Thứ ba, 26 Tháng 8 2014 00:00

Kiến nghị những giải pháp xử lý nợ xấu

Trong chương trình tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu, về cơ bản Nhà nước không cấp tiền để xử lý những tổn thất, rủi ro của hệ thống ngân hàng, song các cơ chế, chính sách khuyến khích, huy động các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu còn thiếu, chưa đủ hấp dẫn và tạo thuận lợi cho sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân. Khuôn khổ pháp lý về dân sự, kinh tế, đầu tư, tài chính, ngân hàng còn nhiều bất cập, thiếu sự rõ ràng, minh bạch, đồng bộ, đồng thời cơ chế thực thi pháp luật có nơi, có lúc chưa được bảo đảm nghiêm minh, công bằng, đặc biệt chưa bảo vệ quyền của chủ nợ. Trình tự, thủ tục xử lý tài sản, tố tụng và thi hành án phức tạp, kéo dài gây tốn kém thời gian và chi phí cho tổ chức tín dụng.

Sự phối hợp giữa các ngành để xử lý tổng thể về thị trường trong tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu chưa chặt chẽ và có hiệu quả. Thời gian qua, kết quả đạt được về tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu chủ yếu do những nỗ lực và sự chủ động của ngành Ngân hàng. Chức năng và năng lực tài chính của VAMC bị hạn chế, dẫn đến xử lý nợ xấu có xu hướng chậm lại. Bên cạnh vấn đề vướng mắc như: thị trường mua bán nợ chưa hoàn thiện, vấn đề định giá tài sản khó khăn, hay chưa có công ty định giá mua bán nợ… thì VAMC đang gặp những cản trở lớn khác như: Công ty mua bán nợ mà có số vốn điều lệ quá nhỏ nên chỉ mua được nợ bằng trái phiếu đặc biệt thì rất khó mua được nợ. Trong khi đó đa số các nước trên thế giới đã từng xử lý nợ xấu thành công thì họ phải sử dụng nguồn tiền tươi, dòng tiền từ bên ngoài hỗ trợ; Các khoản nợ xấu hiện nay chủ yếu là tài sản đảm bảo bằng bất động sản. Trong khi đó, thanh khoản trên thị trường bất động sản rất thấp, không luân chuyển được nên ngân hàng, VAMC không có dòng tiền để xử lý nợ. Bên cạnh đó, VAMC cũng khó bán được tài sản đảm bảo bằng bất động vì còn vướng nhiều thủ tục nhiêu khê khác.

Nền kinh tế vẫn chưa thoát khỏi tình trạng trì trệ, nên làm suy giảm năng lực tài chính của các nhà đầu tư trong nước. Thị trường bất động sản trầm lắng kéo dài, chậm phục hồi. Vì vậy, việc huy động vốn, thu hút các nhà đầu tư trong nước tham gia tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của ngân hàng gặp nhiều khó khăn.

Ngay trong năm đầu tiên thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2015 và cũng ngay sau Đại hội XI của Đảng, do nguy cơ tái lạm phát cao và chịu tác động bất lợi của tình hình kinh tế thế giới, nên thay vì theo đuổi mục tiêu tăng trưởng, chính sách kinh tế đã chuyển hướng sang mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Chính phủ đã ban hành ngay Nghị quyết 11/NQ-CP tháng 3. 2011, thực hiện chính sách tài khoá thắt chặt và chính sách tiền tệ chặt chẽ nhưng thực chất vẫn là thắt chặt, nhằm giảm tổng cầu kinh tế. Ở thời điểm này dư luận nói nhiều đến vấn đề hy sinh tăng trưởng để ồn định vĩ mô, mà “bóng ma” lạm phát cao luôn luôn ám ảnh chi phối các chính sách kinh tế-tài chính. Tính từ đầu năm 2008 đến cuối năm 2013, trong suốt 6 năm kinh tế Việt Nam lâm vào tình trạng bất ổn vĩ mô, nên hầu hết các chính sách và giải pháp kinh tế-tài chính đều mang tính chất tình thế, nhằm xử lý nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô, mà tập trung nhất là chống lạm phát. Sự thay đổi chính sách liên tục đã làm cho thị trường mất phương hướng dài hạn. Không phủ nhận sự tác động tiêu cực từ thị trường thế giới, nhưng nguyên nhân sâu xa vẫn là sự bất cập của cơ cấu kinh tế và tác động tính hai mặt của các giải pháp về tài khóa và tiền tệ.  Từ  năm 2012, sức mua chung của nền kinh tế suy giảm tạo nên vòng luẩn quẩn “sức mua giảm- tồn kho tăng- sản xuất giảm- nợ xấu tăng- tín dụng giảm”Tình hình nợ xấu diễn ra trong bối cảnh như vậy, nên từ năm 2013, Chính phủ luôn luôn đặt vấn đề xử lý nợ xấu đồng bộ với những giải pháp hỗ trợ để phục hồi thị trường.

Giải quyết nợ xấu không còn là vấn đề riêng của hệ thống ngân hàng, mà nó đã và đang là vấn đề đặt ra cần sớm được giải quyết của bài toán kinh tế vĩ mô; nó liên quan đến chính sách về thị trường, đến cả hệ thống pháp luật về kinh tế, dân sự, liên quan đến cả quá trình cải cách hành chính, nên cần đặt vấn đề xử lý nợ xấu ngang  tầm với tính phức tạp và khó khăn của nó. Ngoài ra, xử lý nợ xấu không thể giải quyết trong một sớm một chiều,nhưng nếu càng kéo dài thì khó khăn càng tăng lên và sẽ là trở lực chính đối với quá trình phục hồi tăng trường của nền kinh tế; đe dọa sự tái bất ổn của hệ thống ngân hàng thương mại.

Các tổ chức tín dụng tiếp tục tập trung chủ động triển khai các giải pháp tự xử lý nợ xấu như đánh giá lại chất lượng và khả năng thu hồi của các khoản nợ để có biện pháp xử lý, thu nợ; bán nợ xấu cho các công ty quản lý tài sản, mua bán nợ; kiểm soát chặt chẽ và tiết giảm chi phí hoạt động để tích cực trích lập, sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu; đồng thời, triển khai các giải pháp hạn chế nợ xấu phát sinh trong tương lai, không được thực hiện việc cơ cấu lại nợ và các biện pháp nghiệp vụ khác để che giấu nợ xấu hoặc làm sai lệch chất lượng tín dụng; tích cực, đẩy mạnh thực hiện đánh giá, xác định các khoản nợ xấu đủ điều kiện để bán cho Công ty VAMC theo kế hoạch đã báo cáo Ngân hàng Nhà nước.

Cần phải bổ sung năng lực tài chính cho VAMC. Một tổ chức mua bán nợ không thể chỉ dựa vào cơ chế, mà trước hết phải có năng lực tài chính khả dĩ để mua nợ. Cần phải có một dòng vốn nằm ngoài hệ thống ngân hàng tạm thời bơm vào hệ thống để xử lý nợ.         Công ty VAMC cần triển khai phương thức mua bán nợ xấu theo cơ chế thị trường. Để có nguồn vốn cho việc mua nợ xấu theo giá thị trường, cần bổ sung tài chính cho Công ty VAMC bao gồm tăng vốn điều lệ, sử dụng tiền vay nước ngoài của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu để làm phương tiện mua nợ xấu, trong đó tập trung mua nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước. Nghiên cứu bổ sung nguồn lực tài chính đủ mạnh cho Công ty VAMC để thực hiện bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay vốn ngân hàng và triển khai các hoạt động đầu tư, hỗ trợ tài chính cho khách hàng vay hoàn thiện dự án đầu tư có tính khả thi.

Ngân hàng nhà nước tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan sửa đổi, bổ sung Nghị định số 53/2013/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty VAMC và các văn bản hướng dẫn theo hướng tạo sự chủ động, trao quyền hạn phù hợp cho Công ty VAMC xử lý nợ, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu đã mua; nâng cao minh bạch trong hoạt động mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt và mua nợ xấu theo giá trị thị trường của Công ty VAMC. Tiếp tục tạo môi trường thông thoáng, đặc biệt là cơ sở pháp lý cho việc xử lý, bán nợ, tài sản bảo đảm tiền vay theo hướng trao quyền chủ động nhiều hơn cho Công ty VAMC và các tổ chức tín dụng trong việc thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm tiền vay đi đôi với việc tăng cường tính minh bạch, công khai trong bán, xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm.

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý điều chỉnh quá trình xử lý nợ xấu: Quốc hội cần sớm sửa đổi bổ sung: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhà ở theo hướng phát triển thị trường nhà ở, mở rộng đối tượng sở hữu nhà ở và hình thành thị trường nhà ở tương lai; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dân sự theo hướng bảo vệ quyền của chủ nợ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán, phát mại tài sản bảo đảm; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp theo hướng công khai, minh bạch hoạt động của doanh nghiệp; nghĩa vụ, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với các khoản nợ ngân hàng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản theo hướng cho phép chuyển nhượng dự án bất động sản.

Cần cơ chế phối hợp liên ngành, trung ương - địa phương: Bộ Tài chính sớm hoàn thiện khung pháp lý cho hình thành, phát triển và quản lý thị trường mua bán nợ; hoàn thiện các quy định tài chính về hoạt động sáp nhập, hợp nhất, mua lại, cổ phần hóa, xóa nợ, cơ cấu lại nợ, hoán đổi nợ thành vốn chủ sở hữu đối với doanh nghiệp. Chính phủ cần chỉ đạo, đôn đốc các Tập đoàn, Tổng Công ty và các doanh nghiệp Nhà nước  chủ động thực hiện cơ cấu lại, thoái vốn khỏi các tổ chức tín dụng theo lộ trình đã được phê duyệt; tích cực tham gia vào quá trình xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng mà Tập đoàn, Tổng Công ty, doanh nghiệp nhà nước có cổ phần, vốn góp.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành