Thứ ba, 21 Tháng 9 2021 11:07

Khái quát phát triển hạ tầng cơ sở nghề cá trong ngành thủy sản của nước ta

Hệ thống hạ tầng cơ sở, dịch vụ hậu cần phục vụ nghề cá rất đa dạng từ hệ thống cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão đến các dịch vụ xăng dầu, nước đá, cơ khí đóng sửa tàu thuyền, hệ thống thông tin liên lạc và tiêu thụ sản phẩm (chợ cá, nơi sơ chế, nhà máy chế biến...).

Đối với hệ thống cảng cá: Đến năm 2019[1], cả nước có 83 cảng cá đã được đầu tư nâng cấp và đi vào hoạt động tại 27 tỉnh, thành phố ven biển, trong đó có 25 cảng cá loại I (20 cảng loại I kết hợp với khu neo đậu tránh trú bão); có 58 cảng cá loại II (có 35 cảng cá loại II kết hợp với khu neo đậu tránh trú bão, trong đó có 4 khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng). Hiện đã có 9 cảng cá đáp ứng cho tàu cá công suất lớn nhất là 1.000 CV và 3 cảng đáp ứng cho tàu cá công suất lớn nhất là 2.000 CV cập cảng. Tuy nhiên, một số cảng cá vẫn chưa được đầu tư đầy đủ hệ thống hạ tầng cơ sở và trang thiết bị đảm bảo chất lượng sản phẩm khai thác sau khi lên bến. Hoạt động của nhiều cảng vẫn chưa thực sự hiệu quả và dưới công suất thiết kế.

Hệ thống khu neo đậu tránh trú bão. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thủy sản năm 2019[2], cả nước có 66 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thuộc 24 tỉnh, thành phố với sức chứa tối đa 42.464 tàu cá (công suất lớn nhất đạt 1.000 CV, tổng chiều dài luồng 132.235,7 m). Trong đó có 9 khu neo đậu kết hợp cảng cá, bến cá, với tổng sức chứa các tàu khai thác tại các khu neo đậu khoảng 44.376 chiếc. Sức chứa của các khu neo đậu tránh trú bão lớn nhất khoảng 2.000 chiếc/khu (khu neo đậu Vịnh Xuân Đài (Phú Yên), khu Bến Đầm, Bến Đá, Bến Đình (Bà Rịa - Vũng Tàu), khu Thành phố Hồ Chí Minh; các khu có sức chứa khoảng 1.500 chiếc/khu gồm khu đầm Đề Gi (Bình Định), khu Cửa Lấp (Bà Rịa - Vũng Tàu) các khu có sức chứa khoảng 1.200 chiếc/khu gồm khu Sông Dinh (Bà Rịa - Vũng Tàu), khu neo đậu kết hợp cảng cá Phú Hải (Bình Thuận), cảng Tam Quan (Bình Định), khu neo đậu Cửa Hội (Nghệ An); các khu neo đậu có sức chứa 1.000 chiếc khu gồm khu neo đậu tránh trú bão kết hợp bến cá cửa Hà Lạn (Nam Định), khu Hồng Triều (Quảng Nam),khu Ninh Chữ (Ninh Thuận), cửa sông Cái Lớn, Cái Bé, đảo Nam Du (Kiên Giang) và khu Sông Đốc, khu Rạch Gốc (Cà Mau); các khu neo đậu tránh trú bão còn lại có sức chứa dưới 1.000 chiếc. Đầu tư được cho hệ thống khu neo đậu như trên là một chủ trương nhân đạo và nỗ lực lớn của nghề cá trong việc hỗ trợ ngư dân có chỗ tránh trú bão, neo đậu tàu thuyền, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản khi có bão hoặc áp thấp nhiệt đới.

Cơ sở nước đá, nhà máy chế biến, kho bảo quản và nhà phân loại hải sản: Năm 2018, cả nước có 354 cơ sở sản xuất nước đá (tăng mạnh so với 120 cơ sở vào năm 2010); khoảng 643 kho lạnh sản phẩm hải sản với tổng sức chứa khoảng 78.700 tấn và 14 kho cho thuê với sức chứa 46.000 tấn; chỉ có 9 nhà phân loại hải sản, đảm bảo phân loại 240 tấn sản phẩm/ngày[3]. Hiện nay, các cơ sở sản xuất nước đá đã cung cấp đủ số lượng nhưng chất lượng nước đá vẫn chưa được đảm bảo, các kho bảo quản, nhà phân loại còn thiếu và chưa đáp ứng được yêu cầu.

Cơ sở thu mua và sơ chế hải sản: Cả nước có khoảng 902 cơ sở, việc tiêu thụ sản phẩm chủ yếu là do các nậu vựa[4]. Hiện nay ở một số địa phương đã có các tàu thu mua trên biển, tạo điều kiện thuận lợi cho các tàu xa bờ có thể hoạtđộng dài ngày ngoài ngư trường, giảm được chi phí nhiên liệu trong quá trình đi về và tăng được thời gian khai thác trên biển. Hoạt động của hệ thống nậu vựa rất năng động và hiệu dân khi trao quả, đóng vai trò quan trọng trong nghề cá. Tuy nhiên, hạn chế của lực lượng nậu vựa đổi sản phẩm.

Cơ sở sản xuất, sửa chữa ngư lưới cụ: Ngư lưới cụ sử dụng trên tàu khai thác xa bờ hiện nay được nhập từ Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan. Đã có một số cơ sở gia công lắp ráp ngư cụ nhằm hạ giá thành, chủ động sản xuất nhưng số cơ sở này chưa nhiều, chưa cung ứng đủ cho nhu cầu khai thác. Hiện có khoảng 10 cơ sở gia công sản xuất lưới sợi quy mô lớn trên phạm vi cả nước. Các cơ sở này mỗi năm sản xuất trên 10.000 tấn lưới sợi[5], tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất; nhiều loại ngư cụ phải nhập khẩu để phục vụ sản xuất.

Cơ khí đóng, sửa tàu thuyền: Năm 2018, cả nước có khoảng 702 cơ sở đóng, sửa tàu thuyền với năng lực đóng mới 4.000 chiếc/năm, trong đó, có 23 cơ sở đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp và sửa chữa tàu cá vỏ thép; có 50 cơ sở đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp và sửa chữa tàu cá vỏ gỗ; 4 cơ sở đóng mới, nâng cấp và cải hoán tàu cá vỏ composite[6]. Do chưa sản xuất được các loại máy thủy có công suất lớn nên mặc dù có năng lực sửa chữa 8.000 chiếc/năm nhưng việc sửa chữa chủ yếu là thay thể phụ tùng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công bố 7 đợt về danh mục các cơ sở đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá đủ điều kiện theo Nghị định số 67/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.

Dịch vụ bốc dỡ hàng hóa tại cảng cá: Hầu hết tại các cảng cá đều không có dịch vụ bốc dỡ sản phẩm, việc bốc dỡ sản phẩm đều do thủy thủ trên tàu đảm nhận và chủ yếu là thủ công (bằng tay hoặc các cầu trượt) làm ảnh hưởng đến chất lượng, giá trị sản phẩm.

Hệ thống thông tin liên lạc: Hệ thống thông tin nghề cá trên biển đã bước đầu được đầu tư hiện đại, từng bước đáp ứng nhu cầu quản lý đối với hoạt động của tàu cá và ngư dân trên biển, góp phần tăng hiệu quả sản xuất thông qua phát hành các bản tin dự báo ngư trường đến từng tàu cho ngư dân và giảm nhẹ rủi ro thiên tai cho tàu cá và ngư dân trong quá trình hoạt động trên biển. Dự án quản lý tàu cá bằng vệ tinh (MOVIMAR) được triển khai lắp đặt trên 3.000 tàu cá kết hợp cùng với hệ thống đài bờ tại 28 tỉnh, thành phố ven biển, máy thông tin liên lạc HF tích hợp định vị vệ tinh (VX1700) được lắp đặt cho trên 4.000 tàu. Tuy nhiên, thực tế hiện nay các tàu hoạt động ở tuyến lộng và tuyến khơi chỉ mới trang bị máy thông tin liên lạc nhưng khả năng kết nối giữa các tàu cá và Trung tâm tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn và các đài trực canh cộng đồng còn một số hạn chế. Ngoài ra, để đẩy mạnh thực hiện các giải pháp chống đánh bắt cá bất hợp pháp,không báo cáo, và không theo quy định (IUU) và quản lý có hiệu quả các tàu đánh bắt hải sản, Luật Thủy sản số 18/2017/QH14 (năm 2017), Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản và Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản đã quy định tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS). Tuy nhiên, đến cuối năm 2019 mới chỉ có 4.876 trong tổng số gần 29.000 tàu cá có chiều dài từ 15 m đến dưới 24 m được lắp đặt thiết bị (chỉ chiếm 16,8%). Nguyên nhân chính là do hạn chế trong nhận thức cũng như các khó khăn của ngư dân về mặt tài chính để đầu tư mua sắm thiết bị giám sát.

 


[1]Tổng cục Thống kê: “Báo cáo sơ bộ kết quả tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản 2016”, 2016

[2]Cảng cá phường Cam Linh, thành phố Cam Ranh; cảng cá Thọ Quang, thành phố Đà Nẵng và cảng cá Tắc Cậu, tỉnh Kiên Giang.

[3]Nguyễn Quốc Tĩnh và cộng sự: Nghiên cứu đề xuất các giải pháp quản lý và phát triển các cơ sở dịch vụ hậu cần lục vụ thác hải sản, Để tài khoa học công nghệ cấp Bộ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2018

[4]Tổng cục Thủy sản: Báo cáo “Hội nghị bàn giải pháp khai thác, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hải sản khai thác", 2018

[5]Nguyễn Quốc Tĩnh và cộng sự: Nghiên cứu đề xuất các giải pháp quản lý và phát triển các cơ sở dịch vụ hậu cần lục vụ thác hải sản, Để tài khoa học công nghệ cấp Bộ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2018

[6]Tổng cục Thủy sản: Báo cáo “Hội nghị bàn giải pháp khai thác, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hải sản khai thác", 2018

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành