In trang này
Thứ hai, 23 Tháng 8 2021 15:39

Phân tích kết quả mô hình kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay

Mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường gắn liền với sự phát triển của nhà nước và sự ra đời, phát triển của thị trường. Lịch sử phát triển nền kinh tế thị trường là lịch sử của quá trình giải quyết mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường.

Việt Nam chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, từ chỗ kỳ thị, không thừa nhận đến thừa nhận vai trò của thị trường. Mô hình nền kinh tế Việt Nam hiện đang vận hành là sự kết hợp cơ chế thị trường và sự can thiệp có mức độ của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chu nghĩa ở nước ta là nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, tư duy về mối quan hệ của Nhà nước và thị trường trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam ngày càng được khẳng định khi đã dần xác định rõ hơn mô hình tổng quát của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là căn cứ định hướng để xác định và giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường. Đồng thời, đã xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống luật pháp về quản lý nhà nước đối với nền kinh tế - xã hội; thể chế hóa vai trò, vị trí và quan hệ giữa Nhà nước và thị trường; Nhà nước đã tác động mạnh mẽ làm chuyển biến về chất đổi với nền kinh tế, trong đó các yếu tố thị trường, các loại thị trường ngày càng được hình thành, phát triển và tạo được nhiều nhân tố mới cho nền kinh tế.

Quản lý nhà nước về kinh tế ở Việt Nam đang dần hình thành một mô hình kinh tế hỗn hợp mới đối với một nước có nền kinh tế thị trường phát triển ở trình độ thấp; Vai trò của Nhà nước đang chuyển dẫn từ Nhà nước sở hữu và kiểm soát sang Nhà nước kiến tạo, điều tiết và phục vụ; hiệu lực quản lý nhà nước có cải thiện. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, như hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, chưa tuân theo các quy luật của kinh tế thị trường; vai trò của Nhà nước đôi khi lấn át thị trường thị trường còn mạnh mún sơ khai, chậm đồng bộ so với yêu cầu.

Từ những kết quả đã đạt được như phân tích ở trên, có thể khẳng định việc định hình mô hình kinh tế thị trường thực chất là xác định mô hình vận hành của nền kinh tế. Việc xác định mô hình vận hành sẽ là xuất phát điểm đầu tiên cho việc giải quyết mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường. Với các dạng mô hình đã có trong lịch sử phát triển kinh tế cho dù đó là mô hình kinh tế tập trung hay kinh tế thị trường thì cũng sẽ chi phối quan hệ giữa nhà nước và thị trường. Trong nền kinh tế tập trung, nhà nước điều hành nền kinh tế thông qua các kế hoạch, thị trường đúng nghĩa không tồn tại. Cung - cầu về hàng hóa, tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng được xác lập trên cơ sở kế hoạch.

Trong mô hình kinh tế thị trường cho dù là theo thị trưởng tự do hay thị trường có điều tiết, nhà nước và thị trường là hai thực thể luôn song hành, chỉ khác là thị trường nhiều hay nhà nước nhiều trong từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế.

Việc giải quyết mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường trước hết phải định hình được mô hình kinh tế thị trường, về thực chất là xác định chủ thuyết tăng trưởng. Cho dù hiện nay, các nền kinh tế trên thế giới đều theo chủ thuyết về nên kinh tế thị trường hỗn hợp, ở đó cả bàn tay nhà nước và bàn tay thị trường cùng phát huy tác dụng, tất nhiên liều lượng có khác nhau trong mỗi giai đoạn phát triển và khác nhau giữa các nền kinh tế do trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và truyền thống văn hóa - lịch sử.

Định hình mô hình kinh tế thị trường là một quá trình và tùy thuộc rất lớn vào tầng lớp tinh hoa nắm quyền. Ở các nền kinh tế thị trường thế giới lựa chọn mô hình kinh tế thị trường tự do hay mô hình kinh tế thị trường xã hội do lực lượng cầm quyền quyết định và ngay bản thân các xu hướng khác nhau trong các đảng cầm quyền cũng ảnh hưởng đến cách giải quyết mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường. Trong các thể chế đa đảng truyền thống, khi năm địa vị cảm quyền thường các đảng cánh tả để cao vai trò của nhà nước để giải quyết các vấn đề xã hội, trước hết là gia tăng phúc lợi công cộng. Còn khi các đảng cánh hữu lên cầm quyền thường có xu hướng để cao vai trò của thị trường, thúc đẩy tự do hóa, kể cả tư nhân hơn các doanh nghiệp nhà nước, các dịch vụ công. Tất nhiên, trong quá trình cọ xát giữa các đảng phái trên chính trường, đặc biệt là sách lược tập hợp lực lượng, thì các chính thể khi tuyên bố sử dụng nhà nước hay thị trường đều rất linh hoạt, không còn tình trạng "nhất biên đảo"[1] như trong cách làm chính trị truyền thống. Dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa công quản mới, những người cánh tả nhiều khi cũng chấp nhận các phương án tự do hóa nền kinh tế, từ nhân hóa khu vực dịch vụ công, nhằm tìm giải pháp nâng động hóa nền kinh tế, giải quyết việc làm, thỏa mãn phần nào lợi ích của giới chủ. Ngược lại, những người cánh hữu nhiều khi vẫn nhấn mạnh đến vai trò của nhà nước, nhất là từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính thế giới năm 2008, nhiều quốc gia được xem là lô cốt của chủ nghĩa tự do, nhưng lại tăng cường vai trò của nhà nước để hỗ trợ tín dụng, giải cứu khu vực tư nhân khỏi các đổ vỡ do thất bại của thị trường. Cơ sở xã hội cho sự điều chỉnh này còn do tầng lớp trung lưu chiếm số đông trong xã hội phát triển trở thành lực lượng quyết định lá phiếu tại các cuộc bầu cử, họ không phải chủ tư bản mà cũng chẳng còn là vô sản, họ có hành vi tiêu dùng, xu hướng chính trị, lối sống văn hóa khác với các tầng lớp thượng lưu và cả người nghèo. Dù có những điều chỉnh linh hoạt nhất định nhưng nhìn chung những người cánh tả vẫn nhấn mạnh hơn đến vai trò của nhà nước trên cả khía cạnh quy mô sở hữu trong nền kinh tế và can thiệp vào thị trường, bởi đó là công cụ hữu hiệu nhất của đảng chính trị nhằm thực hiện cương lĩnh của mình, giảm bớt ngoại ứng tiêu cực của thị trường tự do đối với người lao động, đặc biệt là người nghèo. Còn những người cánh hữu vẫn có thiên hướng thúc đẩy tự do hóa, thị trường hóa, cổ vũ cho vai trò của khu vực tư nhân, bởi nhờ nó mà đem lại lợi ích cho giai cấp hữu sản – cơ sở xã hội của các đảng cánh hữu ấy.

Việt Nam lựa chọn mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa xuất phát từ thực tế là mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung, sau nhiều thập kỷ tồn tại, đã tỏ ra không còn sức sống và khả năng tự phát triển. Trong khi đó, kinh tế thị trường với tư cách là một cách thức tổ chức sản xuất đã được chứng minh là có thể được sử dụng nhằm phục vụ cho sự phát triển và thịnh vượng chung của các quốc gia - dân tộc, chứ không chỉ là tài sản riêng của chủ nghĩa tư bản.

Tuy nhiên, thực tế phát triển của các nền kinh tế thị trường ngày càng cho thấy rõ chính trong quá trình phát triển của mình, kinh tế thị trường luôn luôn tiềm ẩn những nguy cơ thất bại, nếu không có sự quản lý của nhà nước, sẽ làm tăng tính bất ổn của xã hội và khoét sâu hố ngăn cách giàu - nghèo. Vì vậy, vai trò của nhà nước như một chủ thể xã hội sáng tạo và có năng lực để quản lý các quá trình kinh tế vĩ mô, nhằm hạn chế những khuyết tật của thị trường, đáp ứng yêu cầu phát triển, cần phải được sử dụng có hiệu quả. Cho nên, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam được xây dựng và thực thi nhằm mục đích làm cho thị trường và nhà nước trở thành hai yếu tố bổ sung cho nhau, chứ không phải thay thế, loại trừ nhau.

 


[1] "Nhất biên đảo" là cụm từ được dùng trong chiến lược ngoại giao giữa các nước khi nói về chiến lược ngoại giao nghiêng hẳn về một bên (quan điểm).