Thứ hai, 22 Tháng 6 2020 07:34

VAI TRÒ CỦA CƯỠNG CHẾ HÀNH CHÍNH

Việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân đồng nghĩa với việc dần hạn chế sử dụng phương pháp cưỡng chế để thực hiện quyền lực nhà nước và ngày càng sử dụng nhiều hơn các chế định dân chủ để khắc phục những mâu thuẫn và bất đồng nảy sinh. Quan niệm về cưỡng chế hành chính cũng như giới hạn của việc áp dụng cưỡng chế trong giai đoạn hiện nay cũng sẽ phải thay đổi để phù hợp với các điều kiện kinh tế - xã hội. Trong nhà nước pháp quyền, vấn đề có tính nguyên tắc là quyền lực nhà nước cần phải giới hạn để bảo vệ công dân của nhà nước. Việc áp dụng cưỡng chế trong hoạt động quản lý hành chính cũng như các lĩnh vực hoạt động khác của nhà nước sẽ tác động trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân. Giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa một bên là yêu cầu bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân với một bên là nhu cầu sử dụng cưỡng chế để bảo đảm thực hiện quyền lực nhà nước là một yêu cầu cấp bách trong bối cảnh hiện nay. Những yêu cầu này đòi hỏi vai trò của cưỡng chế hành chính nhằm đáp ứng sự đổi mới trong cách nhìn nhận, đánh giá và áp dụng cưỡng chế hành chính.

Cưỡng chế hành chính là biện pháp bảo đảm để thực thi quyền lực nhà nước trong lĩnh vực hành pháp, bảo đảm trật tự quản lý nhà nước.

Quyền lực nhà nước trong lĩnh vực hành pháp được thực hiện thông qua nhiều biện pháp, cách thức khác nhau như: thuyết phục, cưỡng chế, kinh tế, vv.. Biện pháp nào giữ vai trò chủ yếu trong thực thi quyền hành pháp tùy thuộc vào bản chất, tính xã hội của nhà nước. Trong môi trường xã hội chủ nghĩa, lợi ích của chủ thể quản lý và đối tượng quản lý về cơ bản là nhất trí, hoạt động quản lý nhà nước thể hiện ý chí và phục vụ lợi ích của nhân dân. Vì vậy, biện pháp quản lý chủ yếu là thuyết phục. Mặt khác, thuyết phục chiếm ưu thế còn bởi xuất phát từ hiệu quả của việc áp dụng biện pháp này. Khi các đối tượng quản lý đồng thuận và tự nguyện thì hiệu quả của hoạt động quản lý sẽ cao hơn nhiều so với khi họ bị cưỡng bức thực hiện. Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu cho rằng trong quản lý nhà nước và xã hội chỉ cần các biện pháp thuyết phục. Bởi vì trong xã hội còn tồn tại vi phạm pháp luật thì còn cần phải áp dụng cưỡng chế. Mọi hiện tượng vi phạm pháp luật đều có hại cho xã hội vì nó phá vỡ trật tự pháp luật, xâm hại đến các quan hệ xã hội mà pháp luật bảo vệ. Nếu chỉ áp dụng thuyết phục trong những trường hợp này sẽ không giải quyết được các yêu cầu đặt ra. Biện pháp cưỡng chế lúc này lại là một biện pháp cần thiết và hữu hiệu. Việc áp dụng cưỡng chế đối với các hành vi vi phạm pháp luật là nhằm bảo vệ chế độ xã hội, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật, tạo điều kiện cho những quan hệ xã hội phát triển đúng hướng.

Trật tự quản lý nhà nước chỉ có được thông qua các hành vi hợp pháp của các chủ thể tham gia hoạt động quản lý. Khi trật tự đó bị phá vỡ bởi các hành vi vi phạm pháp luật thì nó chỉ được thiết lập lại thông qua việc xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật và khôi phục nhanh chóng hậu quả. Cưỡng chế hành chính là biện pháp bảo đảm cho hoạt động điều hành hành chính diễn ra bình thường bằng cách loại bỏ những trở ngại (các vi phạm pháp luật), nhờ đó mà trật tự quản lý nhà nước được thiết lập và bảo vệ.

Mặt khác, khi trong xã hội xảy ra các tình huống bất thường (tình huống “vượt quá giới hạn hay tầm kiểm soát, quản lý của con người, xã hội và bộ máy lãnh đạo, quản lý đất nước"; “có tác động và ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống hiện tại và lâu dài của con người và xã hội theo chiều hướng tiêu cực"; “phạm vi ảnh hưởng là rất lớn, có thể tác động trực tiếp đến một địa phương, một quốc gia, hay thậm chí là cả một khu vực và cộng đồng quốc tế"[1]), thì cưỡng chế hành chính là biện pháp hữu hiệu để nhanh chóng thiết lập lại trật tự quản lý nhà nước mà các biện pháp khác khó lòng đáp ứng được. Khi những tình huống bất thường xảy ra, cần phải có các giải pháp xử lý đặc biệt, mau lẹ, chính xác, nhằm hạn chế đối đa những thiệt hại có thể xảy ra. Cưỡng chế hành chính trong trường hợp này là đặc biệt cần thiết và khách quan của đời sống cộng đồng để buộc cá nhân, tổ chức thực hiện các nghĩa vụ pháp lý bắt buộc, để huy động các nguồn lực vật chất bằng mệnh lệnh hành chính đáp ứng nhu cầu của nhà nước mà các biện pháp huy động khác không thực hiện được, v.v.. Việc cưỡng chế buộc mọi người phải thi hành pháp luật vô điều kiện trong những tình huống bất thường không nhằm mục tiêu nào khác là nhanh chóng khôi phục lại trật tự, đời sống, hoạt động thường ngày của xã hội, cộng đồng dân cư, kịp thời khắc phục các hậu quả, đưa các hoạt động của xã hội trở lại trạng thái bình thường. Trong những tình huống đó, các biện pháp cưỡng chế hành chính được xem là công cụ có nhiều tính “ưu việt" để các nhà quản lý thực hiện công tác quản lý nhà nước, duy trì trật tự, ổn định xã hội bởi tính mệnh lệnh đơn phương, thủ tục nhanh gọn.

Trong những trường hợp như vậy, cưỡng chế hành chính là biện pháp cần thiết để bảo đảm sự tuân thủ của các đối tượng quản lý, bảo đảm cho quyền lực nhà nước được thực thi. Tuy nhiên, cho dù cưỡng chế hành chính là biện pháp hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước, nhưng nó chỉ được sử dụng trong những trường hợp cần thiết, khi các biện pháp khác không đem lại hiệu quả hoặc không có khả năng đem lại hiệu quả.

Cưỡng chế hành chính có vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa vi phạm pháp luật, đồng thời là phương tiện để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

Cưỡng chế hành chính không những có vai trò quan trọng đối với nhà nước, với tư cách là chủ thể quản lý, mà còn có tác động tích cực đối với cả người dân - các đối tượng quản lý trong hoạt động quản lý của nhà nước.

Cưỡng chế hành chính góp phần quan trọng trong việc phòng ngừa vi phạm pháp luật, giữ vững trật tự quản lý hành chính nhà nước. Các biện pháp cưỡng chế khi tác động trực tiếp đến chủ thể vi phạm pháp luật sẽ làm diễn ra quá trình tâm lý ở người vi phạm, tạo ra sự củng cố, thay đổi nhất định về quan điểm, tình cảm, thói quen, hành vi pháp luật. Người/tổ chức vi phạm sẽ thấy được sự cần thiết phải tuân theo pháp luật, kiềm chế, từ bỏ ý định tái phạm hoặc thận trọng hơn để tránh xử sự của mình trở thành vi phạm pháp luật. Biện pháp cưỡng chế còn ngăn ngừa, răn đe tất cả những chủ thể khác trong xã hội, khiến họ phải kiềm chế, giữ mình không vi phạm pháp luật. Điều này trước hết có tác dụng đối với các chủ thể không vững vàng" trong xã hội. Trong trường hợp này, các biện pháp cưỡng chế được áp dụng làm cho những chủ thể “không vững vàng” thấy trước được những hậu quả pháp lý bất lợi nếu họ cố tình vi phạm pháp luật.

Cưỡng chế hành chính là phương tiện để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Việc áp dụng cưỡng chế hành chính mặc dù làm hạn chế quyền, lợi ích của một số người, nhưng là để bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp khác trong xã hội. Bởi vì quyền, tự do cá nhân không mang tính tuyệt đối, nó là một phạm trù pháp lý “có giới hạn" vì xã hội, nhà nước và cá nhân khác cũng có tự do của mình. Trong trạng thái tự nhiên, tự do của người này có thể làm hạn chế tự do, xâm phạm đến lợi ích của người khác, dễ gây rối loạn và không có trật tự xã hội. Vì vậy, mỗi người phải tôn trọng quyền, tự do và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích của nhà nước, xã hội. Quyền, tự do, lợi ích của mỗi người chỉ có được trên cơ sở tôn trọng và bảo đảm quyền, tự do, lợi ích hợp pháp của người khác. Vì vậy, suy cho cùng, mục đích của việc hạn chế quyền, lợi ích của một số người khi áp dụng cưỡng chế hành chính cũng là để bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân trong xã hội.

Các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân được bảo vệ thông qua việc nhà nước áp dụng các biện pháp cưỡng chế cần thiết để kịp thời ngăn chặn những hành vi xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Mặt khác, khi quyền, lợi ích đó bị xâm phạm thì cưỡng chế khắc phục hậu quả là việc làm cần thiết thuộc trách nhiệm của Nhà nước nhằm khôi phục lại những quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm đó. Bảo vệ quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức còn bao gồm cả hình thức xử lý vi phạm từ phía nhà nước sao cho mọi hành vi xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Ở Việt Nam, quyền con người, quyền công dân được nhà nước tôn trọng và bảo vệ. Mọi hành động xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức đều bị xử lý theo pháp luật.

Cưỡng chế hành chính có vai trò quan trọng trong giáo dục ý thức pháp luật, kích thích các hành vi hợp pháp trong xã hội, qua đó củng cố trật tự xã hội.

Không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với nhà nước và các cá nhân, tổ chức nhất định, cưỡng chế hành chính còn có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với toàn xã hội nói chung.

Cưỡng chế hành chính, ngay khi tồn tại trong quy phạm pháp luật đã là các biện pháp răn đe, giáo dục mọi người tinh thần tôn trọng và tuân thủ pháp luật (vai trò phòng ngừa chung). Giá trị xã hội của cưỡng chế hành chính không chỉ nhằm phòng ngừa vi phạm pháp luật, khắc phục những hậu quả của việc vi phạm đó, thiết lập và giữ gìn trật tự pháp luật mà còn giáo dục người vì phạm pháp luật, giáo dục ý thức pháp luật cho mọi công dân, cổ vũ các hành vi hợp pháp trong xã hội.

Khi tác động lên các quan hệ xã hội, cưỡng chế hành chính không chỉ tác động trực tiếp lên hành vi của con người mà còn gián tiếp tác động lên suy nghĩ, tình cảm của họ, gây ra những biến đổi trong tâm lý, động cơ, cũng như mục đích, ý nghĩa của hành vi. Ban đầu, đối với người có hành vi được thực hiện, người ta kiểm soát hành vi chủ yếu do sự lo sợ cho bản thân. Còn về sau, người ta thực hiện hành vi là do sự tự giác, do bổn phận của cá nhân vì thấy được ý nghĩa của hành vì đó đối với cộng đồng và xã hội. Bản thân các biện pháp cưỡng chế hành chính trước và sau khi áp dụng đều có ý nghĩa giáo dục to lớn. Điều đó đem lại những chuyển biến đáng kể trong ý thức của những chủ thể chịu sự tác động trực tiếp hay gián tiếp của cưỡng chế hành chính, cho dù họ có vi phạm pháp luật và trực tiếp bị áp dụng biện pháp cưỡng chế hành chính đó hay không.

Việc Nhà nước dự kiến các biện pháp tác động đến xã hội bằng cưỡng chế hành chính xuất phát từ lợi ích xã hội, lợi ích giai cấp thông qua hệ thống các quy định của pháp luật. “Tự do của con người chỉ tồn tại trong khuôn khổ nhất định, vì vậy mỗi người muốn được tự do thì phải bớt một phần ý muốn hay sở thích của cá nhân vì lợi ích chung của xã hội để phần tự do ấy được bảo đảm. Vì lý do đó, mỗi thành viên trong xã hội phải chấp nhận từ bỏ làm điều mà pháp luật cấm và phải thực hiện thêm một số công việc để có thể thỏa mãn cho nhu cầu của bản thân và cũng có thể vì lợi ích xã hội"[2]. Điều đó sẽ làm cho con người sống có kỷ luật hơn và có ý thức cao hơn về trách nhiệm trước cộng đồng. Đó chính là vai trò giáo dục ý thức pháp luật của cưỡng chế hành chính. Có ý thức pháp luật, công dân có điều kiện rèn luyện thói quen xử sự theo đúng pháp luật. Ý thức pháp luật thấp thì thói quen hành xử theo pháp luật không hình thành. Vì vậy, ý thức pháp luật của người dân được nâng cao sẽ là nhân tố kích thích các hành vi hợp pháp trong xã hội.

Cưỡng chế hành chính không chỉ có tác dụng giáo dục ý thức tôn trọng và thực hiện pháp luật nghiêm minh, tạo điều kiện cho mọi người tránh khỏi vi phạm, mà còn làm cho mọi người nhận thức đúng sự công bằng, nhân đạo và tính tất yếu của biện pháp cưỡng chế, tin tưởng vào công lý, tích cực đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật, hạn chế đến mức thấp nhất hiện tượng vi phạm pháp luật. Qua đó, hướng tới việc hoàn thiện con người, hình thành những công dân tự giác, tôn trọng và tuân thủ pháp luật, trật tự xã hội ngày càng được củng cố vững chắc.

Ở đây, cũng cần nhấn mạnh rằng không nên tuyệt đối hóa vai trò của cưỡng chế hành chính nói riêng và cưỡng chế nhà nước nói chung. Pháp luật không chỉ có cưỡng chế để đạt được các mục tiêu nói trên. Và xã hội cũng không phải chỉ có pháp luật để thực hiện những vai trò này. Bên cạnh cưỡng chế còn có thuyết phục và các phương pháp quản lý xã hội khác. Cưỡng chế hành chính chỉ phát huy vai trò của mình trong những điều kiện và hoàn cảnh phù hợp. Nhận thức đúng về vai trò của cưỡng chế hành chính mới có thể vận dụng tốt và hiện thực hóa những vai trò đó.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Văn Quang: “Quản lý xã hội trong các tình huống bất thường quan niệm, đặc điểm, hình thức, phương pháp quản lý tạp chí Nhà nước và pháp luật, 4/2009

2. Lê Vương Long: Trách nhiệm pháp lý - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn ở nước ta hiện nay, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2008

 


[1] Nguyễn Văn Quang: “ Quản lý xã hội trong các tình huống bất thường quan niệm, đặc điểm, hình thức, phương pháp quản lý tạp chí Nhà nước và pháp luật, 4/2009, tr. 70

[2] Lê Vương Long: Trách nhiệm pháp lý - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn ở nước ta hiện nay, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2008, tr. 312

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành