Thứ sáu, 25 Tháng 7 2014 00:00

Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng - tín dụng và những giải pháp

1. Những thành công đạt được:

Về cơ bản đã kiểm soát được tình hình của các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém. Khả năng chi trả của các ngân hàng này đã được cải thiện đáng kể, tài sản của Nhà nước và quyền lợi của người gửi tiền được bảo đảm, an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng được kiểm soát, an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; không để xảy ra các đợt rút tiền hàng loạt ngoài tầm kiểm soát, đặc biệt ở một số ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém phải cơ cấu lại.

Từng bước giảm bớt số lượng các ngân hàng thương mại thông qua cơ cấu lại. Trong số 9 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém được xác định từ năm 2012, ngân hàng Nhà nước đã phê duyệt 8 phương án cơ cấu lại. Trong thời gian tới, ngân hàng Nhà nước sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phương án cơ cấu lại đối với 01 ngân hàng còn lại. Hiện nay, các ngân hàng này đang tích cực triển khai các giải pháp cơ cấu lại theo đúng phương án được duyệt. Một số ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém được xác định trong năm 2013 đang được ngân hàng Nhà nước áp dụng các biện pháp giám sát chặt chẽ và chỉ đạo xây dựng phương án tái cơ cấu. Đến nay, số lượng ngân hàng thương mại cổ phần giảm bớt 5 ngân hàng qua hoạt động sáp nhập, hợp nhất.

Chất lượng hoạt động của các ngân hàng thương mại đã được cơ cấu lại có một số chuyển biến tích cực. Cho đến nay, tất cả các phương án cơ cấu lại ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém, kể cả sáp nhập, hợp nhất đều được tiến hành trên nguyên tắc tự nguyện. Ngân hàng Nhà nước chưa phải áp dụng biện pháp can thiệp bắt buộc đối với trường hợp nào theo quy định của pháp luật. Sau khi sáp nhập, hợp nhất hoặc phương án cơ cấu lại được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, các ngân hàng đã và đang tích cực triển khai các giải pháp cơ cấu lại toàn diện về tài chính, hoạt động, quản trị và khắc phục các sai phạm dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước. Đối với các ngân hàng không thuộc diện yếu kém bắt buộc phải tái cơ cấu đã triển khai các giải pháp cơ cấu lại, xử lý nợ xấu; tập trung củng cố, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế và tăng cường năng lực tài chính, quản trị, hoạt động và năng lực cạnh tranh. Một số ngân hàng đang thực hiện sáp nhập, mua lại tổ chức tín dụng khác để tăng quy mô và khả năng cạnh tranh.

2. Những vấn đề còn tồn tại:

Một nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2014 của Đề án 254 là hoàn thành căn bản cơ cấu lại tài chính của các tổ chức tín dụng hướng đến mục tiêu tăng cường năng lực và lành mạnh tài chính. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng của giai đoạn 2011-2013 là giải quyết nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại hiện nay đang rơi vào tình trạng bế tắc vì VAMC không thể bán hoặc xử lý được nợ xấu đã mua. Thời gian qua, ngành ngân hàng mới chỉ giải quyết được việc “dọn dẹp” phần lớn nợ xấu về một đầu mối VAMC với vai trò như một “kho” lưu giữ nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Theo báo cáo của VAMC, tính đến hết tháng 8/2014, công ty đã mua được 59.511 tỷ đồng nợ gốc từ 35 tổ chức tín dụng. Tuy vậy, cho đến nay VAMC chưa bán được một khoản nợ xấu nào. Với cơ chế như hiện nay, sau khi mua lại nợ xấu từ các tổ chức tín dụng, VAMC thực hiện ủy quyền thu hồi nợ xấu cho các tổ chức tín dụng. Như vậy, có thể khẳng định việc cơ cấu tài chính của các tổ chức tín dụng thông qua xử lý thu hồi nợ xấu vẫn đang trong tình trạng bế tắc trong khi áp lực gia tăng nợ xấu đối với các tổ chức tín dụng ngày càng lớn. Theo số liệu ngân hàng Nhà nước vừa cập nhật, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống sau khi giảm xuống mức 3,5% vào tháng 12 năm 2013 đã bắt đầu tăng trở lại trong 6 tháng đầu năm 2014, đạt mức 4,84% vào cuối tháng 6/2014.

Hiện nay, xử lý sở hữu chéo đang là một trong hai vấn đề nổi cộm và nan giải nhất của quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam bên cạnh việc xử lý nợ xấu. Hệ thống các tổ chức tín dụn Việt Nam hiện đang tồn tại 6 nhóm sở hữu chéo khác nhau: Nhóm 1 là sở hữu của các ngân hàng trong nước và nước ngoài tại các ngân hàng liên doanh; Nhóm 2 là cổ đông chiến lược nước ngoài tại các ngân hàng thương mại trong nước; Nhóm 3 là cổ đông tại các ngân hàng là các công ty quản lý quỹ; Nhóm 4 là sở hữu của các ngân hàng thương mại nước ngoài tại các ngân hàng thương mại cổ phần; Nhóm 5 là sở hữu lẫn nhau giữa các ngân hàng thương mại cổ phần; Nhóm 6 là sở hữu ngân hàng cổ phần bởi các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và tư nhân. Thực trạng sở hữu chéo đã có xu hướng diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhận thức được tác động tiêu cực của sở hữu chéo đối với an toàn hoạt động của từng tổ chức tín dụng nói riêng, an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng nói chung, và đặc biệt là những cản trở của sở hữu chéo đối với quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm xử lý sở hữu chéo, gắn với quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng.

Mục tiêu cơ bản và lâu dài của quá trình tái cơ cấu ngân hàng là tạo dựng được các ngân hàng thương mại lành mạnh, hoạt động an toàn và hiệu quả và có năng lực quản trị tiên tiến. Đề án 254 đã đề ra 7 giải pháp cơ cấu lại hoạt động và 13 giải pháp cơ cấu lại quản trị của các tổ chức tín dụng. Tuy vậy, sau gần 3 năm, kết quả cơ cấu lại hoạt động và quản trị của các ngân hàng thương mại còn khá khiêm tốn, hệ thống quản trị của các ngân hàng thương mại vẫn chưa có những thay đổi rõ nét. Nhiều vụ việc sai phạm điển hình của ngành ngân hàng như vụ Nguyễn Đức Kiên làm thất thoát 1400 tỷ đồng, Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo 4000 tỷ đồng của 3 ngân hàng, 9 tổ chức và 3 cá nhân đều xảy ra tại các ngân hàng thương mại được đánh giá cao về năng lực quản trị và chất lượng dịch vụ như Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank).

3. Kiến nghị một số giải pháp thực hiện hiệu quả quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng - tín dụng:

Qua các kết quả nghiên cứu có thể thấy việc tái cơ cấu hệ thống tài chính - tín dụng, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của thị trường tài chính là cần thiết vì việc cải thiện hiệu quả của chính sách tiền tệ phụ thuộc rất nhiều vào cấu trúc của thị trường tài chính. Qua đó phát huy và nâng cao vai trò của thị trường tài chính tương đương một kênh truyền tải tác động của chính sách tiền tệ.

Từ năm 2013 trở đi, Việt Nam cần hành động quyết liệt hơn nữa trong các biện pháp tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng hoạt động không hiệu quả nhằm lấy lại niềm tin cho thị trường cũng như tái tạo lại một hệ thống tín dụng lành mạnh và một môi trường cạnh tranh bình đẳng.

Việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng phải luôn song hành với hoạt động điều chỉnh cấu trúc của thị trường tài chính nhằm đồng bộ hoá trình độ và mức độ phát triển của các nhân tố cấu thành thị trường thành một thể thống nhất, qua đó cụ thể hoá các mục tiêu quan trọng của chính sách tiền tệ.

Ngân hàng Nhà nước đóng vai trò điều hành thị trường cần xây dựng những hoạch định mang tầm chiến lược, có tính khả thi và tính thuyết phục cao nhằm tạo lập một hệ thống tài chính lành mạnh, môi trường cạnh tranh bình đẳng và hệ thống thông tin minh bạch, qua đó giúp thị trưởng phát triển ổn định hơn. Các chính sách, cơ chế được xây dựng cần phải dựa trên lợi ích và triển vọng của khu vực tài chính; các hoạch định và chính sách này cần phải được đổi mới hơn, áp dụng linh hoạt hơn nhằm thích ứng tốt nhất với các biến động lớn của thị trường, qua đó hạn chế và quản trị tốt rủi ro. Ngoài ra, hệ thống cán bộ thanh tra cần phải được cải thiện và kiện toàn hơn nữa để có thể quản lý tốt các biến cố mới, phức tạp của thị trường và thích nghi với sự đa dạng của thị trường tài chính.

Công tác dự báo và xây dựng chính sách tiền tệ hàng năm cần phải được đổi mới một cách căn bản, qua đó có thể áp dụng mô hình kinh tế lượng vào phân tích dự báo và qua từng thời kỳ có thể lượng hoá các mục tiêu của chính sách tiền tệ. Năng lực điều hành chính sách tiền tệ cũng cần được nâng cao hơn nữa bằng việc xác đinh rõ cơ chế truyền tải tác động chính sách tiền tệ, ngoài ra việc đổi mới cơ chế điều hành cung ứng tiền theo thông lệ quốc tế là rất cần thiết.

Nhanh chóng hoàn thiện các công cụ hỗ trợ cho việc điều hành chính sách tiền tệ tốt hơn của Ngân hàng Nhà nước, giảm bớt các tác động mang tính chất hành chính của Ngân hàng Nhà nước vào thị trường thay vào đó là áp dụng các công cụ linh hoạt hơn, điều hành lãi suất cần gắn chặt hơn với điều hành tỷ giá. Xác định rõ quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước trong việc hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ, các chức năng và vai trò thực thi các chính sách tài khoá - tiền tệ cũng cần được phân định rõ ràng. Ngoài ra cần thể chế hoá sự phối hợp của Ngân hàng Nhà nước với Bộ Tài Chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước để có thể giám sát toàn bộ thị trường.

Tóm lại, để chủ động hội nhập kinh tế quốc tế cũng như tận dụng tốt các cơ hội từ quá trình hội nhập mang lại cần phải đổi mới và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng - tín dụng, đồng thời việc đổi mới chính sách tiền tệ cũng cần phải đi kèm với một cấu trục thị trường phù hợp hơn mới có thể tăng cường hiệu quả truyền tải chính sách tiền tệ và đi đến việc thống nhất các mục tiêu trung gian và mục tiêu cuối cùng của chính sách tiền tệ. 

Sửa đổi lần cuối Thứ tư, 08 Tháng 10 2014 07:18

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành