Thứ hai, 24 Tháng 3 2014 00:00

Cơ hội phục hồi kinh tế

1. Những kết quả đạt được:

Nền kinh tế Việt Nam năm 2013 đã trải qua hàng loạt các thách thức và khó khăn từ các năm trước để lại. Mức tăng trưởng trong năm 2013 đạt 5,42% là cột mốc chấm dứt giai đoạn suy giảm kinh tế trong 3 năm trở lại đây. 5-9% là mức tăng trường ghi nhận được của hầu hết các nhóm ngành, riêng ngành nông nghiệp chỉ đạt 2,21% và ngành khai khoáng là -0,2%.

Sau khi chỉ số lạm phát đạt mức đỉnh là 18,58% trong năm 2011 thì đến 2013 nền kinh tế đã có dấu hiệu hồi phục nhẹ. Tiêu dùng cá nhân có xu hướng cải thiện dù còn tương đối chậm, tăng 5,36% so với năm 2012.

Năm 2013 kinh tế Việt Nam bắt đầu hồi phục dù yếu ớt và vẫn ở trong tình trạng tăng trưởng dưới tiềm năng. Ngày 7/1/2013 Chính phủ ban hành nghị quyết 01 và nghị quyết 02 kèm với chính sách giảm miễn thuế thông qua tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội (tháng 6/2013) tạo niềm tin cho thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết hàng tồn kho, xử lý nợ xấu, tháo giỡ khó khăn cho thị trường nhà đất giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt.

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng các ngành xuất khẩu của Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng, năm 2013 là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam xuất siêu. Vốn đầu tư nước ngoài được thu hút mạnh mẽ, tính đến cuối năm 2013 đạt 21,6 tỉ USD, tăng 54,5% so với cùng kỳ năm trước.

Ngành tài chính trong năm 2013 đã thực hiện thắng lợi công tác tài chính - ngân sách, hoàn thành vượt dự toán thu ngân sách Nhà nước trong điều kiện khó khăn bằng những nỗ lực và quyết tâm không ngừng. Thành công lớn của ngành phải kể đến cụ thể đã hoàn thành công tác thu ngân sách Nhà nước vượt dự toán gần 1%, nhờ đó các kế hoạch cân đối chi Ngân sách Nhà nước đảm bảo đúng yêu cầu, kế hoạch, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng. Nhờ đó cả 3 nhóm ngành, nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước.

Đến cuối tháng 12/2013 theo cơ quan thống kê ước tính tổng thu ngân sách năm 2013 đạt gần 817 nghìn tỉ đồng đạt nỗ lực thu vượt trên 16 nghìn tỉ đồng so với báo cáo trước Quốc hội. Công tác chi, kiểm soát chi Ngân sách cũng được thực hiện tiết kiệm, chặt chẽ nhờ đó cắt giảm được gần 23 nghìn tỉ đồng. Cùng với quyết tâm cao độ của Chính phủ, Bộ Tài Chính đã đạt được những thành quả lớn góp phần tích cực vào công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế mà trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu thị trường tài chính, ngân hàng và tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước.

2. Những thách thức và tồn tại:

Bức tranh kinh tế Việt Nam 2013 diễn ra gần như giống với những nhận định từ Diễn đàn kinh tế Mùa xuân (tháng 4/2013), tuy có dấu hiệu phục hồi ở từng lĩnh vực nhưng nhìn chung chưa thoát khỏi trì trệ, cả tốc độ tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng chưa được cải thiện đáng kể. Về thu ngân sách tuy có đạt được thành tựu nhưng vẫn phát sinh vấn đề mới gây nguy cơ bất ổn cho kinh tế vĩ mô là sự thâm hụt ngân sách cho nguồn thu không đạt kế hoạch tại một số địa phương. Như tại TP. Hồ Chí Minh ước tính thâm hụt 20 nghìn tỉ đồng nhưng công chi không thể giảm từ đó gây ra các vấn đề nan giải trong bài toán ngân sách.

Tính từ đầu thập niên 90 của thế kỷ 20, năm 2013 là giai đoạn bất ổn kinh tế vĩ mô kéo dài nhất, sức mua bị kìm hãm bởi chính sách tài khoá thắt chặt theo Nghị quyết 11 của Chính phủ. Có dấu hiệu tăng của các doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản, nợ xấu tràn lan, các khoản tín dụng tập trung quá nhiều vào một nhóm tập đoàn kinh tế làm tăng tính rủi ro của tín dụng và sự kém hiệu quả trong phân bố nguồn lực tài chính. Các ngân hàng thương mại lâm vào nguy cơ đổ vỡ dây chuyền do mất thanh khoản của một nhóm ngân hàng thương mại yếu kém. Nguy cơ tái phạm phát cao, dòng tín dụng tắc nghẽn làm cho nền kinh tế không hấp thụ được vốn, khả năng tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp vẫn còn kém, những nỗ lực làm ấm thị trường nhà đất chưa mang lại kết quả cụ thể dẫn đến chưa thể cải thiện thanh khoản của thị trường từ đó việc xử lý nợ xấu vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Nền kinh tế rời vào giai đoạn khó khăn một phần là do tác động tiêu cực từ tình hình chung của thế giới nhưng cốt yếu vấn đề trong nước vẫn tồn tại những bất cập của cơ cấu kinh tế và tác động tính hai mặt của các giải pháp tài khoá và tiền tệ. Tỉ lệ nhập siêu thấp trong năm 2013 là do nhập khẩu tăng chậm và sức mua thị trường giảm nên việc giảm nhập siêu vẫn chưa phải là dấu hiệu đáng mừng. Kim ngạch xuất khẩu tăng nhưng chủ yếu dựa vào khu vực FDI.

3. Kiến nghị những giải pháp trong giai đoạn sắp tới:

Hiện nay, các đánh giá tình hình kinh tế thường được gắn chặt với chỉ tiêu GDP. GDP ở Việt Nam hiện nay không chỉ được tính toán mà còn được nhìn nhận về ý niệm từ phía cung, tức là cộng tất cả phần giá trị gia tăng của các ngành trong nền kinh tế và thuế nhập khẩu theo nguyên tắc thường trú, chẳng hạn một doanh nghiệp FDI hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam trên một năm thì toàn bộ phần giá trị gia tăng của doanh nghiệp đó được tính vào GDP của Việt Nam, một doanh nghiệp FDI khai thác tài nguyên ở Việt Nam cũng được tính toán theo nguyên tắc trên.

Nhiệm vụ chủ chốt để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế trong năm 2014 là phải phục hồi niềm tin của thị trường, tái cơ cấu nền kinh tế đặc biệt là hệ thống Ngân hàng thương mại và khu vực Doanh nghiệp Nhà nước, đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô và lấy lại niềm tin cho thị trường.

Doanh nghiệp nhà nước nắm giữ vai trò bổ sung những khiếm khuyết của thị trường, điều hành chung thị trường chứ không nên làm thay thị trường. Như vậy tái cơ cấu Doanh nghiệp Nhà nước là nhiệm vụ của Chính phủ và phải thực hiện trên tổng thể chứ không phải nhiệm vụ của từng đơn vị và thực hiện trên từng công ty, tập đoàn riêng rẽ. Thực hiện chính sách tiền tệ và tài khoá phối hợp nhịp hàng phục vụ cho mục tiêu huy động tổng đầu tư xã hội, huy động các nguồn lực bổ sung cho nhau nhằm đảm bảo tổng đầu tư xã hội.

Mạnh dạn công chi dưới nhiều hình thức để kích thích tăng tổng cầu. Để giả quyết dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản và các công trình xây dựng dang dở cần tăng trần bội chi ngân sách so với mức 4,8% như hiện nay, phát hành trái phiếu Chính phủ, ngoài định mức 45 nghìn tỉ đồng/năm như Quốc hội đã cho phép. Mặc dù phải đảm bảo an toàn nợ công nhưng trong tình thế hiện nay chính đầu tư công là giải pháp có tác động tích cực và nhanh nhất để kích thích sự tăng tổng cầu của nền kinh tế, khi nền kinh tế đã hấp thụ tốt nguồn vốn, khuyến khích đầu tư tư nhân, có điều kiện để tăng tín dụng từ đó giảm đầu tư công và cân bằng mức nợ công như Quốc hội cho phép.

Như vậy trước mắt cần giải quyết nhanh tình trạng nợ xấu của Ngân hàng thương mại để giải quyết bài toán hấp thụ vốn. Về thị trường nhà đất cần điều chỉnh lại Nghị quyết 02 của Chính phủ về gói hỗ trợ tín dụng 30 nghìn tỉ đồng theo hướng kích thích phân khúc thị trường nhà ở cho người thu nhập thấp, hỗ trợ trực tiếp cho người mua chứ không hỗ trợ cho người bán. Vực dậy nền kinh tế bằng cách tái cơ cấu gắn liền với chuyển đổi quy mô tăng trưởng, tận dụng cơ hội của quá trình hội nhập để đạt được những mức tăng trưởng đã từng đạt được vào giai đoạn 1991-1996 và 2001-2007. Nếu không đạt được mức tăng trưởng này trong vòng vài thập niên thì khó mà kỳ vọng đến sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá cũng như tiền đề vật chất để nâng cao phúc lợi xã hội.

Sửa đổi lần cuối Thứ năm, 09 Tháng 10 2014 08:43

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành