Thứ năm, 17 Tháng 6 2021 15:48

PHÂN TÍCH CHÍNH SÁCH NHẰM HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ YÊU CẦU VỀ VỐN VÀ QUẢN LÝ VỐN CỦA DOANH NGHIỆP KINH DOANH BẢO HIỂM

Trước yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế và sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bảo hiểm hiện nay đặt ra yêu cầu điều chỉnh các quy định về vốn trong Luật kinh doanh bảo hiểm.

Đối với CPTPP, Việt Nam cam kết cho phép thành lập doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ; cung cấp bảo hiểm dịch vụ qua biên giới gồm bảo hiểm trực tiếp (nhân thọ, phi nhân thọ), tái bảo hiểm và nhượng tái bảo hiểm, trung gian bảo hiểm, các dịch vụ phụ trợ bảo hiểm như tư vấn, thống kê, đánh giá rủi ro và các dịch vụ giải quyết khiếu nại. Ngoài ra, các bên cho phép cung cấp dịch vụ tài chính mới mà không cần đạo luật mới hoặc sửa đổi quy định hiện hành.

Đối với EVFTA, ngoài cam kết tương tự như CPTPP, Việt Nam còn cho phép thành lập chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài.

Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bảo hiểm các nước trên thế giới và khu vực đã tạo khoảng cách với thị trường bảo hiểm Việt Nam, đặc biệt là khoảng cách giữa hệ thống pháp luật về kinh doanh bảo hiểm so với chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế, là thành viên của IAIS và các tổ chức quốc tế khác.

Việc đẩy mạnh cam kết quốc tế, mở cửa thị trường là tất yếu và cần thiết. Trong bối cảnh phát triển kinh tế mở, các cam kết này có tác động thu hút thêm nhà đầu tư từ các nước thành viên thông qua việc mở rộng cung cấp dịch vụ bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm đến từ các nước này, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Ngoài ra, các nước thành viên đều là những nước có thị trường bảo hiểm tiên tiến, áp dụng mô hình quản lý giám sát và hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, hệ thống pháp lý chặt chẽ, là cơ hội cho Việt Nam học hỏi kinh nghiệm, hoàn thiện hệ thống pháp lý, mô hình quản lý giám sát phù hợp với thông lệ quốc tế.

Việc mở cửa thị trường sẽ tăng áp lực cạnh tranh đối với một số doanh nghiệp bảo hiểm từ việc mở rộng khả năng tiếp cận thị trường đối với DNBH của các nước thành viên. Chính vì vậy, yêu cầu hoàn thiện cơ sở pháp lý để nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng dịch vụ của DNBH hoạt động tại Việt Nam ngang bằng hoặc có khả năng so sánh với các DNBH khu vực và quốc tế ở góc độ nâng cao năng lực tài chính cần phải phân tích, đánh giá về mức độ đầy đủ vốn của doanh nghiệp bảo hiểm dựa trên việc so sánh tỷ lệ giữa vốn hiện có so với yêu cầu về vốn tối thiểu phải có tương ứng với tổng thể rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm.

Quy định về quản lý vốn chủ sở hữu và khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm tại Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 được xây dựng dựa trên các kinh nghiệm của Châu Âu cách đây đã hơn 30 năm. Theo đó, yêu cầu về vốn và khả năng thanh toán đối với doanh nghiệp bảo hiểm được xác định theo số tuyệt đối và áp dụng đồng bộ với tất cả các doanh nghiệp bảo hiểm.

Cần phân tích cụ thể đối với các quy định hiện tại về quản lý vốn của doanh nghiệp bảo hiểm gồm yêu cầu về vốn pháp định và quản lý vốn chủ sở hữu. Theo đó, vốn pháp định phân loại theo loại hình doanh nghiệp (600 tỷ đến 1000 tỷ đồng đối với các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ; 300 tỷ - 400 tỷ đồng đối với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ; 4 tỷ đồng đối với doanh nghiệp môi giới bảo hiểm). Đối với từng loại hình bảo hiểm, yêu cầu về vốn pháp định tăng dần theo mức độ phức tạp của nghiệp vụ bảo hiểm được phép kinh doanh. Trong quản lý vốn chủ sở hữu, quy định hiện hành yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm phải duy trì vốn chủ sở hữu luôn cao hơn vốn pháp định.

Như vậy, yêu cầu về vốn pháp định, vốn chủ sở hữu áp dụng thống nhất giữa các doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động trong cùng một lĩnh vực và có cùng phạm vi hoạt động, không phân biệt quy mô hay rủi ro khác nhau. Các quy định hiện hành về vốn của Việt Nam là khá thận trọng, vốn pháp định được quy định ở mức cao so với thông lệ quốc tế (từ 200 nghìn USD đến 6 triệu USD). Các quy định về vốn đã tạo dựng được nền tảng pháp lý về quản lý tài chính cho doanh nghiệp bảo hiểm, có vai trò định hướng phát triển thị trường trong giai đoạn đầu mới hình thành, bảo đảm an toàn tài chính và thực hiện cam kết khách hàng.

Trong hơn 15 năm qua, thị trường bảo hiểm đã tăng trưởng, phát triển toàn diện từ số lượng doanh nghiệp đến quy mô và tính đa dạng của nghiệp vụ kinh doanh. Năm 2000, số lượng doanh nghiệp là 15, đến năm 2020, số lượng doanh nghiệp là 71. Nhiều nghiệp vụ bảo hiểm mới được phát triển như bảo hiểm hàng không, bảo hiểm vệ tinh, bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm hưu trí,… Kênh phân phối từ đại lý truyền thống, môi giới bảo hiểm, đến nay đã mở rộng thêm phân phối bảo hiểm qua ngân hàng, bưu điện, siêu thị, phân phối qua internet, điện thoại,… Các sản phẩm bảo hiểm có sự đan xen với nhiều ngành nghề kinh doanh khác nhau, đặc biệt là các sản phẩm của dịch vụ tài chính, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ.

Do đó, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm ngày càng chịu tác động của nhiều yếu tố và rủi ro hỗn hợp của nhiều lĩnh vực như biến động thị trường tài chính, thị trường đầu tư, công nghệ,... Các tác động này càng lớn và khó dự báo, đặc biệt đối với các doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp hợp đồng bảo hiểm dài hạn (có hợp đồng thời hạn lên tới 99 năm).

Tuy nhiên, chưa thể tính toán mức độ vốn so với quy mô của từng doanh nghiệp, so với tính chất rủi ro của từng doanh nghiệp, để thấy được mức độ khác nhau về tình hình tài chính và khả năng đáp ứng của từng doanh nghiệp vì chưa có yêu cầu hay quy định về mô hình vốn trên cơ sở rủi ro. Trong khi thực tế, đối với doanh nghiệp bảo hiểm có vốn đầu tư nước ngoài, để so sánh đồng nhất với các doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động trong khu vực hay các nước khác trong cùng hệ thống, công ty mẹ và chủ đầu tư đã yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam thực hiện báo cáo về mức độ đầy đủ vốn tương ứng với rủi ro, theo quy định của nước nơi doanh nghiệp bảo hiểm đóng trụ sở chính.

Tính đến cuối năm 2020, quy mô vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp bảo hiểm tăng nhanh với tổng số vốn chủ sở hữu toàn thị trường bảo hiểm phi nhân thọ đạt khoảng 33.563 đồng, trong đó:

- 13 DNBH vốn chủ sở hữu trên 1.000 tỷ đồng;

- 10 DNBH có vốn chủ sở hữu từ 500 tỷ đồng đến dưới 1.000 tỷ đồng;

- 9 DNBH có vốn chủ sở hữu dưới 500 tỷ đồng.

Mặc dù vẫn đáp ứng yêu cầu về vốn tối thiểu, vốn chủ hữu, tuy nhiên, có một số DNBH tiềm ẩn một số vấn đề như:

- Một số doanh nghiệp bảo hiểm có hệ số thanh toán nhanh (Tỷ lệ giữa tài sản có tính thanh khoản cao/Tài sản nợ ngắn hạn) thấp như VASS, Bảo Việt, AAA, GIC. Các DNBH này có thể gặp khó khăn trong việc thanh toán ngay các khoản tiền bồi thường bảo hiểm trong trường hợp xảy ra rủi ro tích tụ trên diện rộng hoặc chưa thu đòi được nhà tái bảo hiểm.

- Một số DNBH có tỷ lệ khả năng thu hồi tài sản phải thu trên tổng phải thu ngắn hạn thấp như Groupama, AAA. Đây là những DNBH có tỷ lệ nợ xấu cao nên phải trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi nhiều.

- Một số DNBH có tỷ lệ nợ phí bảo hiểm gốc trên doanh thu phí bảo hiểm gốc từ 10% trở lên như GIC, Bảo Minh, Bảo Long, PTI.

- Một số DNBH có tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm gốc trên vốn chủ sở hữu bình quân.

- Một số DNBH có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu âm.

- Về cơ cấu đầu tư: Danh mục đầu tư chủ yếu là tiền gửi tại các tổ chức tín dụng, chiếm 79,8% tổng số tiền đầu tư. Số còn lại được đầu tư vào: Trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương; cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp có bảo lãnh và không có bảo lãnh, chứng chỉ quỹ, góp vốn vào doanh nghiệp khác, ủy thác đầu tư; cho vay, kinh doanh bất động sản...

- Về lợi nhuận hoạt động đầu tư: Đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu có tỷ suất lợi nhuận đầu tư 6%, tiền gửi, trái phiếu chính phủ có tỷ suất lợi nhuận đầu tư 7%, các khoản đầu tư góp vốn vào DN khác chiếm tỷ suất lợi nhuận đầu tư 2%.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã không ngừng tăng vốn điều lệ để mở rộng mạng lưới hoạt động kinh doanh, phát triển kênh phân phối mới, đầu tư thêm nhiều sản phẩm bảo hiểm mới.

- Mức vốn pháp định ban đầu cố định có thể là thừa đối với các doanh nghiệp nhỏ nhưng lại không đủ để đảm bảo khả năng thanh toán về dài hạn đối với các doanh nghiệp lớn.

-Vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tăng đều trong các năm qua.

- Hoạt động đầu tư tuy đã cải thiện hơn so với trước song danh mục đầu tư chưa đa dạng. Tại Việt Nam, do chưa áp dụng mô hình quản lý trên cơ sở rủi ro, nên quy định hiện hành về đầu tư cũng thận trọng hơn, các loại tài sản được đầu tư cũng hạn chế hơn. Thiếu vắng tài sản đầu tư có thời hạn dài trên thị trường để cân đối thời hạn giữa tài sản với trách nhiệm. Lãi suất đầu tư tiếp tục xu hướng giảm trong vài năm qua khiến thu nhập đầu tư giảm, trích lập dự phòng nghiệp vụ tăng.

Như vậy, căn cứ theo quy định tại Điều 94 Luật KDBH, DNBH phải đáp ứng quy định vốn pháp định và quản lý vốn chủ sở hữu. Theo đó, Luật KDBH giao Chính phủ quy định mức vốn pháp định phân loại theo loại hình doanh nghiệp, cụ thể:

+ DNBH nhân thọ: từ 600 tỷ đồng

+ DNBH phi nhân thọ: từ 300 tỷ đồng

+ DNBH sức khỏe: 300 tỷ đồng

+ Chi nhánh nước ngoài: từ 200 tỷ đồng

+ Doanh nghiệp tái bảo hiểm: từ 400 tỷ đồng

+ Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm: từ 4 tỷ đồng

Đối với từng loại hình bảo hiểm, yêu cầu về vốn pháp định tăng dần theo mức độ phức tạp của nghiệp vụ bảo hiểm DNBH được phép kinh doanh.

Trong quản lý vốn chủ sở hữu, Chính phủ quy định DNBH phải duy trì vốn chủ sở hữu luôn cao hơn vốn pháp định và phải thực hiện thủ tục bổ sung vốn trong vòng 6 tháng nếu thấp hơn vốn pháp định (Điều 49, 50 Nghị định 73/2016/NĐ-CP).

Các quy định hiện hành về vốn pháp định của Việt Nam là khá thận trọng, vốn pháp định được quy định ở mức cao so với thông lệ quốc tế (từ 200 nghìn USD đến 6 triệu USD[1]). Quy định vốn thận trọng có thể khiến người tham gia bảo hiểm thấy an toàn hơn khi mua bảo hiểm của những doanh nghiệp bảo hiểm có tiềm lực mạnh, nhưng lại có thể gây thiệt hại cho chủ sở hữu doanh nghiệp bảo hiểm do vốn bị ứ đọng, giảm tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu. Do đó, cần phải quy định mức vốn phù hợp với từng doanh nghiệp, cân bằng giữa lợi ích của người tham gia bảo hiểm và chủ sở hữu doanh nghiệp bảo hiểm.

Cần phân tích hậu quả của vấn đề nếu không giải quyết ở các góc độ sau:

+ Đối với doanh nghiệp bảo hiểm: Việc quy định mức vốn tối thiểu cố định thường chỉ phù hợp khi doanh nghiệp bảo hiểm mới bắt đầu hoạt động, nhưng không phù hợp đối với các doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động lâu năm trên thị trường, cụ thể như sau:

Đối với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, chủ yếu kinh doanh các sản phẩm đơn giản, rủi ro thấp: mức vốn này có thể là cao đối với doanh nghiệp, do đó gây lãng phí, ứ đọng vốn của doanh nghiệp dẫn đến hiệu quả hoạt động giảm (tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu thấp).

Đối với các doanh nghiệp có quy mô lớn, kinh doanh các sản phẩm phức tạp, có rủi ro cao: mức vốn này có thể là thấp đối với doanh nghiệp, do đó gây rủi ro thiếu vốn, ảnh hưởng đến an toàn hoạt động và khả năng thanh toán của doanh nghiệp, đặc biệt khi xảy ra rủi ro thảm họa hoặc rủi ro tập trung. Sự thất bại của các doanh nghiệp này có thể gây ảnh hưởng đến thị trường bảo hiểm và dẫn đến khủng hoảng tài chính[2].

+ Đối với người tham gia bảo hiểm: Có khả năng chịu rủi ro khi các doanh nghiệp bảo hiểm phá sản mà không có tài sản tương ứng để trả các trách nhiệm bảo hiểm đã cam kết; Khó khăn trong việc đánh giá tình trạng tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm, đặc biệt các doanh nghiệp bảo hiểm có rủi ro cao, phức tạp.

Từ những phân tích trên, tìm ra những nguyên nhân của vấn đề bất cập và đề xuất giữ nguyên như quy định hiện nay của Luật kinh doanh bảo hiểm có đáp ứng được yêu cầu thực tiễn hay không? Cần phân tích nguyên nhân như sau:

+ Do Điều 94 Luật kinh doanh bảo hiểm và văn bản hướng dẫn yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm phải đáp ứng quy định vốn pháp định và vốn điều lệ pháp định phân loại theo loại hình doanh nghiệp và dịch vụ bảo hiểm kinh doanh.

+ Chưa có quy định về việc doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện theo dõi vốn tương ứng với rủi ro của hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Từ thực trạng nêu trên, mục tiêu đặt ra là để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn của nhà đầu tư nếu giữ nguyên các quy định như hiện nay về quản lý vốn pháp định, vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu không thấp hơn vốn pháp định có ảnh hưởng tới hiệu quả quản lý Nhà nước do không bắt kịp với sự phát triển của thị trường ngày càng đa dạng, đan xen hay không?

Cần phân tích tác động tiêu cực nếu giữ nguyên chính sách về yêu cầu về vốn và quản lý vốn đối với doanh nghiệp và người dân tham gia các sản phẩm bảo hiểm như thế nào? Về lý thuyết, một thị trường không minh bạch, có thể gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh, người dân không có đủ thông tin để đánh giá, phân loại rõ hơn doanh nghiệp bảo hiểm theo yêu cầu về vốn và rủi ro vốn.

Tuy nhiên, nếu vẫn giữ nguyên các quy định về yêu cầu vốn và quản lý vốn như hiện nay các doanh nghiệp không phải chịu áp lực về việc nhận diện, quản lý, kiểm soát rủi ro. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng không phải thực hiện thêm các thủ tục hành chính như thủ tục đăng ký phương pháp trích quỹ dự phòng, thủ tục phê chuẩn hoạt động đầu tư nước ngoài và thủ tục báo cáo vẫn giữ nguyên như hiện nay.

 


[1] Phụ lục 1 thống kê vốn pháp định/vốn điều lệ tối thiểu tại các nước

[2] Tại Mỹ, năm 2008 đã có một số công ty bảo hiểm cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho các loại chứng khoán nợ dưới chuẩn bị hạ tín nhiệm và sụp đổ dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính. Sau đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã phải chi 182 tỷ USD để cứu AIG - từng là một tập đoàn bảo hiểm lớn nhất thế giới khỏi nguy cơ phá sản để ổn định hệ thống tài chính.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành