Thứ hai, 30 Tháng 6 2014 00:00

Lựa chọn quản lý chính sách kinh tế hiện nay

1. Chính sách trọng cung và chính sách quản lý tổng cầu:

Chính sách trọng cung có thể hiểu là được tạo dựng bằng các cải cách vi mô và đó chính là những nền tảng vi mô của kinh tế vĩ mô nhằm nâng mức tăng trưởng tiềm năng của nền kinh tế. Trong ngắn hạn sẽ có sự chênh lệch giữa tăng trưởng thực tế và tăng trưởng tiềm năng do tác động của chu kỳ kinh tế  và do đó chính sách quản lý tổng cầu thực chất giúp nền kinh tế hấp thụ tốt nhất các cú sốc tạo ra những thay đổi lớn về tổng cầu thông qua việc sử dụng các công cụ chính sách để tác động tới các cấu phần của tổng cầu. Việc thực hiện chính sách kích cầu đã được các nhà kinh tế thống nhất 3 nguyên tắc cơ bản khi áp dụng là phải kịp thời, đúng đối tượng và chỉ sử dụng trong ngắn hạn.

      Trên thực tế, bên cạnh những chính sách trọng cung chủ yếu tác động đến tổng cung như chính sách công nghiệp, khoa học cộng nghệ… hoặc chỉ tác động tới tổng cầu như tăng chi tiêu Chính phủ, tăng lương… thì có nhiều chính sách vừa tác động lên tổng cung cũng như tồng cầu như chính sách thuế, đầu tư công… Việc tách bạch tác động của chính sách có thể sẽ khó khăn nhưng quan trọng nhất trong việc thiết kế chính sách cần tính toán đến sự đánh đổi giữa hiệu quả đạt được và chi phí tạo ra.

Quan điểm về kích thích tổng cầu trong bối cảnh hiện nay:

Trên thực tế mức độ ảnh hưởng từ phía cầu trong ngắn hạn phụ thuộc năng lực cung của nền kinh tế, nếu năng lực cung hạn chế hoặc yếu kém thì việc gia tăng tổng cầu dù với bất cứ lý do nào về cơ bản chỉ làm tăng giá và thâm hụt thương mại mà thôi, còn sản lượng thực tế sẽ không thay đổi nhiều. Ngược lại, nếu tăng trưởng tiềm năng được cải thiện và dồi dào thì việc gia tăng tổng cầu cuối cùng sẽ thực sự làm tăng sản lượng như lý thuyết Keynes đã đưa ra.

- Đối với cầu tiêu dùng có sự lan tỏa đến sản xuất giảm mạnh (-14.1%). Trong tiêu dùng của hộ gia đình bao gồm tiêu dùng cuối cùng sản phẩm sản xuất trong nước và tiêu dùng hàng nhập khẩu thì khi tiêu dùng hàng nhập khẩu sẽ không giúp gì cho GDP bởi vì các mặt hàng này trong nước không làm ra được mà phải nhập khẩu nên bản chất là làm giảm GDP; trong trường hợp dùng hàng sản xuất trong nước thì do nền kinh tế Việt Nam chủ yếu là gia công, không có công nghiệp phụ trợ nên dùng hàng trong nước thực ra cũng chỉ kích thích nhập khẩu nguyên vật liệu từ nước ngoài. Thật vậy, số liệu thống kê cho thấy 60% nhập khẩu là cho nguyên vật liệu cho sản xuất, khoảng 30% là máy móc thiết bị, chỉ khoảng xấp xỉ 10% là cho tiêu dùng.

- Đối với cầu đầu tư: Tính toán của chuyên gia cho thấy mức độ lan tỏa của đầu tư đến sản xuất cũng giảm mạnh (-17.1%) nhưng mức độ lan tỏa giảm đến giá trị gia tăng chỉ khoảng -5.6%. Điều này cho thấy lượng tiền bỏ ra đầu tư có 17.1% không đến được với sản xuất. Theo số liệu Thống kê Việt Nam tồn tại hai loại chỉ tiêu đều phản ánh vấn đền đầu tư là vốn đầu tư và tích lũy gộp tài sản, hai chỉ tiêu này có sự khác nhau đáng kể. Xét về cả vốn đầu tư và tích lũy gộp tài sản có thể thấy tỷ trọng của cầu đầu tư so với GDP giảm 9 điểm phần trăm trong giai đoan 2010 – 2012. Để ý rằng tỷ lệ để dành so với GDP đến giai đoạn hiện nay đã bằng hoặc cao hơn tỷ lệ tích lũy gộp tài sản so với GDP, trong khi vẫn phải vay nợ nhiều. Điều này có thể lý giải theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến 31/7, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 3,7%, thấp hơn mức tăng cùng kỳ 2013 là 4,7%. Như vậy có thể thấy dù mức để dành của nền kinh tế là khá cao nhưng lương để dành này vẫn chỉ là tiền tệ nằm ở hệ thống ngân hàng mà không đến được với sản xuất.

- Đối với xuất khẩu tuy làm tăng sản xuất xấp xỉ 12% nhưng lan tỏa đến giá trị gia tăng giảm (-13.3%) và quan trọng hơn là lan tỏa đến nhập khẩu tăng rất mạnh (52%). Điều này khẳng định xuất khẩu ở thời điểm hiện nay cơ bản là xuất khẩu sản phẩm thô, tài nguyên và sản phẩm gia công mà còn gây nên nhập siêu mạnh. Xét trong giai đoạn từ năm 2000 đến nay, nền kinh tế Việt Nam luôn trong tình trạng nhập siêu cao. Đỉnh điểm là năm 2008, tổng mức nhập siêu hàng hóa là trên 18 tỷ USD. Với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, vấn đề nhập siêu cũng không hẳn là không tốt, nếu các hàng hóa nhập khẩu phục vụ cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên trên thực tế, các loại hàng hóa nhập khẩu lại chủ yếu phục vụ cho khu vực FDI, một khu vực mà hầu hết máy móc, thiết bị, nguyên nhiên vật liệu… dùng cho sản xuất chủ yếu phải nhập khẩu, và sau đó lại phục vụ cho xuất khẩu. Những mặt hàng xuất khẩu như điện tử; máy tính và linh kiện; điện thoại và các loại linh kiện; hàng dệt may; giày dép... mang nặng tính lắp ráp gia công, hàm lượng giá trị gia tăng thấp, hiệu quả cho nền kinh tế cũng không cao. Điều này có thể thấy được qua nghiên cứu tình hình nhập siêu và tốc độ tăng trưởng GDP trong giai đoạn 2000-2012. Nhập siêu có cao hay thấp thì GDP vẫn tăng trưởng khá trong giai đoạn này. Năm 2012, xuất siêu là 284 triệu USD thì tăng trưởng GDP vẫn đạt được 5.03%, dù là thấp trong vòng 12 năm qua.

3. Một số kiến nghị:

Qua những dữ liệu trên có thể thấy mọi can thiệp vào phía các nhân tố của cầu không làm tăng thu nhập từ sản xuất mà chỉ tăng thâm hụt thương mại và rủi ro về lạm phát. Rõ ràng các chính sách quản lý tổng cầu là không phù hợp với Việt Nam hiện nay khi mà sản lượng tiềm năng không có dấu hiệu được cải thiện thông qua những chính sách trọng cung phù hợp và chi phí phải trả cho việc kích cầu có thể là sẽ rất cao.

Thời gian qua một số cơ quan đề xuất chính sách kích cầu đã tổ chức các đoàn khảo sát tới Nhật Bản để học tập kinh nghiệm nước bạn trong việc áp dụng Abenomics. Học thuyết này được Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đưa ra chủ trương dựa trên "ba mũi điểm" là kích thích tài chính, nới lỏng tiền tệ và cải cách cơ cấu. Đặc trưng của cơ bản của chương trình này là một "hỗn hợp tạo lạm phát, chi tiêu chính phủ và chiến lược tăng trưởng để đưa nền kinh tế ra khỏi lơ lửng trong hơn hai thập kỷ". Chương trình này dựa trên nền tảng sản xuất rất mạnh mẽ, hàng hóa nhiều với chất lượng và giá cả thấp. Với nền tảng là phía cung như vậy việc kích thích ở phía cầu có thể là hợp lý. Điền này khác hoàn toàn với Việt Nam khi phía cung vẫn còn yếu kém, sản xuất cơ bản là gia công thì việc can thiệp vào phía cầu không làm tăng sản lượng mà chỉ làm nền kinh tế đứng trước nhiều rủi ro về vĩ mô.

Trong những năm qua chúng ta đã chứng kiến những thành quả mà chính sách trọng cung mang lại cho đất nước, đặc biệt là nhiều cải cách lớn trong giai đoạn 2000-2006 như cho phép các doanh nghiệp trực tiếp xuất nhập khẩu, ban hành Luật Doanh nghiệp năm 2000, dỡ bỏ những rào cản trong việc thành lập doanh nghiệp, đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước… Do đó, Chính phủ cũng như Quốc hội cần nhất quán quan điểm rằng ở thời điểm hiện nay chúng ta cần hy sinh những mục tiêu ngắn hạn để dũng cảm từ bỏ những chính sách quản lý tổng cầu và kiên trì đẩy mạnh các biện pháp tái cơ cấu nền kinh tế - về cơ bản chính là chính sách trọng cung. Trong đó, mấu chốt là cải cách về thể chế kinh tế và chính trị để hàng triệu người năng động và có ý tưởng muốn đầu tư vào sản xuất thay vì chỉ đầu cơ đất đai hay tư vấn ăn bám vào các doanh nghiệp xây lắp; hơn 60% lực lượng lao động gia đình hay tự làm mà không chỉ là 1,84% được sử dụng hiệu quả và làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp; mức để dành của nền kinh tế đang ở mức cao không còn là tiền tệ nằm ở hệ thống ngân hàng hay chạy lòng vòng trong hệ thống thông qua mua trái phiếu mà phải đến được với khu vực sản xuất. Đó mới là chính sách lâu dài để đẩy mức sản lượng tiềm năng của chúng ta lên mức cao hơn và đạt được sự tăng trưởng bền vững, lâu dài hơn mà không chỉ là kích cầu ngắn hạn để năm nay hoặc năm tới có được mức tăng trưởng như ý để làm đẹp báo cáo.

Hiện nay hầu như các nhà nghiên cứu cũng như các nhà hoạch định chính sách thường đánh đồng ý niệm tăng trưởng kinh tế với tăng trưởng GDP, chỉ tiêu GDP chỉ tính đến các đơn vị thường trú trên lãnh thổ Việt Nam nhưng lại chưa đề cập đến cái mà một Quốc gia thực sự được hưởng là Tổng thu nhập Quốc gia ( GNI) và thu nhập Quốc gia khả dụng ( NDI) chứ không phải chỉ là chỉ tiêu GDP; nếu trong giai đoạn 2000 – 2006 tăng trưởng GDP và tăng trưởng GNI có độ chênh lệch chỉ khoảng 1%, thì độ chênh lệch về tăng trưởng GDP và GNI trong giai đoạn 2007 – 2012 lên đến 6 điểm phần trăm. Một trong những nguyên nhân quan trọng của sự sụt giảm này là do các chính sách của Việt Nam xoay chuyển từ tinh thần trọng cung sang quản lý tổng cầu. Việc xoay chuyển này, cùng với việc tiềm lực đã bung ra hết sau khi được cởi trói và những tiềm ẩn rủi ro do cấu trúc nền kinh tế lệch lạc từ trước và đầu tư không hiệu quả ngày càng có xu hướng gia tăng. Đặc biệt là sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thì sự lệch lạc ngày càng bộc lộ nhiều hơn.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành