Thứ bảy, 29 Tháng 3 2014 00:00

Xử lý nợ trong tái cơ cấu doanh nghiệp: Vấn đề và giải pháp

1. Các vấn đề về xử lý nợ trong tái cơ cấu doanh nghiệp:

Trong những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều quy định và chính sách về xử lý nợ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, phạm vi điều chỉnh mới chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp Nhà nước trong quá trình hoạt động, sắp xếp chuyển đổi chủ sở hữu.

Nghị định số 69/2002/NĐ-CP, ngày 12/07/2002 quy định về quản lý và xử lý nợ tồn đọng của doanh nghiệp Nhà nước; Bộ Tài chính có Thông tư số 85/2003/TT-BTC ngày 26/09/2002 hướng dẫn xử lý nợ tồn đọng và Thông tư số 74/2003/TT-BTC ngày 09/09/2002 đánh giá lại các khoản nợ tồn đọng không có tài sản đảm bảo của ngân hàng thương mại Nhà nước. Theo đó, Nghị định 69/2002/NĐ-CP áp dụng đối với doanh nghiệp Nhà nước đang hoạt động; doanh nghiệp Nhà nước đang thực hiện các thủ tục chuyển đổi theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Phạm vi xử lý nợ theo Nghị định này bao gồm: Đối với doanh nghiệp Nhà nước đang hoạt động là các khoản nợ tồn đọng đến 31 tháng 12 năm 2000. Các khoản nợ tồn đọng phát sinh sau ngày 31 tháng 12 năm 2000 doanh nghiệp phải tự thanh toán thu hồi; Đối với doanh nghiệp Nhà nước thực hiện chuyển đổi là các khoản nợ tồn đọng đến thời điểm chuyển đổi, các khoản nợ tồn đọng phát sinh sau thời điểm chuyển đổi thì doanh nghiệp tự thanh toán, thu hồi.

Các quy định về xử lý nợ hiện hành chủ yếu áp dụng cho các doanh nghiệp Nhà nước, khi các doanh nghiệp Nhà nước chuyển đổi sở hữu trừ quy định về trích lập dự phòng và xử lý theo quy định tài Thông tư số 228/2009/TT-BTC áp dụng chung cho các doanh nghiệp.

Nghị định số 69/2002/NĐ-CP, ngày 12/07/2002 quy định về quản lý và xử lý nợ tồn đọng của doanh nghiệp Nhà nước; Nghị định 59/2011/NĐ-CP áp dụng đối với doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước chuyển thành công ty cổ phần; Nghị định số 109/2008/NĐ-CP ngày 10/10/2008 về bàn giao doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Bên cạnh đó, Nghị định 69/2002/NĐ-CP chị quy định xử lý nợ tồn đọng của doanh nghiệp Nhà nước đang hoạt động theo luật doanh nghiệp Nhà nước phát sinh từ 31/12/2000 trở về trước. Điều này có nghĩa là chưa có quy định về xử lý nợ cho các doanh nghiệp thực hiện tái cấu trúc theo quy định tại Quyết định số 929/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phru về phê duyệt Đề án tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước mà tập trung là các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Doanh nghiệp mất cân đối về nguồn tiền trả nợ vốn vay, thông thường khi vay của ngân hàng, các doanh nghiệp có nghĩa vụ thực hiện các cam kết tại hợp đồng hoặc khế ước vay nợ, bao gồm giá trị nợ gốc phải hoàn trả lãi suất và thời hạn vay. Tuy nhiên, trên thực tế, đối với doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh, không gặp khó khăn về sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, nhưng vẫn khó khăn về dòng tiền để trả nợ người cho vay. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu là do thời hạn của hợp đồng vay để đầu tư dự án ngắn hơn so với vòng đời hoạt động của dự án. Doanh nghiệp có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao nguyên nhân là do vốn chủ sở hữu thấp nên phải vay nhiều.

Quy định về xử lý nợ của doanh nghiệp Nhà nước trong quá trình sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước còn chưa rõ về trình tự xử lý dẫn đến kéo dài quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước nói riêng và sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước nói chung. Chẳng hạn như việc xử lý nợ của công ty mua bán nợ được thực hiện trước hay sau khi xác định và công bố giá trị doanh nghiệp không được nêu rõ trong quy định hiện hành. Do đó có nơi yêu cầu công ty mua bán nợ phải xử lý trước rồi cơ quan quyết định giá trị doanh nghiệp mới công bố giá trị doanh nghiệp, có nơi công bố giá trị doanh nghiệp rồi thì công ty mua bán nợ mới tham gia xử lý.

2. Các khuyến nghị tháo gỡ bất cập:

Đối với nợ phải thu, các doanh nghiệp cần phải chủ động trong việc xử lý nợ xấu theo quy định hiện hành, bao gồm: doanh nghiệp có nợ phải thu khó đòi, không có khả năng thu hồi phải trích lập dự phòng, tính vào chi phí đối với nợ phải thu không có khả năng thu hồi hoặc bán nợ cho công ty mua bán nợ. Phần chênh lệch giữa giá bán và giá trị ghi sổ của khoản nợ phải thu này được tính vào chi phí.

Đối với nợ phải trả, các doanh nghiệp cần chủ động trong việc tạo nguồn trả như bán tài sản, thu hồi công nợ, đề xuất giải pháp xử lý để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp về dòng tiền trả nợ.

Cần nghiên cứu để có cơ chế xử lý nợ phát sinh trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, bao gồm cả việc chuyển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần, Cụ thể:

+ Hoàn thiện cơ chế xử lý nợ phải thu, phải trả đối với doanh nghiệp Nhà nước sắp xếp, chuyển đổi sở hữu theo hướng cho phép không tính vào giá trị doanh nghiệp nợ phải thu không có khả năng thu hồi mà không có tài liệu chứng minh. Khoản này được chuyển về công ty mua bán nợ theo dõi, thu hồi và xử lý.

+ Cần sớm ban hành cơ chế xử lý nợ đối với công ty con thuộc các doanh nghiệp Nhà nước hoạt động kinh doanh ngoài ngành kinh doanh cốt lõi chuyển giao cho tập đoàn, tổng công ty Nhà nước khác. Tài sản đượ chuyển giao thì nợ phải trả cũng được chuyển giao cho doanh nghiệp nhận. Các chủ nợ nói chung và tổ chức tín dụng nói riêng cần hỗ trợ các doanh nghiệp bị chuyển giao trong việc tái cơ cấu nợ như xóa nợ lãi vay, giãn thời gian trả nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ…

+ Trình tự tham gia xử lý nợ của công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp trong việc xử lý nợ đối với doanh nghiệp Nhà nước sắp xếp chuyển đổi cần phải có quy định cụ thể rõ ràng. Công ty mua bán nợ sẽ tham gia xử lý nợ của doanh nghiệp cổ phần hóa hoặc bán sau khi giá trị doanh nghiệp được cơ quan có thẩm quyền công bố. Đối với nợ phải trả, các tổ chức tín dụng hỗ trợ xử lý thông qua các giải pháp như xóa nợ lãi vay đối với doanh nghiệp bị thua lỗ, chuyển nợ thành vốn góp, cổ phần…        

Đối với nợ vay của doanh nghiệp cần nghiên cứu điều chỉnh thời hạn cho vay phù hợp với vòng đời của dự án nhằm tránh tình trạng mất cân đối nguồn vốn, góp phần lành mạnh hóa tình hình tài chính của doanh nghiệp. Theo đó các tổ chức tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tái cơ cấu lại nợ từ nợ ngắn hạn thành nợ dài hạn tức là giãn thời hạn trả nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ và điều chỉnh lãi suất cho vay… Chính phủ và các tổ chức tín dụng cần hỗ trợ doanh nghiệp tái cấu trúc nợ trong điều kiện cho phép thông qua việc dùng vốn dài hạn để tái cấu trúc các khoản nợ ngắn hạn, góp phần làm cho bảng cân đối kế toán khỏe hơn, nâng cao tính cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Các cơ chế về kiểm soát nợ vay phát sinh mới của doanh nghiệp cần sớm được nghiên cứu ban hành nhằm giúp doanh nghiệp có được cơ cấu vốn hợp lý. Muốn vậy thì cơ chế cho vay và giám sát nợ của doanh nghiệp cũng phải được đổi mới. Khống chế tổng mức vốn đối ứng của doanh nghiệp tính cho tất cả các dự án của doanh nghiệp không được vượt quá vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp trên báo cáo tài chính được công bố ở thời điểm gần nhất. Ngoài ra, đối với doanh nghiệp mở nhiều tài khoản giao dịch ở nhiều ngân hàng khác nhau cần cử ra một ngân hàng đại diện cho các ngân hàng chủ nợ để giám sát về hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp. Hệ số này do doanh nghiệp xây dựng làm căn cứ điều hành, giám sát nhằm kiềm chế gia tăng nợ và doanh nghiệp có cơ cấu nợ hợp lý với chi phí vốn thấp nhất.        

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành