Thứ sáu, 29 Tháng 3 2019 17:02

GIỚI THIỆU KINH NGHIỆM TỔ CHỨC VÀ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG CỦA TRUNG QUỐC

Quy trình Chương trình giáo dục phổ thông ở Trung Quốc thường được xây dựng theo quy trình nghiên cứu, đánh giá hiện trạng giáo dục và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và xu thế phát triển chương trình trên thế giới do Hội đồng xây dựng chương trình thực hiện và tổ chức xây dựng và trưng cầu ý kiến của các nhà chuyên môn và của xã hội, Việc hoàn thiện, thẩm định là lập kế hoạch thử nghiệm trình giáo dục phổ thông sẽ được sau khi đã lấy ý kiến.

1. Tổ chức thực hiện chương trình giáo dục phổ thông

Việc tổ chức thực hiện chương trình giáo dục phổ thông của Trung Quốc được tiến hành với mục đích thử nghiệm khi xác định mức độ khả thi của phương án chương trình mới và chuẩn chương trình các môn học do Bộ Giáo dục xây dựng, thúc đẩy việc hoàn thiện phương án chương trình và tiêu chuẩn chương trình mới; thử nghiệm tính khoa học và tính thiết thực, khả thi của tài liệu dạy học. Đồng thời, tìm biện pháp và phương thức thực hiện chương trình mới, đóng góp kinh nghiệm thực tiễn cho việc phổ biến rộng rãi chương trình mới trên cả nước.

Nội dung thử nghiệm chương trình giáo dục phổ thông được tiến hành theo tiêu chí về tính hợp lí, cân đối giữa các lĩnh vực học tập, môn học, module và hoạt động thực tiễn tổng hợp; phương thức quản lí chương trình và quy mô học sinh theo yêu cầu của chương trình mới. Ví dụ, đối với các môn học tự chọn trong phương án chương trình cao trung (2006), đã xác định từ 25 học sinh trở lên đăng kí học tự chọn, nhà trường bắt buộc phải tổ chức dạy học; từ 11 - 24 học sinh đăng kí học tự chọn, nhà trường phải cố gắng tổ chức dạy học; dưới 10 HS học tự chọn, nhà trường có thể không tổ chức dạy học. Bên cạnh đó, phương thức thi và đánh giá kết quả học tập của học sinh cũng được tiến hành trong giai đoạn thử nghiệm chương trình giáo dục phổ thông.

Về cách thức tiến hành thử nghiệm chương trình giáo dục phổ thông của Trung Quốc được áp dụng theo nguyên tắc khuyến khích tự nguyện đăng kí tham gia thực nghiệm chương trình mới.

Đối với các tỉnh tự nguyện tham gia thử nghiệm chương trình mới phải tuân thủ nguyên tắc Nhà nước chỉ đạo, địa phương làm chủ; tăng cường các điều kiện đảm bảo cho công tác thử nghiệm: tổ chức lãnh đạo, đầu tư kinh phí, hỗ trợ về chính sách, điều kiện dạy học, xây dựng chế độ, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, tuyên truyền, hướng dẫn dư luận... Trong quá trình thử nghiệm, các cơ quan quản lí giáo dục phải thay đổi tác phong và phương thức làm việc, lấy nhà trường làm cơ sở thử nghiệm, hình thành cơ chế phát hiện, nghiên cứu, giải quyết vấn đề ngay tại cấp trường, giúp nhà trường từng bước xây dựng chế độ quản lí trường học phù hợp với chương trình mới, không ngừng tổng kết kinh nghiệm nhằm phát huy hết vai trò cốt cán, làm mẫu trong việc triển khai chương trình mới trên phạm vi rộng lớn hơn.

Đối với các tỉnh chưa đủ điều kiện tham gia thử nghiệm, phải tiến hành tuyên truyền rộng rãi, tổ chức cho cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ nghiên cứu giáo dục, hiệu trưởng và giáo viên nghiên cứu, học tập, về Chương trình và chuẩn chương trình mới, chú ý theo dõi tiến độ và kết quả thử nghiệm của các tỉnh đang thử nghiệm, căn cứ vào quy hoạch thử nghiệm của Bộ Giáo dục, kết hợp với tình hình thực tế của địa phương nghiên cứu thời gian và công việc thử nghiệm chương trình mới tại địa phương mình, làm tốt công tác định hướng dư luận, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, chuẩn bị các điều kiện đảm bảo...

Các giai đoạn và phạm vi thử nghiệm chương trình giáo dục phổ thông có sự khác nhau tùy cấp học. Ví dụ: việc thử nghiệm chương trình trung học phổ thông (THPT) mới (2006) được chia làm bốn giai đoạn.

+ Giai đoạn 1: bắt đầu từ mùa Thu năm 2004 tại các tỉnh: Quảng Đông, Sơn Đông, Hải Nam, Ninh Hạ. Số HS đầu cấp tham gia thử nghiệm chiếm 13% tổng số HS đầu cấp của toàn quốc;

+ Giai đoạn 2: từ năm 2005, tổng cộng có 8 - 10 tỉnh tham gia. Số học sinh (HS) đầu cấp tham gia thử nghiệm chiếm 25% - 30% tổng số HS đầu cấp của toàn quốc;

+ Giai đoạn 3: từ năm 2006, tổng cộng có 15 - 18 tỉnh tham gia thử nghiệm. Số HS đầu cấp tham gia thực nghiệm chiếm 50% - 60% tổng số HS đầu cấp của toàn quốc;

+ Giai đoạn 4: từ năm 2007, triển khai thực hiện chương trình mới đối với toàn bộ số HS đầu cấp trên cả nước.

2. Tổ chức và quản lí thực hiện chương trình

Chương trình giáo dục phổ thông của Trung Quốc do ba cấp tổ chức thực hiện và quản lí. Đó là: Nhà nước, địa phương và trường học.

Bộ Giáo dục quy hoạch tổng thể Chương trình giáo dục phổ thông, xây dựng chính sách quản lí Chương trình giáo dục phổ thông, xác định môn học và thời lượng Chương trình quốc gia, xây dựng chuẩn Chương trình quốc gia, thực hiện thí điểm, đánh giá chương trình mới. Như vậy, trọng điểm của cải cách quản lí chương trình Trung Quốc hiện nay là thay đổi vai trò của người quản lí từ chỗ "lãnh đạo” sang "chỉ đạo" và thực hiện thể chế quản lí chương trình hai chiều: từ trên xuống và từ dưới lên, trong đó từ trên xuống là chính, nhằm đạt tới sự kết hợp hữu cơ giữa trung ương tập quyền và phân quyền cho địa phương.

Cơ quan quản lí giáo dục cấp tỉnh căn cứ vào chính sách quản lí chương trình của quốc gia và tình hình thực tế của địa phương để xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia ở tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc trung ương, quy hoạch chương trình địa phương, báo cáo Bộ Giáo dục và tổ chức thực hiện. Sau khi được Bộ Giáo dục phê chuẩn, cơ quan quản lí giáo dục cấp tỉnh có thể độc lập xây dựng kế hoạch chương trình và chuẩn chương trình sử dụng trong phạm vi của tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc trung ương. Như vậy, quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lí chương trình cấp địa phương thể hiện ở chỗ chấp hành nghiêm túc kế hoạch chương trình và chuẩn Chương trình quốc gia, đồng thời căn cứ vào tình hình thực tế và nhu cầu phát triển của địa phương để phát triển chương trình địa phương, chỉ đạo các trường thực hiện sáng tạo chương trình do quốc gia và địa phương xây dựng.

Trường học, đồng thời với việc chấp hành Chương trình quốc gia và chương trình địa phương, phải căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội cụ thể của địa phương, kết hợp với truyền thống và ưu thế của nhà trường, hứng thú và nhu cầu của học sinh để xây dựng hoặc lựa chọn chương trình thích hợp với nhà trường. Như vậy, trường học vừa là cơ sở chấp hành kế hoạch chương trình, vừa là nơi thực sự tiến hành giáo dục, biến chương trình lí tưởng thành chương trình hiện thực, cấp trường có quyền và trách nhiệm phản ánh những vấn đề gặp phải trong khi thực hiện Chương trình quốc gia và địa phương, đồng thời, trên cơ sở bảo đảm chương trình nhà trường nhất trí với mục tiêu Chương trình quốc gia và chương trình địa phương. Khuyến khích, động viên giáo viên, cha mẹ học sinh, nhân sỹ trong cộng đồng và học sinh tham gia vào việc quyết định chương trình, phát triển chương trình nhà trường phù hợp với tình hình thực tế của nhà trường. Nhà trường phải báo cáo định kì với cơ quan cấp trên để tổ chức thẩm định chương trình nhà trường, tạo nên sự kết hợp hữu cơ giữa Chương trình quốc gia, chương trình địa phương và chương trình nhà trường, thực hiện việc tối ưu hoá cơ cấu Chương trình giáo dục phổ thông.

Hệ thống quản lí chương trình mới này có mục đích thay đổi cách quản lí chương trình quá tập trung của Nhà nước trước đây, nhấn mạnh việc dành cho địa phương và nhà trường quyền tự chủ làm giáo dục và tự chủ về chương trình nhiều hơn nữa; tạo điều kiện để các địa phương và nhà trường phát triển chương trình mang bản sắc riêng của mình.

3. Đánh giá kết quả thử nghiệm chương trình

Đối tượng của việc đánh giá chương trình bao gồm việc lập chương trình, thực hiện chương trình, kết quả thực hiện chương trình...

Như vậy, cùng với việc đánh giá các thành tố thuộc cấu trúc của chương trình như: mục tiêu, nguyên tắc xây dựng chương trình, nội dung... còn phải đánh giá tác động của chương trình đối với các đối tượng tham gia vào việc thực hiện chương trình, như: giáo viên, học sinh, nhà trường cũng như phải đánh giá kết quả của hoạt động thực hiện chương trình, tức là sự phát triển của học sinh, của giáo viên và cán bộ quản lý nhà trường.

Để có thể tiến hành đánh giá chương trình, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã chỉ đạo các cơ quan quản lí, viện nghiên cứu, các trường đại học..., xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá chương trình bao gồm:

- Tiêu chí đánh giá việc xây dựng chương trình, bao gồm: Bối cảnh, mục tiêu, nguyên tắc xây dựng chương trình, cấu trúc nội dung, tính khả thi...

Xuất phát từ quan niệm “Chương trình chính là nội dung dạy học”, nên việc đánh giá chương trình tập trung vào: Chương trình tổng thể, chương trình môn học và tài liệu dạy học.

- Tiêu chí đánh giá quá trình thực hiện chương trình.

Do giáo viên là người thực hiện chương trình thông qua việc dạy học, nên tiêu chí đánh giá việc thực hiện chương trình chủ yếu tập trung vào việc dạy học của giáo viên.

- Tiêu chí đánh giá thành quả của chương trình, bao gồm: tiêu chí đánh giá sự phát triển năng lực của học sinh, tiêu chí đánh giá việc phát triển chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm của giáo viên và tiêu chí đánh giá hiệu quả quản lí của nhà trường.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành