Thứ năm, 24 Tháng 7 2014 00:00

Một số kiến nghị trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước

1. Tình hình thực hiện tái cơ cấu trong khu vực doanh nghiệp Nhà nước:

Trong giai đoạn 2011-2013, chuyển biến đáng kể nhất là tổng lợi nhuận toàn khối doanh nghiệp Nhà nước có xu hướng tăng lên. Mặc dù số lượng doanh nghiệp Nhà nước có giảm xuống, cơ cấu tài sản và vốn chủ sở hữu tiếp tục tăng lên. Tuy nhiên, quy mô nợ ở các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vẫn rất cao, quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước diễn ra chậm chạp, các vấn đề đối với quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước trong giai đoạn 2001-2010 vẫn chưa được giải quyết trong giai đoạn 2011-2013.

Trong khoảng thời gian 2005-2008, các doanh nghiệp Nhà nước của Việt Nam lại được phép mở rộng ngành nghề kinh doanh khá dễ dàng. Theo Nghị định 09, công ty nhà nước được phép đầu tư trái ngành tối đa 30% tổng nguồn vốn đầu tư. Hệ quả là đa phần các tổng công ty nhà nước đã đầu tư ngoài ngành. Trong ba năm 2005-2007, liên tiếp 8 tập đoàn kinh tế kinh doanh đa ngành nghề được thí điểm thành lập. Sau đó, năm 2009-2010, kể cả khi Vinashin bắt đầu đổ vỡ, lại có thêm 4 tập đoàn mới được hình thành. Các tập đoàn và tổng công ty nhà nước đã đẩy mạnh thực hiện đầu tư đa lĩnh vực, ngành nghề, trong đó các lĩnh vực hấp dẫn nhất giai đoạn này là chứng khoán, bất động sản, đầu tư tài chính… Tính đến hết năm 2011, các tập đoàn kinh tế nhà nước đầu tư ngoài ngành gần 23.744 tỷ đồng, tăng 3.056 tỷ đồng so với năm 2010. Trong đó, lớn nhất là lĩnh vực ngân hàng với 11.403 tỷ đồng, tiếp đến là bất động sản với 9.286 tỷ đồng. Đầu tư vào bảo hiểm là 1.682 tỷ đồng, chứng khoán là 696 tỷ đồng và quĩ đầu tư là 677 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư của các tập đoàn ra ngoài ngành khá thấp - dưới 7%, thậm chí bị thua lỗ kéo dài. Nhiều khoản đầu tư cổ phiếu bị tổn thất hoặc không nhận được cổ tức. Các hoạt động đầu tư ngoài ngành đối với hoạt động kinh doanh của các tập đoàn và tổng công ty đã không đem lại hiệu quả như dự tính.

  Bước sang năm 2014, có sự thay đổi rõ rệt và mạnh mẽ trong động thái cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Với cách tiếp cận phải đặt quá trình tái cơ cấu trên nền tảng các nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường: cạnh tranh tự do, bình đẳng và hệ thống giá được thiết lập trên cơ sở chủ yếu là cung - cầu thị trường và cạnh tranh, Chính phủ đã tỏ ra quyết liệt hơn trong việc đẩy mạnh chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, coi đây là hướng ưu tiên trong 3 trục chính của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Chính phủ đặt ra nhiệm vụ trong 2 năm 2014-2015, phải cổ phần hóa được 532 doanh nghiệp Nhà nước, tức là căn bản hoàn thành toàn bộ chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. So với tốc độ cổ phần hóa cực kỳ chậm chạp của những năm trước, đặt trong bối cảnh cả nền kinh tế - cả khu vực nhà nước và khu vực doanh nghiệp – đều gặp khó khăn, đặc biệt là nguồn lực tài chính, nhiệm vụ cổ phần hóa 532 doanh nghiệp Nhà nước dường như là một thách thức to lớn mà Chính phủ tự đặt ra cho mình. Thực tế là trong 6 tháng đầu năm 2014, mới cổ phần hóa được 38 doanh nghiệp Nhà nước, tương đương 3,9% số doanh nghiệp Nhà nước phải cổ phần hóa trong 2 năm 2014-2015 và 10,4% kế hoạch năm 2014. Tuy nhiên, động thái ban đầu của nỗ lực vượt qua thách thức này là tích cực và có vẻ đúng hướng, đúng cách. Việc gắn trách nhiệm cá nhân của lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước với kết quả cổ phần hóa doanh nghiệp đang tạo ra áp lực và động lực khá mạnh để thúc đẩy quá trình này nhanh và hiệu quả hơn trong quãng thời gian còn lại.

Trước tình trạng đầu tư ngoài ngành dàn trải và kém hiệu quả của các doanh nghiệp Nhà nước, Chính phủ đã chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước dừng đầu tư ra ngoài ngành, tính toán rút dần các khoản đã đầu tư ngoài ngành để tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực chính. Theo đó, từ cuối 2011 đến năm 2015, các tập đoàn, tổng công ty phải hoàn thành thoái vốn đầu tư ngoài ngành và không có ngoại lệ.

2. Đề xuất thúc đẩy quá trình tái cơ cấu trong khu vực doanh nghiệp Nhà nước:

Trước hết là phải xác định được tư duy về vai trò của kinh tế nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. doanh nghiệp Nhà nước chỉ hoạt động trong những lĩnh vực mà khu vực tư nhân không muốn làm. Ngay cả với các lĩnh vực này, Chính phủ có thể cân nhắc mua các dịch vụ tương tự từ các nhà cung ứng của khu vực tư nhân.

Mục tiêu, tiến độ cổ phần hóa cũng cần được điều chỉnh. Điểm quan trọng nhất là cổ phần hóa phải hướng tới nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhằm góp phần tăng cường chất lượng hàng hóa, dịch vụ cho nền kinh tế, qua đó thúc đẩy quá trình cải thiện năng lực cạnh tranh và tái cơ cấu nền kinh tế nói chung.

Về vấn đề thoái vốn khỏi các dự án đầu tư ngoài ngành, cản trở lớn nhất hiện nay là liệu doanh nghiệp Nhà nước có quyết tâm muốn làm theo đúng kế hoạch hay không. Để giải quyết vấn đề này các doanh nghiệp Nhà nước cần lên kế hoạch rõ ràng về qui trình thoái vốn: thời điểm nào thì định giá xong, thời điểm nào thì các cơ quan có thẩm quyền phải phê duyệt, thời điểm nào thì đưa ra bán đầu giá, nếu không đấu giá thành công thì phần vốn nhà nước sẽ chuyển về cho SCIC như thế nào… Bộ Tài chính hoặc cơ quan chịu trách nhiệm về tiến độ thoái vốn nên lập một website công khai kế hoạch thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước. Đây sẽ là cơ sở để người dân theo dõi và giám sát cũng như chủ động vào việc tham gia đấu giá doanh nghiệp.

Chính phủ cần mạnh dạn đổi mới tư duy về quản trị doanh nghiệp Nhà nước. Chính phủ nên thuyết phục từ bỏ chức năng đại diện quyền chủ sở hữu của các Bộ, ngành và địa phương sẽ giúp cho họ tập trung và chuyên môn hoá nhiều hơn vào việc xây dựng các chính sách quản lý và giám sát. Chính phủ cần xây dựng và ban hành một văn bản qui định rõ ràng hai loại vị trí người quản giám là người phải vì lợi ích công và đại diện tham gia quản trị doanh nghiệp Nhà nước để hướng doanh nghiệp Nhà nước theo đuổi đúng các tôn chỉ lợi ích công; người quản lý là người được hội đồng quản trị doanh nghiệp Nhà nước thuê để điều hành doanh nghiệp Nhà nước hiệu quả theo những mục tiêu mà hội đồng quản trị đề ra.

Nhà nước sẽ không tiếp tục rót vốn vào các dự án bị kéo dài, chậm tiến độ; cộng với chính sách giao quyền tự chủ phải gắn liền với chế độ tự chịu trách nhiệm của người đứng đầu; nói chung đã thúc đẩy việc tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước theo hướng hiệu quả ở hầu hết các nước chuyển đổi. Sự khác biệt về mức độ thành công là do khả năng giữ cam kết. Nếu doanh nghiệp Nhà nước tin rằng, Chính phủ sẽ thực hiện nghiêm chỉnh quy định đã nêu, thì hiệu quả sẽ ngay lập tức được cải thiện. Ngược lại, nếu doanh nghiệp Nhà nước lại tin rằng, chính phủ vẫn sẵn sàng cứu vớt họ khi bị thua lỗ; và sẽ không bị quy kết trách nhiệm, khi để xẩy ra hậu quả nghiêm trọng, thì họ sẽ có động cơ trục lợi, rồi đổ vấy thất bại hay thua lỗ cho những yếu tố ngẫu nhiên bên ngoài. Vì vậy, khả năng cam kết là yếu tố quyết định sự thành bại của cải cách. Khả năng đó phụ thuộc vào tính hiệu quả của cơ chế giám sát. Nhìn chung, Chính phủ có khả năng giữ cam kết cao, ở những lĩnh vực nó giám sát được và sớm phát hiện ra những hành vi gây hậu quả nghiêm trọng; mà ngăn chặn nó sẽ có lợi hơn. Ngược lại, Chính phủ sẽ khó giữ khả năng cam kết ở những lĩnh vực không phát hiện kịp thời rủi ro tiềm ẩn, và buộc phải cứu vớt Tập đoàn khi nó đã bị vỡ nợ, nếu sự sụp đổ của nó gây tác động rất tiêu cực đến sự ổn định kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, nếu rủi ro nợ và vỡ nợ của doanh nghiệp Nhà nước cứ tiếp tục tăng; thì khả năng chính phủ bảo lãnh để tái cấu trúc nợ như đã làm với Vinashin sẽ ngày một khó hơn. Nhận thức được điều đó, thì việc giám sát các Tập đoàn ngày càng trở nên cấp bách.

    Cổ phần hóa các Tập đoàn Nhà nước, có nghĩa là chúng buộc phải gây vốn thông qua phát hành cổ phiếu; hoặc đi vay ngân hàng thương mại với lãi suất không ưu đãi; và bị siết chặt chi ngân sách cho các Tập đoàn này. Việc làm sai nguyên tắc đó, tức là cho các Tập đoàn doanh nghiệp Nhà nước phát hành cổ phiếu, đi kèm với tăng vốn vay ưu đãi hoặc vốn ngân sách chi cho đầu tư, thì sẽ lại làm nóng thị trường tài chính  mới nổi. Làm sụt giảm hơn nữa lợi thế cạnh tranh động; làm tăng rủi ro có thêm “Vinashin” mới và tăng tỷ lệ nợ/ GDP. Khủng hoảng nợ và suy thoái kinh tế kéo dài là điều không tránh khỏi. Điều đó bao hàm rằng, tái cấu trúc Tập đoàn doanh nghiệp Nhà nước phải đi kèm với tái cấu trúc hệ thống ngân hàng chuyên dụng. Chúng sẽ không thể tiếp tục là kênh bơm vốn với lãi suất ưu đãi tới địa chỉ đã định bởi Bộ Kế hoạch – Đầu tư và Bộ Tài chính. Việc đầu tư nguồn vốn quá lớn vào một số ít Tập đoàn sẽ kích thích từng ngân hàng chuyên dụng tiếp tục bơm vốn để cứu các dự án lớn thua lỗ. Như kinh nghiệm năm 2008- 2011, khi lãi suất vay liên ngân hàng tăng vọt, thì đó là tín hiệu của tỷ lệ nợ xấu, không đòi được, đã tăng đến mức báo động. Do vậy, một yêu cầu khách quan là cần “phi tập trung hóa” các ngân hàng chuyên dụng, như Agribank. Việc phân nhỏ các ngân hàng chuyên dụng; biến chúng thành  rất nhiều ngân hàng nhỏ, sẽ khiến mỗi ngân hàng chỉ có thể chiếm một tỷ lệ nhỏ trong các dự án đầu tư; mở ra khả năng từng ngân hàng nhỏ sẽ sẵn sàng từ bỏ các dự án làm ăn thua lỗ, để nhẩy sang dự án sinh lãi. Tức là, khả năng cam kết tăng lên. Nói gọn lại, tái cấu trúc tập đoàn doanh nghiệp Nhà nước đòi hỏi tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại theo hướng tạo ra một thị trường vốn, gồm nhiều ngân hàng nhỏ cạnh tranh.

Sửa đổi lần cuối Thứ tư, 08 Tháng 10 2014 04:04

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành