Thứ hai, 28 Tháng 7 2014 00:00

Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước của Bộ xây dựng

1. Những kết quả đạt được:

Tính đến hết năm 2010, Bộ Xây dựng đã hoàn thành cổ phần hóa 339 đơn vị gồm 219 doanh nghiệp và 120 bộ phận doanh nghiệp, trong đó có 05 Tổng công ty và 11 Công ty độc lập trực thuộc Bộ. Với kết quả này, các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, hoạt động trong những lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ đã tích cực được sắp xếp, chuyển đổi sở hữu theo hướng cổ phần hóa. Đến cuối năm 2010, những doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Bộ Xây dựng chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô lớn, hoạt động trong những lĩnh vực then chốt để tham gia điều tiết nền kinh tế, thực hiện các mục tiêu chính trị, xã hội của Đảng, của Nhà nước. Thông qua cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đã đa dạng hóa sở hữu vốn nhà nước, xác định được rõ phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp và vốn của các nhà đầu tư khác, từ đó gắn được quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của nhà đầu tư với hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời vốn, tài sản nhà nước trong các doanh nghiệp cổ phần hóa đã được đánh giá lại theo quy định, làm minh bạch được tài chính doanh nghiệp, làm rõ được công nợ, xử lý được nhiều tồn đọng về vốn, tài sản, đất đai để từ đó có phương án sử dụng hợp lý hơn.

Các công ty cổ phần hóa đã chủ động huy động được nhiều vốn ngoài xã hội để đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ thiết bị, nâng cao trình độ cho người lao động. Theo báo cáo của Công ty cổ phần đến năm 2010 cho thấy, vốn ngoài xã hội được huy động vào sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là 10.298,47 tỷ đồng. Việc huy động vốn của các Công ty cổ phần thông qua tăng vốn điều lệ  phát hành thêm cổ phiếu và thông qua việc bán bớt phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã dẫn đến thay đổi cơ cấu vốn đầu tư của các Tổng công ty. Trên cơ sở xác định rõ chủ sở hữu, công tác quản trị doanh nghiệp đã được đổi mới để đáp ứng nhu cầu quản lý của doanh nghiệp theo mô hình mới, nhất là đối với các Công ty cổ phần đã niêm yết, công tác quản lý tài chính đòi hỏi phải được đổi mới để đáp ứng nhu cầu về tính minh bạch của tình hình tài chính doanh nghiệp đối với các cổ đông và các cơ quan quản lý nhà nước.

Sau khi chuyển sang Công ty cổ phần, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có chuyển biến tích cực so với trước khi cổ phần hóa. Kết quả kinh doanh năm 2010 so với năm trước khi cổ phần hóa của các Công ty cổ phần đạt được như doanh thu tăng 2,10 lần, nộp ngân sách tăng 3,87 lần, lợi nhuận sau thuế tăng 5,87 lần, thu nhập bình quân tăng 2,17 lần, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/Vốn chủ sở hữu 27,54%, cổ tức bình quân 12,29%. Do hoạt động kinh doanh có hiệu quả, nhiều doanh nghiệp đã tạo được uy tín cho các nhà đầu tư ngoài xã hội nên huy động được nhiều vốn ngoài xã hội để phục vụ nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ thiết bị và quản lý thông qua phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn điều lệ hoặc bán bớt phần vốn nhà nước.

2. Những thực trạng còn tồn tại:

Bên cạnh nhiều Công ty cổ phần hoạt động đạt hiệu quả cao cũng còn không ít doanh nghiệp hoạt động còn khó khăn do còn phải gánh những khoản lỗ từ DNNN chuyển sang, năng lực cạnh tranh thấp, thiếu vốn sản xuất, trình độ quản trị doanh nghiệp còn yếu, từ đó dẫn đến kinh doanh khó khăn, mất cân đối tài chính, làm ăn hiệu quả thấp hoặc bị thua lỗ, ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của người lao động, thiệt hại cho các nhà đầu tư.

       Trong việc xác định giá trị doanh nghiệp còn có một số bất cập như khi xử lý tài chính phải hoàn nhập lại dự phòng các khoản phải thu khó đòi không đủ điều kiện để loại trừ ra khỏi giá trị doanh nghiệp, dẫn tới sau khi cổ phần hóa công ty cổ phần không có nguồn quỹ để bù đắp cho những tổn thất xảy ra đối với các khoản nợ phải thu khó đòi tồn tại từ giai đoạn là doanh nghiệp nhà nước; phương pháp định giá các khoản đầu tư tài chính tại các doanh nghiệp chưa niêm yết theo phương pháp vốn chủ sở hữu chưa phản ánh được tính thị trường của các khoản đầu tư; khoản góp vốn bằng ngoại tệ được định giá lại theo tỷ giá hiện thời, trong khi doanh nghiệp nhận góp vốn đã vốn hóa khoản góp vốn này theo tỷ giá tại thời điểm nhận vốn góp dẫn tới khoản chênh lệch tăng do đánh giá lại giá trị ngoại tệ không được đơn vị nhận góp vốn thừa nhận, tạo nguồn vốn ảo cho doanh nghiệp sau cổ phần hóa; việc tính lợi thế kinh doanh căn cứ vào lợi nhuận bình quân 3 năm gần nhất là chưa phản ánh đúng lợi thế kinh doanh do khoảng thời gian quá ngắn, không phù hợp với doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm có tính chất chu kỳ; tại thời điểm bàn giao doanh nghiệp, trong khi các tài sản khác không định giá lại thì việc phải định giá lại các khoản đầu tư tài chính là không phù hợp về tính chất tài chính, việc này có thể dẫn tới việc điều chỉnh lại quy mô vốn điều lệ của công ty cổ phần và xử lý rất phức tạp.

Sự khó khăn chung của nền kinh tế, khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và sự suy giảm của thị trường chứng khoán tác động lớn đến việc thu hút nguồn vốn từ bên ngoài khi thực hiện cổ phần hóa, đặc biệt là việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược rất khó khăn. Tiến độ thực hiện thoái vốn còn chậm do những vướng mắc như tình hình thị trường chứng khoán khó khăn nên ít nhà đầu tư quan tâm mua cổ phần. Chưa có đầy đủ văn bản hướng dẫn Nghị quyết 15/NQ-CP ngày 06/3/2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nên việc triển khai còn lúng túng, rụt rè. Chưa có văn bản hướng dẫn việc chuyển giao vốn, chuyển giao nguyên trạng doanh nghiệp.

3. Một số giải pháp cải thiện tình hình hiện tại:

Thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành và bán phần vốn mà Nhà nước không cần nắm giữ theo nguyên tắc thị trường, bao gồm cả doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả. Tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra các doanh nghiệp trực thuộc. Chỉ đạo quyết liệt việc kiện toàn cán bộ quản lý và nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, thực hiện công khai minh bạch kết quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước theo quy định của pháp luật. Đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật và không nghiêm túc thực hiện Đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt nhằm đạt được các mục tiêu đề ra như: Nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh, tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp trực thuộc; Tạo điều kiện để doanh nghiệp giải phóng sức sản xuất, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động sản xuất kinh doanh; Xây dựng, phát triển các doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng trở thành những đơn vị kinh tế vững mạnh trong ngành xây dựng, có cơ cấu hợp lý, tập trung vào các ngành nghề kinh doanh chính, phát huy tốt các nguồn lực và đảm bảo sự phát triển bền vững và ổn định của các đơn vị sau cổ phần hóa.

Tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức của cán bộ lãnh đạo, người lao động trong doanh nghiệp trong công tác cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp thông qua các hình thức chỉ đạo bằng văn bản, tổ chức hội thảo, cuộc họp phổ biến… Quy định việc thực hiện kế hoạch cổ phần hóa, tái cơ cấu là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của lãnh đạo doanh nghiệp. Thực hiện cổ phần hóa các công ty con đồng thời với Công ty mẹ để rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí và lựa chọn được phương án cổ phần hóa phù hợp hơn.

Phê duyệt kế hoạch, tiến độ cổ phần hóa cụ thể, bao gồm cả mốc thời gian cho từng bước công việc. Thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, đánh giá mức độ hoàn thành tiến độ cổ phần hóa theo kế hoạch đề ra, chỉ đạo các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị hồ sơ, tài liệu pháp lý để cổ phần hóa. Áp dụng các biện pháp xử lý linh hoạt, hữu hiệu, dứt điểm đối với các doanh nghiệp đang gặp khó khăn lớn về tài chính, lao động. Thường xuyên chỉ đạo, phối hợp với doanh nghiệp cổ phần hóa giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình cổ phần hóa, nhất là đối với các doanh nghiệp có nhiều tài sản là đất đai, nhà cửa, máy móc thiết bị… khi xác định giá trị doanh nghiệp

Chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch đầu tư, Ủy ban nhân dân các tỉnh … để giải quyết các vấn đề vướng mắc khi cổ phần hóa như việc xác định giá trị doanh nghiệp, phương án sử dụng đất, phương án cổ phần hóa. Tăng cường quan tâm, hướng dẫn, chỉ đạo, giám sát đối với các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp sau cổ phần hoá, chỉ đạo các đơn vị chủ động rà soát và lập kế hoạch, lộ trình bán tiếp phần vốn nhà nước tại các công ty cổ phần xét thấy không cần thiết nắm giữ.

Xây dựng kế hoạch thực hiện đề án tái cơ cấu của các doanh nghiệp Nhà nước theo từng quý; thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc và phối hợp giải quyết các công việc phát sinh trong quá trình tái cơ cấu, nhất là trong việc thoái vốn tại các khoản đầu tư kém hiệu quả, ngoài ngành nghề kinh doanh chính. 

Sửa đổi lần cuối Thứ tư, 08 Tháng 10 2014 07:52

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành