Thứ năm, 27 Tháng 2 2014 00:00

Hướng hoàn thiện quy trình quản lý đầu tư công

1. Khái niệm quy trình quản lý đầu tư công theo Dự thảo Luật Đầu tư công:

Theo điều 4 Dự thảo Luật, “Quản lý đầu tư công” là quá trình quản lý từ khâu phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt chương trình, dự án, lập kế hoạch đầu tư, xác định danh mục chương trình, dự án đầu tư, triển khai thực hiện, theo dõi, kiểm tra đánh giá, thanh tra các chương trình, dự án đầu tư công và kế hoạch đầu tư công. “Đầu tư công” là việc sử dụng các nguồn vốn đầu tư công để đầu tư nhằm thực hiện các mục tiêu của các chương trình, các dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. “Chương trình đầu tư công” là một tập hợp các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ để thực hiện những nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của một số ngành, lĩnh vực hoặc vùng miền trong kế hoạch 5 năm.

Quy trình quản lý đầu tư công đang được hướng đến xây dựng và thực hiện được thể hiện chính trong kết cấu các chương của Dự thảo Luật, bao gồm:

      - Chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công.

      - Lập, thẩm định, phê duyệt chương trình, dự án đầu tư công.

      - Lập kế hoạch đầu tư công.

      - Thực hiện kế hoạch đầu tư công.

      - Theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công.

Nhìn vào quy trình quản lý đầu tư công có thể thấy đối tượng chính của hoạt động quản lý còn chưa được xác định rõ ràng, ở đây chỉ ra ba đối tượng là kế hoạch đầu tư công, chương trình đầu tư công, dự án đầu tư công và mối quan hệ giữa ba đối tượng này cũng chưa được chỉ ra một cách cụ thể. Đồng thời quy trình quản lý đầu tư công cũng chưa được xác định rõ ràng.

2. Ý nghĩa của việc hoàn thiện quy trình quản lý đầu tư công trong quá trình tái cơ cấu đầu tư công:

Việc đánh giá các tiêu chí quản lý như: chủ trương, thẩm định, phê duyệt, tổ chức thực hiện, giám sát, kiểm tra, kiểm toán từ những nghiên cứu và hoàn thiện chính sách pháp luật đầu tư công đã nhấn mạnh “đầu tư công” là việc sử dụng các nguồn vốn đầu tư công để đầu tư nhằm thực hiện các mục tiêu của các chương trình, các dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Chương trình đầu tư công là một tập hợp các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ về kinh tế, xã hội để thực hiện một hoặc nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Dự thảo Luật Đầu tư công đã phần nào khẳng định được tính tất yếu khách quan trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế từ kế hoạch hóa sang thị trường, từ quản lý hành chính đơn thuần sang quản lý kinh tế theo các quy luật kinh tế cơ bản, trong đó tính minh bạch hiệu quả được coi là cốt lõi của sự phát triển bền vững.

Về bản chất quy trình quản lý đầu tư công là một bộ thể chế thống nhất, đồng bộ với quá trình nghiên cứu, hình thành, xây dựng, thẩm định, kiểm tra cho đến đánh giá hiệu quả đầu tư là một quy trình chặt chẽ, khoa học với bộ chỉ số, tiêu chí và công cụ đánh giá hết sức khách quan, minh bạch. Qua đó luận cứ được mục tiêu đầu tư, hạng mục đầu tư, chi phí đầu tư, tuổi thọ của các công trình và hiệu quả kinh tế xã hội trong ngắn hạn và dài hạn. Do vậy trong dự thảo Luật cần bổ sung về cơ chế đánh giá hiệu quả sau đầu tư.

Việc xây dựng và ban hành Luật Đầu tư công với các quy định về quy trình quản lý đầu tư công góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý đầu tư công phù hợp với chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế nói chung và tái cơ cấu đầu tư mà trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công nói riêng; tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý sử dụng vốn đầu tư công đối với toàn bộ quá trình đầu tư, từ khâu quyết định chủ trương đầu tư, chuẩn bị đầu tư, phê duyệt quyết định đầu tư, lựa chọn chương trình đưa vào kế hoạch; chuyển từ kế hoạch đầu tư hàng năm sang kế hoạch đầu tư trung hạn; toàn bộ quy trình triển khai thực hiện kế hoạch đến theo dõi, đánh giá, giám sát kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công.

Thực hiện tốt quy trình quản lý đầu tư công sẽ khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán như hiện nay, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư công theo đúng mục tiêu, định hướng của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; chống thất thoát, lãng phí; bảo đảm tính công khai, minh bạch trong tất cả các khâu của quá trình đầu tư.

3. Một số kiến nghị để hoàn thiện quy trình quản lý đầu tư công:

Nhìn chung, quy trình quản lý đầu tư công được đưa ra theo Dự thảo Luật đã thể hiện sự đổi mới về phương thức và nội dung quản lý đầu tư công nhằm quản ly chặt chẽ đối với dự án, công trình sử dụng vốn Nhà nước, khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí, hiệu quả thấp, đồng thời tạo điều kiện thuật lợi cho tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư xây dựng. Dự thảo Luật quy định việc quản lý dự án phù hợp với loại nguồn vốn sử dụng theo nguyên tắc dự án sử dụng nguồn vốn khác nhau được quản lý theo các phương thức khác nhau. Dự thảo Luật cũng đã phân định chức năng quản lý Nhà nước đối với dự án và nhiệm vụ quản lý dự án của chủ đầu tư, bổ sung quy định hình thức ban quản lý dự án chuyên ngành, ban quản lý dự án khu vực. Dự thảo Luật đã chú trọng việc kiểm soát, quản lý chất lượng xây dựng ở tất cả các khâu của quá trình đầu tư xây dựng.

Để thực hiện mục tiêu từng bước hội nhập, phù hợp với thông lệ quốc tế trong quản lý đầu tư công, nên tham khảo khái niệm và quy trình quản lý đầu tư công theo lý thuyết và kinh nghiệm thế giới để xác định rõ những nội hàm của quản lý đầu tư công và bổ sung những nội dung mà quy trình quản lý đầu tư công Việt Nam còn chưa đề cập thích đáng.

Hoàn thiện những quy định về thẩm định dự án và bổ sung quy định về thẩm định dự án độc lập. Quy định cụ thể về lựa chọn dự án phải đi đôi với bố trí nguồn vốn, lập dự toán đầu tư. Hạn chế đáng kể trong quản lý đầu tư công hiện nay ở Việt Nam là có sự tách rời giữa lựa chọn dự án và lập dự toán với bố trí nguồn vốn. Để khắc phục hạn chế này, trong quy trình quản lý đầu tư công liên quan đến lựa chọn và lập ngân sách dự án có thể có các quy định như: Chỉ lựa chọn, phê duyệt dự án nếu như có phương án bố trí nguồn vốn đầy đủ và đáng tin cậy được xác nhận; Hoặc quy định cơ quan cụ thể có nhiệm vụ và chịu trách nhiệm thẩm định về khả năng bố trí nguồn vốn, đặc biệt là đối với các dự án đầu tư công quan trọng.

Quy định quản lý vận hành dự án là một khâu quan trọng trong quy trình quản lý đầu tư công. Hiện nay trong các văn bản pháp luật hiện hành và Dự thảo Luật Đầu tư công, hoạt động vận hành dự án không được coi là thuộc phạm vi của quản lý đầu tư công. Điều này dẫn đến việc thiếu trách nhiệm của đơn vị triển khai dự án cũng như khả năng thất thoát hoặc giảm giá trị tài sản Nhà nước trong quá trình vận hành. Để hạn chế tình trạng này, trong quy trình quản lý đầu tư công liên quan đến vận hành dự án và cung cấp dịch vụ có thể thêm các quy định như: Yêu cầu chủ đầu tư có trách nhiệm bảo hành trong một thời gian nhất định đối với các dự án họ thực hiện; Yêu cầu có dự toán đầy đủ các chi phí thường xuyên cho hoạt động vận hành và bảo trì, bảo dưỡng dự án khi đi vào hoạt động; Xây dựng bộ tiêu thức theo dõi chất lượng và hiệu quả cung ứng dịch vụ của dự án đầu tư công; Gắn việc quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt các dự án trong tương lai với chất lượng và hiệu quả thực hiện các dự án đã và đang triển khai.

Sửa đổi lần cuối Thứ năm, 09 Tháng 10 2014 04:40

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành