thường, khó dự đoán. Trong trường hợp này, các nghiên cứu thực tiễn chỉ ra rằng doanh nghiệp sẽ tăng cường hơn các hoạt động chuyển giá mỗi khi có thể. Đây chính là điều đã và đang xảy ra ở Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực thuế nhập khẩu. Vì thế, để hạn chế hành vi chuyển giá, Việt Nam cần tiến tới xây dựng một hệ thống thuế tương đối ổn định, trong đó các doanh nghiệp được bảo đảm một lộ trình thay đổi thuế công khai, minh bạch, có thể dự đoán trước.

        (Để xem phụ lục xin tải về tệp đính kèm).


[1] Xem thêm Bảng 1. Mức thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam và một số nước/vùng lãnh thổ (tính đến thời điểm năm 2013), phần phụ lục