Thứ hai, 24 Tháng 3 2014 00:00

Chính sách trọng cung trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

1. Thực tiễn về trọng cung - trọng cầu ở Việt Nam:

Môn kinh tế học Trọng cung là lý thuyết kinh tế quan tâm đến các yếu tố quyết định sản lượng tiềm năng của nền kinh tế và sự thay đổi của nó theo thời gian. Quan điểm chính của lý thuyết này là “phát triển cung là chìa khóa của thịnh vượng”. Trọng tâm của chính sách kinh tế trọng cung là làm thế nào để tăng các yếu tố sản xuất như lao động, vốn và năng suất nhân tố tổng hợp. Một khi các chính sách này thành công, nó sẽ đầy đường tổng cung sang bên phải, giúp tăng tổng cầu nhưng không làm tăng giá cả.

Sản lượng của nền kinh tế được quyết định bằng sự tương tác giữa tổng caafuv à tổng cung. Nếu tổng cầu bị thiếu hụt so với tổng cung thì nền kinh tế sẽ bị rơi vào tình trạng không đạt được mức sản lượng và mức tăng trưởng tiềm năng. Nhưng nếu các chính sách tổng cầu bị kéo dài quá mức mà không đi kèm với sự cải thiện tương xứng của tổng cung thì sẽ khiến cho nền kinh tế rơi vào vòng xoáy lạm phát và bất ổn, ảnh hưởng trực tiếp tới tăng trưởng dài hạn.  Như vậy việc kích thích tổng cầu quá mức không những không thể cải thiện được mức tăng trưởng mà còn ẩn chứa nguy cơ lạm phát cao.              

Từ những năm đầu của thập niên 1980, nhiều nền kinh tế đã chủ động chuyển dịch sang chính sách trọng cung, khuyến khích phát triển các yếu tố sản xuất. Một loạt các chính sách nhằm mở đường kích thích phát triển yếu tố sản xuất như giảm các loại thuế phí, dỡ bỏ các rào cản thương mại, dỡ bỏ các chính sách điều tiết ngành, tư nhân hóa các doanh nghiệp Nhà nước đã lần lượt được thực hiện tại nhiều quốc gia đã tạo ra những khuyến khích đủ lớn để thu hút đầu tư tư nhân.

Có thể thấy rằng cả chính sách trọng cung lẫn trọng cầu đều nhắm tới mục tiêu cuối cùng là làm tăng sức mua và sản xuất của nền kinh tế. Tuy nhiên, hai chính sách này lại khác nhau ở các công cụ sử dụng và các kênh truyền dẫn. Trong khi các chính sách trọng cầu dựa trên việc Chính phủ trực tiếp chi tiêu hoặc bơm sức mua cho khu vực tư nhân thông qua việc cắt giảm thuế và tăng cung tiền; thì chính sách trọng cung lại hướng tới việc cải thiện các điều kiện nền tảng của thị trường, nền kinh tế giúp tăng sản xuất, hạ chi phí và giá cả từ đó làm sức mua tăng lên của khu vực tư nhân.

Đáng tiếc là từ năm 2007 đến nay nền kinh tế Việt Nam là bị rơi vào chính sách kích thích tổng cầu để loay hoay từ kiềm chế lạm phát sang thúc đẩy tăng trưởng mà không ý thức được rằng các chính sách này chỉ mang tính tình thế nhất thời. Việc lạm dụng các chính sách trọng cầu quá mức như một chính sách dài hạn là nguyên nhân chính khiến cho nền kinh tế nước ta liên tục gặp bất ổn trong nhiều năm qua.

Dự địa cho chính sách trọng cung để nâng cao sản lượng tiềm năng của Việt Nam là rất lớn nhưng lại không được quan tâm khai thác đúng mức. Cụ thể, tổng mức thu ngân sách Việt Nam còn ở mức cao nên còn nhiều dư địa để giảm các loại thuế miễn là các chính sách cắt giảm chi tiêu công được thực hiện song hành; khu vực doanh nghiệp Nhà nước còn lớn nền có thể đẩy mạnh chính sách cổ phần hóa để thu hút đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài;  nhiều ngành vẫn còn tồn tại rào cản điều tiết nên có thể dỡ bỏ; thị trường vốn vẫn còn sơ khai nên còn nhiều dư địa cải thiện. Ngoài ra, Chính phủ có thể áp dụng các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào cải thiến công nghệ, đầu tư vào giáo dục đại học và dạy nghề để cải thiện năng suất cho nền kinh tế.

2. Một số khuyến nghị:

Việc lạm dụng vai trò của đầu tư công và tăng trưởng cung tiền của Việt Nam trong những năm gần đây không những không thể giúp nền kinh tế tăng trưởng nhanh mà còn gây lạm phát cao và bất ổn.

Trong bối cảnh hiện nay, tình trạng nợ công tăng cao và môi trường vĩ mô mới ổn định trở lại, nếu cần chú trọng các chính sách quản lý tổng cầu thì phải là những chính sách theo định hướng thay đổi cấu phần của tổng cầu chứ hoàn toàn không nên kích thích chi tiêu công hay tăng trưởng cung tiền thêm nữa. Việc cắt giảm chi tiêu công cần phải được tiến hành càng sớm càng tốt nhằm tạo cơ hội cho lãi suất giảm, từ đó đầu tư tư nhân sẽ tăng. Việc tăng trưởng cung tiền cần phải được giữ ở mức thấp nhất có thể nhằm kiềm chế lạm phát đồng thời các khoản thuế phí cũng phải được hạn chế nhằm tạo tiền đề cho sức mua của khu vực tư nhân tăng trở lại.

Bắt đầu giai đoạn suy thoái kinh tế cho đến nay các chương trình tái cơ cấu luôn được đề cập đến trong các phiên nghị sự của Quốc hội và Chính phủ nhưng chưa có một chính sách cụ thể nào được thực hiện rộng rãi để cải thiện năng lực sản xuất của nền kinh tế. Vì vậy hiện tại cần phải chú tâm hơn tới các chính sách trọng cung, nâng cao năng suất và cải thiện môi trường vĩ mô của nền kinh tế để không phải loay hoay kích thích rồi lại thắt chặt tổng cầu.

Nội dung quan tọng nhất trong gói chính sách trọng cung là cắt giảm các mức thuế, cắt giảm chi tiêu chính phủ và xây dựng chính sách tiền tiệ trung tính. Qua đó nhằm khuyến khích giúp doanh nghiệp tăng chi tiêu đầu tư, giúp hình thành lượng vốn và năng lực sản xuất nền kinh tế trong tương lai. Để tạo ra một môi trường kinh tế ổn định cần phải cắt giảm chi tiêu chính phủ đồng thời giúp cho cung nhanh chóng tìm được cầu và duy trì được trạng thái cân bằng dài hạn của nền kinh tế.

Tiền độ cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước cần phải được đẩy nhanh hơn nữa để tạo môi trường cạnh tranh công bằng và nâng cao hiệu quả của nền kinh tế. Cụ thể, Chính phủ nên xây dựng một lộ trình kiên quyết nhằm thu hẹp khu vực doanh nghiệp Nhà nước thông qua bán toàn bộ hoặc cổ phần hóa triệt để các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh ngoài lĩnh vực công ích. Các doanh nghiệp Nhà nước chỉ nên được sử dụng với mục đích là công cụ khắc phục những thất bại của thị trường chứ không nên dùng chúng như một công cụ để điều tiết nền kinh tế. Qua đó có thể xây dựng một môi trường cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh hơn, xóa bỏ đặc quyền về tiếp cận tín dụng, đất đai, hỗ trợ giá, chế độ ngân sách mềm… đối với các doanh nghiệp Nhà nước.

Tiến hành giải điều tiết các thị trường, tăng cường cạnh tranh và tự do thương mại để thúc đẩy cạnh tranh và tự do thương mại nhằm làm tăng cung thị trường, giảm giá cả và mở rộng sự lựa chọn cho người tiêu dùng. Việc giải điều tiết thị trường có thể giúp làm tăng số lượng doanh nghiệp hoạt động trong cùng một lĩnh vực, bắt buộc các doanh nghiệp phải cạnh tranh mạnh mẽ hơn và phải sử dụng nguồn lực khan hiếm của mình hiệu quả hơn qua đó làm tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất và giá cả tiêu dùng sẽ được giảm đi.

Khuyến khích đầu tư vào phát triển công nghệ, giáo dục và đào tạo để cải thiện năng suất và phát triển nguồn vốn con người. Nghiên cứu và phát triển giáo dục - đào tạo không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân doanh nghiệp hay người được giáo dục mà nó còn tạo ra những tác động tích cực đối với cả cộng đồng mà chúng ta hay gọi là tác động tràn hoặc ảnh hưởng ngoại hiện. Vì vậy, nghiên cứu và phát triển giáo dục - đào tạo ở cấp độ vĩ mô sẽ giúp nâng cao năng suất nhân tố tổng hợp và tạo ra tốc độ tăng trưởng cao hơn cho nền kinh tế.

Việc quan trọng cuối cùng là cần phải cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư nước ngoài. Trong bối cánh thị trường bất động sản đóng băng, nợ xấu tràn lan như hiện nay, việc thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài là cần thiết hơn bao giờ hết, nhưng để thực hiện được điều đó một cách hiệu quả nhất cần phải cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh trong nước nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh và minh bạch hơn.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành