Thứ hai, 25 Tháng 8 2014 00:00

Đánh giá vấn đề vấn đề lao động và việc làm

Thành Đoàn Hải Phòng phối hợp với Sở Lao động Thương binh và xã hội tổ chức Ngày hội việc làm thanh niên năm 2012 Thành Đoàn Hải Phòng phối hợp với Sở Lao động Thương binh và xã hội tổ chức Ngày hội việc làm thanh niên năm 2012

1. Thực trạng thị trường lao động Việt Nam:

Đến ngày 1/7/2014, nguồn nhân lực trong độ tuổi lao động cả nước đạt 69,313 triệu người. So với mức tăng dân số, mức tăng nguồn nhân lực cao hơn, khoảng 992 ngàn người/năm (2010-2013), tốc độ tăng trung bình 1,48%/năm. Tuy nhiên, tốc độ tăng và mức tăng nguồn nhân lực trong thời gian qua có dấu hiệu bất thường. Tốc độ tăng giảm rất nhanh, từ 2% năm 2010, xuống còn 0,71% năm 2013, và có dấu hiệu phục hồi, tăng 0.91% vào nửa đầu năm 2014. Mức tăng nguồn nhân lực năm 2013 chỉ đạt 492 ngàn người, tăng trở lại vào năm 2014. Đến ngày 1/7/2014, quy mô lực lượng lao động đạt 53,714 triệu người. So với mức tăng nguồn nhân lực, mức tăng lực lượng lao động thấp hơn, tăng khoảng 803 ngàn/năm. Tương tự như nguồn nhân lực, mức tăng lực lượng lao động giảm nhanh, từ 1535 người năm 2010 xuống còn 624 ngàn năm 2012, tăng trở lại năm 2013, giảm chỉ còn 468 ngàn vào quí 2/2014, dự kiến cả năm đạt mức thấp hơn năm 2013.

Đến hết quí 2/2014, vẫn còn trên 43,760 triệu người, chiếm 81,75% lực lượng lao động chưa được đào tạo. Số lao động qua đào tạo chiếm khiêm tốn khoảng 18,25% tổng số lao động và tăng rất chậm. Theo đánh giá của ILO, nguồn lao động trẻ va dồi dào đã mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội, nhưng trình độ kỹ năng và chuyên môn thấp của người lao động lại cản trở Việt Nam nắm bắt những cơ hội về việc tốt. Trầm trọng hơn nữa là sự chênh lệch giữa kỹ năng của hệ thống giáo dục và đào tạo trang bị cho người lao động và nhu cầu thực tế của doanh nghiệp trong hiện tại va tương lai. Cũng theo đánh giá của ILO, hệ quả của tình trạng này là năng suất lao động của Việt nam ở vào mức thấp nhất của Châu Á - Thái binh dương. Cụ thế: Năm 2013, suất lao động của Singapore cao gần gấp 15 lần năng suất lao động của Việt Nam; năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 1/5 của Malaysia, 2/5 của Thái Lan, hai quốc gia thu nhập trung bình khác thuộc khối ASEAN.

Tính đến 1/7/2014, có khoảng 52,838 triệu người đang làm việc. So với nguồn nhân lực và lực lượng lao động, tốc độ tăng việc làm cao hơn, là điều kiện để giảm thất nghiệp. Tuy nhiên, tương tự như đối với nguồn nhân lực và lực lượng lao động, mức tăng việc làm giảm rất nhanh trong các năm gần đây do tác động của khủng hoảng kinh tế, cụ thể: trước năm 2010, việc làm tăng trên 1,1-1,2 triệu mỗi năm, hiện tại chỉ tăng khoảng 800 ngàn mỗi năm, mặc dù nền kinh tế đã có dấu hiệu tăng trưởng trở lại. Đến 1/7/2014, có trên 22 triệu người không có chuyên môn kỹ thuật hoặc có chuyên môn kỹ thuật nhưng không có chứng chỉ bằng cấp, đang làm những nghề đòi hỏi có chuyên môn kỹ thuật. Trái lại, có tới 0,75 triệu người có trình độ đại học và trên đại học đang làm các nghề yêu cầu chuyên môn kỹ thuật thấp hơn.  

Thu nhập bình quân tháng từ công việc chính của lao động giảm nhẹ trong thời kỳ 2010-2013 và có xu hướng tăng trở lại trong quí 2/2014, đạt 4,35 triệu đồng/tháng.  Thu nhập bình quân tháng từ công việc chính của lao động nữ thấp hơn của lao động nam và khoảng cách này có xu hướng gia tăng. Thu nhập bình quân tháng từ công việc chính của lao động nông thôn thấp hơn của thành thị, tuy nhiên khoảng cách cũng giảm nhẹ. Quý 2/2014, trong số những người làm công ăn lương, 18,6% có thu nhập thấp. Tỷ lệ lao động có thu nhập thấp đặc biệt cao ở nhóm không có chuyên môn kỹ thuật 82,2%; nghề “lao động giản đơn” 43,2%; nhóm lao động trẻ 26,3% ở nhóm 25-34 tuổi và 23,9% ở nhóm 15-24 tuổi.

Đến 1/7/2014, cả nước có 871,8 nghìn người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, trong đó 393 nghìn người là nữ chiếm 45,1%; 479 nghìn người ở thành thị chiếm 55,0%; 521,4 nghìn người không có chuyên môn kỹ thuật chiếm 59,8%; 147 nghìn người có trình độ đại học trở lên chiếm 16,9%. Thời kỳ 2010-2013, tổng số người thất nghiệp giảm khoảng 5,8%/năm, từ khoảng 1 triệu người năm 2010, xuống còn 905 ngàn người năm 2013. Số nữ bị thất nghiệp giảm nhanh hơn của nam giới, giảm 5,84% so với giảm 5,8%, của nông thôn cao hơn thành thị, giảm 6,2% so với giảm 5,44%. Thất nghiệp thanh niên nhóm tuổi từ 15-24 luôn chiếm khoảng 43-45% trong tổng số người thất nghiệp và số này giảm khoảng 2,66%/năm. Quý 2/2014, tổng số thanh niên thất nghiệp là 384,7 nghìn người, giảm 103 nghìn người so với năm 2010. Kết quả, tỷ lệ thất nghiệp thanh niên giảm từ 6,15% năm 2010 xuống còn 5,09% vào quý 2/2014. Số lượng và tỷ lệ thất nghiệp của nữ thanh niên luôn cao hơn của nam thanh niên. Trong khi số lượng và tỷ lệ thất nghiệp của nam thanh niên giảm 5-6% mỗi năm, thì số lượng và tỷ lệ thất nghiệp của nữ thanh niên lại tăng từ 1-2% mỗi năm. Quí 2/2014, tỷ lệ thất nghiệp của nữ thanh niên cao hơn so với nam thanh niên, 10,65% so với 5,38%.

Thời kỳ 2010-2013, số người thiếu việc làm giảm 415 nghìn người, hay 5,25%/năm. Tỷ lệ người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động giảm từ 3,12% xuống còn 2,25%. Tại thời điểm 1/7/2014, có 1.140 người trong độ tuổi lao động thiếu việc làm. Có tới 86,3% số người thiếu việc làm sống ở nông thôn và 55% số người thiếu việc làm là nam giới. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động nông thôn là 2,78%, cao gấp 1,24 lần so với tỷ lệ chung cả nước; của lao động trong nhóm ngành “nông-lâm nghiệp và thủy sản” là 3,61%; của nhóm “lao động hộ gia đình” là 3,08% và “lao động tự làm” là 2,55%. Số giờ làm việc thực tế bình quân của nhóm lao động thiếu việc làm là 23,3 giờ/tuần, chỉ bằng 52% so với thời gian làm việc thực tế bình quân chung 45 giờ/tuần.

2. Một số kiến nghị cho thị trường lao động thời gian tới:

Theo dự báo, kinh tế Việt nam tiếp tục phục hồi, dự kiến sẽ đạt mức tăng GDP 5,8%, tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội trong GDP đạt 31% và điều này sẽ có tác động tích cực đến thị trường lao động.

Dự kiến, nhu cầu lao động tiếp tục tăng mạnh trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo; sản xuất phân phối điện, khí đốt; thông tin và truyền thông; hoạt động y tế và trợ giúp xã hội, tăng khoảng 3,5% - 4% so với 6 tháng đầu năm 2014; lao động trong ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tiếp tục giảm, Tuy nhiên, chất lượng lao động đáp ứng yêu cầu tái cấu trúc nền kinh tế vẫn là thách thức.

Do quá trình nhân khẩu học, sức ép về việc làm sẽ giảm đi, song nâng cao chất lượng việc làm là một trong những thách thức, giảm tỷ lệ thiếu việc làm, việc làm có thu nhập thấp có vai trò quan trọng.

Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động là một thách thức, việc giảm tỷ lệ các chủ doanh nghiệp, tăng tỷ lệ lao động trong  hộ gia đình sẽ có nguy cơ tăng việc làm dễ bị tổn thương, do vậy cần tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khủng hoảng để tiếp tục tạo việc làm.

 Tập trung vào nâng cao chuyên môn kỹ thuật của nguồn nhân lực và lực lượng lao động là rất cần thiết. Cần phải có những chính sách khuyến khích học sinh học nghề, tập  trung tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo, đổi mới đào tạo để có những kỹ năng mới, tiêu chuẩn mới. Các doanh nghiệp đồng thời cũng là nơi đặt ra các yêu cầu đào tạo đối với nguồn nhân lực. Để phát triển kỹ năng theo nhu cầu thị trường, cần đẩy mạnh sự tham gia của doanh nghiệp vào hệ thống giáo dục và đào tạo. Các chương trình ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp tham gia đào tạo cần phải được triển khai.

Tích cực chuẩn bị nguồn nhân lực cho quá trình hội nhập ASEAN. Theo dự báo của ILO, Việt nam sẽ có khả năng tạo thêm được 6 triệu việc làm, 1/10 số việc làm tăng thêm đến năm 2025 của toàn bộ khối ASEAN, do tác động của xây dựng cộng đồng ASEAN, tuy nhiên, 60% trong số việc làm này là việc làm yếu thế. Do vậy, cần tăng cường an sinh xã hội. Hỗ trợ người lao động tham gia các chương trình thị trường lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các hình thức khác để bảo vệ tốt hơn người lao động, giảm tỷ lệ lao động thiếu việc làm. 

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành