Thứ năm, 29 Tháng 5 2014 00:00

Xây dựng hệ thống các chỉ tiêu giám sát tài chính và mô hình định lượng

1. Tác nhân gây bất ổn và khủng hoảng tài chính:

- Rủi ro cố hữu của thị trường tài chính: Một đặc tính cơ bản của thị trường tài chính so với với các thị trường khác là sự bất ổn định mang tính hệ thống hay rủi ro hệ thống. Như đã đề cập, các thị trường cấu thành của thị trường tài chính gắn bó chặt chẽ với nhau. Một tác động từ bên trong lẫn bên ngoài có thể gây nên những phản ứng dây chuyền trên toàn hệ thống thị trường tài chính. Rõ ràng thị trường tài chính càng phát triển ở trình độ cao thì tính nhạy cảm mang tính hệ thống càng cao. Hơn nữa, khủng hoảng tài chính thường kéo theo các cuộc khủng hoảng kinh tế, thậm chí cả khủng hoảng chính trị - xã hội. Trong bối cảnh tự do hoá tài chính, tính bất ổn định mang tính hệ thống của thị trường tài chính có thể lan truyền nhanh chóng ra khỏi biên giới của một quốc gia và có thể kéo theo hàng loạt bất ổn, thậm chí khủng hoảng tài chính ở một số nước khác trong khu vực và thế giới. Khủng hoảng tài chính tại các nước châu Á năm 1997-1998, và đặc biệt là khủng hoảng tài chính ở Hoa Kỳ trong hai năm gần đây cho thấy rõ đặc tính này của thị trường tài chính.

- Rủi ro thường gặp trong quá trình hoạt động của các định chế tài chính: Một danh mục đầu tư có thể bị tổn thương dưới tác động của các cú sốc rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản và rủi ro thị trường. Các cú sốc rủi ro thị trường và rủi ro tín dụng có thể tác động lên danh mục đầu tư của các định chế tài chính hoặc trực tiếp qua sự thay đổi giá trị tài sản tài chính hoặc gián tiếp thông qua sự thay đổi tình hình tài chính của con nợ - điều làm giảm chất lượng tín dụng. Các cú sốc đối với lòng tin của những người gửi tiền hay các nhà đầu tư có thể gây ra các vấn đề về thanh khoản - điều còn ảnh hưởng tới bảng kết toán tài sản của các định chế tài chính. Cuối cùng, những cú sốc này tác động tới khả năng lợi nhuận và an toàn vốn của các định chế tài chính. Mức độ dễ bị tổn thương của hệ thống tài chính gia tăng khi các cú sốc tác động mạnh vào các tài sản không có tính thanh khoản, không được phòng vệ hay đa dạng hóa ở mức cần thiết và khi thiếu các nguồn vốn cần thiết để hấp thụ các cú sốc.

- Bất cập, rủi ro có thể phát sinh từ bản thân mô hình giám sát tài chính: Trong quá trình phát triển, trên thế giới, có ba mô hình cơ bản để giám sát toàn bộ các thị trường tài chính; bao gồm: (1) mô hình giám sát theo định chế hay giám sát chuyên ngành; (2) mô hình giám sát theo chức năng; (3) mô hình giám sát hợp nhất. Mỗi mô hình có ưu điểm và hạn chế, rủi ro riêng, do vậy, cần nhận dạng đầy đủ chúng, nhất là các rủi ro để có các cơ chế/công cụ giám sát phù hợp, hữu hiệu.

+ Mô hình 1 là cách tiếp cận truyền thống và phổ biến nhất trong quản lý nhà nước trên thế giới, chú trọng đến việc thành lập các cơ quan riêng biệt để điều chỉnh các nhóm định chế tài chính theo ngành dọc, được chuyên môn hóa. Các nội dung giám sát được chuyên môn hóa, chú trọng tới ổn định hệ thống, giám sát thận trọng, an toàn vi mô, đạo đức kinh doanh và bảo vệ khách hàng. mô hình này có những hạn chế như không tạo ra được tính độc lập trong hoạt động giám sát, khó có thể thực hiện một cách công khai, minh bạch khi công bố, xử lý các sai phạm. Mô hình này trong thời gian gần đây phải chịu những sức ép có liên quan tới vai trò ngày càng tăng của các tập đoàn tài chính và sự đánh tráo trong quản lý hay còn gọi là lợi dụng kẽ hở pháp luật.

+ Mô hình 2 có ưu điểm là hạn chế tối đa các dạng thất bại/khuyết tật của thị trường như hành vi phản cạnh tranh, chuẩn mực đạo đức kinh doanh, thông tin bất đối xứng và rủi ro hệ thống. Đặc trưng của mô hình này là mỗi cơ quan quản lý nhà nước phụ trách một chức năng/dạng thất bại thị trường mà không chú ý tới các định chế có liên quan. Mặc dù có ưu điểm là tối thiểu hoá các khuyết tật của thị trường, nhưng Mô hình 2 vẫn có những xung đột về mặt quản lý. Trên thực tế, việc xoá bỏ hoàn toàn các lỗ hổng pháp lý và các xung đột rất khó thực hiện. Một số xung đột phát sinh một cách tự động giữa các mục tiêu quản lý cạnh tranh, quy định thực hành thị trường và quy định thận trọng. Phần lớn các cấu trúc dựa vào định chế nỗ lực giải quyết những xung đột này bằng cách giao cho các cơ quan quản lý nhà nước một số quyền nhất định để quản lý cạnh tranh và thực hành thị trường của các định chế liên quan.

+ Mô hình 3 chỉ bao gồm một cơ quan giám sát duy nhất toàn bộ các định chế trung gian và toàn bộ thị trường thuộc các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm. Mô hình này có thể hợp nhất hoàn toàn hoặc một phần. Đây là mô hình được coi là có nhiều ưu điểm, là mô hình lý tưởng được nhiều nước hướng tới.

- Rủi ro từ sự phát triển mạnh mẽ các tập đoàn tài chính: So với các tổ chức tài chính thông thường, các tập đoàn tài chính có cơ cấu và tổ chức hoạt động phức tạp hơn, vì thế có thể tiềm chứa nhiều rủi ro hơn. Với sự phát triển mạnh mẽ của các tập đoàn tài chính tham gia hoạt động trên tất cả các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình sản phẩm và dịch vụ tài chính tinh vi, phức tạp mà nhiều khi cả người cung ứng và sử dụng chúng cũng chưa ý thức hết được những rủi ro tiềm ẩn trong các sản phẩm đó thì vai trò của công tác giám sát tài chính các định chế này là rất quan trọng.

2. Cách tiếp cận và khuôn khổ phân tích hệ thống các chỉ tiêu giám sát tài chính quốc gia và mô hình định lượng:

- Giám sát an toàn tài chính vĩ mô và an toàn vi mô: Trước hết, mục tiêu cuối cùng của phương pháp an toàn vĩ mô là hạn chế nguy cơ xảy ra khủng hoảng tài chính vì lịch sử cho thấy khủng hoảng tài chính gây ra những tổn thất nặng nề về tăng trưởng thực (GDP) của nền kinh tế. Trong khi, mục tiêu của phương pháp an toàn vi mô là hạn chế nguy cơ đổ vỡ của từng định chế tài chính mà không tính đến tác động của sự đổ vỡ này đối với toàn bộ nền kinh tế. Đối tượng của phương pháp an toàn vĩ mô là toàn bộ hệ thống tài chính còn đối tượng của phương pháp an toàn vi mô là từng định chế tài chính đơn lẻ. Xu hướng thay đổi từ phương pháp an toàn vi mô sang phương pháp an toàn vĩ mô cũng giống như xu hướng chuyển dịch từ hoạt động đầu tư đơn lẻ - đầu tư vào một loại chứng khoán sang hoạt động đầu tư của một quỹ tương hỗ - đầu tư vào một danh mục các loại chứng khoán. Nguyên tắc của hoạt động đầu tư này là nguyên tắc từ trên xuống. Trái lại, hoạt động đầu tư vào từng loại chứng khoán riêng lẻ lại quan tâm đến lãi, lỗ giữa các loại chứng khoán. Nguyên tắc của hoạt động đầu tư này là nguyên tắc từ dưới lên.

- Mô hình định lượng phục vụ giám sát thị trường tài chính:

+ Mô hình kiểm tra khả năng chịu đựng các cú sốc tài chính - tiền tệ: Phương pháp ST được sử dụng trong nhiều lĩnh vực. Theo nghĩa chung nhất, ST được hiểu là cách thức kiểm tra tính ổn định của một hệ thống hoặc một đơn vị trong điều kiện bất thường. Trong lĩnh vực tài chính, có hai dạng ST thường được thực hiện, bao gồm: (1) ST cho từng danh mục đầu tư của từng tổ chức tài chính; và (2) ST cho danh mục đầu tư tổng hợp của toàn bộ hoặc một bộ phận hệ thống tài chính.

+ Đo lường rủi ro lãi suất: Biến động lãi suất có thể tác động tới chi phí, thu nhập lãi suất và giá trị thị trường các khoản mục nhạy cảm với lãi suất trên bảng cân đối kế toán của tổ chức tài chính. Biến động lãi suất có thể tác động tới giá trị thị trường của tài sản có và tài sản nợ của tổ chức vì giá trị hiện tại của các dòng tiền trong tương lai nhạy cảm với biến động lãi suất. Rủi ro lãi suất đối với tổ chức tài chính xuất hiện khi có sự bất cân đối giữa mức độ nhạy cảm với lãi suất của tài sản có và tài sản nợ. Rủi ro lãi suất thường được đo lường bằng hai mô hình: mô hình khoảng trống và mô hình kỳ hạn.

+ Đo lường rủi ro tỷ giá: Rủi ro tỷ giá là rủi ro thay đổi tỷ giá có thể tác động tới giá trị tài sản có, tài sản nợ của tổ chức và giá trị các khoản mục ngoại bảng. Rủi ro tỷ giá có thể là rủi ro trực tiếp hoặc rủi ro gián tiếp đối với tổ chức tài chính. Rủi ro tỷ giá trực tiếp xuất hiện khi tổ chức có trạng thái ngoại tệ. Rủi ro tỷ giá gián tiếp khi khách hàng vay hoặc đối tác của tổ chức tài chính có trạng thái ngoại tệ. Ngoài ra, rủi ro tỷ giá có thể xuất hiện nếu trạng thái nội tệ được chỉ số hóa theo tỷ giá.

+ Đo lường rủi ro tín dụng: Rủi ro tín dụng đối với ngân hàng là rủi ro các đối tác của ngân hàng không thực hiện các nghĩa vụ theo hợp đồng. Rủi ro tín dụng cũng được hiểu là rủi ro các dòng tiền của một tài sản có không được chi trả đầy đủ theo hợp đồng.

+ Mô hình cảnh báo sớm khủng hoảng: Cơ chế cảnh báo sớm (EWS) là cơ chế có thể đưa ra các tín hiệu cảnh báo khủng hoảng tài chính đã thu hút được sự chú ý của hầu hết các Chính phủ, các tổ chức, các nhà đầu tư và các học giả. Phần này trình bày tổng quan về các mô hình tham số và phi tham số nhằm cảnh báo sớm khủng hoảng tài chính. Cách tiếp cận tín hiệu để xây dựng mô hình EWS liên quan đến năm bước: xác định thời gian xảy ra các tình huống khủng hoảng trong quá khứ, lựa chọn các chỉ số dự báo khủng hoảng, xác định các ngưỡng giá trị cho các chỉ số dự báo được lựa chọn, xây dựng các chỉ số tổng hợp và dự báo khủng hoảng.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành