Thứ năm, 24 Tháng 7 2014 00:00

Bài học kinh nghiệm tái cơ cấu nền kinh tế

1. Tình hình thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế thời gian qua:

Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, quyết định riêng về ba lĩnh vực. Trước đòi hỏi bức bách từ thực tế, Chính phủ đã ra Nghị quyết về tái cơ cấu nông nghiệp: ngày 10/6/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 899/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững là bổ sung kịp thời và đúng đắn.

Đề án xử lý nợ xấu, tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng được triển khai trên nhiều mảng cắt khúc, riêng lẻ, thiếu tính đồng bộ và cho đến nay chưa giải quyết những cản trở chính. Việc xử lý nợ xấu trên cơ sở chưa đánh giá đầy đủ quy mô nợ xấu, cơ cấu nợ xấu bằng mô hình VAMC với số vốn 400 tỷ đồng do Ngân hàng Nhà nước ứng ra đã không khai thông được vấn đề nợ xấu về thực chất. Không có tiền tươi thóc thật, chưa có quy chế bán lại nợ xấu, nợ xấu vẫn cản trở quá trình lưu thông của tín dụng trong nền kinh tế. Các vấn đề phức tạp về sở hữu chéo, chất lượng tín dụng, nhà đầu tư góp vốn vào ngân hàng để huy động số vốn cao hơn nhiều lần từ ngân hàng đó vi phạm các quy định pháp luật về tổ chức tín dụng vẫn chưa có lời giải.

Trong khi đó, thị trường bất động sản được đánh giá lên đến 21 tỷ USD, chôn một số vốn tín dụng khổng lồ khoảng 1 triệu tỷ đồng với rất nhiều yếu tố tiêu cực như lừa đảo, chiếm dụng vốn, tỷ lệ đút lót, lại quả rất cao, phải cần đến khoảng 7 năm để giải quyết, liên quan mất thiết đến nợ xấu và hoạt động ngân hàng nhưng đã không có đề án tái cơ cấu lĩnh vực này một cách toàn diện và có hệ thống mà chỉ có dự án cho vay với tổng số vốn là 30.000 tỷ đồng, được giải ngân rất chậm và chỉ có tác động rất hạn chế đến việc giải tỏa kho bất động sản đang tồn đọng trên thị trường. Các vấn đề khác của thị trường bất động sản được đề cập riêng lẻ trong những đề án khác như Luật đất đai, Luật kinh doanh bất động sản, Luật nhà ở trong khi công luận đã phát hiện những chống chéo, vướng mắc giữa các luật trên. Kết quả là bong bóng bất động sản tiếp tục tác động đến cục máu đông nợ xấu, sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng.

Dư luận cho rằng với cách tiếp cận này, hành vi đầu cơ trong bất động sản không bị xử lý, những nhà đầu cơ được an toàn và không thể loại trừ khả năng sẽ có những làn sóng đầu cơ mới xuất hiện trong tương lai, lại gây tác hại lớn cho kinh tế và xã hội.

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước tập trung vào cổ phần hóa với tốc độ cao, trong khi các vấn đề khác rất quan trọng như đại diện chủ sở hữu, tách bạch rõ quản lý nhà nước với đại diện chủ sở hữu và bổ nhiệm nhân sự, thực hiện công khai minh bạch vẫn chưa được giải quyết và chưa có tiến bộ rõ rệt nào trong thực tế. Ngân sách nhà nước bội chi vượt xa dự toán, nợ công tăng nhanh, thu ngân sách không đủ để trang trải chi thường xuyên, phải vay mới để trả nợ cũ cũng là những đòi hỏi bức bách phải tái cơ cấu ngân sách nhà nước, kiểm soát chi ngân sách có hiệu quả, khắc phục tình trạng chi tiêu ngân sách lãng phí, song nhiệm vụ này không được thể hiện trong một đề án tái cơ cấu ngân sách mà chỉ được xác định trong Nghị quyết của Quốc hội và thực hiện trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách với những tác động rất hạn chế trong thực tế.

Có thể thấy hai yếu tố quan trọng chưa được đề cập thỏa đáng trong các dự án tái cơ cấu kinh tế kể trên. Trước hết là vai trò của khoa học - công nghệ hầu như chưa được đề cập đến như một nhiệm vụ hàng đầu để thúc đẩy hiệu quả, năng lực cạnh tranh như Nghị quyết Đại hội XI đã chỉ ra. Các chỉ tiêu về khoa học - công nghệ chưa được đề ra trong các đề án tái cơ cấu của từng lĩnh vực, yêu cầu kết hợp khoa học-công nghệ với doanh nghiệp, vai trò của Bộ Khoa học - Công nghệ, các Viện và Trung tâm khoa học chưa được đề cập tới. Tái cơ cấu là cơ hội để thúc đẩy tiến bộ khoa học-công nghệ, giảm tiêu hao vật tư, nguyên, nhiên liệu, xử lý ô nhiễm môi trường, rác thải, nâng cao năng lực cạnh tranh, đòi hỏi doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ, sản phẩm... Việc thay đổi các chính sách đòn bẩy, cải cách thể chế để chuyển động lực phát triển kinh tế hiện nay chủ yếu dựa vào các mối quan hệ, khai thác nguồn tiền vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, khai thác chênh lệch giá của đất đai, tài nguyên mỏ, rừng,... sang phát huy khoa học - công nghệ, nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh cũng chưa được đề ra. Thực tế của số ít ỏi các doanh nghiệp vươn lên nhờ vận dụng khoa học - công nghệ cho thấy các doanh nghiệp có tiềm năng lớn chưa được khai thác và để vận dụng thành công khoa học-công nghệ, doanh nghiệp rất cần vai trò hỗ trợ và bà đỡ của nhà nước. Việc đề ra các yêu cầu đổi mới và vận dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong tái cơ cấu kinh tế là hết sức cần thiết và hoàn toàn có tính khả thi.

2. Một số kiến nghị chính sách thời gian tới:

Để nâng cao, thúc đẩy hiệu quả huy động Ngân sách nhà nước cần giải quyết những vấn đề còn tồn đọng, cần có những giải pháp mang tính dài hơi và cả những giải pháp tình thế. Trước mắt cần điều chỉnh chính sách tài khoá làm mở rộng không gian huy động nhằm tăng hiệu quả huy động và sử dụng nguồn Ngân sách Nhà nước.

Giải pháp tình thế trước mắt cần triển khai khẩn trương chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc chỉ thị 09/CT-TTg ngày 24/05/2013 về tăng cường chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ tài chính và chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 28/06/2013 về tăng cường quản lý đầu tư, xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn Ngân sách và trái phiếu chính phủ. Tiếp tục tiến hành các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo các Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng tổng cầu nền kinh tế. Tiến hành nhanh gọn các biện pháp nhằm giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, đặt biệt đối với các dự án cấp bách có thể giải quyết nhanh đưa vào sử dụng.

Việc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế lớn thuộc Nhà nước là vô cùng bức thiết, cần khẩn trương thực hiện để có thể đáp ứng với sự vận động liên tục của thị trường. Đầu tiên cần phải đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá tại từng tập đoàn, công ty. Những quy định lạc hậu, không còn phù hợp với xu thế gây cản trở cho quá trình tái cơ cấu cần phải được gỡ bỏ ngay lập tức, tạo điều kiện thúc đẩy quá trình tái cơ cấu . Ngoài ra việc tiến hành bán cổ phần cho người lao động kèm theo những ưu đãi cũng là một giải pháp khá thiết thực trong giai đoạn hiện nay. Đối với các tập đoàn, công ty đã báo cáo hoàn thành xong quá trình tái cơ cấu cũng cần phải triển khai công tác thanh tra, kiểm tra chặt chẽ nhằm đánh giá hiệu quả thực tế một cách chính xác. Tránh các trường hợp “bình mới rượu cũ”, chỉ thật sự thay đổi hình thức bên ngoài còn về bản chất và phương thức hoạt động vẫn đi theo lối mòn cũ, mang nặng tính hành chính gây tác dụng phụ đi ngược lại với quy luật vận động của thị trường.

Việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng phải luôn song hành với hoạt động điều chỉnh cấu trúc của thị trường tài chính nhằm đồng bộ hoá trình độ và mức độ phát triển của các nhân tố cấu thành thị trường thành một thể thống nhất, qua đó cụ thể hoá các mục tiêu quan trọng của chính sách tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước đóng vai trò điều hành thị trường cần xây dựng những hoạch định mang tầm chiến lược, có tính khả thi và tính thuyết phục cao nhằm tạo lập một hệ thống tài chính lành mạnh, môi trường cạnh tranh bình đẳng và hệ thống thông tin minh bạch, qua đó giúp thị trưởng phát triển ổn định hơn. Các chính sách, cơ chế được xây dựng cần phải dựa trên lợi ích và triển vọng của khu vực tài chính; các hoạch định và chính sách này cần phải được đổi mới hơn, áp dụng linh hoạt hơn nhằm thích ứng tốt nhất với các biến động lớn của thị trường, qua đó hạn chế và quản trị tốt rủi ro. Ngoài ra, hệ thống cán bộ thanh tra cần phải được cải thiện và kiện toàn hơn nữa để có thể quản lý tốt các biến cố mới, phức tạp của thị trường và thích nghi với sự đa dạng của thị trường tài chính.

Sửa đổi lần cuối Thứ tư, 08 Tháng 10 2014 03:59

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành