Thứ tư, 19 Tháng 8 2020 08:24

Khái niệm về bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra

Tình hình vi phạm pháp luật môi trường ở nước ta diễn biến phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội và ở hầu hết các địa bàn. Những hoạt động vi phạm pháp luật môi trường không chỉ tác động xấu đến môi sinh, môi trường và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước mà hơn hết là nó gây ra những hậu quả trực tiếp và lâu dài đến đời sống vật chất lẫn tinh thần của con người. Để thực hiện tốt công tác phòng ngừa và xử lý vi phạm pháp luật môi trường, bên cạnh việc nghiêm khắc xử lý hành chính và hình sự đối với các hành vi vi phạm pháp luật môi trường, không thể không tăng cường giải quyết trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với các chủ thể gây ô nhiễm môi trường. Bởi, một khi vấn đề bồi thường thiệt hại được giải quyết triệt để thì nó không chỉ góp phần làm tăng tính nghiêm khắc của chế tài xử lý vi phạm pháp luật môi trường nói chung, qua đó có tác dụng răn đe đối với các chủ thể gây ô nhiễm; mà còn nhằm khắc phục phần nào những thiệt hại mà người dân phải gánh chịu từ hành vi gây ô nhiễm môi trường. Bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường của các chủ thể đã được pháp luật Việt Nam thừa nhận và quy định, đáp ứng nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền. 

Bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể bị thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật môi trường gây ra. Phương thức yêu cầu người khác phải bồi thường thiệt hại về tài sản, tính mạng, sức khỏe, quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể liên quan, với những đặc điểm riêng, có vai trò to lớn và được coi là có hiệu quả thiết thực nhất vì nó khôi phục lại tình trạng ban đầu về mặt vật chất cho chủ thể bị thiệt hại. Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định tại Điều 624 về bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường như một dạng của bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Bộ luật Dân sự năm 2015 tiếp tục đề cập tại Điều 602 với cách hiểu tương tự. Luật Bảo vệ môi trường năm 1993 quy định: “tổ chức, cá nhân gây tổn hại môi trường do hoạt động của mình phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật". Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 và Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, sửa đổi, bổ sung năm 2018 phân chia thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường bao gồm hai loại thiệt hại: suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường và thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do hậu quả của việc suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường gây ra

Môi trường được xem là một loại hàng hóa đặc biệt và là tài sản rất có giá trị, nó được xác định bởi các giá trị khoa học, kinh tế và môi sinh. Do đó, bất kỳ một hành vi nào gây hại đến môi trường cũng đồng nghĩa với việc gây hại đến các giá trị nêu trên. Nếu xem xét một cách chặt chẽ, tác hại gây ra đối với môi trường tự nhiên không khác gì tác hại gây ra đối với con người hay với tài sản của con người, chính vì vậy, khi môi trường bị xâm hại, chất lượng môi trường bị suy giảm thì cũng cần phải được bồi thường một cách thỏa đáng và người gây thiệt hại phải có trách nhiệm bồi thường những tổn thất gây ra đối với môi trường. 

Khi môi trường là nguồn cung cấp các giá trị kinh tế to lớn cho con người cũng có nghĩa rằng nó được xem là hàng hóa, một loại hàng hóa đặc biệt được sở hữu bởi cả cộng đồng. Và với quy luật của nền kinh tế thị trường thì đòi hỏi các chủ thể khi khai thác, sử dụng môi trường phải có nghĩa vụ “trả tiền" cho hành vi của mình, cho những lợi ích đã đạt được. Từ đó, việc xác định đúng số tiền phải trả cho hành vi gây thiệt hại về môi trường góp phần thực hiện tốt nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền, Pháp luật quy định các mức bồi thường sao cho tương xứng với những thiệt hại mà các chủ thể vi phạm đã gây ra, qua đó có tác dụng rất lớn trong việc ngăn chặn hành vi xâm phạm môi trường khi các chủ thể có sự so sánh giữa những khoản lợi ích mà họ được hưởng và mức bồi thường thiệt hại mà họ phải chi trả khi gây ra thiệt hại. Ý nghĩa của bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra bao gồm:

Một là, bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ quyền và lợi ích của các chủ thể bị thiệt hại. Khi môi trường bị xâm phạm thì cũng chính là lúc mà những lợi ích vật chất lẫn tinh thần của tổ chức, cá nhân bị tổn hại nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của họ, đe dọa sự sống lẫn khả năng kinh tế của các gia đình. Thực tế đó đòi hỏi phải có cơ chế thích hợp để có thể bù đắp lại những thiệt hại mà người dân đã gánh chịu và chế định bồi thường thiệt hại đã thực hiện được điều đó. Bồi thường thiệt hại yêu cầu các chủ thể gây hại phải thực hiện nghiêm túc trách nhiệm bồi hoàn những thiệt hại mà mình đã gây ra cho môi trường và tính mạng, sức khỏe, tài sản cũng như những lợi ích hợp pháp khác của chủ thể bị thiệt hại. Qua đó, giúp cho chủ thể bị thiệt hại có thể khôi phục, bù đắp được phần nào tổn thất do môi trường bị xâm phạm gây ra, nhằm bảo đảm được một cuộc sống ổn định và mang lại sự ấm no, bình yên cho chính bản thân cũng như gia đình họ. 

Chẳng hạn, các sự cố tràn dầu xảy ra gây ô nhiễm nặng cho các dòng sông lớn dẫn đến tình trạng cá, tôm chết hàng loạt và đã ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn sống chính cũng như đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của cư dân vùng ven biển. Thông qua chế định bồi thường thiệt hại, người dân có thể quy kết trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các chủ tàu nhằm bù đắp lại những thiệt hại do sự cố tràn dầu gây ra. Từ đó, chế định bồi thường thiệt hại về môi trường có ý nghĩa thiết thực trong việc bảo vệ đời sống, tính mạng, sức khỏe và là cơ sở vững chắc để công dân thực hiện tốt các quyền cơ bản của mình. Do vậy, cần phải tăng cường hoạt động phổ biến pháp luật liên quan đến vấn đề bồi thường thiệt hại môi trường sâu rộng trong Nhân dân để người dân có thể nhận thức và chủ động bảo vệ quyền, lợi ích của mình khi bị xâm phạm. Đồng thời, đòi hỏi Nhà nước cần phải có cơ chế thích hợp và hiệu quả để bảo đảm cho người dân có khả năng thực hiện tốt các quyền công dân của mình, nhất là quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường. 

Hai là, bồi thường thiệt hại về môi trường là một công cụ hữu hiệu nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật môi trường. Trong điều kiện các chế tài xử phạt vi phạm pháp luật môi trường còn nhiều bất cập với mức xử phạt vi phạm hành chính theo luật định còn quá thấp so với khoản lợi nhuận mà các chủ thể đạt được từ việc xâm phạm môi trường; các quy định xử lý hình sự trong lĩnh vực môi trường thiếu tính khả thi đã làm cho số vụ việc vi phạm pháp luật môi trường bị xử lý hình sự còn hạn chế thì chế định bồi thường thiệt hại về môi trường có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết. Bởi, trách nhiệm bồi thường thiệt hại được đặt ra không căn cứ trên một mức giới hạn bồi thường nào cả, mà theo đó, chủ thể gây ra thiệt hại bao nhiêu thì cũng phải có trách nhiệm bồi thường tương đương với giá trị đó bấy nhiêu. Như vậy, đây có thể được xem là quy định nghiêm khắc đối với chủ thể vi phạm, vì mục đích cuối cùng và cũng là mục đích quan trọng nhất thúc đẩy các chủ thể thực hiện hành vi xâm phạm môi trường là lợi ích vật chất, trong khi đó, với đặc trưng của chế định bồi thường thiệt hại thì rõ ràng con số lợi nhuận mà các chủ thể gây thiệt hại nhận được trong trường hợp này bằng không và thậm chí còn có giá trị âm khi họ phải có nghĩa vụ bồi hoàn lại toàn bộ những tổn thất mà mình đã gây ra. Mặt khác, khi đối diện với trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì cũng là lúc mà các chủ thể (nhất là các chủ thể sản xuất - kinh doanh) phải gánh chịu những thiệt hại về uy tín doanh nghiệp cũng như danh tiếng sản phẩm, và thậm chí sản phẩm của họ còn đứng trước nguy cơ bị người dân “tẩy chay". Hơn nữa, họ còn phải mất không ít thời gian, tiền bạc khi tham gia giải quyết các tranh chấp có liên quan. Và từ những so sánh vật chất ấy, những tác động tài chính mà trách nhiệm bồi thường thiệt hại mang lại đã tạo ra khả năng rất lớn trong việc răn đe, ngăn chặn các chủ thể vi phạm pháp luật môi trường và định hướng hành vi, thái độ xử của họ mang tính tích cực hơn, thân thiện hơn đối với môi trường xung quanh. 

Ba là, chế định bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường góp phần bảo đảm công bằng xã hội. Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phân phối thu nhập và phúc lợi về cơ bản được tiến hành theo năng lực thị trường với phương châm “làm theo năng lực, hưởng theo lao động. Tuy nhiên, bản thân thị trường không có khả năng giải quyết bất công xã hội và những vấn đề về ô nhiễm môi trường. Vì vậy, Nhà nước với tư cách là chủ thể quản lý xã hội cần can thiệp để điều hòa các lợi ích, giữ vững ổn định xã hội. Và chế định bồi thường thiệt hại về môi trường là một trong những công cụ quản lý nhà nước không thể thiếu trong việc thực hiện mục tiêu bảo đảm công bằng xã hội. Với trách nhiệm bồi thường thiệt hại, chủ thể gây thiệt hại buộc phải có nghĩa vụ bù đắp, khôi phục lại những thiệt hại đã gây ra. Điều đó có nghĩa rằng, để thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại, đòi hỏi chủ thể gây thiệt hại phải lấy nguồn tài chính của mình ra để bồi hoàn lại những thiệt hại mà các chủ thể bị thiệt hại phải gánh chịu. Qua đó, hoàn trả lại sự công bằng về lợi ích giữa các bên chủ thể, bảo đảm phân phối thu nhập cũng như phúc lợi một cách tương xứng trong xã hội. Mặt khác, bồi thường thiệt hại cũng bao hàm cả việc yêu cầu các chủ thể gây thiệt hại bù đắp những tổn thất mà môi trường đã bị ảnh hưởng từ hành vi xâm phạm, qua đó hoàn trả lại môi trường sống trong lành cũng như cuộc sống ấm no, ổn định cho người dân. Đây chính là sự bảo đảm công bằng trong khả năng hưởng thụ những lợi ích có được từ môi trường giữa các chủ thể trong xã hội, cụ thể là giữa người dân ở khu vực bị ô nhiễm và người dân ở khu vực có môi trường trong sạch. Ngoài ra, chế định bồi thường thiệt hại cũng tạo ra sự công bằng giữa các chủ thể sản xuất - kinh doanh trên thương trường với nhau, bởi, nó sẽ tạo ra sự cân bằng về lợi ích giữa nhóm chủ thể đã bỏ chi phí ra để thực hiện tốt các cam kết bảo vệ môi trường (như đầu tư cho hệ thống xử lý nước thải...) và nhóm chủ thể thu lợi ích từ hành vi xâm phạm môi trường (thông qua việc quy định mức bồi thường luôn tương xứng với thiệt hại xảy ra", thì các chủ thể này gần như không thu được lợi ích nào từ hành vi vi phạm pháp luật môi trường). 

Cuối cùng, bồi thường thiệt hại về môi trường có ý nghĩa thiết thực trong việc nâng cao nhận thức của công dân đối với các vấn đề môi trường. Một khi công tác giải quyết bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường được thực hiện có hiệu quả, người dân sẽ có những nhận thức sâu sắc và có những cơ sở pháp lý lẫn cơ sở thực tiễn vững chắc để thực hiện yền yêu cầu bồi thường thiệt hại môi trường của mình hơn. Khi đó, tất yếu họ sẽ quan tâm đến chất lượng môi trường xung quanh nhiều hơn, xem môi trường mà mình đang sinh sống hiện ở trong tình trạng thế nào, có ảnh hưởng đến đời sống của mình hay không, để có những hành động bảo vệ quyền và lợi ích bản thân một cách kịp thời. Hơn thế, khi trách nhiệm bồi thường thiệt hại tác động mạnh mẽ đến khả năng tài chính của các chủ thể sản xuất kinh doanh thì lẽ dĩ nhiên, trong hoạt động của mình họ sẽ phải quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường hơn để không phải gánh chịu những chế tài nghiêm khắc cũng như tránh những thiệt hại đáng tiếc sẽ xảy ra trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của mình. Do đó, dù đứng ở góc độ chủ thể gây thiệt hại hay chủ thể bị thiệt hại, thì chế định bồi thường thiệt hại đều làm cho họ có sự quan tâm nhất định đến các vấn đề về môi trường trong xã hội. Để đạt được ý nghĩa trên thì một lần nữa yêu cầu công tác giải quyết bồi thường thiệt hại về môi trường phải được phát huy đầy đủ tác dụng và đúng bản chất của nó. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào nhận thức và khả năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường của các cá nhân, cơ quan có thẩm quyền.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành