In trang này
Thứ bảy, 25 Tháng 7 2020 03:17

GÓP Ý HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ CÁC TỘI PHẠM MUA BÁN NGƯỜI TRONG BỘ LUẬT HÌNH SỰ

Nhận thức rõ yêu cầu về tính tương thích quốc tế đối với pháp luật hình sự trong việc ứng phó trước thách thức an ninh phi truyền thống, các chuẩn mực pháp lý quốc tế cơ bản liên quan đến việc tội phạm hóa một số hành vi đe dọa an ninh phi truyền thống có tính chất điển hình như: tội khủng bố, tội mua bán người, các tội phạm về ma túy, tội rửa tiền... nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật hình sự Việt Nam trước thách thức an ninh phi truyền thống. Trên cơ sở những thành tựu lập pháp trước đây mang tính chất nền tảng đã đạt được trong giai đoạn từ năm 1945 đến trước năm 1999 để làm cơ sở cho việc đánh giá các quy định liên quan trong Bộ luật Hình sự năm 1999 và tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các quy định này trong giai đoạn hiện nay. 

Trong Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 cũng đã có nhiều điểm mới quan trọng liên quan đến các tội phạm phi truyền thống và thách thức an ninh trong một số lĩnh vực quan trọng như: vấn đề hiệu lực về không gian của đạo luật hình sự: vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân (loại tội, phạm vi, điều kiện áp dụng, hình thức lỗi...) hoặc đã có nhiều tội phạm trong Bộ luật Hình sự năm 2015 có liên quan đến an ninh phi truyền thống như: Tội mua bán người (Điều 150), Tội mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 151), Tội tài trợ khủng bố (Điều 300), Tội bắt cóc con tin (Điều 301), Tội cướp biển (Điều 302)... có chứa đựng khái niệm, thuật ngữ mang tính khái quát cao hoặc chuyên môn sâu về các lĩnh vực kinh tế, tài chính, công nghệ... đối với các tội phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tội phạm trong lĩnh vực môi trường, tội phạm trong lĩnh vực công nghệ - thông tin... cần phải được giải thích, thống nhất về nhận thức làm căn cứ cho việc áp dụng chính xác. 

- Theo thống kê trong 6 năm (từ năm 2012 đến năm 2017), quy định về các hành vi mua bán người của Bộ luật Hình sự năm 1999 đã được áp dụng để giải quyết gần 800 vụ án về các tội phạm như sau: 

- Về tội mua bán người ( Điều 119).

Bảng Thống kê xét xử sơ thẩm tội mua bán người (Điều 119 Bộ luật hình sự)

Năm

2012

2013

2014

2015

2016

2017

Tổng cộng

Số vụ

146

151

149

138

106

101

791

Số bị cáo

307

295

306

276

180

186

1.550

Nguồn: Tòa án nhân dân tối cao năm 2018

- Về tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em (Điều 120).

Bảng Thống kê xét xử sơ thẩm tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em (Điều 120) Bộ luật hình sự

Năm

2012

2013

2014

2015

2016

2017

Tổng cộng

Số vụ

39

63

67

62

45

31

307

Số bị cáo

79

125

114

120

95

59

592

Nguồn: Tòa án nhân dân tối cao năm 2018

Tuy nhiên, số vụ mua bán người được đưa ra xử lý về hình sự chỉ chiếm khoảng gần một nửa so với số lượng vụ việc được phát hiện thực tế. Theo báo cáo của Chính phủ, “trong giai đoạn 2011-2015, trên toàn quốc đã phát hiện hơn 2,200 vụ mua bán người, với 3.300 đối tượng, lừa bán gần 4.500 nạn nhân". Số liệu xét xử còn khiêm tốn hơn nữa nếu so với nghi vấn thực tế: theo kết quả điều tra của các cơ quan chức năng tại thời điểm năm 2012, toàn quốc có hơn 22.000 phụ nữ, trẻ em vắng mặt lâu ngày không rõ lý do, không có tin tức, nhiều người trong số này nghi bị mua bán, hơn 80.000 phụ nữ xuất cảnh và xuất cảnh trái phép ra nước ngoài lấy chồng, hoặc xuất cảnh trái phép ra nước ngoài tìm kiếm việc làm, hơn 20.000 em được cho nhân làm con nuôi có yếu tố nước ngoài. Hạn chế trong phát hiện, xử lý tội mua bán người xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau do các đặc thù của tội phạm như: thường là các tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia với thủ đoạn tinh vi, chuyên nghiệp; thường diễn ra ở các tuyến biên giới, nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, nạn nhân thường là phụ nữ, trẻ em, người có trình độ văn hóa thấp nên yếu thế và gặp nhiều khó khăn trong việc tố giác tội phạm, tiếp cận với sự trợ giúp của cơ quan chức năng, v... Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân quan trọng vẫn là quy định của Bộ luật Hình sự vẫn chưa tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc đấu tranh phòng, chống các tội phạm này. 

Quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 đã bỏ lọt nhiều dạng hành vi mua bán người diễn ra trong thực tế. Như đã phân tích, Điều 119, Điều 120 Bộ luật này chỉ quy định tội danh mua bán người, mua bán trẻ em mà không có mô tả cụ thể nên chỉ có thể hiểu rằng mặt khách quan của tội mua bán người biểu hiện bằng hai loại hành vi: mua người hoặc bán người. Trong khi, thủ đoạn trong thực tế của các tội phạm mua bán người được thống kê rất đa dạng như: lợi dụng khó khăn về kinh tế, trình độ học vấn thấp, mất cảnh giác, nhẹ dạ cả tin của người dân hoặc sơ hở trong thực hiện chính sách, pháp luật để lừa bán ra nước ngoài dưới dạng cưỡng bức lao động, cưỡng ép mại dâm, cưỡng ép kết hôn; lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo và thiếu sự quan tâm của gia đình, nhà trường để tiếp cận, rủ rê, lôi kéo thanh thiếu niên đi du lịch, mua sắm hoặc lao động có thu nhập cao, sau đó, đưa ra nước ngoài bán; lợi dụng chính sách mở cửa, thông thoáng trong thủ tục xuất, nhập cảnh, việc cấp hộ chiếu công dân và giấy thông hành qua biên giới thuận lợi, một số nước miễn thị thực cho nên đã tổ chức thành những đường dây đưa người ra nước ngoài dưới dạng du lịch, thăm thân, lao động trái phép, sau đó, thu giữ giấy tờ, hộ chiếu, không làm các thủ tục cư trú, bắt lao động cưỡng bức…. . Những biểu hiện đa dạng của hành vi mua bán người như vậy đã được mô tả ở Điều 3 (a) của Nghị định thư về ngăn ngừa, trấn áp và trừng trị hành vi buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em bổ sung cho Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia năm 2000: “Việc buôn bán người nghĩa là việc mua, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp và nhận người nhằm mục đích bóc lột bằng cách sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực hoặc bằng các hình thức ép buộc, bắt cóc, lừa gạt, man trá hay lạm dụng quyền lực hoặc vị thế dễ bị tổn thương hoặc bằng việc đưa, nhận tiền hay lợi nhuận để đạt được sự đồng ý của một người nhằm kiểm soát những người khác. Tương tự, các hành vi được coi là mua bán người trong Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 của Việt Nam bao gồm: mua bán người, chuyển giao, tiếp nhận, tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác...

Bộ luật Hình sự năm 2015 tách tội mua bán trẻ em (người dưới 16 tuổi) ra khỏi các tội đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em và làm rõ cấu thành của tội mua bán người, mua bán trẻ em, trong đó tội phạm hóa tất cả các dạng hành vi mua bán người. Theo quy định của khoản 1 Điều 150 Bộ luật Hình sự năm 2015, việc thực hiện bất kỳ dạng hành vi nào trong các hành vi sau đều cấu thành tội mua bán người như sau: dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc bằng thủ đoạn khác thực hiện việc chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện những hành vi trên. Còn theo quy định ở khoản 1 Điều 151 Bộ luật này thì tất cả các hành vi giống như ở Điều 150 được thực hiện đối với người dưới 16 tuổi dù với bất kỳ thủ đoạn nào cũng cấu thành tội mua bán người dưới 16 tuổi. Mô tả cấu thành với đầy đủ các dạng biểu hiện thực tế của tội phạm mua bán người của Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bảo đảm quy định có tính rõ ràng và tương thích với định nghĩa của Nghị định thư bổ sung cho Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia năm 2000 và Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 của Việt Nam. Đặc biệt, Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng bổ sung tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người (Điều 154) với mức hình phạt cao đến tù chung thân. 

Vấn đề đặt ra khi thi hành quy định Bộ luật Hình sự năm 2015 nhằm ứng phó hiệu quả trước thách thức an ninh phi truyền thống đối với quy định về tội mua bán người dưới 16 tuổi cần bảo đảm đồng bộ với tội mua bán người về thủ đoạn phạm tội. Bộ luật Hình sự năm 2015 đã sửa đổi cơ bản và toàn diện đối với tội mua bán người (Điều 150) và tội mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 151) đáp ứng yêu cầu của các Công ước, văn bản quốc tế về buôn bán người và thực tiễn xét xử ở nước ta. Tuy nhiên, ở đây khác nhau về độ tuổi của nạn nhân (từ đủ 16 tuổi trở lên hay dưới 16 tuổi) nên nhà làm luật tách ra thành hai tội danh để xử lý, trong đó, xử lý người có hành vi mua bán người dưới 16 tuổi nghiêm khắc hơn 80 với hành vi mua bán người. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 150 đã mô tả thủ đoạn phạm tội “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác...", trong khi khoản 1 Điều 151 lại không quy định tương tự là chưa đầy đủ. 

Tài liệu tham khảo

1. Hà Việt Dũng, Hô Thế Hòa: Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh với tội phạm mua bán người trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số 11/2012

2. Cao Minh Huyền, Mai Văn Mạnh: Tình hình tội phạm mua bán người qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Lào, Campuchia và một số giải pháp nâng cao hiệu quả phòng ngừa, http://congantravinh.gov.vn/ch26/268-Tinh-hinh-toi-pham-mua-ban-nguoi-qua-bien-gioi-Viet-Nam---Trung-Quoc-Lao-Campuchia-va-mot-so-giai-phap-nang-cao-hieu-qua-phong-ngua.html 

3. Liên hợp quốc: Công ước về phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Nghị định thư về ngăn ngừa, phòng, chống và trừng trị Pệc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.