Thứ sáu, 28 Tháng 3 2014 00:00

Trái phiếu Chính phủ - góc nhìn kinh tế

1. Bối cảnh kinh tế khi đề xuất nâng trần bội chi Ngân sách Nhà nước và tăng phát hành trái phiếu chính phủ:

Kể từ khi kiên định thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô theo Nghị quyết 11 từ đầu năm 2011, kinh tế Việt Nam đã có khá nhiều chuyển biến. Lạm phát đã giảm đáng kể, thị trường ngoại hối ổn định, thâm hụt thương mại và chênh lệch đầu tư - tiết kiệm trong nước đã giảm đáng kể, tăng trưởng xuất khẩu được duy trì. Tuy nhiên những chuyển biến này chỉ có được trong bối cảnh tổng cầu suy giảm trong một thời gian dài, gắn liền với những khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, dù có những thành tựu bước đầu nhưng vẫn chưa đạt được kết quả như kỳ vọng.

Trong bối cảnh như vậy, thúc đẩy phục hồi tăng trường kinh tế nhằm củng cố niềm tin cho doanh nghiệp và nhà đầu tư, đồng thời tạo nền tảng cho năm 2015 và giai đoạn 5 năm tiếp theo vẫ là một yêu cầu cấp thiết. Đề xuất nâng trần bội chi Ngân sách Nhà nước năm 2013 - 2014 mới được Quốc hội thông qua và tăng phát hành Trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 chính là một nỗ lực quan trọng thoe hướng này. Tuy nhiên, hiệu quả kích cầu và hệ lụy kéo dài đối với kinh tế vĩ mô Việt Nam từ sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và suy thoái kinh tế toàn cầu 2008 - 2009 vẫn còn là thực trạng cần lưu tâm.

Sau 5 năm hứng chịu tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, kinh tế thế giới vẫn còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Những khó khăn này do sự phục hồi chẩm chạp của các nền kinh tế lớn như khủng hoảng nợ công ở châu Âu, giá nhiều loại hàng hóa và nhiên liệu tăng mạnh… Tuy nhiêu so với tình hình các năm 2011 - 2012, kinh tế thế giới đang có những chuyển biến tích cực. Một mặt, nền tảng thị trường tài chính thế giới đã được cải thiện đáng kể do tác động của các biện pháp nhằm cải thiện tình hình tài khóa ở khu vực châu ÂU, những thỏa thuận nhằm trách vách đá tài khóa và nâng trần nợ công ở Hoa Kỳ… Các thị trường chứng khoán chủ chốt trên thế giới ít nhiều có sự phục hồi, qua đó giúp điều tiết các dòng vốn một các hiệu quả hơn.

Nền kinh tế Việt Nam hiện nay vẫn đang ở trong một giai đoạn khá khó khăn. Kể từ năm 2011, Việt Nam bắt đầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn 2011 - 2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế vẫn tiếp tục được đẩy nhanh. Tuy vậy, dấu ấn lớn nhất cho đến nay chỉ là việc Chính phủ liên tục phải thực hiện các biện pháp mang tính tình thế nhằm xử lý các bất ổn kinh tế vĩ mô và tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Trong bối cảnh ấy, Chính phủ chưa có điều kiện để tập trung vào những cải cách mang tính dài hạn hơn. Mặc dù Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 đã đặt ra yêu cầu tập trung nỗ lực giải quyết các điểm nghẽn trong mô hình tăng trưởng, cụ thể là những bất cập về thể chế, kết cấu hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực, song những kết quả mang tính nền tảng trong giai đoạn 2011 - 2013 chưa tương xứng với kỳ vọng. Việt Nam đã có tư duy và định hướng tái cơ cấu các lĩnh vực ưu tiên, bao gồm doanh nghiệp Nhà nước, các tổ chức tín dụng và đầu tư công nhưng vẫn cần thêm thời gian, chế tài và quyết tâm chính trị để hiện thực hóa các định hướng này.

2. Tác động của việc nâng trần bội chi Ngân sách Nhà nước và tăng cường phát hành trái phiếu Chính phủ đến tình hình chung của nền kinh tế:

Vấn đề đáng lo ngại của việc nới trần bội chi Ngân sách Nhà nước và phát hành thêm trái phiếu Chính phủ đó là ảnh hưởng của nó đối với tính bền vững của Ngân sách Nhà nước. Nợ công của Việt Nam vẫn đang liên tục tăng cả về giá trị tuyệt đối cũng như so với GDP. Năm 2012, nợ công của Việt Nam là 1.641.296 tỷ đồng, tức là chiếm 55,6% GDP, tăng gần 15% so với mức 1.392.020 tỷ đồng của năm 2011. Áp lực trả nợ gốc và lãi cũng đã lớn hơn, lên tới 25-26 nghìn tỷ đồng/quý, tương đương với khoảng 16% thu ngân sách. Nhìn lại những giai đoạn trước rõ ràng các khoản nợ công lớn trước đây chưa đi kèm với ựu cải thiện tương xứng về năng lực sản xuất của nền kinh tế. Một lo ngại khác nữa là việc gia tăng nguồn lực cho đầu tư công có khả năng sẽ chèn lấn đầu tư của khu vực tư nhân.

Bản thân nợ đọng xây dựng cơ bản cũng là một yếu tố gây khó khăn cho việc bố trí nguồn lực cho các dự án đầu tư công mới. Theo công bố mới nhất của Kiểm toán Nhà nước, nợ đọng xây dựng cơ bản của cả nước đã lên tới 91 nghìn tỷ đồng. Về bản chất đây cũng là một nguồn tài trợ vốn của các doanh nghiệp cho Ngân sách Nhà nước, bởi nếu vay hoặc phát hành trái phiếu Chính phủ để trả hết khoản nợ đọng xây dựng cơ bản thì chi phí vốn sẽ lớn hơn rất nhiều. Nếu nâng trần bội chi Ngân sách Nhà nước và sử dụng nguồn vốn tăng thêm để thanh toán ngay nợ đọng xây dưng cơ bản thì hiệu quả mong muốn đối với tăng trưởng kinh tế thậm chí còn thấp hơn. Tuy nhiên, nếu các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản không được thanh toán thì tình hình các doanh nghiệp xây dựng sẽ càng khó khăn.

Việc nới trần bội chi Ngân sách Nhà nước để tăng đầu tư phát triển cũng làm tăng thêm quan ngại về việc Chính phủ sẽ dành ưu tiên cao nhất cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cho dù hiện nay vẫn khẳng định là tập trung ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Trên thực tế, tình hình kinh tế vĩ mô và lạm phát đã phần nào được cải thiện do tổng cầu giảm mạnh. Dù vậy áp lực lạm phát vẫn còn lớn khi những nguyên nhân chính của lạm pháp từ giai đoạn 2008 vẫn chưa được giải quyết một cách cơ bản như: mất cân đối tổng cung - tổng cầu, thâm hụt thương mại, thâm hụt ngân sách, đầu tư và hiệu quả đầu tư.

Năm 2014 có ý nghĩa rất quan trọng đối với chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, bởi đây là năm gần cuối của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015. Củng cố ổn định kinh tế vĩ mô đồng thời tạo đà cho phục hồi tăng trưởng kinh tế trong năm 2014 sẽ giúp làm tiền đề chuyển biến trong năm 2015 cũng như cho việc xây dựng và thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn 2016-2020. Dự báo tác động của các chính sách liên quan là một yêu cầu quan trọng để có thể đưa ra các chính sách, giải pháp phù hợp cho giai đoạn 2014-2015.

Nhìn chung, có thể thấy việc bổ sung nguồn lực cho đầu tư công từ nâng trần bội chi Ngân sách Nhà nước các năm 2013-2014 và tăng cường phát hành trái phiếu Chính phủ sẽ giúp mang lại những chuyển biến tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt trên các phương diện tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng xuất khẩu. Tuy nhiên, rủi ro đi kèm sẽ là mức lạm phát cao hơn và thâm hụt thương mại lớn hơn, dù các rủi ro này có thể không nghiệm trong như trong giai đoạn 2007-2008 hoặc 2010-2011. Do vậy, việc bổ sung nguồn lực đầu tư công phải đi kèm với các nỗ lực cải cách hướng tới nâng cao sử dụng hiệu quả sử dụng nguồn lực này, đồng thời tạo thêm tác động lan tỏa tích cực đối với khu vực tư nhân trong nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Chuyển nguồn lực này vào các lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm, có tác động nhanh và sức lan tỏa rộng, tránh dàn trải là một yêu cầu quan trọng. Việc hiện thực hóa định hướng tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế và tái cơ cầu trong các lĩnh vực ưu tiên trong trường hợp này càng có ý nghĩa then chốt.

Sau thời gian dài đối mặt với nhiều khó khăn và khủng hoảng, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước kỳ vọng nhanh chóng phục hồi vào năm 2014. Tuy nhiên việc chuyển hướng chính sách sang thúc đẩy tăng trưởng sẽ đặt ra quan ngại rằng khó khăn và rủi ro có thể bùng phát trở lại. Việc kích thích hoạt động sản xuất - kinh doanh lúc này cần được tiến hành song song với những cải cách mang tính nền tảng trong các lĩnh vực ưu tiên, trước hết là quản lý và giám sát đầu tư công.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành