Thứ bảy, 29 Tháng 3 2014 00:00

Đánh giá tác động của quá trình di dân ở khu vực nông thôn nước ta

1. Lực đẩy và lực hút trong quá trình ra quyết định di cư:

Việc di cư ở các vùng nông thôn Việt Nam phần lớn được các thành viên lớn đã trưởng thành trong gia đình cùng ra quyết định. Số liệu từ cuộc điều tra MIS cung cấp một bức tranh tổng quát về những lý do chính giúp thúc đẩy các hộ gia đình gửi người lên thành phố.

Hơn một nửa số người di cư rời quê hương lên thành phố do họ không hài lòng với công việc và mức thu nhập ở quê và hy vọng sẽ có nhiều cơ hội việc làm tốt hơn ở thành phố. Cứ bốn người di cư thì có một người đi do gia đình thiếu đất canh tác hoặc thiếu việc làm hay thất nghiệp lâu năm. Kết hợp các lý do này lại thì ta có thể thấy nguyên nhân kinh tế giải thích cho 80% vấn đề di cư, do đó cần được xem xét như là động lực chính hay là mục đích chính của việc di cư.

Xếp thứ hai ngay sau lý do kinh tế là giáo dục, với 13,3% tổng số người di cư ra thành phố để học tập. Rõ ràng giáo dục không chỉ là một yếu tố của chọn lọc di cư như đã nêu ở trên mà còn là nguyên nhân trực tiếp của di cư. Thực tế thì nhiều người di cư sau khi học xong đã quyết định ở lại để sống và làm việc ở thành phố chứ không trở lại quê hương, khi khoảng cách về cơ hội và điều kiện sống giữa các khu vực thành thị và nông thôn ngày càng gia tăng.

Một số lý do di cư khác chiếm tỷ lệ không đáng kể, bao gồm các vấn đề gia đình như hôn nhân, đoàn tụ gia đình, sống với người thân… chiếm 3,5%. Gần 3% người di cư do bị thu hút bởi lối sống đô thị.

didan1


2. Tính chọn lọc di cư của hộ gia đình:

   Giới tính:

  didan2

Sự phân bố của 1702 người di cư từ nông thôn lên thành thị trong mẫu điều tra MIS phân theo giới tính. Có thể thấy gần hai phần ba số người di cư là nam giới tức là chiếm 61,5%. Tuy nhiên so sánh mẫu điều tra MIS từ hai tỉnh lại cho thấy có sự khác biệt đáng kể. Trong khi người di cư từ Thái Bình chủ yếu là nam giới (chiếm 70,1%) thì ở Tiền Giang tỷ lệ phần trăm người di cư là nam giới chỉ cao hơn một chút so với nữ giới, 52,2% so với 47,5%.

Chênh lệch rõ rệt này có thể được giải thích phần nào bằng cách phân tích cơ cấu nghề nghiệp của mẫu di dân: người di cư từ Tiền Gian thường được thu hút vào làm việc trong các khu chế xuất và khu công nghiệp; những ngành công nghiệp này tuyể dụng số lượng lớn lao động nữ và phần đông trong số đó xuất thân từ các tỉnh miền Nam. Cũng theo kết quả của một báo cáo của Ban Quản Lý các khung công nghiệp và khu chế xuất: tháng 5 năm 2007 trong số 90 khu công nghiệp và khu chế xuất trên khắp Việt Nam, 60% nằm ở miền Nam; 26% ở miền Bắc; 14% ở miền Trung. Lao động làm việc tại các doanh nghiệp này chủ yếu là nữ giới, chiếm đến 90% tổng số lao động vì công việc dây chuyền lắp ráp không đòi hỏi lao động phải có học thức và tay nghề cao mà chỉ cần những người chuyên cần, chịu khó và chấp nhận mức lương thấp, những đặc điểm thường thấy ở lao động nữ.

   Tuổi tác

  

didan3

Tuổi tác là một khía cạnh khác của tính chọn lọc trong di cư. Độ tuổi của người di cư dao động là từ 12 tuổi trở lên, với giá trị trung bình là 27,2 tuổi và giá trị trung vị là 25 tuổi. Trên 80% số người di cư nằm trong độ tuổi từ 18 đến 34 là độ tuổi hoạt động tích cực nhất về kinh tế. Nếu xét cả những độ tuổi lớn hơn nữa thì có đến 90% số người di cư có độ tuổi từ 18 đến 44. Như thường thấy tại các nước đang phát triển, di cư lao động diễn ra thường xuyên hơn ở dân số tương đối trẻ khi họ đang ở lứa tuổi lao động hiệu quả nhất.

   Tình trạng hôn nhân

didan4

Hôn nhân có thể tác động hai chiều đến khả năng di cư. Một mặt mọi người sau khi kết hôn thường gắn bó với gia đình và con cái do đó không thực sự sẵn sàng để di cư. Mặt khác, như cầu hỗ trợ kinh tế cho gia đình lại là động cơ của di cư. Hai phần ba (67%) tổng số người di cư trong mẫu điều tra MIS còn độc thân. Tỷ lệ nữ di cư chưa kết hôn chiếm 70,8%, cao hơn so với nam giới là 64,8%.

   Giáo dục

didan5

Trình độ học vấn của người di cư trong nghiên cứu này được đo bằng tổng số năm học và mức độ học vấn cao nhất đạt được. Nhìn chung người di cư đều có trình độ học vấn tương đối khá. Như được thể hiện qua các số liệu, người di cư dành trung bình 9,5 năm cho việc học. Gần 70% người di cư đã hoàn thành trình độ trung học cơ sở hoặc thậm chí cao hơn. Trên một phần năm di dân đã hoàn thành trình độ phổ thông trung học và có 15,4% có trình độ học vấn cao hơn.

Sức khỏe

Khoảng 98% số người di cư trong mẫu nghiên cứu tự đánh giá có tình trạng sức khỏe tốt hoặc rất tốt. Sức khỏe là một khía cạnh đặc thù khác của tính chọn lọc di cư. Thường thì những thành viên gia đình với sức khỏe tốt hơn sẽ có nhiều khả năng di cư hơn. Ngoài ra, vì di cư là một trong những chiến lược sinh kế của gia đình, nhằm giảm thiểu rủi ro thì những thành viên có sức khỏe tốt hơn được ưu tiên đi tìm kiếm việc làm ở thành phố.

   Quan hệ gia đình

didan6

Con cái chủ hộ trong độ tuổi lao động sung sức nhất là những người thích hợp nhất để di cư. Số liệu từ cuộc khảo sát cho thấy trên 80% số người di cư là con cái chủ hộ. Thực tế thì chủ hộ là nam giới, trong độ tuổi lao động sung sức cũng có nhiều khả năng di cư, 10% số người di cư là chủ hộ. Trong xã hội Việt Nam, chủ hộ thường là người ra quyết định chính trong gia đình và là trụ cột chính về kinh tế gia đình. Ngoài ra, việc trọng nam khinh nữ cũng khiến cho chủ hộ thường là nam giới, trên 80% chủ hộ trong nghiên cứu này là nam. Phụ nữ đã có gia đình thường chịu trách nhiệm nhiều hơn trong công việc nội trợ và chăm sóc con cái.

3. Đến và làm việc tại thành phố:

   Nơi đến

Có thể thấy rằng miền Nam là nơi đến chính của các dòng di cư. Không chỉ hầu hết những người di cư từ Tiền Giang mà còn gần một nửa người di dân từ Thái Bình đang cư trú ở miền Nam tại thời điểm phỏng vấn. Như đã đề cập ở trên, miền Nam tập trung nhiều khu công nghiệp và khu chế xuất tuyển dụng số lượng lao động lớn; là khu vực có trung tâm đô thị lớn nhất - Thành phố Hồ Chí Minh; cơ hội việc làm trong cả khu vực phi chính thức và tư nhân đều nhiều hơn; khí hậu miền Nam ôn hòa hơn và xã hội miền Nam cởi mở hơn, dễ tiếp nhận người mới đến cũng như sự đa dạng văn hóa mà họ mang tới. Thành phố Hồ Chí Minh là điểm đến của đa số người di cư ở phía Nam và các khu vực lân cận.

   Thời gian cư trú

Người di cư thường bắt đầu di cư vào những năm đầu tuổi hai mươi. Điều đó đã được phản ánh qua số liệu của nghiên cứu này khi giá trị trung vị và trung bình của tuổi người di cư lần đầu là 20 và 21,8. Rất nhiều người di cư đã tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm di cư, giúp cải thiện đáng kể phúc lợi cũng như khả năng hỗ trợ gia đình của họ. Nhìn chung đa số người di cư đều ở thành phố một thời gian dài. Trên 70% số người được khảo sát đã số ở thành phố hơn một năm và cứ bốn người thì có một người đã sống ở thành phố hơn năm năm trước khi cuộc khảo sát diễn ra.

   Nghề nghiệp

Công việc có số người di cư tham gia nhiều nhất là làm trong các nhà máy, xí nghiệp, lao động tay chân thuê mướn hàng ngày, dịch vụ tư nhân: chiếm 44,6%; 30,7% và 12,6% số người di cư. Cụ thể đối với nhóm làm việc tại các nhà máy, trên 50% làm việc trong các ngành công nghiệp may mặc và giày dép, máy móc và điện tử chiếm 20%, chế biến thực phẩm và hàng hóa đông lạnh chiếm 10%; số còn lại tham gia sản xuất hàng hóa như đồ nhựa, đồ gỗ hay sản xuất sơn… Hầu hết công nhân làm việc trên dây chuyển sản xuất là nữ giới.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành