Thứ tư, 26 Tháng 3 2014 00:00

Đánh giá thực trạng tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước

1. Những thực trạng còn tồn tại trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước:

Từ sau quá trình đổi mới 1986 đặc biệt là giai đoạn đầu thập niên 1990, quá trình sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước ở Việt Nam được tiến hành gắn liền với quá trình đổi mới thể chế kinh tế. Tuy nhiên cho đến nay, sau hơn 20 năm đổi mới tổ chức, sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước thì vẫn còn tồn tại rất nhiều trở ngại cũng như những bất cập vấp phải trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước.

Đầu tiên phải nói đến đó là vấn đề nhận thức có phần sai lệch về vai trò của doanh nghiệp Nhà nước trong thể chế kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa. Chức năng kinh tế của doanh nghiệp Nhà nước trong cơ chế thị trường cũng như sự phân vai của Nhà nước và thị trường trong quá trình công nghiệp hoá nền kinh tế nhiều khi chưa được xác định rõ ràng. Từ sau thập niên 90 của thế kỷ trước đến nay tuy nhận thức về vai trò, chức năng của doanh nghiệp Nhà nước có phần nào được cải thiện nhưng vẫn còn tồn tại tư duy xem doanh nghiệp Nhà nước như một lực lượng vật chất của Nhà nước, đóng vai trò giúp Nhà nước điều tiết và quản lý thị trường vẫn là hạn chế đáng kể tạo trở ngại cho quá trình tái cơ cấu.

Việc kém hiệu quả của hoạt động quản lý thị trường trong vấn đề phân bố vốn đầu tư không hợp lý gây lãng phí nguồn lực xã hội và mất cân bằng thị trường được thể hiện khá rõ qua một số dẫn chứng như các cơn sốt về bất động sản, lương thực - thực phẩm, thị trường chứng khoán… Cụ thể cơ chế kinh tế thị trường hiện nay bộc lộ nhiều điểm nghẽn lớn như: Doanh nghiệp chỉ quan tâm đến lợi nhuận, lợi ích trước mắt không quan tâm đến các mục tiêu lâu dài cho xã hội như an sinh xã hội, vấn đề ô nhiễm môi trường…; Các cuộc khủng hoảng thừa hoặc thiếu do mất cân đối về cung - cầu luôn có nguy cơ xảy ra; Xét về bản chất thì cơ chế kinh tế thị trường về lâu dài không thực sự đem lại lợi ích toàn cục cho xã hội mà nó chỉ thực sự là mô hình đem lại lợi ích và làm giàu cho thiểu số.

Ngoài ra sau nhiều giai đoạn thực hiện tái cơ cấu tuy về số lượng doanh nghiệp Nhà nước đã có dấu hiệu giảm nhưng thực tế về quy mô tài sản so với thời kỳ đầu tổ chức lại tăng lên gấp nhiều lần nhất là về vốn chủ sở hữu. Các doanh nghiệp Nhà nước còn tồn tại đa phần có quy mô lớn và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, khi thời điểm luật doanh nghiệp Nhà nước hết hiệu lực vào 01/07/2010 thì tiến độ tái cơ cấu vẫn không đạt được mục tiêu đề ra, gây trì trệ cho quá trình cổ phần hoá. Ngoài ra, nhiều đơn vị xuất hiện hiện tượng “bình mới rượu cũ” khi hình thức bên ngoài đã chuyển đổi thành các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nhưng về bản chất và phương thức hoạt động vẫn không có gì thay đổi.

Hệ thống pháp luật của nước ta về quản lý nền kinh tế tuy đã phủ kín hầu hết các lĩnh vực của thị trường nhưng do sự can thiệp của Nhà nước ở nhiều cấp chính quyền dẫn đến hiệu lực thực thi của pháp luật chưa thực sự mạnh mẽ, nhiều công cụ để giám sát và thực thi còn thiếu làm giảm hiệu quả quản lý của Nhà nước và gây mất đồng bộ giữa nền kinh tế so với sự vận động của thị trường.

Trong những giai đoạn gần đây nhìn chung tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước rất chậm và kết quả rất hạn chế. Số doanh nghiệp đã hoàn thành cổ phần hoá chỉ mới đạt 10 doanh nghiệp trong tổng số 80 doanh nghiệp Nhà nước cần cổ phần hoá, nhiều đề án đã phê duyệt được triển khai về các đơn vị với tiến độ rất chậm.

2. Một số khuyến nghị về giải pháp khắc phục:

Việc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế lớn thuộc Nhà nước là vô cùng bức thiết, cần khẩn trương thực hiện để có thể đáp ứng với sự vận động liên tục của thị trường.

Đầu tiên cần phải đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá tại từng tập đoàn, công ty. Những quy định lạc hậu, không còn phù hợp với xu thế gây cản trở cho quá trình tái cơ cấu cần phải được gỡ bỏ ngay lập tức, tạo điều kiện thúc đẩy quá trình tái cơ cấu . Ngoài ra việc tiến hành bán cổ phần cho người lao động kèm theo những ưu đãi cũng là một giải pháp khá thiết thực trong giai đoạn hiện nay.

Đối với các tập đoàn, công ty đã báo cáo hoàn thành xong quá trình tái cơ cấu cũng cần phải triển khai công tác thanh tra, kiểm tra chặt chẽ nhằm đánh giá hiệu quả thực tế một cách chính xác. Tránh các trường hợp “bình mới rượu cũ”, chỉ thật sự thay đổi hình thức bên ngoài còn về bản chất và phương thức hoạt động vẫn đi theo lối mòn cũ, mang nặng tính hành chính gây tác dụng phụ đi ngược lại với quy luật vận động của thị trường.

Tiến hành khuyến khích, kêu gọi các khoản đầu tư ngoài ngành gồm cổ phần nắm giữ tại doanh nghiệp đại chúng nhăm đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước. Ban hành các quy định cụ thể nhằm minh bạch hoá và kiểm soát kỹ quá trình thoái vốn, tử đó giảm thiểu các thất thoát từ quá trình thoái vốn.Các doanh nghiệp chỉ nên tập trung vào các hoạt động kinh doanh chính, thực hiện thoái vốn đối với các ngành nghề phụ. Việc thoái vốn và cơ cấu vốn đối với các doanh nghiệp Nhà nước có thể thực hiện thông qua các công ty quản lý tài sản Nhà nước hoặc các công ty xử lý tài sản. Đồng thời, để tăng cường năng lực tài chính cho doanh nghiệp Nhà nước thì cần thiết xử lý nợ xấu và cho phép doanh nghiệp thực hiện đa dạng hoá kênh huy động vốn để đảm bảo nguồn lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nhà nước nên duy trì 100% vốn đối với các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, các lĩnh vực công ích, còn lại cần đẩy nhanh, đẩy mạnh cổ phần hoá nhằm tăng cường năng lực và sức cạnh tranh cho doanh ngiệp. thành lập một cơ quan thống nhất quản lý và giám sát tài sản nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp nhằm quản lý hiệu quả tài chính và tài sản Nhà nước, giảm thiểu thất thoát tài sản Nhà nước trong quá trình tái cơ cấu.

Đối với những doanh nghiệp Nhà nước còn tồn tại và hoạt động, Chính phủ cần chấm dứt ngay tình trạng bao cấp. Để các doanh nghiệp này tự lực cánh sinh, tự đề ra những giải pháp huy động vốn từ cơ chế thị trường.

Chính phủ qhải có các biện pháp buộc các tổng công ty, tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp thuộc Nhà nước phải công khai thông tin như là quy định đối với các doanh nghiệp đem niêm yết lên thị trường chứng khoán.

Tăng cường nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp Nhà nước theo hướng kiện toàn hệ thống quản lý nguồn nhân lực hiện đại, có cơ chế tuyển dụng công khai và thù lao theo hiệu quả công việc, nhằm tăng cường trách nhiệm của đội ngũ quản lý doanh nghiệp, đồng thời, thực hiện xử lý tốt vấn đề lao động dư thừa nhằm đảm bảo cho người lao động sớm ổn định công việc và đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động.

Đối với lĩnh vực tài chính như các mô hình công ty đầu tư tài chính nhà nước hoạt động dưới hình thức kinh doanh vốn của Nhà nước cũng cần phải đánh giá lại hiệu quả thật sự của mô hình để có những đối pháp mới phù hợp. Cần tổ chức một vài công ty quản lý kinh doanh vốn Nhà nước từ những doanh nghiệp Nhà nước đã hoàn thành cổ phần hoá hoạt động theo mô hình công ty đầu tư tài chính và có hình thức như một công ty công cộng. Tăng cường quản trị doanh nghiệp theo các thông lệ quốc tế, phân định rõ trách nhiệm của Hội đồng quản trị, ban giám đốc, nhân sự cấp cao.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành