Thứ hai, 26 Tháng 5 2014 00:00

Một số kiến nghị trong quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước trong việc gia nhập wto

1. Tình trạng các Doanh nghiệp Nhà nước hạn chế tác động của WTO:

Giảm tác dụng của chính sách cạnh tranh: Trong nhiều trường hợp, các tập đoàn kinh tế nhà nước được hình thành bằng cách sáp nhập hay hợp nhất một số Doanh nghiệp Nhà nước hoạt động trong cùng lĩnh vực hoặc trong các lĩnh vực có liên quan. Về mặt nguyên tắc, vì hành vi sáp nhập hay hợp nhất này dẫn đến sự tập trung kinh tế nên nhất thiết phải được đặt dưới sự giám sát của cơ quan quản lý cạnh tranh. Cụ thể là, Điều 18 của Luật Cạnh tranh “cấm tập trung kinh tế nếu thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế chiếm trên 50% trên thị trường liên quan.” Nếu điều khoản này được áp dụng một cách nghiêm ngặt thì bản thân sự hình thành của tất cả các Tập đoàn kinh tế rõ ràng là đã vi phạm Luật Cạnh tranh. Tuy nhiên, theo Điều 25 của Luật Cạnh tranh thì Thủ tướng Chính phủ có quyền quyết định việc miễn trừ đối với việc “tập trung kinh tế có tác dụng mở rộng xuất khẩu hoặc góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ,” và vì các Tập đoàn kinh tế được chính Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập để dẫn dắt sự phát triển của đất nước nên chúng hiển nhiên thuộc đối tượng được miễn trừ. Gần đây, nhận thấy hoạt động kém hiệu quả của các tập đoàn kinh tế, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương “khẩn trương cơ cấu lại ngành nghề kinh doanh của các tập đoàn kinh tế và các tổng công ty nhà nước, tập trung vào một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế”

Hạn chế tác động của mở cửa thị trường tài chính: Kinh nghiệm thế giới cho thấy việc mở cửa thị trường tài chính sẽ làm gia tăng cạnh tranh giữa các Ngân hàng thương mại, đặc biệt là với các ngân hàng nước ngoài, và do đó buộc các Ngân hàng thương mại quốc doanh phải cho vay có tính thương mại hơn. Hệ quả là các Doanh nghiệp Nhà nước phải chấp nhận một mức lãi suất gần hơn với lãi suất thị trường, và do đó ràng buộc ngân sách trở nên cứng hơn. Tuy nhiên, ở Việt Nam thời kỳ hậu WTO, vì các Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty được phép sở hữu ngân hàng nên tác động tích cực này bị giảm đáng kể vì quan hệ tín dụng trên thị trường giữa Tập đoàn kinh tế và Ngân hàng thương mại đã bị biến thành giao dịch nội bộ bên trong tập đoàn.

Hình thức mới của tín dụng chỉ định và trợ cấp chéo giữa các Doanh nghiệp Nhà nước: Việc chuyển sang kinh doanh đa ngành, trong đó bao gồm cả ngân hàng, bảo hiểm và công ty tài chính đã sản sinh ra nhiều hình thức mới của tín dụng chỉ định và sở hữu chéo giữa các Doanh nghiệp Nhà nước. Điều đáng lưu ý là những hình thức này rất khó phát hiện, và ngay cả khi phát hiện được thì cũng rất khó chế tài theo các quy định của WTO. Hãy hình dung một tổng công ty ban đầu chỉ có một ngành kinh doanh chính và một số ít các ngành kinh doanh bổ trợ và có liên quan. Nay tổng công ty này được nâng cấp thành Tập đoàn kinh tế có đủ cả ngân hàng, công ty tài chính và công ty bảo hiểm. Khi còn là tổng công ty thì chỉ có ba nguồn tín dụng quan trọng nhất là hỗ trợ hay vay ưu đãi từ Nhà nước, tín dụng ngân hàng, hay tín dụng thương mại, trong đó hai nguồn tín dụng đầu tiên là quan trọng hơn cả. Như đã thảo luận, khi gia nhập WTO, tín dụng trực tiếp từ Nhà nước và tín dụng chỉ định sẽ bị cấm, và do vậy trên nguyên lý không còn nữa. Sự thắt chặt tín dụng này rõ ràng là một cú sốc lớn đối với Doanh nghiệp Nhà nước vốn sống dựa vào nguồn tín dụng dễ dãi.

Lách qua quy tắc đối xử quốc gia: Trong một thời gian rất dài ở Việt Nam tồn tại tình trạng phân biệt đối xử rõ rệt giữa khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân cả trong và ngoài nước. Theo nguyên tắc “đối xử quốc gia” thì sau khi gia nhập WTO, tình trạng phân biệt đối xử này phải bị xóa bỏ. Thế nhưng trên thực tế, sự tồn tại của những tập đoàn kinh tế lớn làm cho tình trạng phân biệt đối xử vẫn tồn tại một cách đương nhiên hoặc được ngụy trang dưới một hình thức hợp lệ. Vì vậy, mức độ Chính phủ có thể ưu ái khu vực Doanh nghiệp Nhà nước tuy đã có thể giảm bớt từ khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO nhưng điều này không có nghĩa là sự ưu ái này đã bị loại bỏ hoàn toàn. Một cách đương nhiên, Tập đoàn kinh tế được hưởng đặc quyền tiếp cận với các nguồn lực của nhà nước, trong đó quan trọng nhất bao gồm đất đai, tài nguyên tự nhiên, tín dụng hỗ trợ phát triển, đầu tư công và mua sắm công. Việc gia nhập WTO nhìn chung không hề động chạm gì tới các các đặc quyền này. Bên cạnh đó, vị thế độc quyền hoặc tựa độc quyền trong hầu hết các ngành mà Tập đoàn kinh tế hoạt động giúp các Tập đoàn kinh tế này là người điều khiển mọi hoạt động trên thị trường nội địa. Không những thế, vị thế độc quyền này còn đem lại cho các Tập đoàn kinh tế nhiều ưu thế tuyệt đối khác.

2. Khuyến nghị giải pháp khắc phục hạn chế:

Các nghiên cứu trước đây thường chứng minh rằng việc gia nhập WTO có thể được sử dụng như một áp lực từ bên ngoài và một cam kết đáng tin cậy ở bên trong để vượt qua sự phản kháng đối với những nỗ lực cải cách kinh tế trong nước. Tuy nhiên, trên thực tế, tác động của việc gia nhập WTO đối với cải cách kinh tế ở các nước không hề đồng nhất, không những thế còn có thể gây ra tác động tiêu cực.

Trong quá trình gia nhập WTO của Việt Nam, những người có tư duy cải cách đã hy vọng rằng việc gia nhập WTO sẽ là một cơ hội để cải thiện hệ thống thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam, và quan trọng không kém, sẽ tạo ra áp lực đối với các Doanh nghiệp Nhà nước - cốt lõi của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - và buộc các Doanh nghiệp Nhà nước phải cải cách và trở nên cạnh tranh hơn.

Trên thực tế, việc gia nhập WTO đã giúp cải thiện khung pháp luật của Việt Nam theo hướng kinh tế thị trường. Tuy nhiên, các mối đe dọa tiềm tàng đối với Doanh nghiệp Nhà nước đã được sử dụng để tạo ra một sự đồng thuận nhất định về nhu cầu cấp thiết phải thúc đẩy sự phát triển của Doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt là của những tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước. Như vậy, theo một cách nào đó, việc gia nhập WTO đã góp phần vào sự xuất hiện của các tập đoàn kinh tế nhà nước, không chỉ trở nên quá lớn để có thể cải cách mà còn có khả năng vô hiệu hóa nhiều tác động tích cực tiềm tàng của việc gia nhập WTO đối với chính mình.

Không phải tất cả các tác động của việc gia nhập WTO đều tích cực, đơn giản là vì bất kỳ lực tác động nào từ bên ngoài cũng sẽ tất yếu tạo ra phản lực từ bên trong, chủ yếu là để bảo vệ nguyên trạng. Sự tương tác giữa các lực bên trong và bên ngoài sẽ quyết định kết quả cuối cùng. Do đó, hiệp định thương mại quốc tế không nhất thiết có lợi cho cải cách như kỳ vọng, thậm chí trong một số trường hợp có thể trở nên phản tác dụng.

Việc gia nhập WTO chưa tác động một cách tích cực đối với cải cách Doanh nghiệp Nhà nước vì thiếu sự cộng hưởng nhịp nhàng giữa một bên là những nỗ lực cải cách tự thân từ bên trong với bên kia là những cơ hội thị trường cũng như áp lực cạnh tranh từ bên ngoài. Không những thế, cải cách là một quá trình không ngừng, và do vậy không được phép dừng lại sau khi đã vào WTO. Đáng tiếc là ở Việt Nam, những cải cách thể chế đáng kể nhất đều thuộc về giai đoạn “tiền WTO”, còn trong giai đoạn “hậu WTO” thì ít có tiến bộ đáng kể. Việc bùng nổ mạnh mẽ các tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn và kinh doanh đa ngành đã triệt tiêu hầu hết các tác động tích cực tiềm tàng của việc gia nhập WTO đối với cải cách Doanh nghiệp Nhà nước. Cụ thể là cạnh tranh trong nhiều ngành có sự hiện diện của Tập đoàn kinh tế hầu như không được tăng cường, sở hữu chéo giữa các Doanh nghiệp Nhà nước tinh vi và phức tạp hơn, nguyên tắc đối xử quốc gia được thực hiện một cách hình thức nhưng không thực chất, và sự tham gia của các ngân hàng nước ngoài còn hết sức khiêm tốn. Nếu chúng ta không có những nỗ lực cải cách tự thân từ bên trong một cách mạnh mẽ và có hệ thống thì những cơ hội cải cách sắp tới khi chúng ta gia nhập TPP, ký Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA),... và nhiều hiệp định hợp tác quốc tế khác, một lần nữa có thể lại tuột khỏi tầm tay.


Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành