Thứ ba, 26 Tháng 8 2014 00:00

Một số kiến nghị xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại

1. Những nguyên nhân chủ yếu của tình trạng nợ xấu và tác động của nó đối với sự phát triển của nền kinh tế:

Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng nợ xấu tăng cao có thể kể tới đó là do nền kinh tế rơi vào khủng hoảng khiến chất lượng tài sản nói chung của hệ thống ngân hàng suy giảm nhanh chóng. Môi trường kinh tế vĩ mô khó khăn sẽ làm giảm khả năng trả nợ của người vay là nguyên nhân khiến nợ xấu của hệ thống ngân hàng tăng. Do vậy, khi kinh tế suy giảm thì sự khó khăn đó cũng phản ánh vào tài sản của doanh nghiệp, các khoản doanh nghiệp vay ngân hàng cũng khó có khả năng trả nợ là điều tất yếu và nợ xấu gia tăng. Trong trường hợp nền kinh tế chưa hoặc không rơi vào khủng hoảng, sự biến động đột biến của những yếu tố kinh tế vĩ mô khác bao gồm tỉ giá hối đoái, lãi suất và lạm phát sẽ ảnh hưởng đáng kể tới chất lượng tài sản của ngân hàng. Khi tỉ giá điều chỉnh giảm sẽ tác động ngược chiều tới chất lượng tài sản, đặc biệt là tại các quốc gia thực hiện cho vay nhiều bằng ngoại tệ mà không có các biện pháp phòng vệ của người vay.

Chất lượng quản lý của ngân hàng, khả năng sinh lời và chất lượng thẩm định khoản vay kém là những nguyên nhân chính gây ra nợ xấu. Hiệu quả chi phí thấp là biểu hiện của việc quản lý kém trong thực hiện các biện pháp bảo đảm khoản vay, đánh giá, theo dõi và kiểm soát tình trạng khoản vay kém là nguyên nhân khiến nợ xấu gia tăng. Đồng thời, hiệu quả chi phí cao phản ánh việc phân bổ nguồn lực để theo dõi rủi ro của khoản vay bị hạn chế, từ đó dẫn tới nợ xấu tăng cao. Rủi ro đạo đức cũng được đánh giá là nguyên nhân khiến nợ xấu ra tăng. Ngân hàng duy trì mức vốn tự có thấp, có xu hướng chấp nhận rủi ro quá mức đối với danh mục cho vay là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tình trạng nợ xấu tăng cao trong tương lai. Nhưng thực tế chỉ ra rằng hầu hết ngân hàng đều có xu hướng chấp nhận rủi ro quá mức khi thực hiện cho vay quá nhiều hoặc quá tập trung vào một số lĩnh vực, đặc biệt là những lĩnh vực phi sản xuất khiến nợ xấu gia tăng.

 Ngoài ra, một số nguyên nhân dẫn tới nợ xấu có thể kể tới như tình trạng tăng trưởng tín dụng quá mức và tập trung vào một số ngành, đặc biệt là những ngành phi sản xuất, sự phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn từ bên ngoài quốc gia, hiệu quả của hoạt động giám sát hệ thống và các yếu tố khác như yếu tố chính trị, ảnh hưởng từ những cú sốc bên ngoài có thể là nguyên nhân dẫn tới nợ xấu.

Khi nợ xấu tăng cao quá mức sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới điều kiện kinh tế vĩ mô và bản thân các ngân hàng. Ảnh hưởng của điều kiện kinh tế vĩ mô tới nợ xấu chủ yếu được giải thích thông qua việc suy giảm khả năng trả nợ của người vay, trong khi tác động ngược lại của nợ xấu tới nền kinh tế đó là sự suy giảm trong kênh cung cấp tín dụng. Điều này hàm ý rằng việc tăng trưởng kinh tế bền vững, lành mạnh sẽ không đạt được nếu thiếu một hệ thống ngân hàng an toàn, hiệu quả. Thực tế này được kiểm chứng trong cả giai đoạn trước và sau khủng hoảng. Chính vì vậy, nợ xấu tăng nhanh không chỉ giảm khả năng chống đỡ với các cú sốc mà còn làm hạn chế khả năng cho vay gây ảnh hưởng sâu rộng tới các hoạt động kinh tế.

Các khoản nợ xấu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả hoạt động của các ngân hàng. Nợ xấu có thể gây nên tình trạng ứ đọng vốn, thậm chí có thể mất vốn tại các ngân hàng. Đặc biệt với những khoản nợ nhóm 5 có thể đặt ngân hàng vào tình trạng mất vốn bất cứ lúc nào, làm giảm lợi nhuận, giảm vốn kinh doanh. Nếu tổn thất quá lớn, vượt quá khỏi khả năng kiểm soát và bù đắp của ngân hàng thì ngân hàng có khả năng rơi vào nguy cơ phá sản, đổ vỡ. Nợ xấu hạn chế khả năng mở rộng và tăng trưởng tín dụng, hạn chế khả năng kinh doanh của các tổ chức tín dụng. Nợ xấu có tác động trực tiếp đến khả năng tài chính khi phân tích đánh giá tình hình tài chính hoạt động ngân hàng, là yếu tố bất lợi trong cạnh tranh. Thông thường, tỷ trọng các khoản nợ xấu trong tổng dư nợ có thể xem là thước đo cho chất lượng tín dụng của một ngân hàng.

2. Đề xuất một số giải pháp xử lý tình trạng nợ xấu hiện nay:

Khi tỷ lệ nợ xấu cao, các ngân hàng sẽ gặp khó khăn trong vấn đề thanh khoản. Để giúp các ngân hàng duy trì hoạt động và tránh xảy ra hiện tượng rút tiền hàng loạt trên toàn hệ thống, Chính phủ thông qua Ngân hàng Nhà nước thực hiện hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thông qua các công cụ khác nhau với vai trò người cho vay cuối cùng.Tái cấp vốn và cơ cấu nợ, Chính phủ có thể thực hiện chính sách hỗ trợ người vay vay vốn từ Ngân hàng Nhà nước với lãi suất và kì hạn ưu đãi để thanh toán lãi cho các khoản vay tại ngân hàng. Đồng thời, Chính phủ có thể hỗ trợ các ngân hàng phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn theo nguyên tắc Chính phủ chỉ mua tối đa 49% tổng số cổ phiếu được phát hành.Chính phủ hỗ trợ sáp nhập các ngân hàng, bao gồm sáp nhập ngân hàng trong nước với nhau, sáp nhập ngân hàng trong nước với ngân hàng nước ngoài, thay đổi cơ cấu sở hữu, tư nhân hóa, quốc hữu hóa hoặc đóng cửa ngân hàng.

Trường hợp các ngân hàng có mức nợ xấu quá cao, dẫn tới tình trạng yếu kém, không thể tồn tại được, các quốc gia thường đánh giá, phân loại và có phương án đóng cửa để xử lý dứt điểm để bảo vệ lợi ích của người gửi tiền, tiết kiệm chi phí, hạn chế tối đa tổn thất xã hội.Chính phủ xác định mức độ ảnh hưởng của các ngân hàng có mức nợ xấu, tình trạng yếu kém quá mức tới hệ thống ngân hàng và dựa trên nguyên tắc chi phí tối thiểu để quyết định hỗ trợ phục hồihoặcđóng cửa và chi trả, ngoài ra có thể chỉ định một tổ chức thực hiện tiếp nhận xử lý các ngân hàng yếu kém. Thông thường, đóng cửa, chi trả chủ yếu áp dụng đối với các ngân hàng có quy mô nhỏ. Tiếp nhận xử lý được áp dụng đối với ngân hàng có quy mô lớn hơn. Tổ chức được chỉ định sẽ đánh giá tài sản của ngân hàng phải đóng cửa, phân loại tài sản thành hai nhóm: tài sản xấu và tài sản tốt. Toàn bộ số tài sản xấu sẽ được chuyển sang công ty quản lý tài sản để tiến hành xử lý vì thời gian xử lý tài sản xấu thường diễn ra khá lâu. Số tài sản tốt sẽ được chuyển sang ngân hàng bắc cầu để tiếp nhận và bán lại cho những nhà đầu tư tiềm năng.

Ngoài ra, nhà nước nên tạo điều kiện thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp vào khu vực ngân hàng thông qua việc cho phép tổ chức tín dụng nước ngoài mua lại, sáp nhập tổ chức tín dụng yếu kém và tăng giới hạn sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng nước ngoài tại các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém được cơ cấu lại.

  Lựa chọn phổ biến ở nhiều quốc gia khi xử lý nợ xấu trong quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là sử dụng công ty quản lý tài sản khi nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã tích tụ đến mức có thể gây nguy hiểm cho hệ thống tài chính và nền kinh tế, trong đó xác định rõ mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể khi thành lập và điều hành công ty quản lý tài sản; cơ chế hợp tác giữa công ty quản lý tài sản và các cơ quan quản lý, giám sát ngân hàng; môi trường pháp lý đủ mạnh và luật pháp phù hợp với yêu cầu về tổ chức và hoạt động; và nguồn vốn hoạt động của công ty này.Cơ chế giải quyết nợ xấu của các công ty quản lý tài sản: Công ty tiến hành mua lại nợ xấu của các ngân hàng theo các phương pháp định giá hiện có, chủ yếu dựa trên giá trị thị trường của tài sản thế chấp và thường tương đương với mức chiết khấu dưới 50% giá trị khoản nợ. Khi đó, toàn bộ số nợ xấu của khách hàng tại các ngân hàng sẽ chuyển sang công ty quản lý tài sản bao gồm cả tài sản thế chấp. Các công ty quản lý tài sản có thể lựa chọn các biện pháp như chuyển nợ thành vốn góp, đấu giá công khai đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước, chứng khoán hóa các khoản nợ hoặc xử lý tài sản thế chấp, trong đó chứng khoán hóa các khoản nợ được đánh giá là biện pháp xử lý hiệu quả của công ty quản lý tài sản.

Hỗ trợ và khôi phục thanh khoản cho toàn hệ thống ngân hàng thương mại. Bước này đã thực hiện thành công trong các năm 2011-2012, không gây ra các biến cố đe dọa sự ổn định của hệ thống. Sáp nhập hoặc loại bỏ các ngân hàng và tổ chức tín dụng yếu kém trong hệ thống ngân hang. Quá trình này được thực hiện trong các năm 2013-2014 và vẫn đang tiếp diễn. Như kinh nghiệm của tất cả các nước cần tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, quá trình thu hẹp số lượng các tổ chức tài chính và ngân hàng đều diễn ra trong giai đoạn này. Xử lý nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng, nhằm lành mạnh hóa hệ thống tài chính nói chung và tạo điều kiện phục hồi kinh tế, yêu cầu các ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro để bù đắp các khoản nợ xấu nhất, thành lập VAMC để tập trung xử lý các khoản nợ xấu trong hệ thống.

 

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành