Thứ năm, 27 Tháng 3 2014 00:00

Những thách thức đặt ra trong tái cơ cấu ngân hàng thương mại

Từ sau công cuộc đổi mới, thị trường tài chính và tín dụng nước ta đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, đạt được nhiều thành tựu đáng kể, Nhà nước dần dần bớt can thiệp vào thị trường bằng các công cụ hành chính, thay vào đó là các công cụ mang tính định hướng được sử dụng phổ biến nhằm xây dựng nền tảng và năng lực của thể chế điều hành một cách vững chắc. Đặc biệt từ năm 2000 trở đi năng lực cạnh tranh và quá trình phát triển của thị trường có nhiều cải thiện nổi bật về thể chế và chính sách điều hành thị trường, khả năng huy động và phân bố nguồn lực hợp lý góp phần tích cực thúc đẩy quá trình phát triển đất nước.

Sự lớn mạnh cả về quy mô lẫn năng lực của các Ngân hàng thương mại trong thời gian qua đánh giá một sự thay đổi tích cực trong cấu trúc thị trường tài chính ở Việt Nam kể cả sự tham gia của các nguồn lực từ nước ngoài. Quá trình cải cách của hệ thống ngân hàng nói riêng và thị trường tài chính nói chung có sự tác động tích cực từ những thể chế điều hành thị trường, qua đó đa dạng hoá và hiện đại hoá các dịch vụ tín dụng, hệ thống ngân hàng thương mại thật sự trở thành một kênh truyền tải hữu hiệu của chính sách tiền tệ.

Nhằm chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, nhiều quy định và cơ chế được Đảng và Nhà nước ban hành hoặc đổi mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nguồn lực từ tư nhân hoặc nước ngoài được đầu tư vào lĩnh vực tài chính - tín dụng. Việc tự do hoá lĩnh vực đầu tư tài chính mang lại nhiều hiệu quả tích cực nhưng cũng có thể mang lại nhiều nguy cơ cho nền kinh tế, vì vậy nhằm ổn định lãi suất và ngăn ngừa lạm phát Ngân hàng nhà nước đã ban hành nhiều quy định nhằm kiểm soát thị trường trong đó có quy định về mức lãi suất trần. Cụ thể, từ tháng 03 năm 2011 lãi suất huy động tối đa đối với đồng Việt Nam Đồng không được vượt quá 14%/1 năm và đến nay chỉ còn 9%/1 năm. Đồng thời nhằm tối ưu hoá việc thực hiện quy định, công tác thanh tra, kiểm tra cũng được Ngân hàng Nhà nước triển khai mạnh mẽ, nhiều trường hợp sai phạm do huy động vốn với lãi suất cao hơn mức trần quy định được đưa ra công khai xử lý nghiêm minh. Ngoài ra, việc áp lãi suất trần cho hoạt động huy động vốn bằng ngoại tệ cụ thể là đồng USD cho các tổ chức, cá nhân là 3%/1 năm đã khắc phục khá đáng kể tình trạng đầu cơ ngoại tệ, giúp giải quyết nhanh thanh khoản ngoại tệ cho các ngân hàng thương mại.

Ngoài những thành quả đã đạt được, chính sách tái cơ cấu ngân hàng thương mại ở nước ta vẫn còn nhiều tồn tại cần được khắc phục và tháo gỡ.

Trong bối cảnh diễn biến kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động đáng kể thì việc nới lỏng chính sách tiền tệ trong thời gian dài để duy trì mục tiêu tăng trưởng vẫn chưa được chú ý điều chỉnh kịp thời. Một số các công cụ điều hành chính sách tiền tệ đã tỏ ra khá lạc hậu và lỗi thời, không mang lại tính tối ưu cao đã gây ra một số tác động tiêu cực trong việc điều hành chính sách tiền tệ. Ngoài ra, sự phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau giữa chính sách tiền tệ và các chính sách về kinh tế vĩ mô vẫn chưa được thực hiện thực sự có hiệu quả.

Các thành phần tồn tại trong thị trường tài chính Việt Nam có mức độ phát triển không tương đồng, lại thêm không có sự liên kết chặt chẽ giữa các thành phần này để tạo thành một thị trường tài chính bền vững gây khó khăn cho việc thu hút và phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả cho nền kinh tế, sau khi Việt Nam gia nhập WTO sự khác biệt về trình độ phát triển của các thành phần trong thị trường tài chính càng lộ rõ.

Hội nhập kinh tế quốc tế mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức cho thị trường tài chính Việt Nam khi số lượng ngân hàng thương mại nước ngoài đầu tư vào Việt Nam cạnh tranh trực tiếp với các ngân hàng thương mại trong nước và bắt đầu chiếm lĩnh thị phần về dịch vụ cho vay và huy động vốn.

Năng lực quản lý rủi ro và khả năng tiếp cận các dự án tiềm năng để đầu tư, tài trợ của hệ thống ngân hàng thương mại trong nước vẫn còn nhiều yếu kém. Hay nói cách khác, năng lực cạnh tranh và khả năng quản trị rủi ro của hệ thống ngân hàng thương mại trong nước còn quá hạn chế gây ra một số hệ luỵ như thiếu thanh khoản, khả năng nợ xấu cao.

Việc Ngân hàng Nhà nước cố gắng can thiệp trong thời gian qua nhằm định hướng sáp nhập ngân hàng hay hỗ trợ thanh khoản để ổn định hệ thống vẫn chỉ là các biện pháp tạm thời không mang lại hiệu quả lâu dài, ngoài ra các biện pháp can thiệp hành chính vẫn chưa được dở bỏ và sự minh bạch của quá trình phi hành chính hoá vẫn không được đảm bảo. Độ ổn đinh của thị trường tài chính Việt Nam còn thấp, quy mô phát triển chỉ chú trọng vào chiều rộng mà không cải thiện chiều sâu dẫn đến thị trường thiếu tính bền vững. Trong bảng xếp hạng phát triển thị trường tài chính Việt Nam và các chỉ tiêu cấu thành giai đoạn 2009-2011 thì Việt Nam chỉ có các chỉ tiêu như thể chế, thị trường tài chính và dịch vụ tài chính phi ngân hàng đều bị tụt hạng mạnh.

Qua các kết quả nghiên cứu có thể thấy việc tái cơ cấu hệ thống tài chính - tín dụng, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của thị trường tài chính là cần thiết vì việc cải thiện hiệu quả của chính sách tiền tệ phụ thuộc rất nhiều vào cấu trúc của thị trường tài chính.

Từ năm 2013 trở đi, Việt Nam cần hành động quyết liệt hơn nữa trong các biện pháp tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng hoạt động không hiệu quả nhằm lấy lại niềm tin cho thị trường cũng như tái tạo lại một hệ thống tín dụng lành mạnh và một môi trường cạnh tranh bình đẳng.

Việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng phải luôn song hành với hoạt động điều chỉnh cấu trúc của thị trường tài chính nhằm đồng bộ hoá trình độ và mức độ phát triển của các nhân tố cấu thành thị trường thành một thể thống nhất, qua đó cụ thể hoá các mục tiêu quan trọng của chính sách tiền tệ.

Ngân hàng Nhà nước đóng vai trò điều hành thị trường cần xây dựng những hoạch định mang tầm chiến lược, có tính khả thi và tính thuyết phục cao nhằm tạo lập một hệ thống tài chính lành mạnh, môi trường cạnh tranh bình đẳng và hệ thống thông tin minh bạch, qua đó giúp thị trưởng phát triển ổn định hơn. Các chính sách, cơ chế được xây dựng cần phải dựa trên lợi ích và triển vọng của khu vực tài chính; các hoạch định và chính sách này cần phải được đổi mới hơn, áp dụng linh hoạt hơn nhằm thích ứng tốt nhất với các biến động lớn của thị trường, qua đó hạn chế và quản trị tốt rủi ro. Ngoài ra, hệ thống cán bộ thanh tra cần phải được cải thiện và kiện toàn hơn nữa để có thể quản lý tốt các biến cố mới, phức tạp của thị trường và thích nghi với sự đa dạng của thị trường tài chính.

Công tác dự báo và xây dựng chính sách tiền tệ hàng năm cần phải được đổi mới một cách căn bản, qua đó có thể áp dụng mô hình kinh tế lượng vào phân tích dự báo và qua từng thời kỳ có thể lượng hoá các mục tiêu của chính sách tiền tệ. Năng lực điều hành chính sách tiền tệ cũng cần được nâng cao hơn nữa bằng việc xác định rõ cơ chế truyền tải tác động chính sách tiền tệ, ngoài ra việc đổi mới cơ chế điều hành cung ứng tiền theo thông lệ quốc tế là rất cần thiết.

Nhanh chóng hoàn thiện các công cụ hỗ trợ cho việc điều hành chính sách tiền tệ tốt hơn của Ngân hàng Nhà nước, giảm bớt các tác động mang tính chất hành chính vào thị trường thay vào đó là áp dụng các công cụ linh hoạt hơn, điều hành lãi suất cần gắn chặt hơn với điều hành tỷ giá.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành