Thứ năm, 24 Tháng 7 2014 00:00

Tái cơ cấu khu vực đầu tư công và những giải pháp

1. Những kết quả đạt được:

Trong giai đoạn vừa qua, quá trình tái cơ cấu lĩnh vực đầu tư công đã mang lại nhiều kết quả đáng khen ngợi trong đó chuyển biến rõ nét nhất là sự suy giảm tỷ lệ đầu tư so với GDP, dần dần khắc phục mô hình tăng trưởng phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư. Trong năm 2012, tỷ lệ tổng đầu tư trên GDP giảm mức trung bình xuống còn 33,5% so với 34,6% của năm 2011 và giảm đáng kể so với mức bình quân của giai đoạn 2005 - 2010 là 42,5%.

Thành phần đầu tư công có mức giảm mạnh nhất về tỷ lệ đầu tư, từ 17,2% của giai đoạn 2005 - 2010 giảm xuống còn 13,5% năm 2011 và 12,7% năm 2012. Điều đáng nói là việc giảm tỷ lệ đầu tư có sự tác động lớn của hoạt động điều chỉnh chủ động bằng chính sách của Nhà nước, chủ động giảm đầu tư công trong nỗ lực tái cơ cấu đầu tư.

Trong nửa cuối thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, mặc dù các tỉ lệ FDI/GDP giảm xuống còn 8,9% năm 2011 và 7,8% năm 2012 nhưng so với mặt bằng chung của các nước mới nổi ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương thì đây vẫn là tỉ lệ cao nhất. Tức là các nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vẫn ở mức cao.

2. Những tồn tại, hạn chế:

Thành quả của quá trình tái cơ cấu lĩnh vực đầu tư công cho thấy tỷ trọng của đầu tư công trong tổng đầu tư đã giảm đi đáng kể từ những mức rất cao của các giai đoạn trước. Mặc dù vậy, tỷ trọng nguồn vốn giảm mạnh nhất là vốn đầu tư từ lợi nhuận giữ lại của doanh nghiệp Nhà nước, trong khi vốn tín dụng của Nhà nước vẫn tăng mạnh.

Tỷ trọng vốn tín dụng của Nhà nước chiếm đến một phần ba vốn tài trợ cho đầu tư công, tăng đáng kể so với mức một phần năm của giai đoạn năm 2005. Như vậy, theo giá trị tuyệt đối vốn tín dụng của Nhà nước đã tăng lên mức 114 - 115 nghìn tỷ đồng trên 1 năm trong giai đoạn 2010 - 2011 và ước tính năm 2012 là 169 nghìn tỷ đồng, so với mức 30 - 40 nghìn tỷ đồng giai đoạn 2005 - 2009 là tăng quá nhanh và nhiều. Nguyên nhân chính của trình trạng này là do khó khăn của nền kinh tế, các tổ chức đầu tư tài chính ở phía cung luôn tìm cách đầu tư vào trái phiếu chính phủ để tránh rủi ro, ngoài ra còn do việc trông chờ, phụ thuộc quá nhiều vào vốn trái phiếu chính phủ của phía cầu là các dự án thuộc Nhà nước.

Những vấn đề yếu kém trong nội bộ nền kinh tế vẫn chưa được giải quyết triệt để, tỷ lệ nợ xấu vẫn ở mức cao gây những gây cản trở nền kinh tế. Chính sách chi Ngân sách Nhà nước chưa được triển khai đúng hướng, đúng đối tượng. Quá trình tái cơ cấu đầu tư công tuy có gặt hái được thành quả nhưng nhìn chung diễn ra còn chậm, các thể chế liên quan đến tái cơ cấu đầu tư công như Luật Quy Hoạch, Luật Đô thị, Luật Quản lý, sửa dụng Ngân sách và sản xuất kinh doanh, Luật Ngân sách Nhà nước sửa đổi, Luật Đầu tư công... còn chậm được ban hành.

Về các khu công nghiệp và khu kinh tế việc đầu tư cơ sở hạ tầng của đầu tư công vẫn không được cải thiện, còn tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí. Mặc dù đã được cảnh báo về hậu quả của việc đầu tư dàn trải nhiều khu công nghiệp và khu kinh tế với diện tích lớn nhưng vẫn quan tâm khắc phục, dẫn đến nhiều khu công nghiệp đặc biệt là các khu kinh tế không có khả năng kết nối với hạ tầng quốc gia. Ngoài ra việc phát triển ồ ạt các khu đô thị mới song hành với các khu công nghiệp cũng gây ra nhiều điểm bất hợp lý với nguồn vốn lớn và các tiêu chính quy hoạch quá hiện đại, trong khi những nhu cầu thiết yếu, thực tế như nhà ở, đi lại, ăn mặc của số lượng lớn công nhân, cán bộ làm việc trong các khu công nghiệp này lại chưa được đáp ứng đầy đủ.

Các dự án lớn đặc biệt là các dự án thuộc khu vực địa phương quản lý hiện nay vẫn chưa xử lý xong nguyên nhân chính là do các dự án này trước đây được phê duyệt vượt quá khả năng cân đối vốn, một nhân tố nữa ảnh hưởng đến tái cơ cấu đầu tư công là việc giảm mạnh tỷ lệ đầu tư Nhà nước trong thời gian gần đây.

Việc đầu tư công trong lĩnh vực cảng biển cũng còn nhiều bất cập, lãng phí dẫn tới giảm hiệu quả đầu tư công chủ yếu là do tham nhũng và những tình trạng phân mảng về thể chế để duy trì lợi ích nhóm. Nguyên nhân chính là do các cơ quan hoạch định cũng như các cơ quan quản lý thiếu sự phối hợp chặt chẽ trong nhiều trường hợp.

Về hệ thống cấp điện, nhiều trục trặc về an toàn và môi trường của thuỷ điện nhỏ vẫn chưa được giải quyết, trong khi cơ cấu đầu tư của Việt Nam không thể phát triển công suất phát điện dàn hàng ngang với tất cả các nguồn cùng tiến: thuỷ điện, điện khí, điện than, điện nguyên tử… Ngoài ra, trong giai đoạn gần đây kinh tế có chiều hướng suy giảm đáng kể nhưng hoạt động sản xuất điện vẫn tăng trưởng mạnh, năm 2012 tăng trưởng sản xuất điện lớn hơn 2,6 lần so với mức tăng trưởng GDP và nguyên nhân có thể là do việc chuyển hướng sang công nghiệp nặng thâm dụng điện tại nhiều địa phương và lãng phí trong việc sử dụng điện sinh hoạt, sản xuất.

Nguồn nước sinh hoạt ở nước ta trong nhiều năm qua đều theo xu hướng khai thác các giếng và các nguồn nước tự nhiên, gây ra hậu quả cạn kiệt dần các nguồn nước ngầm, về lâu về dài còn gây ô nhiễm và tình trạng ngập mặn trầm trọng.

Tóm lại những nỗ lực cải thiện hiệu quả đầu tư công thông qua đổi mới cơ chế, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí vẫn chưa mang lại kết quả rõ ràng, các biện pháp vẫn chưa được cụ thể hoá dẫn đến nhiều bất cập trong quá trình tái cơ cấu lĩnh vực đầu tư công.

3. Kiến nghị giải pháp khắc phục:

 Để nâng cao, thúc đẩy hiệu quả huy động Ngân sách nhà nước cần giải quyết những vấn đề còn tồn đọng, cần có những giải pháp mang tính dài hơi và cả những giải pháp tình thế. Trước mắt cần điều chỉnh chính sách tài khoá làm mở rộng không gian huy động nhằm tăng hiệu quả huy động và sử dụng nguồn Ngân sách Nhà nước.

Giải pháp tình thế trước mắt cần triển khai khẩn trương chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc chỉ thị 09/CT-TTg ngày 24/05/2013 về tăng cường chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ tài chính và chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 28/06/2013 về tăng cường quản lý đầu tư, xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn Ngân sách và trái phiếu chính phủ. Tiếp tục tiến hành các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo các Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng tổng cầu nền kinh tế. Tiến hành nhanh gọn các biện pháp nhằm giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, đặt biệt đối với các dự án cấp bách có thể giải quyết nhanh đưa vào sử dụng.

Khu vực nông nghiệp, nông thôn cần được đầu tư đúng mức để tác động thúc đẩy tăng trưởng. Giải quyết nhu cầu nhà ở, nhà tái định cư thông qua ứng trước một phần ngân sách cho các địa phương. Quán triệt triệt để, thực hiện kế hoạch chi tiêu Ngân sách chặt chẽ, hiệu quả, tránh lãng phí cùng với giảm các chính sách làm tăng chi Ngân sách mà không có nguồn đảm bảo. Tăng cường trách nhiệm và tính tự chủ của người trực tiếp chỉ đạo sử dụng nguồn vốn Ngân sách nhưng đồng thời phải tăng cường công tác giám sát.

Đảm bảo hài hoà các mục tiêu và lợi ích, tính toán chu toàn cho các lợi ích đầu tư công, cần tiến hành khẩn trương ban hành bộ Luật đầu tư công cũng như bộ tiêu thức chuẩn hoá nhằm làm căn cứ pháp lý và cơ sở chung thực hiện phối hợp chính sách trong quản lý và nâng cao hiệu quả đầu tư công. Đa dạng hoá phương thức và nguồn huy động vốn đầu tư công nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư xã hội, giảm quy mô đầu tư công cho phù hợp với nền kinh tế, từ bỏ mô hình tăng trưởng nóng chuyển sang phát triển theo chiều sâu và có tính dài hơi cao.

Mạnh dạn công chi dưới nhiều hình thức để kích thích tăng tổng cầu. Để giả quyết dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản và các công trình xây dựng dang dở cần tăng trần bội chi ngân sách so với mức 4,8% như hiện nay, phát hành trái phiếu Chính phủ, ngoài định mức 45 nghìn tỉ đồng/năm như Quốc hội đã cho phép. Mặc dù phải đảm bảo an toàn nợ công nhưng trong tình thế hiện nay chính đầu tư công là giải pháp có tác động tích cực và nhanh nhất để kích thích sự tăng tổng cầu của nền kinh tế, khi nền kinh tế đã hấp thụ tốt nguồn vốn, khuyến khích đầu tư tư nhân, có điều kiện để tăng tín dụng từ đó giảm đầu tư công và cân bằng mức nợ công như Quốc hội cho phép.

Sửa đổi lần cuối Thứ tư, 08 Tháng 10 2014 04:18

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành