Ngư dân là những người lao động đặc thù, chỉ sống được với nghề biển. Nhiều người trong số họ có trình độ học vấn và trình độ tay nghề thấp, chưa qua đào tạo, chủ yếu học nghề theo kiểu kèm cặp, hướng dẫn trong quá trình đi biển. Cả nước chưa có cơ sở đào tạo nghề khai thác cho ngư dân, đặc biệt là khai thác hải sản xa bờ, nên ngư dân truyền nghề cho nhau theo kiểu “cha truyền con nối” và tự học hỏi từ thực tiến sản xuất. Hầu hết lao động tham gia khai thác hai san chưa học hết phổ thông, gần 60% có trình độ văn hóa cấp 1 25% cấp 2, chỉ 12,5% cấp 3 và khoảng 2,5% có bằng ở các trường dạy nghề[1]. Trình độ văn hóa thấp dẫn đến sự hạn chế trong việc tiếp thu kiến thức về quản lý, kỹ thuật đánh bắt và các khả năng chuyển đổi nghề. Tuy nhiên, họ ở độ tuổi còn khả trẻ (khoảng 70% ngư dân ở độ tuổi từ 18-40) nên có đủ kinh nghiệm, thời gian trong tương lai và tinh thần sẵn sàng tiếp thu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất.
Về trình độ chuyên môn nghề nghiệp: Lao động khai thác hải sản chủ yếu làm theo kinh nghiệm, không qua trường lớp đào tạo chính quy chiếm 81,25%; 12,5% được đào tạo thông qua các lớp tập huấn ngắn hạn và chỉ hơn 6% được đào tạo bài bản. Lao động đi trên tàu chủ yếu là người tại địa phương, chiếm 69,3% số lao động; lao động từ các địa phương trong tỉnh chiếm 6,7%; lao động từ các tỉnh khác chiếm 2,1%; lao động cả trong và ngoài tỉnh chiếm 21,9%[2].
Về trình độ của thuyền trưởng: Phần lớn thuyền trưởng chỉ qua các lớp đào tạo ngắn hạn, số thuyền trưởng có kinh nghiệm không nhiều, chưa đáp ứng được yêu cầu vận hành điều khiển các con tàu khai thác hải sản có công suất lớn, đánh bắt dài ngày trên biển với những thiết bị hiện đại, do đó ảnh hưởng tới hiệu quả của khai thác và việc tiếp thu công nghệ đánh cá từ nước ngoài, khó khăn trong cải tiến công cụ đánh bắt và quá trình hiện đại hóa nghề cá theo hướng có trách nhiệm. Hiểu biết của thuyền trưởng và ngư dân về pháp luật trên biển, các ranh giới vùng biển khai thác còn hạn chế, dẫn đến các vi phạm về quy định đánh bắt và luật pháp trong nước và quốc tế trên biển.
Về trình độ thuyền viên (thợ bạn): Hiện nay nguồn lao động thợ bạn đang thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Trình độ văn hóa, năng lực kỹ thuật của các thợ bạn thuyền viên trên các phương tiện đánh bắt còn thấp nên chưa có ý thức và trách nhiệm cao đối với việc bảo vệ và tái tạo nguồn lợi hải sản. Hầu hết các địa phương ven biển trọng điểm về nghề cá được khảo sát đều gặp khó khăn trong việc tuyển chọn lao động đánh cá xa bờ thành thạo nghề nghiệp. Bởi vậy, việc sử dụng lao động chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật lành nghề càng trở nên phổ biến. Điều này tác động tiêu cực đến hiệu quả đánh bắt trên biển, cũng như kế hoạch sản lượng hải sản đánh bắt hàng năm. Với định hướng phát triển tàu cá xa bờ ngày càng nhiều, nhu cầu lao động cao thì việc tìm kiếm lao động lành nghề đi khai thác sẽ ngày càng khó khăn hơn. Chính vì vậy để ngư dân gắn bó, đam mê với nghề đi biển, nhất là nghề khai thác xa bờ, trong quá trình xây dựng chính sách phát triển nghề cá, ngoài những chính sách hỗ trợ về vốn đóng mới tàu cá cho các chủ tàu thì cần quan tâm đến chính sách, cơ chế dành cho lao động nghề cá, những người trực tiếp điều khiển con tàu, khai thác trên biển và tạo ra sản phẩm trong mỗi chuyến ra khơi để họ an tâm với nghề như cơ chế, chính sách về chăm lo, bảo vệ sức khỏe; cải thiện điều kiện lao bao vệ động cho ngư dân. guda iv
Mức thu nhập bình quân của lao động trực tiếp trên các tàu khai thác hải sản xa bờ (thợ bạn) dao động từ 50-90 triệu đồng/lao động/năm tùy vào nhóm nghề khai thác. Tuy nhiên, những năm gần đây, thu nhập của ngư dân (kể cả chủ tàu và thợ bạn) đang có chiều hướng giảm. Nguyên nhân là do nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm, cường lực khai thác tăng (số lượng tàu cá tăng nhanh), tranh chấp ngư trường và an ninh trên biển đã và đang diễn biến phức tạp nên hiệu suất khai thác bình quân trên cả nước thể hiện xu hướng giảm liên tục trong gần 30 năm qua, từ 1 tấn/CV/năm trong năm 1991 xuống 0,37 tấn/CV/năm trong năm 2010[3] và xuống còn 0,3 tấn/CV/năm trong năm 2019. Sản lượng đánh bắt trên mỗi chuyến biển ít đi nhưng chi phí sản xuất (chi phí xăng dầu, đá lạnh, chi phí lao động...) ngày càng tăng. Mặt khác, tình trạng chủ tàu thiếu thợ bạn, tàu cá phải thường xuyên neo bờ hoặc ra khơi mà không đủ thợ bạn, làm giảm hiệu quả đánh bắt rõ rệt, ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống ngư dân.
Đối với chủ tàu cá khai thác xa bờ, thu nhập thường dao động trong khoảng 80-110 triệu đồng/năm (năm 2018 và 2019), trung bình giảm khoảng 20-50% so với năm 2010. Một số hộ (12,5% số hộ khảo sát của Đề tài KC.09.24/16-20) còn đang mắc nợ ngân hàng khi đầu tư vào đóng tàu mới hoặc nâng cấp tàu cá, ngư lưới cụ. Một số tàu cá đóng theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP cũng chưa hoạt động hiệu quả, đặc biệt là các tàu vỏ thép.
Theo thống kê của các địa phương, số lượng tàu cá được đóng mới theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP là 1.030 chiếc với công suất từ 800 CV trở lên, bằng ba loại vật liệu chính là vỏ gỗ, vỏ thép và vỏ composite. Số lượng tàu vỏ thép là 358 chiếc, chiếm 34,8% tổng số lượng tàu đóng mới và hiện hoạt động chưa hiệu quả. Một số tàu bị hư hỏng và đòi hỏi chi phí sửa chữa, duy tu bảo dưỡng lớn (21 tàu). Số lượng tàu phải nằm bờ, không thể ra khơi do ngư dân thiểu vốn sản xuất, hoặc ra khơi nhưng khai thác không đủ sản lượng do nguồn lợi cạn kiệt, ngư trường quá tải hoặc tàu bị hư hỏng không có tiền sửa chữa, bảo dưỡng là 55 chiếc. Dẫn đến thiệt hại lớn cho ngư dân và ngân hàng khi nợ xấu tăng đến 33% trong tổng số 10.500 tỷ đồng dự nợ tín dụng đóng tàu theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP trên phạm vi cả nước[4].
Thu nhập của lao động (thợ bạn) theo các nghề khai thác xa bờ cũng thể hiện xu hướng giảm nhưng ít hơn so với ngư dân chủ tàu. Kết quả khảo sát cho thấy, ngư dân thợ bạn làm nghề lưới vây có thu nhập trung bình 59,3 triệu đồng/người/năm; lưới kéo 65,5 triệu đồng/người/năm lưới rê 64,6 triệu đồng/người/năm; nghề câu 62,2 triệu đồng/người/năm, nghề khác (chụp mực và lồng bẫy) 546 triệu đồng/người/năm[5]. Tiền công của lao động đi biển thường phụ thuộc vào từng chuyến biển, trong khi đó, các chủ tàu lại không thể đảm bảo mỗi chuyến biến đều có thu nhập ổn định cho các lao động. Phần lớn các chủ tàu không có hợp đồng lao động ký kết với ngư dân khai thác, chỉ thỏa thuận miệng, nên tình trạng quản lý, sử dụng lao động không ổn định. Khi thu nhập của các chuyến biển giảm sút thì bạn thuyền chuyển đi nơi khác hoặc chuyển công việc dẫn đến việc khan hiếm/thiếu hụt lao động đánh cá, tàu cá neo bờ... ảnh hưởng đến quá trình khai thác hải sản.
Mặc dù thu nhập từ nghề khai thác giảm nhưng khai thác thủy sản vẫn là sinh kế chính của các ngư dân xa bờ hiện nay khi nguồn thu nhập từ hoạt động khai thác hải sản vẫn chiếm từ 80-90% tổng thu nhập của hộ gia đình. Ngoài ra, các thành viên khác trong gia đình cũng thường tham gia vào các ngành nghề khác có liên quan đến nghề cá như mua bán cá, vận chuyển, bốc dỡ, buôn bán nhỏ… để góp phần tăng thu nhập, giúp ổn định đời sống.
Đối với các hộ khai thác ven bờ, thu nhập trung bình cho 1 ngày khai thác khoảng 100.000-150.000 đồng/ngày, tương đương với 27-40 triệu đồng/năm. Mức thu nhập này cũng giảm so với những năm trước đây. Nguyên nhân là do những năm gần đây, nguồn lợi thủy sản ven bờ và trong khu vực cửa sông nước lợ ven biển của các tỉnh ngày càng suy giảm làm giảm sản lượng đánh bắt dẫn đến thu nhập của ngư dân cũng giảm đáng kể.
Thu nhập giảm dần nên vị thế của ngư dân trong cộng trong đồng cũng có sự thay đổi so với trước kia. Các ngư dân chủ tàu từng được coi là những người có “tiếng nói”, có tầm ảnh hưởng và mức sống khá gia trong cộng đồng ven biển t giai đoạn trước (2005–2015) thì nay được đánh giá là có mức sống và thu nhập trung bình. Tuy nhiên, khi được hỏi về khả năng tiếp tục theo đuổi nghề cá biến thì hơn 95% số ngư dân chủ tàu đều cho rằng “nghề đi biển” là nghề nghiệp cả cuộc đời và cũng là “cuộc sống” của họ, nên họ sẽ vẫn tiếp tục theo đuổi, các khó khăn hiện nay chỉ là tạm thời, và trong tương lai thì nghề khai thác hải sản xa bờ vẫn có khả năng đảm bảo cuộc sống cho họ và gia đình với các chính sách quản lý đúng hướng từ phía Nhà nước[6]. Còn về khả năng chuyển nghề, thì các nghề nghiệp có liên quan đến nghề biển như nuôi trồng hải sản (nuôi biển), du lịch sinh thái biển, dịch vụ hậu cần trên biển... là những lựa chọn của ngư dân trong trường hợp họ phải dịch chuyển sinh kế.
Về đời sống xã hội của ngư dân: Ngư dân Việt Nam với đặc thù là sinh sống phần lớn tại các vùng bãi ngang ven biển, có quy mô sản xuất nhỏ lẻ nên thường gặp nhiều khó khăn về tiếp cận các phúc lợi xã hội như: y tế, giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và nguồn lợi, trình độ kỹ thuật và đời sống kinh tế. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan như hệ thống cơ sở hạ tầng về y tế, giáo dục tại các vùng ven biển, hải đảo còn yếu kém và lạc hậu, không đủ số phòng, số giường bệnh/lớp học và các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho người dân; đội ngũ cán bộ y tế giáo viên còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng; Việc trang bị các thiết bị y tế cho biển, đảo gặp nhiều trở ngại do đặc điểm môi trường biển... Việc tiếp cận các phúc lợi xã hội khó khăn còn xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan của ngư dân như: một số ngư dân chưa thực sự chú trọng đến việc chăm sóc sức khỏe cho chính mình, không chú trọng đến vấn đề đào tạo nâng cao trình độ văn hóa, chấp nhận cho con em mình nghỉ học để tham gia lao động nghề cá... Ngoài ra, cộng đồng ngư dân cũng dễ bị tổn thương và chịu rủi ro cao trước tác động thường xuyên của thiên tai, biến đổi khí hậu và các tranh chấp về chủ quyền biển đảo, đặc biệt là ngư dân khai thác xa bờ.
[1]Xem Kết quả điều tra thực địa năm 2019 của Đề tài KC.09.24/16-20
[2]Xem Kết quả điều tra Đề tài KC.09.24/16-20
[3]Xem Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản: “Báo cáo tổng hợp Dự án điều tra cơ bản điều tra năng lực khai thác hải sản xa bờ”, VIFEP, Hà Nội, 2013
[4]Theo Thông tin trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, tháng 10/2019
[5]Kết quả điều tra thực địa năm 2019 của Đề tài khoa học công nghệ cấp nhà nước “Nghiên cứu xây dựng chính sách về ngư dân, ngư nghiệp và ngư trường để phát triển nghề cá bền vững và có trách nhiệm ở Việt Nam”, mã số KC.09.24/16-20, thuộc “Chương trình Nghiên cứu khoa học công nghệ phục vụ quản lý biển, hải đảo và phát triển kinh tế biển" (gọi tắt là Đề tài KC.09.24/16-20).
[6]Kết quả điều tra thực địa năm 2019 của Đề tài khoa học công nghệ cấp nhà nước “Nghiên cứu xây dựng chính sách về ngư dân, ngư nghiệp và ngư trường để phát triển nghề cá bền vững và có trách nhiệm ở Việt Nam”, mã số KC.09.24/16-20, thuộc “Chương trình Nghiên cứu khoa học công nghệ phục vụ quản lý biển, hải đảo và phát triển kinh tế biển" (gọi tắt là Đề tài KC.09.24/16-20).