In trang này
Thứ hai, 22 Tháng 2 2021 09:50

GIỚI THIỆU CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA QUỐC HỘI/NGHỊ VIỆN

Các nước dân chủ hoặc quân chủ lập hiến hiện nay trên thế giới đều tổ chức ra các Quốc hội của mình. Sự hiện diện của Quốc hội có tính chất khẳng định cho nền dân chủ của chế độ chính trị của mỗi quốc gia. Việc tổ chức và hoạt động của các Quốc hội rất khác nhau. Sự khác nhau này tuỳ thuộc vào từng điều kiện hoàn cảnh lịch sử, văn hoá, truyền thống của từng quốc gia. Do vậy, mô hình tổ chức và hoạt động của Quốc hội rất đa dạng và phong phú. Sự đa dạng và phong phú của Quốc hội ngoài việc được tạo nên từ các điều kiện hoàn cảnh của từng nước, mà còn từ các công việc, các chức năng cần phải đảm nhiệm của Quốc hội.

Một hình thức quan trọng để nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước thuộc về mình, một hình thức để thông qua đó nhân dân kiểm tra các hoạt động của nhà nước, một hình thức để nhân dân thay đổi, để cho nhà nước luôn luôn thuộc về nhân dân.

Đa số các Quốc hội/nghị viện của các nhà nước tư bản phát triển đều được tổ chức thành hai viện, với các tên gọi rất khác nhau: thượng viện và hạ viện. Cơ cấu hai viện này trước hết được áp dụng cho nhà nước liên bang, tức là nhà nước liên bang nghị viện có cơ cấu hai viện. Hạ viện là viện đại diện cho ý chí của toàn liên bang không phân biệt các bang hợp thành, do toàn cử trị của liên bang bầu ra. Thượng viện là viện phải đại diện cho ý chí của các bang và mối liên hệ giữa các bang với nhau do cử tri của từng bang bầu ra rồi nhóm họp lại. Ở đây, các viện đều tham gia vào việc giải quyết các công việc của toàn liên bang. Vì nhiệm vụ khác nhau, cho nên có sự phân biệt giữa hạ viện và thượng viện: thượng viện có nhiệm vụ này lại không có nhiệm vụ kia, và ngược lại công việc này thuộc về chức năng của hạ viện, mà không thể là của thượng viện. Vì vậy, không thể nói rằng viện này có nhiều quyền năng hơn, hoặc viện kia có ít quyền năng hơn.

Cơ cấu hạ viện không phải là cơ cấu đặc thù của nhà nước liên bang. Không ít những nước có lãnh thổ là đơn nhất nhưng vẫn có cơ cấu là hai viện. Ví dụ như ở Anh[1], ở Nhật Bản, ở Italia... và nhiều nước khác, hạ viện thường do phổ thông đầu phiếu bầu ra, đại diện cho quyền lợi của tầng lớp thị dân, nông dân, trí thức, tư sản mới... Vì vậy, thường được gọi là viện thứ dân. Thượng viện, thường là viện đại diện cho giới thượng lưu của giai cấp phong kiến, tư sản dân tộc, không do phổ thông đầu phiếu trực tiếp, mà bằng nhiều phương pháp rất khác nhau, có thể bầu gián tiếp, có thể do bổ nhiệm, hoặc thậm chí có thể là do truyền ngôi; thường được gọi là viện nguyên lão. Ở những nước này, quyền hạn và trách nhiệm của thượng viện và hạ viện cũng rất khác nhau. Sự tồn tại hai viện khác nhau này được giải thích là để tránh sự vội vàng của hạ viện, khi hạ viện thông qua những quyết định luật theo sức ép của dân chúng. Bởi vì khi có thượng viện, thì ít nhất công đoạn làm luật, hay thông qua các quyết định phải được tiến hành dài hơn, với những thủ tục rườm rà hơn, để ngăn chặn mọi sự quá tả, vội vàng hấp tấp của hạ viện. Mặt khác, việc tổ chức quốc hội thành hai viện chủ yếu là để nhằm giải quyết mâu thuẫn có thể xảy ra giữa các quyền lợi vốn dĩ là không thống nhất nhau của các tầng lớp giai cấp, giữa các dân tộc trong cùng một quốc gia theo con đường mà pháp luật đã định ra mà không bằng một con đường nào khác.

Khi phân tích cơ cấu của nghị viện, phải kể đến văn phòng của nghị viện (Văn phòng Quốc hội). Văn phòng gồm có: Chủ tịch, Phó chủ tịch nghị viện và bộ phận giúp việc. Ở đa số các nước tư bản chủ nghĩa, Chủ tịch hạ nghị viện và các Phó Chủ tịch thường gắn với một đảng phái chính trị chiếm được đa số ghế trong nghị viện. Chức năng chủ yếu của Chủ tịch, Phó Chủ tịch của nghị viện là điều hành các khoá họp của nghị viện. Để tỏ rõ sự điều khiển vô tư của người điều khiển khoa họp, một số nước quy định Chủ tịch phải từ bỏ đảng phái của mình khi nhậm chức. Một số nước còn quy định Chủ tịch nghị viện không được bỏ phiếu khi nghị viện thông qua các quyết định, trừ trường hợp số phiếu thuận và chống ngang nhau, thì ý kiến của Chủ tịch là ý kiến quyết định. Ngoài việc điều khiến các khoá họp, Chủ tịch nghị viện còn có nhiệm vụ giải thích quy chế nghị viện.

Chủ tịch Hạ nghị viện Anh có tên gọi là người phát ngôn "Speaker", nguồn gốc là người thay mặt Nghị viện chuyển những quyết định của Nghị viện Anh cho nhà vua. Ngoài việc phát ngôn chính thức, Chủ tịch Hạ nghị viện còn có nhiệm vụ điều khiển các khoá họp của Hạ nghị viện, phải gánh trách nhiệm duy trì những đặc quyền, đặc lợi của nghệ sĩ.

Ở những nước có thượng viện, Chủ tịch Thượng viện có thể không do thượng viện bầu ra, mà chức danh này gắn liền với bộ máy hành pháp. Ở Canada, Chủ tịch Thượng viện do Chính phủ bổ nhiệm theo đề nghị của Thượng viện. Ở Hoa Kỳ, Phó Tổng thống đương nhiên là Chủ tịch Thượng viện. Vì vậy, Chủ tịch Thượng viện vì gắn liền với bộ máy hành pháp, nên không mấy khi điều khiển các phiên họp của Thượng viện. Thượng viện phải bầu ra Chủ tịch Thượng viện tạm thời (President protempore), để điều khiển các khoá họp. Trong các phiên họp, Phó Tổng thống có thể tham dự, nhưng không bao giờ tham gia tranh luận, chỉ biểu quyết khi có số phiếu ngang nhau.

Nghị viện các nước tư sản thường thành lập các ban, các nhóm nghị sĩ có nhiệm vụ nghiên cứu, chuẩn bị các dự án quyết định của nghị viện. Các bạn, các nhóm nghị sĩ được gọi là các ủy ban thường trực (các ủy ban chuyên môn) của nghị viện. Nói chung những ủy ban này được tổ chức theo các lĩnh vực cần phải thực hiện các chức năng của nghị viện gần tương ứng như các cơ quan ban ngành của phía hành pháp. Chức năng, nhiệm vụ của nó là giúp cho nghị viện chuẩn bị trước các dự án, kiểm tra các hoạt động của chính phủ. Thành phần của chúng gồm có: Chủ tịch Uỷ ban (có nơi gọi là Trưởng, hoặc Chủ nhiệm Ủy ban), các Phó Chủ tịch, Thư ký và các uỷ viên Ủy ban. Các Ủy ban này được thành lập cho từng viên của nghị viện có cơ cấu hai viện, có Ủy ban được thành lập chung cho cả hai viện. Trong lịch sử của nghị viện tư sản, vấn đề này được giải quyết hết sức khác nhau.

 


[1] Anh là một trong những nước có cơ cấu hai viện vào loại sớm nhất. Người ta thường nói nước Anh là quê hương của Nghị viện hai viện. Ngay từ thế kỷ XIV, ở đây đã có cơ cấu hai viện. Hạ nghị viện có cơ cấu 635 đại biểu do nhân dân trực tiếp bầu ra; Thượng viện được hình thành từ bốn loại thượng nghị sĩ: 1. Truyền ngôi cho những quan chức phong kiến có phẩm hàm từ bá tước trở xuống) 2. Các thủ lĩnh tôn giáo đương nhiệm; 3. Thủ tướng Anh hết nhiệm kỳ, 4. Một số khác do đích thân Hoàng đế bổ nhiệm. Tính đến nay có tới hơn 1.100 Thượng nghị sĩ.