Chủ nhật, 25 Tháng 5 2014 00:00

Tổng quan kinh tế vĩ mô năm 2013

1. Lĩnh vực kinh tế đối ngoại:

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2013 kim ngạch xuất khẩu đạt 132,2 tỉ USD, tăng 15,4% so với năm 2012; kim ngạch nhập khẩu đạt 131,3 tỉ USD, tăng 15,4% so với năm 2012; theo đó cán cân thương mại thặng dư khoảng 10 triệu USD và là năm thứ hai liên tiếp nền kinh tế có xuất siêu. Tuy nhiên, cán cân thương mại được cải thiện có nguyên nhân do nhu cầu nhập khẩu tăng không đáng kể, tổng cầu trong nước suy yếu, theo đó, cán cân thương mại thặng dư không bền vững vì cấu trúc sản xuất và xuất khẩu của nền kinh tế vẫn chưa có sự chuyển dịch tích cực.

Khu vực kinh tế trong nước tiếp tục nhập siêu ở quy mô lớn liên tục trong nhiều năm, 13,75 tỉ USD năm 2013, 11,68 tỉ USD năm 2012, cho thấy khu vực này nhập khẩu chủ yếu để sản xuất cho thị trường nội địa, năng lực cạnh tranh xuất khẩu còn hạn chế và đặc biệt là ít có cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong khi chỉ một số ít Doanh nghiệp Nhà nước có hoạt động xuất khẩu quy mô lớn như dầu khí, than, cao su và dệt may nhưng lại là khoáng sản, sản phẩm thô và hàng gia công cho nước ngoài, hầu hết các Doanh nghiệp Nhà nước còn lại chủ yếu là nhập khẩu và trong quá trình phát triển chưa xây dựng năng lực sản xuất theo hướng giảm dần sự lệ thuộc vào nhập khẩu, chưa thoát khỏi tình trạng các dự án tổng thầu lớn và quan trọng rơi vào tay các công ty nước ngoài góp phần làm trầm trọng hơn tình trạng nhập siêu, đặc biệt là từ Trung Quốc. Ngay cả các Doanh nghiệp Nhà nước có xuất khẩu phần lớn cũng là khai thác tài nguyên thô và lao động giá rẻ, chưa có chiến lược và tầm nhìn phát triển công nghiệp hỗ trợ cho sản phầm xuất khẩu của mình và nâng cao giá trị gia tăng.

Trong khi đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài FDI có đóng góp quan trọng vào sự cải thiện của cán cân thương mại với quy mô xuất siêu gia tăng rất nhanh. Tính riêng xuất khẩu, khu vực FDI trong năm 2013 đã xuất khẩu 80,91 tỉ USD, chiếm hơn 65% tổng giá trị xuất khẩu. Nguyên nhân gia tăng nhanh chóng xuất khẩu của khu vực FDI là do sự suy giảm cầu trong nước không tác động mạnh đến khu vực này bởi các doanh nghiệp FDI vẫn hướng đến thị trường nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu và đang dần dịch chuyển đầu tư sản xuất một số khâu trong chuỗi giá trị từ Trung Quốc và Thái Lan sang Việt Nam. Theo đó, xuất khẩu khu vực FDI tăng chủ yếu ở các mặt hàng công nghiệp chế tạo như điện tử, máy tính và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện…

2. Lĩnh vực tài chính - tiền tệ - tỷ giá:

Bên cạnh mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát, năm 2013 Chính phủ cũng ưu tiên tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, theo đó, chính sách tiền tệ tiếp tục được nới lỏng với kỳ vọng tăng cường tín dụng cho khu vực sản xuất thực của nền kinh tế. Tiếp nối xu hướng từ nửa cuối năm 2012, các công cụ lãi suất được điều chỉnh giảm khi lãi suất tái cấp vốn giảm từ 9% cuối năm 2012 xuống còn 8% vào ngày 25/3/2013, và 7% vào 27/6/2013. Lãi suất tái chiết khấu tương ứng cũng giảm từ 7% xuống còn 6% và sau đó là 5%. Lãi suất kỳ hạn 7 ngày trên thị trường mở cũng được điều chỉnh giảm từ 7,8%/năm xuống 7%/năm vào cuối năm 2012 và tiếp tục xu thế giảm về mức 5,5%/năm năm 2013. Từ mức 8% vào cuối năm 2012, trần lãi suất huy động đối với tiền gửi giảm xuống còn 7,5% vào ngày 25/3/2013, sau đó giảm tiếp xuống còn 7% vào 27/6/2013. Từ cuối tháng 6, trần lãi suất chỉ áp dụng với các khoản tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng, trong khi các tổ chức tín dụng được phép ấn định lãi suất với các khoản tiền gửi kỳ hạn trên 6 tháng trên cơ sở thỏa thuận. Trần lãi suất huy động USD cũng được điều chỉnh giảm khá mạnh, chỉ còn 1,25%. Trần lãi suất cho vay với các lĩnh vực ưu tiên cũng được giảm tương ứng xuống còn 9%/năm.

Với nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất đã giảm nhanh và cho đến cuối năm, lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 7-8%/năm; lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác khoảng 9-10,5%/năm đối với ngắn hạn, 11-12,5%/năm đối với trung và dài hạn, trong đó một số doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả lãi suất cho vay chỉ còn 6-7%/năm. Như vậy, mức lãi suất ở thời điểm cuối năm 2013 đã tương đương mức lãi suất của năm 2005-2006.

Thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong năm 2013 khá dồi dào. Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, tiền gửi từ các tổ chức kinh tế và dân cư tăng 23,6% so với cuối năm 2012, tỉ lệ cho vay trên thị trường 1/tiền gửi của các tổ chức kinh tế và dân cư giảm từ 98% cuối năm 2011 xuống còn 85,4% cuối năm 2013. Mặc dù thanh khoản dồi dào nhưng tăng trưởng tín dụng còn rất khó khăn cho thấy dòng tiền tiếp tục bị kẹt trong hệ thống và đang được các ngân hàng sử dụng để mua các tài sản có giá khác như trái phiếu Chính phủ hay tín phiếu Ngân hàng Nhà nước. Tổng khối lượng trái phiếu Chính phủ phát hành thành công trong năm 2013 đạt 194.800 nghìn tỉ đồng. Như vậy, các Ngân hàng thương mại đang dần trở thành ngân hàng phục vụ Chính phủ là chủ yếu, các dòng vốn được đổ vào khu vực công thay vì đưa vào khu vực tư nhân. Không những thế, phần lớn khối lượng trái phiếu Chính phủ phát hành chưa giải ngân đang được Kho bạc Nhà nước gửi tại các Ngân hàng thương mại để lấy lãi là vòng luẩn quẩn, khiến cho việc kiểm soát thanh khoản của Ngân hàng Nhà nước gặp khó khăn, làm giảm hiệu lực của các biện pháp trung hòa.

3. Lĩnh vực tài khóa - ngân sách:

Tổng thu Ngân sách Nhà nước năm 2013 theo Bộ Tài chính ước đạt 822 nghìn tỉ đồng, vượt 0,7% so với dự toán. Chỉ tiêu thu ngân sách vượt mục tiêu một phần từ việc thu từ cổ tức Doanh nghiệp Nhà nước và phần lợi nhuận còn lại sau khi trích nộp các quỹ của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ. Một số nguồn thu quan trọng như thu từ Doanh nghiệp Nhà nước chỉ đạt 91,43% dự toán, thu từ khu vực ngoài quốc doanh đạt 91,58%, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 93.2%. Nguyên nhân cơ bản là do tình trạng khó khăn chung của nền kinh tế nên khả năng thu ngân sách suy giảm. Nguyên nhân thứ hai là do trong nhiều năm Việt Nam đã có quy mô ngân sách thu cao hơn mức hợp lý và không còn không gian dự phòng cho thu ngân sách, theo đó, ngân sách sẽ dễ gặp khó khăn dưới tác động của các biến động kinh tế. Ngoài ra, lạm phát thấp cũng tác động làm giảm phần Ngân sách Nhà nước có được do tăng giá.

Về chi ngân sách, theo ước tính ban đầu, tổng chi Ngân sách Nhà nước đạt 1017,5 nghìn tỉ đồng, đạt khoảng 104% dự toán năm. Như vậy, so với các năm trước, tỉ lệ vượt dự toán là thấp, cho thấy chi ngân sách cũng đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, cơ cấu chi ngân sách có một số vấn đề đáng quan tâm. Thứ nhất, chi trả nợ trong tổng chi ngân sách đang gia tăng do quy mô vay nợ trong những năm qua tăng cao và nhiều khoản vay đến hạn. Theo Bộ Tài chính, hiện nay, nghĩa vụ nợ công/thu ngân sách đã ở mức khoảng 18% và dự báo số nợ phải trả sẽ vượt qua mức 25% tổng thu ngân sách nhà nước trong 2 năm 2015, 2016. Bên cạnh đó, nợ công trong nước thường ở kỳ hạn ngắn đang gây rủi ro lớn đến ngân sách. Phần lớn trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn dưới 3 năm và chiếm tỉ trọng lên đến 75,3% trong năm 2013. Thứ hai, chi thường xuyên vẫn tiếp tục chiếm tỉ trọng lớn, theo đó, chi thường xuyên đã lớn hơn mức thu từ thuế và phí, như vậy các biện pháp cải cách hành chính vẫn chưa phát huy tác dụng. Thứ ba, do chi thường xuyên tăng cao nên tỉ trọng chi đầu tư từ Ngân sách Nhà nước giảm dần, chỉ còn 21,4% năm 2013. Trong thực tế, đầu tư nhà nước trong tổng đầu tư xã hội vẫn tăng, tuy nhiên, tỉ trọng chi đầu tư trong ngân sách suy giảm mạnh cho thấy một cơ cấu chi thiếu tích cực khi phần lớn các khoản chi ngân sách không phục vụ cho mục tiêu đầu tư hỗ trợ tăng trưởng mà tập trung vào chi thường xuyên. Do nguồn thu không bền vững và có xu hướng giảm, chi ngân sách tăng cao và cơ cấu không hợp lý nên thâm hụt ngân sách tiếp tục gia tăng.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành