Thứ hai, 25 Tháng 10 2021 16:52

Pháp luật và chính sách về cộng đồng ứng phó với biến đổi khí hậu

Sớm nhận thức được mối đe dọa do biến đổi khí hậu gây ra đối với các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước, Việt Nam đã và đang thực hiện những cam kết và giải pháp mạnh mẽ cả về luật pháp cũng như các chính sách ứng phó. Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, sửa đổi, bổ sung năm2018, 2019 đã có riêng 1 chương về ứng phó với biến đổi khí hậu (Chương IV), trong đó Điều 39 xác định “Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ…” (khoản 2) và Điều 46 quy định về quyền và trách nhiệm của cộng đồng trong ứng phó với biến đổi khí hậu như sau:

Cộng đồng có quyền được cung cấp và yêu cầu cung cấp thông tin về biến đổi khí hậu, trừ các thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước;

Cộng đồng có trách nhiệm tham gia các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu;

Cơ quan quản lý về biến đổi khí hậu có trách nhiệm cung cấp thông tin, tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng và tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng tham gia các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Cộng đồng trong ứng phó với biến đổi khí hậu cũng được xác định bằng những quy định về nghĩa vụ và trách nhiệm trong nhiều luật khác như Luật Phòng, chống thiên tại năm 2013, Luật Thủy lợi năm 2017, Luật Tài nguyên nước năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2017, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2018, Các nhà quản lý nước ta cũng đề xuất xây dựng và ban hành Luật Biến đổi khí hậu tạo cơ sở pháp lý cao nhất và thống nhất cho các chính sách biến đổi khí hậu ở nước ta[1].

Về chính sách, theo quan niệm chung nhất, “là định hướng, giải pháp của Nhà nước để giải quyết vấn đề của thực tiễn nhằm đạt được mục tiêu nhất định”[2]. Chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu của nước ta dựa trên chủ trương, định hướng của Đảng, điều kiện cụ thể phát triển của đất nước và các cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu. Các chính sách về ứng phó với biến đổi khí hậu đều quán triệt chủ trương của Đảng và Nhà nước về huy động sự tham gia chủ động, tích cực của các cộng đồng trong xã hội.

Văn bản chính sách sớm nhất liên quan tới ứng phó với biến đổi khí hậu là Chỉ thị số 35/2005/CT-TTg ngày 17/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức thực hiện Nghị định thư Kyoto thuộc Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Theo đó các bộ, ngành và Ủy ban dân các địa phương được phân công trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện, trong đó có trách nhiệm “nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách thuộc phạm vi quản lý”.

Cuối năm 2008, trước tác động ngày càng gia tăng như là thách thức đối với quá trình phát triển bền vững của đất nước, Quốc hội đã quyết định triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 158/2008/QĐ-TTg ngày 02/12/2008 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu đã xác định các quan điểm ứng phó với biến đổi khí hậu trong thực hiện Chương trình. Ba năm sau đó, ngày 05/12/2011 tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 2139/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu các quan điểm này đã được bổ sung, định hình thành các quan điểm chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu cho tầm nhìn dài hạn (đến 2050), trong đó có quan điểm riêng về cộng đồng.

Các quan điểm này chi phối và tiếp tục được cụ thể hóa trong các chính sách về ứng phó với biến đổi khí hậu của các bộ, ngành, các địa phương cũng như của các cộng đồng trong xã hội. Bộ Tài nguyên và Môi trường theo sự phân công của Chính phủ là cơ quan đầu mối tham mưu cho Chính phủ ban hành và phối hợp, theo dõi, giám sát thực hiện chính sách biến đổi khí hậu. Các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên cơ sở, mục tiêu và định hướng giải pháp chính sách biến đổi khí hậu có trách nhiệm cụ thể hóa thành chính sách nguyên tắc, cho lĩnh vực, địa phương mình.

Như đã nêu ở trên, huy động sự tham gia của cộng đồng là một quan điểm chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu và được yêu cầu thể hiện và cụ thế hóa trong chính sách biến đổi khí hậu.

Dưới góc nhìn cộng đồng có thể thấy chính sách biến đổi khí hậu ở nước ta đã thể hiện vai trò và tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia ứng phó với biến đổi khí hậu, trước hết là trên hai hoạt động chính yếu của chu trình chính sách (policy cycle), là hoạch định chính sách và thực hiện chính sách. Về hoạch định chính sách:

Chính sách biến đổi khí hậu đã quán triệt quan điểm của Đảng và Nhà nước coi ứng phó với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó có cộng đồng dân cư và các tổ chức, đoàn thể của họ. Sự tham gia của cộng đồng trong hoạch định chính sách được thể hiện ngay từ khâu soạn thảo chính sách. Cũng như các chính sách khác, các dự thảo chính sách biến đổi khí hậu đều được thực hiện theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó quy định về sự tham gia góp ý kiến của cộng đồng vào xây dựng chính sách.

Trong các chính sách biến đổi khí hậu đều có nội dung riêng về sự tham gia của cộng đồng, quán triệt chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu như đã nói ở trên. Sự tham gia này không chỉ được quy định trong các chính sách ban hành mới hay chuyên biệt về biến đổi khí hậu mà các chính sách đã ban hành từ trước cũng được yêu cầu rà soát, bổ sung để lồng ghép, tích hợp các vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu. Tất cả các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển của quốc gia, bộ, ngành, địa phương cho đến nay đã và đang được tiếp tục điều chỉnh, bổ sung hoặc ban hành mới đều có nội dung tham gia của cộng đồng trong các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đại diện của cộng đồng dân cư, cụ thể là một số tổ chức chính trị - xã hội, xã hội được quy định là thành viên của các tổ chức tham mưu, tư vấn, giám sát, điều phối thực hiện chính sách biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tại. Thí dụ, đại diện các tổ chức: Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Chữ thập đỏ được mời tham gia Ban Chỉ đạo về phòng, chống thiên tại các cấp (theo điểm e khoản 2 Điều 18 Nghị định số 66/2014/NĐ-CP ngày 04/7/2014); Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường được mời tham gia Hội đồng/Ban Chỉ đạo phát triển bền vững các cấp (theo khoản 1Điều 3 Quyết định số 641/QĐ-TTg ngày 31/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ).

Người dân, cộng đồng dân cư là đối tượng trực tiếp chịu ảnh hưởng tác động của biến đổi khí hậu và cũng chính: hàng ngày hàng giờ trực tiếp chống chịu, thích ứng với các ho tác động của biến đổi khí hậu nên các chính sách cụ thể về biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tại đều hướng tới khuyến khích, tạo điều kiện để người dân, cộng đồng dân cư có thể chủ động ứng phó kịp thời và tốt nhất. Phương châm “4 tại chỗ" (Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư và phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ) như một nguyên tắc cơ bản trong Luật Phòng, chống thiên tai được quán triệt và thể hiện trong mọi quyết định chính sách các cấp có liên quan Nhiều chương trình, dự án biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tại của Nhà nước được thiết kế với sự huy động tham gia của cộng đồng, thí dụ như cải tạo hệ thống thủy lợi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu...

Về thực hiện chính sách:

Trên cơ sở chủ trương và định hướng chính sách biến đổi khí hậu với nội dung khuyến khích, tạo điều kiện để cộng đồng dân cư ứng phó với biến đổi khí hậu, việc tổ chức thực hiện chính sách biến đổi khí hậu cũng thể hiện sự tham gia rõ rệt.

Trên thực tế, đã triển khai nhiều chương trình, dự án biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai với sự tham gia trực tiếp của cộng đồng do các cơ quan quản lý nhà nước hay cộng đồng chủ trì với hình thức, quy mô đa dạng, phong phú, như trồng rừng ngập mặn ven biển, làng sinh thái, chuyển đổi cơ cấu tiếp canh tác nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu; hầm ủ chất thải hữu cơ thành khí sinh học (biogas); áp dụng kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến nhằm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, mô hình nhà ở có khả năng chịu đựng được với bão, lũ... Nội dung sau đây đề cập cụ thể hơn về cộng đồng ứng phó với biến đổi khí hậu từ góc nhìn thực hiện chính sách.

 


[1]Đề xuất của các bộ, ngành tại Hội thảo về thực hiện chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức ngày 16/5/2014.

[2]Điều 2 Nghị định của Chính phủ số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 42P2017/NĐ-CP ngày 07/8/2017

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành