Thứ sáu, 22 Tháng 10 2021 16:20

Giới thiệu chủ thể kiểm soát và đối tượng bị kiểm soát thỏa thuận sử dụng giá để hạn chế cạnh tranh tại Việt Nam

1. Xác định chủ thể kiểm soát thỏa thuận sử dụng giá để hạn chế cạnh tranh

Việc kiểm soát các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh ở Việt Nam có nhiều khác biệt so với các quốc gia khác. Thông thường, việc kiểm soát các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh sẽ được giao cho một cơ quan[1]. Trong khi đó, ở Việt Nam, vào thời điểm trước khi Luật Cạnh tranh năm 2018 có hiệu lực thi hành, thi việc kiểm soát này được giao cho hai cơ quan. Cơ sở cho việc kiểm soát các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh nói chung và thỏa thuận sử dụng gia để hạn chế cạnh tranh nói riêng, được quy định tại Điều 49 và Điểu 53 Luật Cạnh tranh năm 2004. Nếu nhìn nhận việc kiểm soát các thỏa thuận sử dụng giá để hạn chế cạnh tranh sẽ bao gồm các biện pháp điều tra, xử lý vi phạm và xem xét cho hưởng miễn trừ, thì Cục Quản lý cạnh tranh và Hội đồng Cạnh tranh sẽ chia nhau đảm nhiệm các công việc kiểm soát. Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 06/2006/NĐ-CP ngày 09/01/2006 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý cạnh tranh[2] (sau đây gọi tắt là Nghị định số 06/2006/NĐ-CP) thì: “Cục Quản lý cạnh tranh là tổ chức trực thuộc Bộ Thương mại có chức năng giúp Bộ trưởng Bộ Thương mại thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh, chống bán phá giá, chống trợ cấp, dụng các biện pháp tự vệ đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; phối hợp với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng trong việc đối phó với các vụ kiện trong thương mại quốc tế liên quan đến bản phá giá, trợ cấp và áp dụng các biện pháp tự vệ”. Xét trong phạm vi hẹp là kiểm soát các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, thì Cục Quản lý cạnh tranh sẽ có các quyền cơ bản sau đây:

- Thụ lý, tổ chức điều tra các vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh để Hội đồng Cạnh tranh xử lý theo quy định của pháp luật.

- Thẩm định hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ theo các quy định của pháp luật để trình Bộ trưởng Bộ Thương mại quyết định hoặc trình Thủ trưởng Chính phủ quyết định[3].

Như vậy, Cục Quản lý cạnh tranh sẽ là cơ quan có quyền: Tổ chức điều tra xử lý đối với các thỏa thuận sử dụng gia để hạn chế cạnh tranh và thẩm định hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ theo các quy định của pháp luật để trình Bộ trưởng Bộ Thương mại[4] quyết định hoặc trình Thủ trưởng Chính phủ quyết định[5]. Theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 07/2015/NĐ-CP ngày 16/01/2015 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Hội đồng Cạnh tranh (sau đây gọi tắt là Nghị định số 07/2015/NĐ-CP) thì: “Hội đồng Cạnh tranh là cơ quan tiến hành tố tụng cạnh tranh độc lập do Chính phủ thành lập, có chức năng tổ chức xử lý, giải quyết khiếu nại đối với các vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh". Trong việc kiểm soát các thỏa thuận sử dụng gia để hạn chế cạnh tranh, thì Hội đồng Cạnh tranh đóng vai trò là cơ quan có thẩm quyền tổ chức tiếp nhận Báo cáo điều tra và Hồ sơ vụ việc cạnh tranh liên quan và xử phạt, xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh[6].

Trong Báo cáo tổng kết 12 năm thi hành Luật Cạnh tranh, Bộ Công Thương cũng xác định việc tồn tại hai cơ quan cạnh tranh như quy định trong Luật Cạnh tranh năm 2004 và hướng dẫn cụ thể tại Nghị định số 06/2006/NĐ-CP. Nghị định số 07/2015/NĐ-CP là một bất cập. Báo cáo chỉ rõ: “Mô hình hai cơ quan cạnh tranh cùng với các quy định chưa hợp lý về tố tung cạnh tranh dẫn đến kéo dài quá trình giải quyết vụ việc cạnh tranh, nguồn lực bị phân tán khiến việc giải quyết vụ việc cạnh tranh chưa được tập trung kết quả giải quyết vụ việc luôn đi sau diễn biến của thị trường và chưa thể hiện vai trò can thiệp kịp thời của Nhà nước để khắc phục những khiếm khuyết của thị trường”.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, Luật Cạnh tranh năm 2018 đã thiết lập nên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia. Theo đó, khoản 1 Điều 46 Luật Cạnh tranh năm 2018 quy định: “Uy ban Cạnh tranh Quốc gia là cơ quan thuộc Bộ Công Thương gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các thành viên. Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh và các đơn vị chức năng khác là bộ máy giúp việc của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia”. Như vậy, có thể thấy địa vị pháp lý của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia được xác định một cách rõ ràng là cơ quan thuộc Bộ Công Thương. Có suy luận cho rằng, quy định này “tạo cảm giác” Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia chính là Cục Quản lý cạnh tranh trong Luật Cạnh tranh năm 2004. Tuy vậy, nếu nhìn nhận ở góc độ thẩm quyền, có thể thấy sự khác biệt ở chỗ toàn bộ thẩm quyền của Cục Quản lý cạnh tranh và Hội đồng Cạnh tranh sẽ được giao về cho Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đảm nhận[7].

Có thể thấy rằng, việc hợp nhất Cục Quản lý cạnh tranh và Hội đồng Cạnh tranh thành một cơ quan duy nhất là Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là cách tiếp cận phù hợp, giúp cho quá trình trao đổi hợp tác giữa hai bộ phận điều tra cũng như xử lý các thỏa thuận sử dụng giá để hạn chế cạnh tranh thống nhất, linh hoạt và nhịp nhàng hơn. Mặt khác, trong việc kiểm soát các thỏa thuận sử dụng giá để hạn chế cạnh tranh thì Luật Cạnh tranh năm 2018 còn bổ sung chính sách khoan hồng nhằm phá vỡ các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh nói chung và thỏa thuận sử dụng giá để hạn chế cạnh tranh nói riêng. Trường hợp doanh nghiệp tự nguyện khai báo giúp Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phát hiện, điều tra và xử lý hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm nói chung và thỏa thuận sử dụng giá để hạn chế cạnh tranh nói riêng theo quy định của Luật Cạnh tranh năm 2018 thì sẽ được miễn hoặc giảm mức xử phạt theo chính sách khoan hồng. Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia quyết định việc miễn hoặc giảm mức xử phạt theo chính sách khoan hồng[8].

2. Đối tượng bị kiểm soát của pháp luật kiểm soát thỏa thuận sử dụng giá để hạn chế cạnh tranh

Các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh nói chung và thỏa thuận sử dụng giá để hạn chế cạnh tranh nói riêng được tiến hành bởi doanh nghiệp, nhưng trong một vài trường hợp, các thỏa thuận này được khởi xướng bởi các hiệp hội ngành, nghề. Theo quy định của Luật Cạnh tranh năm 2018, đối tượng bị kiểm soát của pháp luật kiểm soát các thỏa thuận sử dụng giá để hạn chế cạnh tranh là các doanh nghiệp. Tuy vậy, khái niệm doanh nghiệp này có sự khác biệt so với khái niệm doanh nghiệp trong Luật Doanh nghiệp năm 2014. Cụ thể, theo khoản 7 Điều 4 Luật Danh nghiệp năm 2014 thủ "Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng có tại sản, có trụ sở giao dịch, được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh". Trong khi đó, khái niệm doanh nghiệp trong khoản 1 Điều 2 Luật Cạnh tranh năm 2018 được hiểu rộng hơn: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh (gọi chung là doanh nghiệp) bao gồm cả doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực thuộc độc quyền nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam”.

Tuy vậy, pháp luật cạnh tranh có tính đến sự khác biệt về vai trò của các doanh nghiệp trong thỏa thuận sử dụng giá để hạn chế cạnh tranh. Theo đó, doanh nghiệp đóng vai trò cảm đầu hoặc xúi giục các doanh nghiệp khác tham gia thỏa thuận sử dụng giá để hạn chế cạnh tranh sẽ chịu chế tài nghiêm khắc hơn so với các doanh nghiệp khác, đóng vai trò hạn chế trong thỏa thuận sử dụng giá để hạn chế cạnh tranh. Theo quy định tại khoản 4 Điều 112 Luật Cạnh tranh năm 2018, chính sách khoan hồng sẽ không áp dụng đối với doanh nghiệp có vai trò ép buộc hoặc tổ chức cho các doanh nghiệp khác tham gia thỏa thuận.

Các hiệp hội ngành, nghề có vai trò rất quan trọng trong quá trình hình thành hoặc duy trì các thỏa thuận sử dụng giá để hạn chế cạnh tranh, nhưng Luật Cạnh tranh năm 2018 không coi đây là đối tượng chịu sự kiểm soát của pháp luật. Cách tiếp cận này là tương đồng với Luật Cạnh tranh năm 2004. Trong ví dụ Thỏa thuận ấn định giá của 19 doanh nghiệp bảo hiểm của Việt Nam năm 2008, thì bởi vì, Luật Cạnh tranh năm 2004 không quy định hiệp hội là chủ thể của thỏa thuận ấn định giá, nên Hội đồng xử lý vụ việc chi tiến hành xử phạt đối với các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận mà không bao gồm Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Công Thương: Báo cáo mô hình cơ quan cạnh tranh, kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam, Hà Nội, 2017

 


[1] Bộ Công Thương Báo cáo mô hình cơ quan cạnh tranh, kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam, Hà Nội, 2017, tr8.

[2] Nghị định này hiện nay đã bị bãi bỏ bởi Nghị định số 05/2020/NĐ-CP ngày 04/01/2020 của Chính phủ bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ ban hành.

[3] Khoản 4 Điều 2 Nghị định số 06/2006/NĐ-CP.

[4] Nay là Bộ Công Thương.

[5] Khoản 4 Điều 2 Nghị định số 06/2006/NĐ-CP

[6] Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 07/2015/NĐ-CP

[7] Xem khoản 2 Điều đ6 và Điều 50 Luật Cạnh tranh năm 2018.

[8] Khoản 2 Điều 112 Luật Cạnh tranh năm 2018.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành