Thứ năm, 28 Tháng 2 2019 04:09

Giới thiệu tiến trình đổi mới giáo dục phổ thông của Trung Quốc

1. Hệ thống giáo dục quốc dân

Theo Luật Giáo dục (1995) của Trung Quốc quy định hệ thống giáo dục Trung Quốc bao gồm giáo dục trước tuổi học, giáo dục Tiểu học, giáo dục trung học và giáo dục đại học.

Đối với giáo dục trước tuổi học (pre-school education) đối với trẻ từ 3 đến 5 tuổi và được tính là 3 năm.

Đối với giáo dục Tiểu học (primary education) là giáo dục bắt buộc và áp dụng theo hai chế độ khác nhau là Tiểu học 5 năm ( lớp 1 – lớp 5) áp dụng ở các vùng dân tộc thiểu số có khó khăn, tiếp nhận học sinh (HS) ở độ tuổi 6 - 10 tuổi; và Tiểu học 6 năm (lớp 1 – lớp 6) áp dụng ở các vùng còn lại trên cả nước, tiếp nhận HS ở độ tuổi 6 - 11 tuổi.

Đối với giáo dục Trung học (secondary education) của Trung Quốc được chia thành 4 loại hình là trung học phổ thông, trung cấp nghề, trường công nhân kỹ thuật và trung cấp chuyên nghiệp.

Đối với trung học phổ thông được chia thành 2 cấp là Trung học sơ cấp (Sơ trung - Junior secondary schools) là giáo dục bắt buộc và Trung học cao cấp (Cao trung - Senior secondary schools): 3 năm (lớp 10 - lớp 12), tiếp nhận HS đã hoàn thành giáo dục Trung học sơ cấp ở độ tuổi 15 - 17 tuổi.

Trung học sơ cấp được chia thành 2 cấp độ là Trung học sơ cấp 4 năm (lớp 6 - lớp 9), áp dụng ở các vùng dân tộc thiểu số có khó khăn, tiếp nhận HS đã hoàn thành giáo dục Tiểu học theo chế độ tiểu học 5 năm ở độ tuổi 11 - 14 tuổi và Trung học sơ cấp 3 năm (lớp 7 - lớp 9), áp dụng ở các vùng còn lại trên cả nước, tiếp nhận HS đã hoàn thành giáo dục Tiểu học theo chế độ tiểu học 6 năm ở độ tuổi 12 - 14 tuổi.

Trung cấp nghề (vocational high schools): 2 - 3 năm, Trường công nhân kĩ thuật (skilled workers schools): 3 năm.

Riêng Trung cấp chuyên nghiệp (specialized secondary schools), được chia thành học chế 3-5 năm: áp dụng đối với HS tốt nghiệp Trung học sơ cấp và học chế 2 năm: áp dụng đối với HS tốt nghiệp Trung học cao cấp.

Đối với giáo dục đại học (higher education) gồm có Trường đại học (University), Học viện chuyên khoa (non - university tertiary), Học viện chuyên khoa (non - university tertiary), các cơ sở đào tạo nghiên cứu sinh (institutions providing postgraduate programs). Trong đó, Trường đại học sẽ áp dụng theo học chế 4 năm đối với các đại học nói chung và học chế 6 năm đối với đại học Y, Dược và một số ít chuyên ngành khoa học kĩ thuật.

Học viện chuyên khoa áp dụng theo học chế 2 - 3 năm, bao gồm cả học viện kĩ thuật nghề nghiệp (tertiary vocational - technical colleges), Học viện chuyên khoa áp dụng theo học chế 2 - 3 năm, bao gồm cả học viện kĩ thuật nghề nghiệp và các cơ sở đào tạo nghiên cứu sinh áp dụng theo học chế 2,5 - 3 năm.

Riêng đối với giáo dục bắt buộc theo Luật Giáo dục nghĩa vụ của Trung Quốc, giai đoạn giáo dục bắt buộc 9 năm gồm có giáo dục Tiểu học (6 năm) và giáo dục sơ trung (3 năm). Ngoài ra còn có giáo dục đặc biệt dành cho trẻ khuyết tật.

2. Tiến trình đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông

Nhìn tổng thể, từ khi Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa ra đời (10/1949) đến nay, Chương trình giáo dục phổ thông Trung Quốc đã trải qua nhiều giai đoạn phù hợp với sự phát triển về kinh tế - xã hội của đất nước.

Ở giai đoạn đầu thời kì thành lập nước đến năm 1957 chương trình giáo dục của nhà trường cũ, cần có sự cải tạo và đổi mới thông qua xây dựng hệ thống chương trình nhà trường mới trên cơ sở tiếp thu kinh nghiệm tiên tiến của Liên Xô. Tôn chỉ của giáo dục phổ thông là làm cho học sinh phát triển toàn diện về các mặt đức, trí, thể, mĩ.

Năm 1958, quan hệ Trung - Xô xấu đi. Cùng với việc phê phán chủ nghĩa xét lại về mặt chính trị và sự ngộ nhận, khuếch trương theo khuynh hướng "Tả” về mặt kinh tế, lĩnh vực giáo dục của Trung Quốc cũng bắt đầu phủ nhận toàn diện kinh nghiệm giáo dục của Liên Xô, tiến hành điều chỉnh toàn diện chế độ quản lí chương trình và sách giáo khoa, hệ thống môn học, nội dung chương trình và phân phối thời lượng.

Năm 1963, Nhà xuất bản Giáo dục nhân dân căn cứ vào kế hoạch dạy học 12 năm do Bộ Giáo dục ban hành, bắt tay biên soạn sách giáo khoa tiểu học và trung học, sách giáo khoa mới, tiếp tục lấy dạy học trên lớp là chính, nhấn mạnh tính khoa học, tính cơ sở, tính hệ thống của việc xây dựng chương trình, chú trọng tri thức và kĩ năng cơ bản. Đồng thời, để giảm bớt gánh nặng học tập cho học sinh và tránh tình trạng đơn nhất của chương trình bắt buộc, năm 1963, đã giảm bớt số giờ dạy học môn Lịch sử, Địa lí và xây dựng chương trình tự chọn ở cao trung (trung học phổ thông, THPT). Tuy nhiên, chương trình cũng đã bộc lộ khuynh hướng coi trọng khoa học tự nhiên và coi nhẹ khoa học xã hội. Đây có thể được xem là giai đoạn xây dựng toàn diện chủ nghĩa xã hội từ 1958 đến 1965.

Tháng 5 năm 1966, "Đại cách mạng văn hoá" nổ ra, đưa Trung Quốc lún sâu vào thời kì hỗn loạn suốt 10 năm. Trong 10 năm đó, lĩnh vực giáo dục bị phá hoại nghiêm trọng. Kinh nghiệm giáo dục của 17 năm sau khi thành lập nước bị phủ nhận hoàn toàn, chương trình và sách giáo khoa trở thành công cụ tuyên truyền cho "Đại cách mạng văn hoá" và thủ đoạn đấu tranh chính trị. Trong nhà trường chỉ tồn tại hai loại chương trình: Chương trình đấu tranh sản xuất và Chương trình đấu tranh giai cấp.

Từ năm 1977 -1986 Trung Quốc được xem là giai đoạn chấn chỉnh, xây dựng hiện đại hoá xã hội chủ nghĩa trên cơ sở những ý kiến chỉ đạo của Đặng Tiểu Bình: "Giáo trình phải phản ánh trình độ tiên tiến của văn hoá, khoa học hiện đại", "Bổ sung đầy đủ nội dung giáo dục Tiểu học, trung học bằng những tri thức khoa học tiên tiến", năm 1978, Bộ Giáo dục đã ban hành "Kế hoạch dạy học tiểu học, trung học cả ngày theo chế độ 10 năm" (Phương án tạm thời) giải quyết quan hệ giữa chính trị và chuyên môn, lí luận và thực tiễn trong việc xây dựng chương trình và biên soạn sách giáo khoa, yêu cầu việc bố trí môn học và lựa chọn nội dung chương trình phải lấy tri thức cơ bản là chính, chú trọng rèn luyện kĩ năng cơ bản, phát triển trí lực của học sinh, bồi dưỡng năng lực cho học sinh. Năm 1981, ban hành "Đề án sửa đổi kế hoạch dạy học trung học theo chế độ 5 năm" và "Đề án sửa đổi kế hoạch dạy học tiểu học theo chế độ 5 năm". Năm 1984 ban hành "Dự thảo kế hoạch dạy học tiểu học theo chế độ 6 năm". Sau năm 1985, toàn bộ tiểu học và trung học đều đổi thành chế độ 6 năm. Năm 1986, nhà xuất bản (NXB) Giáo dục nhân dân biên soạn bộ sách giáo khoa (SGK) tiểu học và trung học theo chương trình 12 năm. Các môn học ở Tiểu học gồm những môn bắt buộc là: Ngữ văn, Toán, Phẩm chất đạo đức, Xã hội (Lịch sử và Địa lí), Tự nhiên, Thể dục, Âm nhạc, Mĩ thuật, Lao động. Trung học gồm các môn bắt buộc là: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Chính trị, Lịch sử, Địa lí, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Thể dục, Âm nhạc, Mĩ thuật, Kĩ thuật lao động. Ở cao trung (THPT) còn có các môn tự chọn. Việc bố trí chương trình và lựa chọn nội dung được thực hiện theo nguyên tắc lí luận kết hợp thực tiễn, tôn trọng quy luật phát triển thể chất và tâm lí của HS. Thông qua việc dạy học theo chương trình này, các trường phổ thông Trung Quốc đã cung cấp cho giáo dục đại học một lượng lớn sinh viên đủ tiêu chuẩn, phục vụ xây dựng hiện đại hoá đất nước.

Từ năm 1986 đến nay Trung Quốc thực hiện Quyết định cải cách thể chế giáo dục của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đây được xem là giai đoạn giao trách nhiệm phát triển giáo dục phổ thông cho các địa phương, từng bước thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm, điều chỉnh cơ cấu giáo dục, ra sức phát triển giáo dục kĩ thuật - nghề nghiệp và thực hiện cải cách giáo dục đại học, giáo dục người lớn.

Mốc quan trọng của giai đoạn này là năm 1993, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc vụ viện ban hành "Chương trình cải cách và phát triển giáo dục Trung Quốc”. Chương trình này đề ra hai nhiệm vụ cơ bản của giáo dục là: quán triệt toàn diện phương châm giáo dục và nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục. Để thực hiện được hai nhiệm vụ đã nêu, Trung Quốc đã đổi mới tư tưởng giáo dục, quan niệm giáo dục, tăng cường giáo dục tố chất, khắc phục mô hình giáo dục ứng thí đã hình thành lâu nay, thay đổi khuynh hướng chạy theo tỉ lệ lên lớp một cách phiến diện, quán triệt phương châm giáo dục hướng tới toàn thể học sinh, nâng cao tư tưởng đạo đức, trình độ văn hoá khoa học, kĩ năng lao động và tố chất sức khoẻ, tâm lí của học sinh, thúc đẩy sự trưởng thành lành mạnh của thanh thiếu niên. Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục của trường học không chỉ căn cứ vào tỉ lệ lên lớp mà còn căn cứ vào kết quả hoàn thành nhiệm vụ căn bản của giáo dục phổ thông là làm cho toàn thể học sinh nâng cao được trình độ về các mặt đức, trí, thể, mĩ.

Như vậy, chu kì cải cách Chương trình giáo dục phổ thông của Trung Quốc hoàn toàn phụ thuộc vào định hướng chính trị, yêu cầu và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vòng đời của chương trình thường là từ 8 - 10 năm.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành