In trang này
Thứ hai, 20 Tháng 4 2020 03:14

GIỚI THIỆU VỀ CHẾ ĐỊNH PHÁP LÝ VỀ TÀI SẢN MÃ HÓA VÀ TIỀN MÃ HÓA CỦA HỒNG KÔNG

1. Bản chất pháp lý của tài sản mã hóa, tiền mã hóa

- Về nguyên tắc, Hồng Kông (Trung Quốc) coi tài sản mã hóa, tiền mã hóa là một loại hàng hóa “ảo”, không phải là một loại tiền pháp định hoặc một hình thức thanh toán hay tiền điện tử. Mặc dù về nguyên tắc tài sản ảo không phải đối tượng quản lý theo pháp luật Hồng Kông (Trung Quốc) hiện hành, các cơ quan có thẩm quyền có thể xem xét những hoạt động và giao dịch có liên quan, và có thể được điều chỉnh bởi các quy định quản lý tương ứng. Hiện nay, vấn đề được quan tâm nhất về tài sản mã hóa là vấn để chống rửa tiền và tài trợ khủng bố cùng với những quy định về chứng khoán trong bối cảnh cần khuyến khích sáng tạo trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng nhưng phải bảo vệ nhà đầu tư[1].

Cơ quan quản lý tiền tệ của Hồng Kông (Trung Quốc) (HKMA) tuyên bố tài sản mã hóa như Bitcoin được coi như một loại hàng hóa ảo và không được quản lý bởi HKMN. Tuy nhiên, HKMA lưu ý các rủi ro liên quan đến rửa tiền. Ủy chứng khoán và giao dịch tương lai của Hồng Kông (Trung Quốc) (SFC) tuyên bố rằng tài sản mã hóa sẽ không được xem như chứng khoán, nhưng một số loại xu kỹ thuật số sẽ được xem như “chứng khoán” và được quản lý bằng Luật Chứng khoán Hồng Kông (Trung Quốc) nếu thỏa mãn các điều kiện về chứng khoán[2]. Trong Báo cáo thường niên năm 2017-2018, SFC khẳng định sẽ theo dõi kỹ các hoạt động liên quan tài sản mã hóa, tiền mã hóa và can thiệp khi cần thiết[3].

Như vậy, Hồng Kông (Trung Quốc) hiện nay chưa có một khung pháp lý riêng cho tài sản mã hóa nói chung và hoạt động ICO nói riêng. Tuy nhiên, là một vùng lãnh thổ đề cao quyền tự do kinh doanh, các cơ quan có thẩm quyền của Hồng Kông (Trung Quốc) đã áp dụng khung pháp lý thử nghiệm (sandbox) cho những thử nghiệm về công nghệ tài chính, ngân hàng. Cụ thể:

Thứ nhất, Cơ quan quản lý tiền tệ của Hồng Kông (Trung Quốc) (HKMA) đã đưa ra khung pháp lý thử nghiệm để giám sát các ứng dụng công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng (FSS) lần đầu vào tháng 9/2016. Với FFS này, các ngân hàng và các doanh nghiệp công nghệ được phép tiến hành các thử nghiệm đối với các sáng kiến ứng dụng công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng cho một số lượng khách hàng giới hạn mà không cần phải tuân thủ đầy đủ các yêu cầu quản lý, giám sát của HKMA. Điều này cho phép các ngân hàng và các doanh nghiệp công nghệ thu thập thông tin và phản hồi để họ có thể điều chỉnh, hoàn thiện sáng kiến, qua đó đẩy nhanh việc tung ra các sản phẩm dịch vụ ngân hàng dựa trên công nghệ mới, giảm thiểu chi phí phát triển các sản phẩm này. FSS đưa ra giới hạn, bao gồm các khái niệm rõ ràng về phạm vi và giai đoạn áp dụng thử nghiệm, thời gian áp dụng và điều kiện kết thúc, các biện pháp bảo vệ khách hàng, bao gồm khách hàng được thông tin đầy đủ về các rủi ro liên quan và tự nguyện tham gia, vấn đề xử lý khiếu nại, bồi thường thiệt hại tài chính và quyền chấm dứt tham gia thử nghiệm; biện pháp kiểm soát rủi ro do không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quản lý thông thường và hệ thống giám sát thử nghiệm. HKMA có thể giảm các yêu cầu giám sát tùy thuộc vào từng dự án cụ thể. Tuy nhiên, FSS không được hiểu và sử dụng như một công cụ để bỏ qua các yêu cầu pháp lý và giám sát hiện hành[4].

Thứ hai, Ủy ban chứng khoán và giao dịch tương lai của Hồng Kông (Trung Quốc) (SFC) đã thiết lập khung pháp lý thử nghiệm vào ngày 29/9/2017, theo đó doanh nghiệp đủ điều kiện sẽ được phép tiến hành một số hoạt động liên quan đến chứng khoán nhưng không phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật chứng khoán thông qua các đối thoại và giám sát của SFC. SFC có thể áp dụng một số điều kiện khi cho phép doanh nghiệp tiến hành các hoạt động liên quan như: giới hạn loại khách hàng, giới hạn phạm vi hoạt động, chương trình bồi thường, kiểm toán định kỳ... Doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động trong khung pháp lý thử nghiệm sẽ được giám sát chặt chẽ bởi SFC khi các doanh nghiệp này tiến hành hoạt động liên quan. Trong những trường hợp này, SFC có thể tham gia vào các cuộc đối thoại sâu hơn để làm nổi bật những lĩnh vực các doanh nghiệp này tham gia, đồng thời cải thiện giúp các công ty này kiểm soát nội bộ và quản trị rủi ro.

Một khi doanh nghiệp đủ điều kiện chứng tỏ rằng công nghệ đó có thể tin cậy được và phù hợp với mục đích; các thủ tục kiểm soát nội bộ được giải quyết và các rủi ro được xác định, doanh nghiệp có thể nộp đơn cho SFC để loại bỏ hoặc có thể thay đổi một số hoặc toàn bộ các điều kiện cấp phép để hoạt động theo pháp luật chứng khoán (ngoài khung pháp lý thử nghiệm)[5]

Thứ ba, cơ quan quản lý bảo hiểm của Hồng Kông (Trung Quốc) (IA) cũng đã ban hành khung pháp lý thử nghiệm (Insurtech Sandbox) vào ngày 29/9/2017 cho các công ty bảo hiểm và các công ty công nghệ liên quan tương tự như khung pháp lý thử nghiệm của SFC[6]. Do đó, các doanh nghiệp tiến hành các hoạt động liên quan đến tài sản mã hóa, tiền mã hóa có thể đăng ký theo khung pháp lý thử nghiệm liên quan nêu trên.

2. Về quản lý hoạt động ICO

Như đã nêu ở trên, ICO nhìn chung không được quản lý tại Hồng Kông (Trung Quốc). Tuy nhiên, theo SFC, trong một số trường hợp nhất định, hoạt động ICO có thể thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật chứng khoán. Cụ thể:

- Tương tự cổ phiếu nếu xu kỹ thuật số (token) đại diện cho quyền sở hữu lợi nhuận trong doanh nghiệp, chẳng hạn như quyền nhận cổ tức hoặc quyền tham gia vào phân phối lợi nhuận của doanh nghiệp;

- Tương tự chứng chỉ nợ nếu xu kỹ thuật số được tạo ra để ghi nhận khoản nợ bởi nhà phát hành và trả nợ thông qua tiền lãi;

- Tương tự chứng chỉ quỹ nếu số tiền thu được thông qua phát hành xu kỹ thuật số sẽ được điều hành bởi những người điều hành ICO, tái đầu tư vào dự án, những người nắm xu sẽ được chia đều lợi nhuận, doanh thu, hoặc những lợi nhuận khác từ dự án.

Trong trường hợp này, các hoạt động liên quan ICO và xu kỹ thuật số đó sẽ được xem như chứng khoán và được quản lý bởi SFC theo pháp luật chứng khoán, ngay cả khi nhưng bên liên quan không hiện diện ở Hồng Kông (Trung Quốc) nhưng có các hoạt động hướng đến người dân Hồng Kông (Trung Quốc)[7]. Trong năm 2018, SFC đã áp dụng các biện pháp ngăn chặn cần thiết đối với doanh nghiệp phát hành ICO và sàn giao dịch tài sản mã hóa có đặc trưng của chứng khoán[8].

3. Về quản lý sàn giao dịch tài sản mã hóa, tiền mã hóa

Hiện tại, sàn giao dịch tài sản mã hóa về nguyên tắc chưa được quản lý ở Hồng Kông (Trung Quốc). Tuy nhiên, SFC khuyến cáo nếu tài sản mã hóa đó tương tự như chứng khoán thì việc sàn giao dịch cung cấp dịch vụ giao dịch, trao đổi tài sản mã hóa đó phải dừng giao dịch nếu không được SFC cấp phép theo pháp luật về chứng khoán và giao dịch tương lai (SFO)[9].

4. Quản lý thuế

Hiện nay, giao dịch liên quan đến tài sản mã hóa tại Hồng Kông (Trung Quốc) không chịu thuế giá trị gia tăng[10]. Tuy nhiên, các khoản thu nhập phát sinh từ kinh doanh tài sản mã hóa sẽ chịu thuế thu nhập như các khoản thu nhập truyền thống.

Tài liệu tham khảo

1. http://www.info.go.in/2018061300387. html

2. https://bitlegal.io/2017/11/16/hk-virtual-commodities/.

3. SFC Annual Report 2017-2018: Regulation for Quality Markets https://www.sfc.hk/web/files/ERƯAnnual%20Report-2017-18_Eng_full.pdf

4. https://www.sfc.hk/web/EN/sfc-fintech-contact-point/sfc-regulatory sandbox.html

5. https://www.ia.org.hk/en/aboutus/insurtech_corner.html.

6. http://www.info.gov.hk/gia/general/201711/08/P2017110800405.htm.

7. SFC Annual Report 2017-2018: Regulation for Quality Markets https://www.sfe.hk/web/files/ER/Annual%20Report/2017-18/EngSFC Annual Report_2017-18_Eng Full.pdf

8. https://charltonsquantum.com/our-work/fintech-icos-and cryptocurrencies/regulation - of - cryptocurrencies - and - icos

9. https://fynestuff.com/best-countries-cryptocurrency-investors/

 


[1] httpwdwww.info.go.in/2018061300387. html

[2] https://bitlegal.io/2017/11/16/hk-virtual-commodities/.

[3] SFC Annual Report 2017-2018: Regulation for Quality Markets tr. 3-9 https://www.sfc.hk/web/files/ERƯAnnual%20Report-2017-18_Eng_full.pdf

[4] Ngày 29/9/2017, HKMA đã điều chỉnh khung pháp lý thử nghiệm này với phiên bản mới FSS 2.0, Xem: https://www.hkm.gov.hk/eng key - functions/international financial - centro/fintech - supervisory sandbox.shtml

[5] https://www.sfc.hk/web/EN/sfc-fintech-contact-point/sfc-regulatory sandbox.html

[6] https://www.ia.org.hk/en/aboutus/insurtech_corner.html.

[7] http://www.info.gov.hk/gia/general/201711/08/P2017110800405.htm.

[8] SFC Annual Report 2017-2018: Regulation for Quality Markets, tr. 8, https://www.sfe.hk/web/files/ER/Annual%20Report/2017-18/EngSFC Annual Report_2017-18_Eng Full.pdf

[9] https://charltonsquantum.com/our-work/fintech-icos-and cryptocurrencies/regulation - of - cryptocurrencies - and - icos.

[10] https://fynestuff.com/best-countries-cryptocurrency-investors/.