Thứ hai, 25 Tháng 8 2014 00:00

Đánh giá tác động của quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong phát triển kinh tế

1. Quan hệ kinh tế Việt Nam - Trung Quốc:

Theo số liệu thống kê, kim ngạch ngoại thương giữa hai nước tăng nhanh qua các năm, nhất là từ năm 2007 trở lại đây. Từ năm 2004 đến nay, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, mức nhập siêu cũng tăng nhanh và ngày càng lớn, đặc biệt là từ năm 2007 đến nay. Các năm 2009 và 2010, nhập siêu từ Trung Quốc chiếm gần như toàn bộ giá trị nhập siêu của Việt Nam, các năm 2011, 2012 và 2013 thì không chỉ giá trị tuyệt đối rất lớn, mà nhập siêu từ Trung Quốc còn xảy ra khi tổng cán cân ngoại thương cân bằng hoặc thậm chí xuất siêu.

Trong quan hệ thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc, tương quan vị thế rất khác nhau. Mức độ ảnh hưởng của xuất - nhập khẩu của Trung Quốc đối với tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu của Việt Nam rất lớn, thì mức ảnh hưởng của xuất - nhập khẩu của Việt Nam đối với tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu của Trung Quốc lại rất nhỏ. Hàng xuất khẩu của Việt Nam năm cao nhất cũng chưa đầy 0,7% giá trị nhập khẩu của Trung Quốc so với mức trên 25% của giá trị xuất khẩu hàng Trung Quốc trên tổng giá trị nhập khẩu của Việt Nam.

Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Việt Nam không thuộc loại lớn. Tính đến hết tháng 12/2013, Trung Quốc đã đầu tư vào Việt Nam gần 1.000 dự án với gần 6 tỷ USD vốn đăng ký, đứng thứ 9/100 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Số vốn đã giải ngân khoảng gần 1/3 số vốn đăng ký. Về quy mô vốn đầu tư bình quân trên 1 dự án, các dự án đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam thuộc loại nhỏ, chỉ bằng khoảng 1/2 mức bình quân chung. Phần lớn FDI của Trung Quốc được đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp và trải rộng trên địa bàn của 55/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, tạo ra khoảng 100 ngàn chỗ làm việc trực tiếp. Phần đầu tư gián tiếp chính thức của Trung Quốc vào thị trường chứng khoán Việt Nam quy mô còn nhỏ. Ở chiều ngược lại, Việt Nam mới chỉ có 13 dự án đầu tư sang Trung Quốc với chỉ 16 triệu USD.

Số lượng khách du lịch từ Trung Quốc đến Việt Nam tăng nhanh trong những năm gần đây. Năm 2007 có hơn 557 nghìn lượt khách, đến năm 2013 đạt đến 1,9 triệu lượt khác. Lượng khách đến từ Trung Quốc chiếm hơn 20% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Tuy nhiên, theo đánh giá của các công ty du lịch, mức chi tiêu bình quân của khách Trung Quốc còn rất thấp.

Tính toán và so sánh ảnh hưởng của 2 nền kinh tế cho thấy ảnh hưởng lan tỏa từ phí cầu đến sản xuất và thu nhập của Trung Quốc và Việt Nam. Do phí cung dồi dao khi can thiếp vào phí cầu cuối cùng làm tăng sản lượng và giá trị gia tăng rất mạnh mẽ, điều này ngược lại với nước ta. Với Trung Quốc việc tiêu dùng nội địa lan tỏa đến thu nhập ngang với xuất khẩu trong khi ở Việt Nam lan tỏa từ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu tương ứng chỉ là 0,42 và 0,47. Đối với đầu tư cũng tương tự khi họ đầu tư một đơn vị lan tỏa đến thu nhập 0,66 hơn ở nước ta gần 20 điểm phần trăm. Như vậy có thể thấy phía cung của Trung Quốc rất dồi dào manh mẽ trong khi nước ta còn khá yếu kém. Đáng lẽ cần sớm quay sang đẩy mạnh trọng cung từ lâu, từ đó đưa ra ý tưởng về cấu trúc lại nền kinh tế, nhưng lại mải miết với việc quản lý cầu cuối cùng, ngoài ra tham nhũng cũng là yếu tố tiêu cực trong vấn đề này khi so sánh mức độ lan tỏa của đầu tư đến sản xuất của 2 giai đoạn có thể thấy lượng tiền bỏ ra đầu tư không đến được với sản xuất khoảng 17%. Ngoài ra với chính sách hướng ngoại khá toàn diện cho thấy không hẳn là chính xác, việc hướng ngoại này không chỉ đối với FDI mà cũng lệch lạc ngay cả đối với các nhân tố của cầu cuối cùng, hầu như các chính sách đều hướng tới xuất khẩu mà dường như quên hẳn thị trường nội địa, trong khi mức độ lan tỏa của tiêu dùng nội địa của Trung Quốc đến sản xuất và thu nhập gần như tương đương nhau.

2. Một số quan điểm nhận xét về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc:

Từ tháng 5/2014, với sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã làm dấy lên một cuộc tranh luận rộng rãi trong xã hội về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc nói chung và đánh giá về nhân tố Trung Quốc với nền kinh tế Việt Nam nói riêng. Trên các phương tiên thông tin đại chúng, đã xuất hiện một số bài viết trực tiếp bàn về chủ đề tác động của Trung Quốc tới kinh tế Việt Nam với các kịch bản được dự báo khác nhau. Ở góc nhìn dài hạn thì có thể thấy rằng, trong suốt chiều dài lịch sử, diễn biến của quan hệ Việt  Nam - Trung Quốc mang tính thăng trầm. Nhưng về cơ bản, các quan hệ kinh tế và văn hóa thì tỏ ra bền vững hơn, xuất phát cả từ lý do lịch sử lẫn nhu cầu thực tế. Nhưng nếu xét ở góc độ quốc gia, để có một quan hệ kinh tế và văn hóa bền vững, bình đẳng, thì nội lực kinh tế của Việt Nam phải mạnh lên. Chẳng hạn như Hàn Quốc hiện nay có quan hệ buôn bán với Trung Quốc lớn hơn nhiều so với buôn bán giữa Việt Nam và Trung Quốc; và Hàn Quốc luôn là nước xuất siêu. Vậy, để có được vị thế quan hệ buôn bán với Trung Quốc giống như Hàn Quốc, cần phải có thời gian và có lẽ cần một cách tiếp cận khác với cách mà Việt Nam đang quan hệ kinh tế với Trung Quốc hiện nay.

Việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là hành động có chủ ý, có tính toán, nằm trong chuỗi các hoạt động xâm lấn Biển Đông. Trước đó, Trung Quốc đã từng cắt cáp tàu Viking II (6/2011) và tàu Bình Minh 02 (12/2012). Vì vậy, có thể nhận định chung rằng, sau sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, sẽ là một thời kỳ quan hệ phức tạp, đấu tranh và hợp tác trong căng thẳng, khác hẳn giai đoạn “bình thường hóa” quan hệ từ 1991 đến nay, cho dù vẫn mang danh nghĩa “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện”.

Với những nhận định như trên, với tư cách là quan hệ láng giềng, có thể nói nhân tố Trung Quốc luôn có tác động ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam trong mọi thời kỳ với các mức độ rất khác nhau. Vấn đề là tìm giải pháp cho việc nâng cao vị thế của Việt Nam trong mối quan hệ kinh tế đó. Trước mắt, có thể là giá trị buôn bán sẽ ít đi, lượng FDI từ Trung Quốc sẽ suy giảm, lượng khách du lịch từ Trung Quốc sẽ giảm xuống… làm ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của Việt Nam. Không thể phủ nhận điều này trong ngắn hạn, nhưng vấn đề là mức độ tác động đến đâu và nền kinh tế có thể vượt qua được những khó khăn nhất thời đó không.

3. Một số kiến nghị để xây dựng chính sách:

Quan hệ “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” với Trung Quốc trong thời gian tới sẽ bao gồm cả hợp tác và đấu tranh, rất phức tạp, khác hẳn giai đoạn 20 năm sau “bình thường hóa” vừa qua. Cần nhìn nhận vấn đề một cách tổng thể, dài hạn để xử lý những vấn đề ngắn hạn, điều cần tập trung ưu tiên trước mắt là tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh để nâng cao vị thế trong quan hệ kinh tế - thương mại với Trung Quốc. Mở rộng hơn nữa các quan hệ kinh tế - thương mại với các đối tác khác, nhất là với các nền kinh tế đã phát triển, tích cực tham gia xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN để tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế.

Nếu kinh tế Việt Nam ngày càng kém hiệu quả và mang tính gia công, tỷ lệ chi phí trung gian trên giá trị sản xuất tăng lên xấp xỉ 20 điểm phần trăm từ năm 2000-2012, chỉ trong giai đoạn 5 năm 2007 – 2012 tỷ lệ này tăng lên gần 10 điểm phần trăm, hàm lượng giá trị gia tăng lan tỏa bởi cầu cuối cùng ngày càng thấp. Như vậy có thể thấy dù không có vụ dàn khoan của Trung Quốc thì nền kinh tế Việt Nam nếu không nhanh chóng thay đổi sẽ có nguy cơ kiệt quệ triền miên và đến một lúc nào đó sẽ không gượng dậy được nữa. Như vậy cộng cả vụ dàn khoan thì càng cần thực hiện nhanh chóng và quyết liệt thông điệp đầu năm của Thủ tướng, ngoài ra cấu trúc kinh tế cũng cần thay đổi chuyển hướng từ xuất khẩu của khu vực công nghiệp chế biến sang xuất khẩu dịch vụ.

Cũng cần tăng cường phía cung làm tăng cường sản xuất ra các sản phẩm có thể tiêu dùng trong nước và các chính sách ưu đãi cho xuất khẩu cũng cần cho sản xuất các sản phẩm tiêu thụ trong nước. Cần tạo một sân chơi bình đẳng giữa các khu vực sở hữu: kinh tế dân doanh, kinh tế Nhà nước và khu vực FDI.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành