Thứ năm, 29 Tháng 5 2014 00:00

Khả năng phát triển các sản phẩm, dịch vụ biến đổi khí hậu tại Việt Nam

Cơ hội triển khai các sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm biến đổi khí hậu tại Việt Nam phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, cụ thể như: Nhận thức của khách hàng, các thay đổi về chính sách, cơ sở pháp lý, những nghiên cứu khoa học về rủi ro….Tuy nhiên, trong ngắn hạn, khả năng triển khai các sản phẩm, dịch vụ biến đổi khí hậu tại Việt Nam là hoàn toàn có thể đối với các sản phẩm bảo hiểm biến đổi khí hậu và các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ khách hàng.

      Đối với các sản phẩm mới (bảo hiểm lũ lụt, bảo hiểm nông nghiệp): việc triển khai đòi hỏi thời gian nghiên cứu nghiệp vụ, đi kèm với các điều kiện về thể chế chính sách, pháp luật cũng như những nghiên cứu bổ trợ trong lĩnh vực kinh tế môi trường về các rủi ro biến đổi khí hậu. Những khó khăn trong việc triển khai hai loại hình bảo hiểm này (lựa chọn ngược, nguy cơ tinh thần và rủi ro có hệ thống) cũng là trở ngại trong quá trình triển khai, đòi hỏi sự hợp tác của các bên liên quan, đặc biệt là Nhà nước trong việc chia sẻ rủi ro. Trên thực tế, bảo hiểm nông nghiệp đã được triển khai thí điểm tại Việt Nam trong thời điểm 2000 nhưng thất bại, không thu hút được sự tham gia của người dân, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo hiểm bị thua lỗ. Nguyên nhân thất bại là do chưa khắc phục được những khó khăn, hạn chế của sản phẩm bảo hiểm này cũng như thiếu kinh nghiệm triển khai. Tuy nhiên, trong năm 2011, Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp tại 22 tỉnh thành với nhiều cải tiến như: Nhà nước áp dụng chế độ hỗ trợ phí, bỏ quỹ hỗ trợ thiên tai, hỗ trợ ngân sách cho các doanh nghiệp bảo hiểm triển khai thí điểm đồng thời tạo hành lang cơ sở pháp lý thuận lợi cho việc triển khai sản phẩm này, yêu cầu sự tham gia của nhiều bên liên quan. Tuy nhiên, sau 10 năm, việc triển khai sản phẩm bảo hiểm mới này vẫn chỉ dưới dạng thí điểm và chưa thể đánh giá được có thể triển khai thành công hay không. Do đó, với những đòi hỏi cao về mặt nghiệp vụ, rủi ro lớn, yêu cầu chặt chẽ về thể chế chính sách hỗ trợ, các sản phẩm này sẽ được triển khai trong dài hạn.

Với loại hình bảo hiểm truyền thống (bảo hiểm cao ốc xanh và bảo hiểm xe cơ giới): Đây là những đơn bảo hiểm tài sản truyền thống có bổ sung thêm các điều khoản mới nhằm khuyến khích hành vi tiêu dùng xanh của doanh nghiệp, cá nhân. Thực tế việc triển khai không đòi hỏi quá nhiều những thay đổi đi kèm về chính sách, về quy trình nghiệp vụ, tuy nhiên lại đòi hỏi các doanh nghiệp bảo hiểm bỏ thời gian nghiên cứu về các rủi ro mới, các chi phí phát sinh, tính toán mức phí sao cho hợp lí. Mặc dù vậy, việc triển khai các sản phẩm cải tiến này trong ngắn hạn là hoàn toàn có thể thực hiện được, với điều kiện duy nhất là doanh nghiệp bảo hiểm chủ động nghiên cứu và hoàn thiện bộ sản phẩm trong quá trình triển khai để đưa ra những điều chỉnh, bổ sung phù hợp với thực tế đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xanh, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường của khách hàng.

Đối với các sản phẩm khác, việc triển khai chỉ có thể thực hiện được khi phát sinh nhu cầu từ phía thị trường. Và để triển khai bất cứ sản phẩm nào, doanh nghiệp bảo hiểm cũng cần một lộ trình nhất định từ khâu xây dựng, triển khai, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện sản phẩm, quy trình khai thác, dịch vụ khách hàng.

Riêng đối với các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ khách hàng thì dịch vụ hỗ trợ dành cho khách hàng tham gia bảo hiểm xe cơ giới: Việc sử dụng các công cụ phần mềm trực tuyến để tư vấn giúp khách hàng lựa chọn sản phẩm xe ô tô, xe máy thân thiện với môi trường, phát thải thấp, an toàn khi sử dụng là hoàn toàn có thể triển khai được trong ngắn hạn. Điều kiện triển khai cần có duy nhât là các doanh nghiệp bảo hiểm bỏ công hoặc hợp tác với các nhà sản xuất để có bộ dữ liệu, thông số xe từ đó đánh giá mức độ phát thải và độ an toàn khi sử dụng. Với công cụ bồi thường cho lượng khí CO2 xả thải trong quá trình sử dụng phương tiện giao thông khi khách hàng tham gia bảo hiểm xe cơ giới, xét trên góc độ doanh nghiệp việc triển khai là hoàn toàn khả thi: doanh nghiệp chỉ cần lập quỹ, minh bạch thông tin và sử dụng nguồn quỹ huy động được cho các dự án giảm thải khí nhà kính như trồng rừng, sản xuất sạch hơn…Tuy nhiên, nếu xét trên khía cạnh của khách hàng, việc gây quỹ này chỉ thực hiện được nếu nhận thức của khách hàng cao và sẵn sàng tự nguyên đóng góp vì mục tiêu môi trường. Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức tới cộng đồng là rất quan trọng trong trường hợp này.

      Dịch vụ tư vấn quản lý rủi ro, bảo hiểm cho các dự án xanh: Tại Việt Nam, số lượng các dự án xanh còn khá hạn chế và nhu cầu bảo hiểm cho các rủi ro phát sinh khi triển khai dự án là có nhưng chưa đáng kể và chưa đủ mạnh để tạo động lực thu hút các doanh nghiệp bảo hiểm khai thác thị trường này. Ngoài ra, dịch vụ quản lý rủi ro đòi hỏi một đội ngũ cán bộ, chuyên gia có trình độ cao, không chỉ am hiểu về bảo hiểm mà còn nắm vững những kiến thức môi trường cũng như các rủi ro liên quan. Nếu xét về mặt nhân sự, trên thị trường Việt Nam hiện nay, nguồn lực nhân sự để triển khai dịch vụ này còn hạn chế, hầu như chưa có, việc kết nối giữa hai lĩnh vực vẫn đang bỏ ngỏ. Do đó, để triển khai, ngoài việc nhu cầu thị trường tăng cao, nhân sự triển khai cũng cần đáp ứng về số lượng và chất lượng, trong ngắn hạn, việc đào tạo đội ngũ này đòi hỏi chi phí đầu tư lớn và tư duy chiến lược, nắm bắt xu thế mới của doanh nghiệp.

Để có thể triển khai các dịch vụ nói trên một cách hiệu quả, cần phải có một số điều kiện cần thiết cụ thể nhằm triển khai các dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm biến đổi khí hậu ở nước ta trên cơ sở

- Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về rủi ro biến đổi khí hậu

Để triển khai các sản phẩm bảo hiểm rủi ro biến đối khí hậu, điều kiện tiên quyết cần có là hệ thống thu thập dữ liệu về các rủi ro do biến đổi khí hậu bao gồm các thông tin khoa học như: tần suất, phạm vi, mức độ thiệt hại…Hệ thống dữ liệu này cần được thu thập trong thời gian dài do các rủi ro biến đổi khí hậu là một quá trình tích lũy lâu dài. Hiện hệ thống dữ liệu này tại Nhật được đo lường và cập nhật liên tục trong vòng 50 năm nay. Hệ thống dữ liệu này sẽ là cơ sở để các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực bảo hiểm xác định được tần suất và mức độ tác động của các rủi ro, khắc phục hạn chế của yếu tố không chắc chắn trong bảo hiểm rủi ro biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, để xây dựng được hệ thống dữ liệu này đòi hỏi cần có sự phối hợp hiệu quả của các nhà quản lý rủi ro, các nhà kinh tế môi trường, các nhà khoa học trong mọi lĩnh vực: địa lý, thiên văn, thủy văn, lâm nghiệp, nông lâm ngư nghiệp…Trong đó, các nhà khoa học đóng vai trò theo dõi, nghiên cứu, tìm hiểu nguyên nhân, đánh giá xu thế thay đổi của các rủi ro trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên ngành. Các nhà kinh tế môi trường dựa vào kiến thức khoa học, các công cụ đo lường kinh tế để đánh giá thiệt hại, kết nối giữa vấn đề môi trường và kinh tế. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu này, các nhà quản lý rủi ro, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ xây dựng và hoàn thiện các mô hình để xác định cấp độ rủi ro cho từng khu vực địa lý trong từng thời điểm. Đồng thời, khi tổn thất xảy ra, hoạt động giám định bồi thường cũng cần có sự hỗ trợ của các nhà kinh tế môi trường nhằm tìm ra mức độ ảnh hưởng, tác động của các rủi ro môi trường lên đối tượng được bảo hiểm, từ đó xác định được giới hạn chi trả quyền lợi bảo hiểm.

Mối liên hệ giữa mức độ rủi ro và đặc điểm tự nhiên là rất lớn. Do đó, hệ thống các thông tin địa lý, các dữ liệu được thu thập về rủi ro cũng là cơ sở để doanh nghiệp bảo hiểm xây dựng biểu phí phù hợp ứng với mức độ rủi ro của từng đối tượng khách hàng và khắc phục được hạn chế trong lựa chọn ngược.

- Xây dựng các điều khoản khuyến khích hành vi hạn chế tổn thất

Các rủi ro đạo đức trong bảo hiểm rủi ro biến đổi khí hậu có thể được hạn chế bằng việc giám sát đối tượng tham gia bảo hiểm và đối tượng được bảo hiểm. Tuy nhiên, trên thực tế, giám sát là hành vi tốn kém và việc xây dựng một hệ thống giám sát hoàn chỉnh không phải là một lựa chọn hấp dẫn, đòi hỏi sự đầu tư về nguồn lực, nhân sự lớn, không tương xứng với mức phí bảo hiểm thu được. Để kiểm soát các rủi ro đạo đức, các doanh nghiệp bảo hiểm có thể áp dụng mức miễn thường, đồng bảo hiểm hoặc bảo hiểm trên giá trị. Mức miễn thường phù hợp sẽ là động lực cho các cá nhân áp dụng các biện pháp hạn chế tổn thất vì người tham gia bảo hiểm phải thanh toán cho một phần thiệt hại. Điều khoản này cũng có thể áp dụng cho đơn bảo hiểm trên giá trị. Một thuận lợi của việc áp dung mức miễn thường đó là giảm các chi phí giao dịch vì chỉ những đối tượng được bảo hiểm có thiệt hại trên mức khấu trừ mới được bồi thường. Điều khoản này đặc biệt hữu hiệu cho đơn bảo hiểm rủi ro biến đổi khí hậu, ví dụ rủi ro lũ lụt có thể dẫn đến rất nhiều yêu cầu bồi thường trong cùng một thời gian. Với hình thức đồng bảo hiểm, một phần tỷ lệ tổn thất sẽ được các nhà bảo hiểm thanh toán và một phần sẽ do cá nhân tham gia bảo hiểm tự gánh chịu. Vì vậy, khách hàng sẽ có động lực để hạn chế tổn thất và tiến hành các biện pháp đề phòng do rủi ro được chia sẻ.

- Sự phối hợp và hỗ trợ của Chính phủ

Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp bảo hiểm vượt qua những khó khăn trong việc bồi thường khi rủi ro biến đổi khí hậu gây ra những tổn thất lớn, đặc biệt trong trường hợp các rủi ro có liên quan tới nhau và xảy ra cùng lúc. Ngoài việc tạo điều kiện cho các sản phẩm bảo hiểm tư nhân phát triển, chính phủ cũng có thể xây dựng một dạng bảo hiểm công để bảo lãnh cho các hộ gia đình trong trường hợp tổn thất quy mô lớn và đồng loạt xảy ra. Thay vì cung cấp phạm vi bảo vệ toàn diện, chính phủ có thể kết hợp với hoạt động tái bảo hiểm ra thị trường tái quốc tế hay nhận tái bảo hiểm từ các doanh nghiệp bảo hiểm để vượt qua các khó khăn do mối liên hệ tương quan giữa các rủi ro gây ra. Các doanh nghiệp bảo hiểm có thể chi trả tới một giới hạn xác định và phần còn lại do Chính phủ chi trả trong trường hợp rủi ro tương quan là một biện pháp có khả năng hiện thực cao nhất do Chính phủ có thể dễ dàng tiếp cận với những khoản vay lãi suất thấp một cách nhanh chóng. Điểm mạnh trong việc chính phủ đóng vai trò nhà tái bảo hiểm là họ có thể phân tán rủi ro cho toàn bộ dân cư cũng như các thế hệ tương lai. Sự hợp tác giữa Chính phủ và doanh nghiệp bảo hiểm trong giai đoạn đầu là điều hoàn toàn cần thiết, góp phần củng cố năng lực tài chính giúp doanh nghiệp đối phó với những rủi ro tương quan hay rủi ro gây thiệt hại trên quy mô lớn, từ đó xây dựng niềm tin ở người tham gia bảo hiểm.

Ngoài ra, Nhà nước có thể tiến hành tài trợ cho bảo hiểm biến đổi khí hậu, có thể bằng nhiều hình thức như: tài trợ phí bảo hiểm (toàn phần hoặc một phần), tài trợ chi phí quản lư, tài trợ tiền bồi thường trong trường hợp xảy ra tổn thất mang tính thảm họa, tài trợ hoạt động tái bảo hiểm….

- Các điều kiện về chính sách, thể chế pháp luật

Nhà nước tham gia vào các quá trình kinh tế không chỉ với tư cách người quản lý, định hướng nền kinh tế mà còn là chủ thể tiêu dùng và đầu tư quan trọng. Thông qua hoạt động của mình, Nhà nước thiết lập khuân khổ pháp luật, xác định chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, thiết lập các chương trình tác động tới phân phối thu nhập, phân bổ tài nguyên.

Nhà nước cần đưa ra các biện pháp về mặt pháp lý, bao gồm: quy định khung pháp lý với các hoạt động kinh doanh, các biện pháp hành chính như quy định danh mục đầu tư, cấp phép thành lập…, các biện pháp tài chính như thuế, phí, trợ cấp, trợ giá để huy động được sự tham gia đông đảo của người dân và các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia triển khai bảo hiểm biến đổi khí hậu.

Nhà nước cần tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp, ví dụ như ban hành các quy định hướng dẫn triển khai, nghị định khung cho các loại hình bảo hiểm biến đổi khí hậu, chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp triển khai loại hình bảo hiểm này, các văn bản hướng dẫn , các quy định liên quan đồng bộ trong các ngành Thuế, tài chính…như:

-            Miễn, giảm thuế và các khoản phải nộp vào ngân sách, đặc biệt quan tâm tới thuế thu nhập doanh nghiệp khi các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia cung cấp loại hình bảo hiểm biến đổi khí hậu;

-            Lồng ghép quy định bắt buộc mua bảo hiểm biến đổi khí hậu trong một số trường hợp như: vay vốn ngân hàng, mua nhà. Có thể nâng lên thành một quy định chung mang tính cưỡng chế, đặc biệt ở các khu vực rủi ro cao như: khu ven biển, duyên hải miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long… nhằm đảm bảo lợi ích cho các bên liên quan

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành