Thứ ba, 25 Tháng 3 2014 00:00

Tác động của di cư đối với khu vực nông thôn

1. Tác động đến người di cư và hộ gia đình ở quê hương:

Tác động đến hộ gia đình

Đánh gái tác động của di cư lại khác nhau tùy theo giới tính của người di cư. Có nhiều người nghĩ rằng di cư có tác động tích cực hơn đối với người di cư là nam giới hơn là nữ giới. Do quan điểm chung của xã hội về vai trò giới của phụ nữ, chẳng hạn phụ nữ là phải ở nhà làm những công việc nội trợ, phụ nữ di cư thường bị nhìn nhận một cách tiêu cực. Cuộc sống tại thành phố bị coi là có ảnh hưởng không tốt đến họ. Sự tham gia của phụ nữ mà nhiều trong số đó là người nhập cư, trong các lĩnh vực giải trí, bao gồm cả mại dâm càng củng cố thêm cho quan điểm này.

Hầu hết các đánh giá tích cực là về thu nhập và điều kiện sống. Điều này cho thấy sự quan tâm chủ yếu của gia đình đối với tác động về mặt kinh tế của di cư. Kết quả này phù hợp với các nghiên cứu khác trên thế giới về di cư. Hầu hết các nghiên cứu về tác động của di cư tập trung đến thu nhập của hộ gia đình và sự đóng góp của tiền gửi về nhà. Di cư thường được coi là một phần trong chiến lược kinh tế của các hộ gia đình.

Về tác động của di cư đối với vấn đề giáo dục và sức khỏe của các thành viên trong hộ gia đình thì ít có sự đồng thuận hơn, với hai quan điểm trái ngược nhau: khoảng gần một nửa số người được hỏi cho là tích cực trong khi số còn lại cho là tiêu cực. Tương tự chỉ có 40% số người được hỏi cho rằng tác động của di dân đối với sức khỏe của các thành viên gia đình ở quê nhà là tích cực.

Một mối quan tâm khá phổ biến liên quan đến sự chung thủy của người chồng và người vợ khi di cư. Một số nghiên cứu trước đây cho thấy một quan điểm khá phổ biến rằng người di cư có nguy cơ cao dính líu đến các tệ nạn xã hội. Mối quan hệ giữa di cư và HIV là do người di cư phải xa gia đình, bạn bè, mạng lưới xã hội và các hỗ trợ ở cộng đồng quê nhà. Bên cạnh các nghiên cứu, phương tiện truyền thông đại chúng cũng đề cập nhiều đến các mặt tiêu cực của di cư như nghèo đói và tệ nạn xã hội. Tuy nhiên cần phải nhận thức rõ rằng người di cư không phải là một nhóm đồng nhất do đó mối liên hệ giữa di cư và HIV không nên xem là kết luận mang tính khẳng định.

Tác động đến cộng đồng

Trên thực tế rất khó để có thể đánh giá tác động thực sự của di cư đến cộng đồng nếu thông tin chỉ dựa trên các ý kiến chủ quan của người dân. Ở đây cần phải có các phép đo định lượng tốt hơn, được bổ sung bằng các thông tin định tính. Một số nghiên cứu trước đây cũng đã cung cấp bằng chứng về các đóng góp tích cực của di cư đến giảm nghèo ở những địa phương nơi đi thông qua việc cải thiện mức sống của các hộ gia đình có người di cư. Tuy nhiên những nghiên cứu này chỉ có thể đo được ảnh hưởng ở cấp độ gia đình chứ không thể đo được ở cấp độ cộng đồng.

Chính phủ và các phương tiện truyền thông đại chúng chỉ đề cập đến những đóng góp kinh tế của người di cư quốc tế hoặc người đi xuất khẩu lao động nước ngoài với các số liệu về kiều hối, trong khi những đóng góp của người di cư trong nước đã bị bỏ qua. Trên thực tế không có một con số ước tính cụ thể nào về lượng tiền được người di cư trong nước gửi về nhà. Ngoài ra tác động của di cư trong nước chủ yếu chỉ được biết đến ở cấp độ gia đình, trong khi rất khó để đánh giá ở cấp độ cao hơn. Tuy nhiên, không khó để nhận ra rằng tiền mà người di cư gửi về nhà giúp cải thiện mức sống cũng như điều kiện sống của gia đình, xây nhà mới, đầu tư vào giáo dục và chăm sóc sức khỏe cũng như các hoạt động kinh tế khác. Những tác động này chắc chắn sẽ giúp cho sự phát triển chung của cộng đồng nơi đi một cách gián tiếp.

Một sô snghieen cứu khác cũng chỉ ra sự đóng góp đáng kể của việc di cư trong việc xóa đói giảm nghèo ở những địa phương nơi đi. Điều tra di cư năm 2004 cho thấy khoảng một nửa số người di cư gửi tiền về nhà trong vòng 12 tháng trước cuộc điều tra và hai phần ba trong số họ gửi về hơn 1 triệu đồng. Nếu tính đến số lượng người di cư vào năm 2009 là 6,6 triệu người, chúng ta có thể ước tính được số tiền gửi về nhà của người di cư trên toàn quốc. Tuy nhiên con số thực tế phải cao hơn nhiều.

2. Tiền gửi về nhà và các yếu tố quyết định:

Các nghiên cứu về di cư tại Việt Nam đã đưa ra các kết quả về tỷ lệ cao nhận được tiền của các hộ gia đình có người di cư.

Trung bình hộ gia đình trong mẫu khảo sát nhận được khoảng 4,08 triệu đồng từ các thành viên di cư lên thành phố làm việc. Tuy nhiên khi nhìn vào các mức độ khác nhau của giá trị khoản tiền gửi chúng ta có thể thấy rằng mặc dù hơn một nửa số hộ gia đình nhận được dưới 5 triệu đồng trong vòng 12 tháng trước cuộc khảo sát, một phần tư số hộ nhận được từ 5 đến 10 triệu đồng và một phần năm số hộ được gửi về hơn 10 triệu đồng. Đối với nhiều hộ gia đình nông thôn, những khoản tiền này là đáng kể so với những gì họ có thể kiếm được nhờ làm nông nghiệp. Tần suất mà người di cư gửi tiền, hàng về nhà là khá thường xuyên, từ hàng tuần, hàng tháng, vài tháng một lần đến một vài lần một năm. Kết quả này cho thấy nhu cầu cao cần hỗ trợ về tiền mặt từ những người nhà di cư của các hộ gia đình nông thôn. Tuy nhiên, nhiều người di cư đã không gửi tiền về nhà đều đặn, hầu hết là do họ không đủ khả năng kiếm được thu nhập thường xuyên. Mặc dù tần suất gửi tiền về nhà khá tương đương nhau giữa nam và nữ nhưng nữ có xu hướng gửi tiền về nhà thường xuyên hơn nam.

Người di cư là nam giới, lớn tuổi và có học vấn cao hơn thường có nhiều vốn xã hội hơn do đó đóng góp về thu nhập thường cao hơn những người di cư là nữ, trẻ tuổi và có học vấn kém hơn. Người di cư gửi tiền về nhà là để hoàn trả những gì mà gia đình họ trước đây đã đầu tư cho việc học hành của họ. Những người di cư đã kết ohon và là chủ hộ có khả năng gửi nhiều tiền về hơn do những ràng buộc và trách nhiệm lớn hơn của họ với những người thân ở lại. Những người di cư sống ở thành phố lớn có nhiều cơ hội tìm được việ làm tốt hơn và có thu nhập cao hơn.

Giới tính của người di cư có ảnh hưởng tích cực đáng kể đến lượng tiền họ gửi về nhà. Cụ thể, đối với nam di cư, số lượng tiền gửi tăng 0,2 triệu đồng so với nữ. Điều này là phù hợp với những mong đợi về vai trò giới ở Việt Nam cho rằng đàn ông phải có trách nhiệm hỗ trợ gia đình về mặt tài chính trong khi phụ nữ lại được khuyến khích dành dụm một khoản tiền cho bản thân mình. Ngoài ra, ở các vùng nông thôn nơi mà an sinh xã hội và lương hưu cho người cao tuổi rất hạn chế, người già hầu như chỉ dựa vào sự hỗ trợ của con trai mình.

3. Di cư, tiền gửi về nhà và phúc lợi của hộ gia đình:

Việc gia đình nhận được tiền từ người di cư giúp họ có mức thu nhập cao hơn. Những hộ không nhận và nhận ở mức ít nhất là các hộ thuộc nhóm có thu nhập thấp nhất, trong khi những hộ nhận ở mức cao nhất thường lại thuộc trong nhóm hộ có mức thu nhập cao nhất. Mức thu nhập của hộ gia đình ở những hộ nhận tiền gửi ở mức vừa phải là tương đương nhau. Đáng lưu ý rằng số tiền trung bình hằng năm người di cư gửi về nhà là hơn 4 triệu đồng, nếu số tiền gửi này được tính vào thu nhập của hộ gia đình nhận thì chênh lệch thu nhập giữa hộ nhận và hộ không nhận sẽ trở nên đáng kể. Hộ gia đình có người di cư cũng được yêu cầu đánh giá tình trạng kinh tế của họ trên cơ sở so sánh với những hộ khác trong địa phương. Khi số tiền gửi tăng từ không cho đến cao nhất thì tỷ lệ phần trăm hộ gia đình có người di cư tự đánh giá hộ mình là “nghèo” thì giảm đi, trong khi tỷ lệ những hộ tự cho mình là “giàu” thì tăng lên.

Theo tổng chi tiêu bình quân đầu người, những hộ nhận tiền gửi nhiều nhất có chi tiêu bình quân đầu người cao nhất, khoảng 930.000 đồng trong khi những hộ nhận được ít tiền có mức chi tiêu thấp nhất, khoảng 580.000 đồng. Nhìn chung những phát hiện này cho thấy rằng những hộ nhận ít hoặc không nhận được tiền gửi về thực sự là những hộ có thu nhập thấp, trong khi những hộ nhận ở mức vừa và đặc biệt ở mức cao nhất thuộc nhóm thu nhập cao.

Giữa hộ gia đình có người di cư và hộ không có người di cư nhìn chung về mức thu nhập hàng tháng của gia đình không có sự khác biệt. Khác biệt đáng kể giữa hai nhóm này được tìm thấy ở tình trạng kinh tế gia đình. Đặc biệt tỷ lệ hộ gia đình không có người di cư coi gia đình họ là “nghèo” lớn hơn tỷ lệ này ở hộ gia đình có người di cư. Trung bình, hộ gia đình không có người di cư chi tiêu một tháng cho mỗi thành viên ít hơn hộ gia đình có người di cư gần 17%. Đáng chú ý là báo cáo gần đây của Liên Hiệp Quốc về Phát triển Con người tại Việt Nam cho thấy rằng hệ số tiêu dùng cho tất cả hộ gia đình là 0,34 trong năm 2010. Như vậy bất bình đẳng thu nhập được tìm thấy giữa các hộ gia đình trong nghiên cứu này là cao hơn nhiều so với dự toán quốc gia.

Trong những chỉ số chính của điều kiện sống hộ gia đình, nhà ở là chỉ số quan trọng nhất. Nhà ở tốt hơn có nghĩa là điều kiện sống tốt hơn, một ngôi nhà cũng có thể được dùng cho mục đích kinh tế, ví dụ như một địa điểm cho các hoạt động mang lại thu nhập. Giá trị nhà cửa được ngân hàng và các tổ chức tín dụng xem như một điều kiện để cho vay. Bản thân ngôi nhà cũng là một mặt hàng có giá trị thị trường. Hơn thế nữa, giá trị ngôi nhà có thể được dùng để xác định địa vị xã hội cao thấp trong cộng đồng.

Ngoài các loại hình nhà, một nhóm những đồ dùng gia đình có giá trị được dùng như một cơ sở để so sánh điều kiện sống giữa các nhóm hộ gia đình như ti vi, máy vi tính, điện thoại, tủ lạnh, phương tiện đi lại… Đây không chỉ là những đồ dùng có giá trị cao ở khu vực nông thôn mà còn là những thứ thiết yếu để người dân có thể tiếp cận với thông tin, đi lại tốt hơn và kết nối nhanh hơn với mọi người và các cơ hội thị trường. Trung bình, một hộ gia đình có người di cư sở hữu 3,83 món đồ dùng, nhiều hơn một chút so với các hộ không có người di cư (3,57 món đồ dùng).

Loại hình nhà vệ sinh cũng là một chỉ báo kinh tế phản ánh mức sống của các hộ gia đình. Như đã thấy, nhiều hộ gia đình có người di cư có nhà vệ sinh ở trong nhà trong khi hộ không có người di cư không có hoặc dùng nhà vệ sinh chung.

4. Di cư, tiền gửi về nhà, tiêu thụ/chi tiêu và đầu tư của hộ gia đình:

Các kết quả cho thấy di cư và tiền gửi về nhà từ người di cư có đóng góp đáng kể đến phúc lợi của hộ gia đình. Số liệu khảo sát đưa ra những bằng chứng về sự khác biệt đáng kể về mức thu nhập hộ gia đình, tình trạng kinh tế gia đình, chi tiêu bình quân đầu người giữa những hộ trong mẫu khảo sát. Giữa những hộ có người di cư, hộ nhận nhiều tiền gửi về hơn thường cho rằng địa vị kinh tế gia đình họ là “giàu” so với mức trung bình trong cộng đồng; họ sống trong những ngôi nhà kiên cố, sở hữu nhiều đồ dùng lâu bền hơn là những hộ không nhận hoặc nhận được ít tiền gửi về. Tương tự như vậy, so với hộ không có người di cư, những hộ có thành viên di cư làm việc ở các khu vực đô thị thường có mức chi tiêu bình quân đầu người cao hơn đáng kể; họ cũng thường tự đánh giá là là gia đình họ thuộc hộ giàu và sống trong những ngôi nhà kiên cố.

Các hộ gia đình sử dụng tiền gửi về như thế nào và có gì khác nhau trong các chi tiêu giữa những hộ có và không có tiền gửi về cũng như thành viên di cư cũng đã được xem xét trong nghiên cứu này. Kết quả cho thấy tiền gửi về chủ yếu được dùng cho nhu cầu thiết yếu hằng ngày, phát triển vốn con người và các hoạt động sản xuất. Khi so sánh các dạng chi tiêu giữa những nhóm hộ gia đình khác nhau, kết quả chỉ ra rằng hộ có thành viên di cư có xu hướng chi tiêu nhiều hơn hộ không có thành viên di cư và trong số những hộ có thành viên di cư, hộ nhận được tiền gửi về thường chi tiêu nhiều hơn hộ không nhận được tiền gửi.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành