Thứ hai, 28 Tháng 7 2014 00:00

Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước của Bộ giao thông vận tải

1. Những kết quả đạt được:

Việc thành lập Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam trên cơ sở hợp nhất 3 Tổng công ty Cảng hàng không miền Bắc, miền Trung và miền Nam đã tạo ra một doanh nghiệp có năng lực mạnh, đảm bảo thực hiện đầy đủ, thống nhất và đồng bộ các chiến lược, quy hoạch của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực đầu tư, quản lý, khai thác hệ thống cảng hàng không; tập trung nguồn lực để đầu tư có trọng điểm từng công trình, dự án; đưa công nghệ quản trị doanh nghiệp mới, thống nhất hiệu quả hơn; tăng cường năng lực điều tiết vĩ mô, đảm bảo phát triển đồng bộ, hài hòa các cảng hàng không, sân bay trong phạm vi cả nước. Sau khi được hợp nhất, Tổng công ty đã hoạt động có hiệu quả, tập trung được nguồn vốn để thực hiện các dự án lớn, trong đó, một số dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng, phục vụ tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của đất nước nói chung và của từng vùng miền nói riêng, tạo thuận lợi cho sinh hoạt, đi lại của nhân dân.

Việc chuyển các doanh nghiệp từ Bộ, Cục Hàng hải Việt Nam và Tổng cục Đường bộ Việt Nam về các Tổng công ty nhằm thực hiện tách chức năng quản lý nhà nước và quản lý hoạt động sản xuất - kinh doanh của các cơ quan quản lý nhà nước. Việc chuyển các Công ty Hoa tiêu hàng hải về 02 Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải làm cho nhiệm vụ dẫn tàu của hoa tiêu gắn kết chặt hơn với nhiệm vụ bảo đảm an toàn hàng hải của các Tổng công ty. Hai nhiệm vụ công ích này bổ trợ cho nhau, qua đó giúp cho việc dẫn tàu của hoa tiêu hàng hải được dễ dàng, thuận lợi và đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải.

Thông qua tái cơ cấu, cổ phần hóa, các doanh nghiệp đã giải quyết được các tồn tại, bước đầu lành mạnh hóa tình hình tài chính, vốn điều lệ tăng, giảm được hệ số nợ phải trả/vốn điều lệ, bình quân giảm 50%. Bộ đã chỉ đạo các doanh nghiệp giải quyết chính sách lao động dôi dư cho 14.200 người, với tổng số tiền nhận được là 575,3 tỷ đồng. Phần lớn các doanh nghiệp sau khi sắp xếp, cổ phần hóa đã tinh giảm bộ máy gián tiếp; ph­­­ương thức quản lý được đổi mới, các công việc lớn của doanh nghiệp như­­:­ đầu tư­­,­ phân phối lợi nhuận đều được thảo luận dân chủ trong Đại hội cổ đông... Vì vậy, đã tạo ra khí thế mới, làm việc có năng suất, hiệu quả hơn so với trước khi được sắp xếp, cổ phần hoá.

2. Một số những tồn tại:

Tỷ lệ đảm nhiệm thị phần của các phương thức vận tải chưa hợp lý, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của từng phương thức vận tải, kết nối giữa các phương thức vận tải còn yếu; xu hướng “đường bộ hóa” ngày càng rõ nét, tỷ lệ đảm nhận của các phương thức vận tải hiện nay đối với hành khách bằng đường bộ là 93,52%, đường sắt 0,44%, đường thủy nội địa 5,09%, hàng không 0,89%; đối với hàng hóa bằng đường bộ là 65,2%, đường sắt 0,62%, đường thủy nội địa 15,21%, đường biển 18,93%, đường hàng không 0,03%. Điều này đã gây nhiều áp lực đối với ngành đường bộ cũng như vấn đề đảm bảo an toàn giao thông và bảo vệ môi trường; dẫn đến tổ chức vận tải không hợp lý, chất lượng dịch vụ vận tải chưa cao, chi phí vận tải cao ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Tuy đã tập trung ưu tiên đầu tư nhưng đến nay hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển cao hơn. Cơ cấu, số lượng các công trình hiện đại, có tiêu chuẩn kỹ thuật cao như đường bộ cao tốc, đường tốc độ cao, cảng biển cửa ngõ quốc tế… so với toàn mạng lưới còn hạn chế; một số tuyến quốc lộ chưa được đầu tư nâng cấp; hệ thống đường sắt vẫn đang trong tình trạng lạc hậu; nhiều tuyến đường thủy đang khai thác tự nhiên; thiếu các cảng biển hiện đại có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải lớn; một số nơi cảng lớn quá tải, trong khi đó một số cảng khai thác chưa hết công suất; thiếu đồng bộ giữa luồng vào cảng và hệ thống giao thông kết nối. Vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước, và chỉ mới đáp ứng được 20-30% nhu cầu. Mặc dù đã đẩy mạnh huy động vốn ngoài ngân sách nhà nước với khối lượng lớn nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ cho các mục tiêu xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đã đề ra. Vẫn còn tồn tại một số công trình chưa đáp ứng về tiến độ, chất lượng tại một số hạng mục công trình giao thông.

Chất lượng công tác quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng đã có nhiều cố gắng nhưng nhìn chung vẫn chưa đảm bảo yêu cầu. Vốn dành cho công tác duy tu, bảo trì thiếu  đã làm ảnh hưởng đến chất lượng của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và giảm năng lực khai thác. Đặc biệt, đối với đường bộ do tình trạng xe chở quá tải chưa được kiểm soát chặt chẽ trên diện rộng nên hệ thống quốc lộ nhiều nơi đang bị hư hỏng, đi lại rất khó khăn và mất an toàn.

Công nghiệp giao thông vận tải còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng. Các sản phẩm công nghiệp giao thông vận tải tỷ lệ nội địa hóa thấp, công nghiệp phụ trợ chậm phát triển; Công nghệ chủ yếu là gia công, lắp ráp, làm phần vỏ, các thành phần chính hầu hết vẫn phải nhập. Thời gian qua, khủng hoảng kinh tế đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu đã làm nhiều quốc gia trên thế giới rơi sâu vào suy thoái nên nhiều đơn hàng sản xuất bị hủy bỏ, khiến ngành công nghiệp đóng tàu bị ảnh hưởng suy giảm mạnh.

3. Một số giải pháp khắc phục:

Việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà n­ước phải được thực hiện đồng bộ từ khâu tuyên truyền, quán triệt chủ trư­ơng của Đảng, quy định, chỉ đạo, định hướng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đến khâu tổ chức thực hiện, nhằm giúp cán bộ, đảng viên, ng­ười lao động hiểu rõ chủ tr­ương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp. Phải bám sát thực tiễn, nắm bắt, đề xuất kịp thời các cơ chế, chính sách để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp. Trên cơ sở các quy định của pháp luật hiện hành và điều kiện thực tế triển khai, Bộ đã nghiên cứu, đề xuất cụ thể một số cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp, báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận

Phải có sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương có liên quan, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong quá trình cổ phần hóa, tái cơ cấu. Trong điều kiện thị trường vốn khó khăn, thị trường chứng khoán ảm đạm như hiện nay, để cổ phần hóa thành công thì doanh nghiệp phải tìm được nhà đầu tư chiến lược, thỏa thuận bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược trước khi thực hiện bán đấu giá công khai (IPO).

Ban Cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo quyết liệt, ngay từ đầu năm đã ban hành các Nghị quyết về công tác sắp xếp, tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp, thể hiện quyết tâm chính trị cao, quyết liệt, tập trung, thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm và các bước đi thích hợp trong quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp. Đây là căn cứ quan trọng để các đơn vị tổ chức thực hiện. Xác định rõ vai trò, trách nhiệm cá nhân, xét mức độ hoàn thành các nhiệm vụ trong công tác tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp là một căn cứ để đánh giá và bình xét thi đua khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Đồng thời, nếu lãnh đạo các doanh nghiệp không hoàn thành nhiệm vụ cổ phần hóa theo kế hoạch sẽ xem xét vai trò, trách nhiệm cá nhân và có biện pháp xử lý thích hợp, bao gồm cả việc điều chuyển công tác. Cụ thể, năm 2013, Bộ Giao thông vận tải đã điều chuyển, thay đổi Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc và Kế toán trưởng tại Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8.

Sửa đổi lần cuối Thứ tư, 08 Tháng 10 2014 07:44

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành