Thứ tư, 17 Tháng 4 2019 02:53

GIỚI THIỆU VỀ KẾT QUẢ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRONG PHÁT TRIỂN TRI THỨC CỦA MỘT SỐ NƯỚC

1. Giáo dục và đào tạo đạt được nhiều thành tựu

Sự phát triển của giáo dục và đào tạo đạt được nhiều thành tựu nổi bật, nâng cao trình độ dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài góp phần quyết định đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại một số quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Cộng hòa Liên bang Đức, Hàn Quốc, Singapo, Trung Quốc. Chính vì thế quy mô giáo dục và đào tạo của các cấp học cũng tăng đáng kể, tỷ lệ học sinh tiểu học và trung học cơ sở so với dân số trong độ tuổi của các nước đều đạt trên 90%; tỷ lệ học sinh trung học phổ thông và tương đương đạt trên 45%, trong đó Hàn Quốc đạt tới 90,1%; tỷ lệ sinh viên đại học so với dân số trong độ tuổi và số lượng nghiên cứu sinh thạc sĩ, tiến sĩ đều ở mức cao[1].

Nhật Bản là một trong những quốc gia có nền giáo dục rất phát triển. Phần lớn dân cư có trình độ từ trung học cơ sở trở lên. Nhật Bản đứng thứ hai trong số 30 nước của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế về tỷ lệ thanh niên được đào tạo nghề hay đại học. Tỷ lệ dân cư 55 - 64 tuổi có bằng tương đương trung học phổ thông của Nhật Bản đứng thứ 10 trong số 30 nước của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế[2]. Tỷ lệ sinh viên đại học tốt nghiệp đạt tới 91%, cao hơn nhiều mức trung bình 70% của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế[3]. Năm 2005, toàn nước Nhật có 726 trường đại học, với 569 trường có đào tạo sau đại học, 488 trường cao đẳng, 63 trường cao đẳng công nghệ (đầu vào là học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở) và 3.439 trường đào tạo chuyên ngành (đầu vào là học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở). Năm 2005, Nhật Bản có 4.181.829 sinh viên, trong đó có 164.550 học viên cao học và 74.907 nghiên cứu sinh.[4] Mỗi năm các trường cao đẳng và đại học tuyển mới khoảng 1,1 triệu sinh viên, trong đó có hơn 100.000 sau đại học.

Trong giai đoạn đầu công nghiệp hóa, Hàn Quốc đã tập trung giải quyết tốt nhiệm vụ mở rộng quy mô giáo dục phổ thông, coi đó là nền móng để có nguồn nhân lực cần thiết cho công nghiệp hóa. Phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông được tuần tự hoàn thành trong thập kỷ 1960, thập kỷ 1970 và thập kỷ 1980. Năm 1989, tỷ lệ học trung học phổ thông trong độ tuổi, bao gồm cả trung học nghề và trung cấp chuyên nghiệp là 90,1%. Đặc biệt ấn tượng là tỷ lệ học đại học đã tăng từ khoảng 5% vào những năm 1950 lên tới 78% vào năm 2000, hơn hẳn một loạt nước trong Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế.

Trung Quốc đã cơ bản phổ cập giáo dục 9 năm và xoá mù chữ cho những người ở độ tuổi thanh niên và trung niên. Tính đến cuối năm 1997, 65% địa phương cả nước đã phổ cập giáo dục nghĩa vụ 9 năm, tăng 47% so với năm 1993, tỷ lệ học sinh trung học cơ sở là 87%, tăng 15% so với năm 1992; tỷ lệ người trong độ tuổi thanh niên, trung niên mù chữ chỉ còn 6%, giảm 4% so với năm 1992. Giáo dục đại học phát triển ổn định. Trong 5 năm (1993 - 1997), số lượng tuyển sinh và số sinh viên đang theo học đại học trên cả nước tăng bình quân hàng năm là 8% và 10%.

2. Hệ thống giáo dục phát triển bền vững và có chất lượng cao

Giáo dục phổ thông của các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapo được xếp thứ hạng cao trong các đánh giá quốc tế. Hệ thống đào tạo đại học và nghề nghiệp đáp ứng tốt nhu cầu nguồn nhân lực của thị trường lao động trong kinh tế tri thức. Các nước đều có các trường đại học với chất lượng nghiên cứu và đào tạo hàng đầu trên thế giới.

Tất cả các quốc gia được xem xét đều được xếp hạng cao trong các đánh giá quốc tế. Đánh giá kiến thức của học sinh ở độ tuổi 15 trong chương trình PISA năm 2006, gồm 57 quốc gia, kể cả các nước không thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế, Việt Nam và Trung Quốc chưa tham gia) cho thấy vị trí của các nước tham gia[5].

Tuy nhiên, Việt Nam tham gia PISA chu kỳ đầu tiên năm 2012, đã hoàn thành chu kỳ PISA 2015 với kết quả khá khả quan. Chu kỳ PISA 2015, trọng tâm được đánh giá là lĩnh vực Khoa học cho thấy:

- Lĩnh vực Khoa học, Việt Nam đứng thứ 8 (Top 10);

- Lĩnh vực Toán học, Việt Nam đứng thứ 22;

- Lĩnh vực Đọc hiểu là 32.

So với trung bình kết quả của các nước OECD:

Ở lĩnh vực Khoa học: kết quả trung bình của các quốc gia OECD là 493 điểm, của học sinh Việt Nam là 525 điểm. Kết quả của học sinh Việt Nam cao hơn trung bình các nước OECD 31,4 điểm một cách có ý nghĩa thống kê.

Ở lĩnh vực Toán học: Kết quả trung bình của các quốc gia OECD là 490 điểm, của học sinh Việt Nam là 495 điểm. Kết quả kiểm định về sự khác biệt kết quả trung bình của hai mẫu độc lập cho thấy: kết quả của học sinh Việt Nam cao hơn kết quả trung bình của OECD 5 điểm nhưng sự kiểm định cho thấy, sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê, nghĩa là kết quả Toán học của học sinh Việt Nam tương đương với điểm trung bình của OECD.

Năm 2018 Việt Nam tham gia Chu kỳ PISA 2018 và được xếp thứ 21 trong tổng số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia.

Theo bảng xếp hạng các trường đại học hàng đầu trên thế giới năm 2007, số lượng trường được xếp hạng của từng nước như sau:

Lưu ý là trong bảng xếp hạng này không có bất kỳ trường đại học nào của Việt Nam được đưa vào, kể cả bảng 500 trường.

Hoa Kỳ, Anh, Cộng hòa Liên bang Đức và Nhật Bản không chỉ là những quốc gia xếp thứ hạng cao trong hệ thống giáo dục đại học thế giới mà còn là các quốc gia hàng đầu trong sáng tạo và thương mại hóa các thành tựu khoa học và công nghệ.

3. Công bằng giáo dục được thực hiện với nỗ lực cao nhất

Trường công lập luôn mở cửa cho tất cả trẻ em thuộc tất cả các cộng đồng dân cư đến học tập. Giáo dục bắt buộc 9 năm, miễn phí (bao gồm tiểu học 6 năm và trung học cơ sở 3 năm) trở thành nhu cầu và biện pháp cơ bản để thực hiện xoá mù chữ và nâng cao dân trí. Giáo dục trung học 12 năm tuy không là giáo dục bắt buộc (Nhà nước không cam kết trợ giúp cho dân) nhưng việc phổ cập trình độ giáo dục trung học 12 năm đang trở thành hiện thực ở các nước có nền kinh tế phát triển. Tình hình đó đã góp phần vào việc nâng cao số năm tiếp nhận giáo dục tính bình quân đầu người của các nước (trên 8 - 9 năm)[6].

Trong khu vực giáo dục phổ thông của các nước được xem xét không có sự khác biệt giữa nam và nữ đổi với các nhóm dân thuộc độ tuổi 45 trở xuống).[7]

Ở Việt Nam, tỷ lệ học sinh nữ so với học sinh nam ổn định ở tỷ lệ 89 - 92% ở mọi cấp học, so với các nước khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng sau Brunây, Mianma, Thái Lan, Malaixia, Inđônêxia thời điểm năm 2001[8].

Như vậy, có thể thấy tất cả các quốc gia được xem xét đều đã đạt được công bằng về giới trong giáo dục phổ thông.

Tóm lại, thành tựu phát triển giáo dục của các nước nói trên một mặt đã tạo nên mặt bằng dân trí cao, mặt khác đã góp phần to lớn trong việc hình thành và phát triển một đội ngũ trí thức đông đảo có chất lượng, đáp ứng được các yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước..


PHỤ LỤC

Bảng 1. Tỷ lệ phần trăm dân cư trong độ tuổi từ 25 đến 64

phân theo trình độ học vấn (năm 2005) [9]

Quốc gia Trung học phổ thông và tương đương Cao đẳng và đại học trở lên
Hoa Kỳ 49 39
Đức 52 25
Nhật Bản 60 40
Hàn Quốc 44 32
Xingapo Không có số liệu Không có số liệu
Trung Quốc Không có số liệu Không có số liệu
Việt Nam Không có số liệu 5

Bảng 2. Số năm đi học bình quân của dân cư (năm 2000)[10]

Hoa Kỳ 12,05
Đức 10,20
Nhật Bản 9,47
Hàn Quốc 10,84
Xingapo 7,05
Trung Quốc 6,35
Việt Nam (1998) Xấp xỉ 6,8

Bảng 3. Kết quả PISA năm 2006

Quốc gia Về kiến thức khoa học Về năng lực đọc hiểu Về khả năng làm toán
Hàn Quốc 11 1 4
Nhật Bản 6 15 10
Đức 13 18 20
Hoa Kỳ 29 (không tham gia) 35

Bảng 4. Kết quả PISA năm 2015

Science (Khoa học) Reading (Đọc hiểu) Mathematics (Toán học)
Các nước Điểm trung bình PISA 2015 Sự thay đổi so với chu kì trước Điểm trung bình PISA 2015 Sự thay đổi so với chu kì trước Điểm trung bình PISA 2015 Sự thay đổi so với chu kì trước
Mean Score dif. Mean Score dif. Mean Score dif.
Điểm trung bình của OECD 493 -1 493 -1 490 -1
  1. Singapore
556 7 535 5 564 1
  1. Japan
538 3 516 -2 532 1
  1. Estonia
534 2 519 9 520 2
  1. Chinese Taipei
532 0 497 1 542 0
  1. Finland
531 -11 526 -5 511 -10
  1. Macao (China)
529 6 509 11 544 5
  1. Canada
528 -2 527 1 516 -4
  1. Viet Nam
525 -4 487 -21 495 -17

Bảng 5. Số trường đại học được xếp hạng và tỷ lệ[11]

Quốc gia Nhóm 200 trường hàng đầu Nhóm 500 trường hàng đầu
Hoa Kỳ 88 (44,0%) 166 (33,2%)
Đức 14 (7,0%) 41 (8,2%)
Nhật Bản 9 (4,5%) 32 (6,4%)
Hàn Quốc 1 (0,5%) 9 (1,8%)
Xingapo 1 (0,5%) 2 (0,4%)
Trung Quốc 1 (0,5%) 14 (2,8%)
Pháp 7 (3,5%) 22 (4,4%)
Anh 23 (11,5%) 42 (8,4%)

Bảng 6. So sánh tỷ lệ học sinh nữ và học sinh nam

Quốc gia Tỷ lệ học sinh nữ so với học sinh nam trong giáo dục tiểu học và trung học[12]
Hoa Kỳ 100%
Nhật Bản 100%
Đức 99%
Hàn Quốc 96%
Xingapo 101%
Trung Quốc 100%

 


[1] Xem thêm Bảng 1 và Bảng 2 phần phụ lục

[2] OECD: Education at a Glance, 2007.

[3] UNESCO Statistics Institute: World Education Indicators 2006.

[4] Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao và Khoa học - Công nghệ Nhật Bản: Niên giám thống kê 2006.

[5] Xem thêm Bảng 3 phần phụ lục

[6] Xem thêm bảng số 5 phần phụ lục.

[7] Thống kê giáo dục thế giới năm 2006 của Viện Thống kê UNESCO

[8] Ban Khoa giáo Trung ương: Triển khai Nghị quyết Đại hội X, 2006.

[9] Các nước lấy theo thống kê của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) trong báo cáo Education at a Glance 2007 Bảng Alla, số liệu Việt Nam lấy theo Kết quả điều tra biến động dân số ngày 1-4 2006 của Tổng cục Thống kê.

[10]Theo Bộ số liệu Barro-Lee 2000 World Bank Edstat (Thống kê giáo dục của Ngân hàng Thế giới). Số liệu Việt Nam là số nội bộ của Ngân hàng Thế giới.

[11] Đại học Giao thông Thượng Hải, Trung Quốc, 2007.

[12]. Ngân hàng Thế giới: Các chỉ số phát triển của thế giới 2008.

Sửa đổi lần cuối Chủ nhật, 05 Tháng 1 2020 02:56

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành