Thứ tư, 24 Tháng 6 2020 07:52

TỘI PHẠM TRUYỀN THỐNG VÀ TỘI PHẠM PHI TRUYỀN THỐNG

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của khoa học - công nghệ, phương thức, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, phức tạp, đặc biệt là hoạt động của các đối tượng phạm tội sử dụng công nghệ cao (sử dụng khoa học - kỹ thuật) làm cho tình hình an ninh, an toàn mạng máy tính luôn đặt trong tình trạng báo động với nguy cơ bị tấn công, phá hoại, phát tán virút, phần mềm gián điệp, mã độc hại hoặc lợi dụng để thực hiện các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trộm cắp tài sản, lấy cắp thông tin, tài khoản... cũng như tổ chức hoạt động cờ bạc, mại dâm, mua bán người... với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng. Tất cả các phương thức mới với các yếu tố nêu trên tạo nên thuật ngữ mới trong thời kỳ an ninh mới - “tội phạm phi truyền thống" (Non - traditional crime). Phức tạp hơn, tội phạm phi truyền thống tội phạm sử dụng khoa học - công nghệ cao có đặc thù riêng, khó phát hiện và việc xử lý dấu vết, truy tìm chứng cứ vô cùng khó khăn. Điều đáng quan tâm ở loại tội phạm này là đa phần tội phạm trong nước liên kết với tội phạm người nước ngoài, hoạt động có tổ chức và mang tính quốc tế cao, xuyên quốc gia, xuyên nội địa và rất chuyên nghiệp. Do đó, tất cả những hình thức phạm tội thông qua việc sử dụng khoa học - công nghệ đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Vì vậy, để đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm phi truyền thống này, cần nhận diện khái niệm về nó trong tương quan với tội phạm truyền thống.

1. Khái niệm tội phạm truyền thống

Có tác giả quan niệm: Tội phạm truyền thống là tội phạm có hành vi, địa bàn và khách thể tội phạm diễn ra trong phạm vi biên giới một quốc gia[1]. Quan điểm khác lại cho rằng, tội phạm truyền thống được nhận dạng dưới hai góc độ như sau:

- Dưới góc độ luật học thì đó là những hành vi nguy hiểm cho xã hội được thực hiện theo phương thức, thủ đoạn có đầy đủ yếu tố cấu thành tội phạm đã được quy định trong Bộ luật Hình sự. Dưới góc độ của khoa học điều tra hình sự, tội phạm truyền thống là hệ thống những hành vi nguy hiểm cho xã hội theo cách thức, thủ đoạn đã được khám phá, xử lý nhiều lần và được tổng kết thành lý luận, áp dụng vào thực tiễn điều tra, phòng ngừa tội phạm[2].

Do đó, dưới góc độ khoa học, khái niệm đang nghiên cứu được định nghĩa như sau: Tội phạm truyền thống được hiểu là hành vi nguy hiểm cho xã hội do chủ thể thực hiện một cách có lỗi, xâm phạm các quan hệ xã hội được Bộ luật Hình sự bảo vệ, đồng thời hành vi nguy hiểm cho xã hội được thực hiện trên phạm vị lãnh thổ quốc gia và theo phương thức, thủ đoạn được ghi nhận trong cấu thành tội phạm cụ thể tương ứng trong phân các tội phạm Bộ luật này.

Tội phạm truyền thống phản ánh những đặc điểm sau đây:

- Tội phạm truyền thống là hành vi nguy hiểm cho xã hội do chủ thể thực hiện một cách có lỗi, xâm phạm các quan hệ xã hội được Bộ luật Hình sự bảo vệ (tương tự như khái niệm và các dấu hiệu về tội phạm được xác định trong khoa học và trong lập pháp hình sự).

- Tội phạm truyền thống thường được thực hiện ở địa điểm trên phạm vi lãnh thổ quốc gia.

- Tội phạm truyền thống được chủ thể thực hiện theo phương thức, thủ đoạn được ghi nhận trong cấu thành tội phạm cụ thể tương ứng trong Phần các tội phạm Bộ luật này.

2. Khái niệm tội phạm phỉ truyền thống

- Có quan điểm nêu "tội phạm phi truyền thống” được phân ra thành hai nhóm chính như sau:

- Đó là các tội phạm mới xuất hiện trong điều kiện hội nhập quốc tế như: tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm về môi trường, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán, rửa tiền...;

- Đối với các loại tội phạm đã được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 1999 thì hiện nay đã xuất hiện một số phương thức hoạt động phạm tội mới, theo hướng ngày càng tinh vi, gây khó khăn cho hoạt động phát hiện, điều tra, xử lý của cơ quan chức năng[3]. Quan điểm khác lại nêu rộng hơn: “Tội phạm phi truyền thống là thuật ngữ dùng để chỉ những loại tội phạm mới xuất hiện trong thời kỳ toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hoặc những tội phạm truyền thống nhưng có những phương thức, thủ đoạn hoạt động mới, tinh vi hơn, hiện đại hơn, quy mô hơn, hậu quả tác hại cho xã hội lớn hơn mà các lực lượng đấu tranh phòng, chống tội phạm chuyên trách chưa có nhiều kinh nghiệm trong đấu tranh đối với các tội phạm này”[4];

Ngoài ra, nhiều nhà nghiên cứu quốc tế, cho rằng tội phạm phi truyền thống là khái niệm mới xuất hiện trong những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI. Theo đó, “Tội phạm phi truyền thống” thường được hiểu như những tội phạm mới xuất hiện hoặc những tội phạm cũ nhưng phương thức, thủ đoạn thực hiện mới. Những tội phạm này thường gắn nhiều với việc sử dụng những phương tiện, công cụ của thời kỳ kinh tế tri thức và toàn cầu hóa.

Phạm vi hoạt động của tội phạm thường có tính liên quốc gia, quốc tế[5]. Cùng với đó, hậu quả của các tội phạm này thường lớn, ảnh hưởng đến cả kinh tế, xã hội của không chỉ một nước mà cả một vùng, một khu vực hay toàn cầu. Ngoài ra, các tác giả cho rằng, hiện tại, trên thế giới cũng như ở Việt Nam, tội phạm phi truyền thống thường được phân chia thành các loại sau:

- Tội phạm công nghệ cao;

- Tội phạm ma túy xuyên quốc gia;

- Tội phạm rửa tiền, lưu hành tiền giả, kinh doanh trái phép;

- Tội phạm buôn bán người và nội tạng người;

- Tội phạm về môi trường (bao gồm cả tội phạm làm lây lan các dịch bệnh cho người và gia súc);

- Tội phạm khủng bố; cho Tội phạm cướp biển và làm mất an ninh hàng hải[6]; v.v... Với một số lập luận và cách tiếp cận của các quan điểm trên. Tuy nhiên, người viết chưa tán thành với riêng nội dung của khái niệm về tội phạm phi truyền thống ở chỗ, ở đây không có tội phạm mới (người viết nhấn mạnh) mà chỉ có hai khả năng sau đây:

- Khả năng thứ nhất, tội phạm phi truyền thống thể hiện ở dạng là tội phạm có phương thức, thủ đoạn mới hoặc;

- Khả năng thứ hai, xuất hiện những hành vi nguy hiểm cho xã hội mới. Bởi lẽ, chỉ khi nào một hành vi nguy hiểm cho xã hội (đáp ứng các yêu cầu của quá trình tội phạm hóa) được nhà làm luật ghi nhận trong Bộ luật Hình sự mới được coi là tội phạm (dưới góc độ pháp lý hình sự). Còn phương thức, thủ đoạn mới thể hiện ở những thay đổi trong yếu tố cấu thành tội phạm và thể hiện qua yếu tố như: mặt khách quan của tội phạm và chủ thể của tội phạm, qua đó, làm cho yêu cầu phát hiện, xử lý, cũng như việc thu thập chứng cứ, tài liệu gặp khó khăn, phức tạp. Với những đặc tính phi truyền thống của mình, các loại tội phạm này đặt ra nhiều thách thức và đòi hỏi pháp luật hình sự phải đáp ứng được những yêu cầu nhất định mới bảo đảm khả năng ứng phó với thách thức ấy (hành vi, phương thức, thủ đoạn, địa điểm phạm tội và khách thể của tội phạm).

Như vậy, những mối đe dọa (hay ở mức rộng và cao hơn là thách thức) an ninh phi truyền thống tiếp cận dưới góc độ pháp luật hình sự chính là các loại tội phạm phi truyền thống. Đến lượt mình, tội phạm phi truyền thống cũng là một thách thức rất lớn của vấn đề an ninh phi truyền thống. Do đó, tiếp cận dưới góc độ khoa học, theo người viết, khái niệm đang nghiên cứu được định nghĩa như sau: Tội phạm phi truyền thống là hành vi nguy hiểm cho xã hội có nguồn gốc phi quân sự gây ra cho sự an toàn, ổn định của mỗi con người, cũng như các quốc gia, dân tộc và cộng đồng quốc tế được thực hiện do cố ý từ bất kỳ chủ thể nào, từ địa điểm, phương thức, thủ đoạn phạm tội và yếu tố khách thể của tội phạm. Tội phạm phi truyền thống phản ánh những đặc điểm sau:

- Tội phạm phi truyền thống là hành vi nguy hiểm cho xã hội gây ra sự mất an toàn, ổn định của mỗi con người, mỗi công dân, cũng như các quốc gia, dân tộc và cộng đồng quốc tế;

- Tội phạm phi truyền thống nảy sinh trong điều kiện hội nhập, mở cửa và trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, sự thay đối chính sách, cơ chế, kinh tế - xã hội;

- Tội phạm phi truyền thống có sự thay đổi mới về địa điểm. Phương thức, thủ đoạn phạm tội và yếu tố khách thể của tội phạm thể hiện ở chỗ:

(1) Về địa điểm, các tội phạm này không chỉ trong phạm vi “nội địa" mà đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia, phát sinh liên quan đến hai hoặc nhiều quốc gia (xuyên quốc gia);

(2) Về phương thức, thủ đoạn phạm tội - thường có yếu tố có tổ chức, xuyên quốc gia và sử dụng khoa học - công nghệ cao như: tội rửa tiền, tội mua bán người, tội mua bán trái phép chất ma túy, tội khủng bố, tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tội phạm về môi trường...

(3) Về yếu tố khách thể của tội phạm, xâm phạm không chỉ lợi ích của quốc gia, mà còn cả khu vực, quốc tế (sẽ được phân tích trong phân sau).

- Tội phạm phi truyền thống được thực hiện do cố ý từ bất kỳ chủ thể phi nhà nước nào, qua đó, gây khó khăn cho việc phát hiện đấu tranh và xử lý. Riêng đối với chủ thể của tội phạm là cá nhân thường có đặc điểm nhân thân là người có trình độ khoa học và công nghệ cao, am hiểu sâu sắc về các lĩnh vực kinh tế, tài chính, quốc phòng, an ninh...

- Tội phạm phi truyền thống thường gây ra những hậu quả (thiệt hại) vượt biên giới quốc gia.

Tài liệu tham khảo

1. Học viện Cảnh sát nhân dân: Phòng, chống tội phạm truyền thống và tội phạm phi truyền thống trong điều kiện hội nhập quốc tế, Nxb, Công an nhân dân, Hà Nội, 2009

2. Nguyễn Chí Dũng, Trần Thị Bích Hằng (đồng chủ biên): Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong đấu tranh phòng, chống tội phạm phi truyền thống ở Việt Nam hiện nay, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, 2015

 


[1] Xem Học viện Cảnh sát nhân dân: Phòng, chống tội phạm truyền thống và tội phạm phi truyền thống trong điều kiện hội nhập quốc tế, Nxb, Công an nhân dân, Hà Nội, 2009, tr.149, 124.

[2] Xem Học viện Cảnh sát nhân dân: Phòng, chống tội phạm truyền thống và tội phạm phi truyền thống trong điều kiện hội nhập quốc tế, Nxb, Công an nhân dân, Hà Nội, 2009, tr.149, 124.

[3] Xem Học viện Cảnh sát nhân dân: Phòng, chống tội phạm truyền thống và tội phạm phí truyền thống trong điều kiện hội nhập quốc tế, Sđd, tr. 124, 457.

[4] Xem Học viện Cảnh sát nhân dân: Phòng, chống tội phạm truyền thống và tội phạm phí truyền thống trong điều kiện hội nhập quốc tế, Sđd, tr. 124, 457.

[5] Xem Nguyễn Chí Dũng, Trần Thị Bích Hằng ( đồng chủ biên): Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong đấu tranh phòng, chống tội phạm phi truyền thống ở Việt Nam hiện nay, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, 2015, tr.13.81

[6] Xem Nguyễn Chí Dũng, Trần Thị Bích Hằng ( đồng chủ biên): Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong đấu tranh phòng, chống tội phạm phi truyền thống ở Việt Nam hiện nay, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, 2015, tr.13.81

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành