Thứ hai, 23 Tháng 8 2021 09:08

GIỚI THIỆU VỀ CHIẾN LƯỢC TRONG THỎA THUẬN HẠN CHẾ CẠNH TRANH

Nhìn từ góc độ lập pháp, so với các đạo luật khác, Luật Cạnh tranh của Việt Nam ra đời khá muộn. Mặc dù ngay từ khi mới ban hành, Luật này đã xác định kiểm soát thỏa thuận hạn chế cạnh tranh nói chung và thỏa thuận sử dụng giá để hạn chế cạnh tranh nói riêng có một vai trò quan trọng, nhưng quá trình thực hiện quy định trên thực tế chưa phát huy hết hiệu quả như mong muốn. Một số quy định của pháp luật về kiểm soát các thỏa thuận sử dụng giá để hạn chế cạnh tranh còn bất cập; mối quan hệ giữa các cơ quan thực thi pháp luật là Cục Quản lý Cạnh tranh (hiện nay được tách thành Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng và Cục Phòng vệ thương mại trực thuộc Bộ Công Thương) và Hội đồng Cạnh tranh cũng như cơ chế bảo đảm sự độc lập của Hội đồng Cạnh tranh và Hội đồng xử lý vụ việc chưa được phân định rõ ràng. Trong khi đó, quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới kéo theo làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam dẫn đến cạnh tranh tại Việt Nam càng trở nên gay gắt. Khuynh hướng thỏa thuận sử dụng giá để hạn chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cũng theo đó xuất hiện ngày càng nhiều. Hàng loạt thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong lĩnh vực giá đã được đề cập trong thời gian qua như thỏa thuận về lãi suất trong lĩnh vực ngân hàng, thỏa thuận cước vận tải, thỏa thuận trong lĩnh vực viễn thông... đang là mối quan tâm của các quản lý. Để giúp các nhà làm luật có thông tin phân tích chính sách đối với các chế định liên quan đến thỏa thuận hạn chế cạnh tranh xin giới thiệu khái quát về kỹ năng phân tích, đánh giá chiến lược thỏa thuận hạn chế cạnh tranh thông qua các công cụ hạn chế cạnh tranh trong thị trường:

Đầu tiên phải nghiên cứu về "sức mạnh thị trường". Sức mạnh thị trường được hiểu là khả năng của doanh nghiệp hoặc một nhóm doanh nghiệp phối hợp hành động có thể gia tăng giá bán lên trên mức giá cạnh tranh mà không bị giảm doanh số quá nhiều đến mức phải hủy bỏ việc tăng giá bán[1]. Đây cũng là một trong những khái niệm cơ bản và quan trọng nhất của pháp luật cạnh tranh. Hiểu một cách đơn giản, doanh nghiệp có sức mạnh thị trường sẽ có quyền tác động đến giá cả theo khuynh hướng tăng hoặc giảm giá tùy vào chiến lược cạnh tranh của doanh nghiệp trong từng giai đoạn nhất định, thông qua việc thay đổi mức sản lượng cung ứng trên thị trường liên quan.

Các doanh nghiệp đơn lẻ vẫn có thể có được sức mạnh thị trường thông qua các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh[2]. Khi tiến hành các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, doanh nghiệp có nhiều công cụ để lựa chọn như: Ấn định giá hàng hóa, dịch vụ; phân chia thị trường hoặc nguồn cung hàng hóa; thỏa thuận tẩy chay các doanh nghiệp khác... Ví dụ, vụ việc AT 40028 – alternators and starters ngày 27/01/2016 của Ủy ban châu Âu (EC)[3], trong thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, các bên đã sử dụng hàng loạt các công cụ chiến lược bao gồm: Thỏa thuận về giá, thỏa thuận phân chia khách hàng. Vụ việc xuất phát từ một thỏa thuận hạn chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp của Nhật Bản, liên quan đến máy phát điện và bộ phận khởi động cho xe chở khách trong Khu vực kinh tế châu Âu (EEA). Các bên thỏa thuận thống nhất hành động liên quan đến giá cả, phân chia khách hàng hoặc dự án và trao đổi các thông tin về thương mại như yếu tố giá cả, chiến lược thị trường. Các bên cam kết sẽ tôn trọng quyền cung cấp dịch vụ của nhau (nguyên tắc đương nhiệm) đối với một số nhà sản xuất xe hơi được gọi là các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM). Mục tiêu chung của thỏa thuận này là để tránh sự giảm giã hay ít nhất là nhằm duy trì thị phần của các bên trong EEA.

Nhìn chung, công cụ được các doanh nghiệp sử dụng trong thỏa thuận hạn chế cạnh tranh có thể chia thành nhóm công cụ giá và các công cụ phi giá:

- Giá luôn là một trong những yếu tố tác động mạnh mẽ đến hành vi của người tiêu dùng. Vì vậy, giá trở thành công cụ cạnh tranh hữu hiệu của các doanh nghiệp trên thị trường. Mục đích dài hạn của doanh nghiệp luôn là tối đa hóa lợi nhuận. Tùy vào những điều kiện nhất định của thị trường, trong ngắn hạn, doanh nghiệp có thể chấp nhận thua lỗ hoặc giảm lợi nhuận để đạt được mục tiêu củng cố vị trí trên thị trường liên quan. Mục tiêu lợi nhuận sẽ được doanh nghiệp thực hiện sau khi chiến lược củng cố vị trí hoàn tất. Khi sử dụng giá làm công cụ để đạt mục tiêu gia tăng lợi nhuận, doanh nghiệp có thể cùng nhau ấn định một mức giá cụ thể hoặc thay đổi theo một khung giá nào đó. Trong trường hợp doanh nghiệp muốn đạt mục đích gia tăng thị phần, nếu các điều kiện thị trường cho phép, thì xét về mặt lý thuyết, doanh nghiệp cũng có thể thực hiện chiến lược bán hàng giá thấp để mở rộng thị phần.

- Đối với các công cụ phi giá cả, phổ biến nhất phải là các hoạt động mang tính tẩy chay. Tẩy chay là phương thức được các doanh nghiệp sử dụng phổ biến trong các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh nhằm mục đích ngăn cản việc gia nhập thị trường của doanh nghiệp mới hoặc sự mở rộng quy mô của các đối thủ. Associated Press v. United States[4] là một vụ việc điển hình về hành vi tẩy chạy. Associated Press (AP) là một hiệp hội được thành lập bởi 1.200 tờ báo. Theo đó, các thành viên thỏa thuận thống nhất là sẽ chỉ chia sẻ thông tin trong nội bộ AP, không chia sẻ, trao đổi các thông tin đối với các tờ báo không phải là thành viên của AP.

Trong thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, các doanh nghiệp có thể thỏa thuận việc phân chia thị trường hoặc phân chia khách hàng. Thông qua thỏa thuận dạng này, các bên có thể loại bỏ sức ép cạnh tranh trên những khu vực thị trường đã được phân chia. Tuy vậy, cũng cần phải thấy rằng việc phân chia các công cụ chiến lược được sử dụng bởi các doanh nghiệp trong nhóm thỏa thuận hạn chế cạnh tranh thành công cụ giá và các công cụ phi giá chỉ mang tính chất tương đối. Bởi vì, để đạt mục tiêu gia tăng lợi nhuận, đôi khi trên thực tế, các doanh nghiệp phải phối hợp thực hiện nhiều hành vi khác nhau. Doanh nghiệp có thể giảm sản lượng để tạo sự khan hiếm giả trên thị trường sau đó tăng giá ở một mức nhất định. Hoặc trong trường hợp muốn củng cố vị trí trên thị trường liên quan, doanh nghiệp có thể thống nhất sử dụng việc tẩy chay không giao dịch với doanh nghiệp đối thủ, nhưng cũng có thể kết hợp với các chiến lược khác.

Như vậy, chiến lược trong thỏa thuận hạn chế cạnh tranh luôn phụ thuộc vào yếu tố giá và phi giá như phân tích ở trên, các đại biểu có thể coi như đây là những thông tin cơ bản phục vụ hoạt động giám sát cũng như việc nghiên cứu hoàn thiện các chế định thỏa thuận cạnh tranh trong Luật Cạnh tranh hiện hành hiện hành.

Tài liệu tham khảo

1. Richard A. Posner, William M. Landes: Market Power in Antitrust Cases, 94 Harvard Law Review 937, 1980, https://chicagounbound.uchicago. edu/cgi/viewcontent.cgi?article=2551&context-journal articles

2. Herbert Hovenkamp: Antitrust, 2nd edition, West Publishing Co.,1993

3. http://eccuropa.eu/competition/ elojade/isef/case_detailscfm?proc_code=1_40028, truy cập ngày 28/4/2017.

4. https:/ supreme.justia.com/cases/federal/us/326/1/

 


[1] Richard A. Posner, William M. Landes: Market Power in Antitrust Cases, 94 Harvard Law Review 937, 1980, https://chicagounbound.uchicago. edu/cgi/viewcontent.cgi?article=2551&context-journal articles

[2] Herbert Hovenkamp: Antitrust, 2nd edition, West Publishing Co.,1993, p.71.

[3] Thông tin vụ việc được lấy từ nguồn: http://eccuropa.eu/competition/ elojade/isef/case_detailscfm?proc_code=1_40028, truy cập ngày 28/4/2017.

[4] Associated Press v, United States, 326 US. 1 (1945), nguồn tại: https:/ supreme.justia.com/cases/federal/us/326/1/

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành