In trang này
Thứ ba, 19 Tháng 2 2019 07:44

Khái quát về pháp luật sở hữu đất đai giai đoạn 1945 - 1975 ở Việt Nam

1. Thực trạng pháp luật về sở hữu đất đai giai đoạn 1945 - 1975

Sau Cách mạng Tháng Tám, các quy định của pháp luật triều Nguyễn về ruộng đất đều bị bãi bỏ. Hiến pháp đầu tiên được soạn thảo và thông qua vào năm 1946 tuyên bố với Quốc dân đồng bào rằng, Nhà nước sẽ bảo hộ quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam (Điều thứ 12). Áp dụng vào lĩnh vực đất đai, có thể hiểu rằng, Nhà nước bảo bộ quyền tư hữu về ruộng đất. Tuy nhiên, phải hiểu rằng Chính phủ cách mạng bảo hộ quyền tư hữu ruộng đất của các giai cấp khác nhau theo chính sách khác nhau. Ví dụ, đối với địa chủ và tư sản mại bản, Nhà nước chủ trương vận động họ hiến đất hoặc trưng dụng đất của họ chia cho nông dân. Chẳng hạn như Nhà nước có ban hành Sắc lệnh giảm tô và đưa ra chỉ thị chia ruộng đất tại các dồn điền, trại ấp vắng chủ cho nông dân. Năm 1953, Quốc hội ban hành Luật Cải cách ruộng đất. Trong Luật này, Nhà nước chủ trương tịch thu ruộng đất của địa chủ, cường hào trao cho dân cày (chủ yếu là bần, cố nông), đồng thời bảo hộ quyền sở hữu của họ trên những diện tích đất được chia.

Sau 4 năm, vào năm 1957, miền Bắc đã cơ bản hoàn thành cải cách ruộng đất. Ở thành thị, Chính phủ vẫn thừa nhận tư hữu đất ở, đất kinh doanh của dân cư và nhà tư sản nhưng khuyến khích họ hiến nhà, hiến đất và tiến hành cải tạo hòa bình bằng con đường công - tư hợp doanh, dần chuyển doanh nghiệp của tư sản thành doanh nghiệp quốc doanh. Với nhiều chính sách đa dạng như vậy, thời kỳ này, ở miền Bắc tồn tại khá nhiều hình thức sở hữu đất khác nhau như: sở hữu của cá thể (hộ gia đình được chia đất ở nông thôn, đất ở tại thành thị), của tư sản (doanh nghiệp chưa cải tạo), của Nhà nưác (đất công, xí nghiệp quốc doanh)...

Ở miền Nam, chính quyền của Ngô Đình Diệm cũng tiến hành cải cách ruộng đất bằng chế độ hạn điền và trưng mua đất của địa chủ bán lại cho nông dân. Tuy nhiên, kết quả của cải cách ruộng đất không triệt để. Đa số địa chủ vẫn giữ được ruộng, nhiều nông dân nghèo không có tiền mua đất.

Sau năm 1957, ở miền Bắc, Nhà nước có chính sách khuyến khích nông dân tham gia hợp tác xã nông nghiệp. Lúc đầu, hợp tác xã bậc thấp còn phân số lượng ruộng đất đóng góp của hộ gia đình để chia hoa lợi. Về sau, hợp tác bậc cao đã san bằng sự khác biệt bằng chế độ sở hữu chung đồng nhất. Song song với việc thành lập các hợp tác xã, các nông, lâm trường cũng hình thành dựa trên cơ sở các đồn điền tịch thu của tư sản mại bản, tư sản phản động, đất khai hoang.

Sau khi hoàn thành hợp tác hóa ở nông thôn, cải tạo tư sản ở thành thị, Đảng và Chính phủ quyết định chuyển sang bước cao hơn trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Để phù hợp với đường lối mới, Hiến pháp năm 1946 được sửa đổi, Hiến pháp năm 1959 ra đời. Điều 9 Hiến pháp năm 1959 tuyên định: “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tiến dần từ chế độ dân chủ nhân dân lên chủ nghĩa xã hội bằng cách phát triển và cải tạo nền kinh tế quốc dân theo chủ nghĩa xã hội, biến nền kinh tế lạc hậu thành một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa với công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, khoa học và kỹ thuật tiên tiến”.

Tinh thần cải tạo xã hội chủ nghĩa của Hiến pháp năm 1959 là rõ ràng. Tuy nhiên, Hiến pháp năm 1959 vẫn thừa nhận “trong thời kỳ quá độ, các hình thức sở hữu chủ yếu về tư liệu sản xuất hiện nay là: hình thức sở hữu của Nhà nước tức là của toàn dân, hình thức sở hữu của hợp tác xã tức là hình thức sở hữu tập thể của nhân dân lao động, hình thức sở hữu của người lao động riêng lẻ, và hình thức sở hữu của nhà tư sản dân tộc” (Điều 11). Hiến pháp nám 1959 quy định rõ ràng: Nhà nước chiếu theo pháp luật bảo hộ quyền sở hữu về ruộng đất và các tư liệu sản xuất khác của nông dân (Điều 14); Nhà nước chiếu theo pháp luật bảo hộ quyền sở hữu về tư liệu sản xuất của những người làm nghề thủ công và những người lao động riêng lẻ khác (Điều 15). Nhà nước chiếu theo pháp luật bảo hộ quyền sở hữu về tư liệu sản xuất và của cải khác của nhà tư sản dân tộc (Điều 16). Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu của công dân về của cải thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở và các thứ vật dụng riêng khác (Điều 18). Nhà nước chiếu theo pháp luật bảo hộ quyền thừa kế tài sản tư hữu của công dân (Điều 19). Điều 17 Hiến pháp năm 1959 chỉ quy định một số hạn chế đối với tư hũu là: “Nhà nước nghiêm cấm việc lợi dụng tài sản tư hữu để làm rối loạn sinh hoạt kinh tế của xã hội, phá hoại kế hoạch kinh tế nhà nước”.

Riêng đối với đất đai, Điều 12 Hiến pháp năm 1959 đã quy định “những rừng cây, đất hoang... mà pháp luật quy định là của Nhà nước, đều thuộc sở hữu của toàn dân”. Lưu ý rằng, định nghĩa “hình thức sở hữu của Nhà nước tức là của toàn dân” hay “đất thuộc sở hữu của Nhà nước thì đều thuộc sở hữu của toàn dân” theo tinh thần Hiến pháp năm 1959 chỉ có ý nghĩa nhấn mạnh bản chất của Nhà nước cách mạng là quyền lực của Nhân dân nên sở hữu của Nhà nước cách mạng mang bản chất phục vụ toàn thể công dân Việt Nam, phản ánh lợi ích và ý chí của toàn dân, khác với sở hữu của nhà nước tư sản, phong kiến. Hơn nữa, sở hữu của Nhà nước ở thời kỳ này chỉ hiện diện đối vói một bộ phận đất công, độc lập với các hình thức sở hữu tập thể của xã viên hợp tác xã và sở hữu tư nhân của hộ gia đình và nhà tư sản đối với đất. Nói cách khác, sở hữu của Nhà nước về đất đai theo tinh thần Hiến pháp năm 1959, dù mang bản chất sở hữu toàn dân nhưng không bao trùm lên các hình thức sở hữu khác. Đây là điểm khác biệt của cái gọi là “sở hữu của Nhà nước, tức là của toàn dân” so với chế độ sở hữu toàn dân về đất đai do các Hiến pháp sau này hiến định. Trong thực tế, những diện tích đất đai thuộc sở hữu của Nhà nước đều do các cơ quan của Nhà nước trực tiếp nắm cả ba quyền: chiếm hữu, sử dụng, định đoạt, không chia sẻ quyền của chủ sở hữu cho các bộ phận dân cư trong xã hội. Thậm chí Hiến pháp năm 1959 còn quy định rõ quyền hạn của Nhà nước trong can thiệp vào ruộng đất thuộc sở hữu tư nhân và tập thể: “Chỉ khi nào cần thiết vì lợi ích chung, Nhà nước mới trưng mua, hoặc trưng dụng, trưng thu có bồi thường thích đáng các tư liệu sản xuất ở thành thị và nông thôn, trong phạm vi và điều kiện do pháp luật quy định” (Điều 20). Về sau này Pháp lệnh số 147/LCT ngày 11-9-1972 quy định việc bảo vệ rừng tiếp tục khẳng định: “Rừng và đất rừng thuộc sở hữu của Nhà nước, tức là của toàn dân, không ai được xâm phạm” (Điều 1). Điều này càng khẳng định tính độc lập của bộ phận đất đai thuộc sở hữu toàn dân, thực chất là của khu vực công.

Thể lệ tạm thời về trưng thu, trưng dụng đất do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành sau đó quy định: khi trưng dụng đất của Nhân dân để dùng vào việc xây dựng những công trình do Nhà nước quản lý phải: đảm bảo kịp thời và diện tích cần thiết cho công trình xây dựng, không được trưng dụng thừa; tận dụng đất hoang để xây đựng, hạn chế việc trưng dụng vào ruộng đất của Nhân đân; khi cần lấy đất công do Nhân dân sử dụng thì cơ quan cần ruộng phải báo cho người sử dụng ruộng đất biết trước khi làm thời vụ; Nhà nước phải thực hiện những biện pháp thích hợp giúp đỡ những người bị trưng dụng ruộng đất tiếp tục làm ăn, sinh sống. Nhà nước bồi thường, phân cho họ diện tích đất khác để họ cày cấy, giúp công ăn việc làm cho họ, chờ họ thu hoạch hoa màu xong...; tránh những nơi dân cư đông, nghĩa trang liệt sĩ, nhà thờ, nhà chùa, ruộng đất của các tổ chức tôn giáo. Trường hợp đặc biệt phải làm vào những nơi đó thì phải bàn bạc kỹ với Nhân dân địa phương, với đại biểu của tổ chức tôn giáo; giữ gìn, bảo tồn những danh lam thắng cảnh trong khu vực xây dựng; ruộng đất đã trưng dụng không xây dựng nữa hoặc không sử dụng hết, có thể thỏa thuận với người có ruộng đất để trả lại toàn bộ hoặc một phần ruộng đất cho họ.

Tiếp theo, Nghị quyết số 125-CP ngày 28-6-1971 của Hội đồng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý ruộng đất xác định trách nhiệm bảo hộ các hình thức sở hữu đất đai mớihình thành sau cải tạo xã hội chủ nghĩa: ruộng đất, ao, hồ, đồng cỏ của hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, các cơ sở quốc doanh, các cơ quan, đơn vị khác và của cá nhân được Nhà nước chứng nhận quyền quản lý và sử dụng đất đều được pháp luật bảo vệ, không ai được xâm phạm.

Tóm lại, trước khi miền Nam được giải phóng, mặc dù ở miền Bắc đã tiến hành hợp tác hóa nông nghiệp và cải tạo công - thương, nhưng pháp luật vẫn thừa nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai bên cạnh hình thức sở hữu tập thể và sở hữu nhà nước được Nhà nước chú trọng. Vì thế, trước ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, dù không còn nhiều, ở miền Bắc vẫn còn hộ nông dân cá thể và đất ở thuộc sở hữu tư nhân.

2. Nhận xét pháp luật về sở hữu đất đai giai đoạn 1945 - 1975

Do những biến cố thăng trầm của lịch sử, pháp luật về sở hữu đất đai trong giai đoạn này cũng có những quy định khác nhau giữa miền Bắc và miền Nam, cụ thể:

Một là, ở miền Bắc, quá trình “xã hội hóa” sở hữu về đất đai được thực hiện qua từng giai đoạn. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công thiết lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bằng việc thực hiện Luật Cải cách ruộng đất năm 1953, Nhà nước vẫn duy trì sở hữu tư nhân về đất đai nhưng thay đổi chủ sở hữu tư nhân về đất đai từ giai cấp địa chủ, phong kiến, tư sản thành chủ sở hữu là người nông dân thông qua việc tịch thu, trưng thu, trưng mua ruộng đất của địa chủ, phong kiến, tư sản... chia cho nông dân thực hiện khẩu hiệu "Người cày có ruộng”.

Tiếp đó, những năm 1960, Nhà nước thực hiện cuộc vộn động phong trào hợp tác hóa nhằm thay đổi từ hình thức sở hữu tư nhân sang hình thức sở hữu tập thể về đất đai thông qua tuyên truyền, giác ngộ nông dân tự nguyện góp ruộng đất và các tư liệu sản xuất khác vào làm ăn tập thể trong các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp. Cho dù pháp luật thừa nhận hình thức sở hữu tư nhân về đất đai hay sở hữu tập thể về đất đai thì Nhà nước vẫn can thiệp vào quan hệ đất đai nhằm bảo vệ quyền lợi của xã hội, của cộng đồng trong lĩnh vực đất đai. Việc xác định đất đai thuộc sở hữu tập thề tạo tiền đề thuận lợi để Nhà nước “quốc hữu hóa” toàn bộ vốn đất đai của đất nước trong giai đoạn sau này.

Hai là, sở hữu đất đai ở miền Nam có sự xáo trộn, phức tạp hơn so với miền Bắc. Sự thay đổi, đan xen giữa hình thức sở hữu tư nhân về đất đai giữa chủ sở hữu là nông dân, địa chủ, tư sản và hình thức sở hữu nhà nước về đất đai là “âm hưởng” chủ đạo ở thời kỳ này. Sau khi giành được chính quyền, nhà nước dân chủ nhân dân tiến hành cải cách ruộng đất tịch thu ruộng đất của địa chủ, phong kiến, tư sản chia cho nông dân. Sau đó, chính quyền Ngô Đình Diệm được đế quốc Mỹ thiết lập ở miền Nam đã xóa bỏ thành quả cách mạng về ruộng đất, thực hiện chính sách “truất hữu” ruộng đất của nông dân trả lại cho địa chủ, tư sản. Đối với những vùng giải phóng, chính quyền Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam duy trì đất đai thuộc sở hữu của người nông dân; đất đai thuộc về chính quyền nhân dân...

Sửa đổi lần cuối Thứ năm, 20 Tháng 6 2019 07:49