Thứ hai, 25 Tháng 10 2021 16:54

Giới thiệu nhóm mô hình cộng đồng với tiêu thụ và lối sống xanh

1. Khái niệm tiêu dùng xanh và lối sống xanh

Tiêu dùng xanh là hành vi mua các sản phẩm thân thiện với môi trường (sử dụng ít năng lượng hoặc có khả năng tái chế), tốt hoặc không gây hại cho sức khỏe của con người, đồng thời, sử dụng các sản phẩm sao cho ít gây hại nhất đối với môi trường.

Lối sống xanh là cuộc sống luôn suy nghĩ và thực hiện các hành vi (kể cả những hành vi đơn giản) để bảo vệ môi trường và cuộc sống.

2. Một số chính sách và chương trình liên quan đến tiêu dùng xanh tại Việt Nam

Ở Việt Nam, dù chưa có những quy định riêng biệt về tiêu dùng xanh nhưng nhiều nội dung liên quan đến tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững đã sớm được đưa vào nội dung chính sách, được lồng ghép, quy định trong nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước.

Tiêu dùng xanh được Chính phủ đề cập đầu tiên trong Chiến lược về tăng trưởng xanh vào năm 2012. Chiến lược về tăng trưởng xanh đã đưa ra 3 mục tiêu cụ thể, trong đó mục tiêu thứ 3 là nâng cao đời sống của Nhân dân, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường thông qua tạo nhiều việc làm từ các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ xanh, đầu tư vào vốn tự nhiên, phát triển hạ tầng xanh. Để đạt được các mục tiêu của chiến lược, một trong 3 nhiệm vụ quan trọng cần phải thực hiện gồm có xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.

Tiếp đến Chiến lược phát triển bền vững giai đoạn 2011 - 2020 trong các định hướng kinh tế cần ưu tiên trong giai đoạn 2011 - 2020 cũng đã nêu rõ, để thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững, cần phải đẩy mạnh áp dụng rộng rãi sản xuất sạch hơn để nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên vật liệu, năng lượng, nước, đồng thời giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, bảo vệ chất lượng môi trường, sức khỏe con người, bảo đảm phát triển bền vững.

Mặt khác, để tạo đà cho quá trình xanh hóa nền kinh tế, ngày 26/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg “phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có hai nhiệm vụ liên quan đến tiêu dùng xanh là xanh hóa sản xuất và xanh hóa tiêu dùng.

Việt Nam cũng đang triển khai một số hoạt động liên quan đến sản xuất và tiêu dùng bền vững mà trong đó tiêu dùng xanh cũng đã bắt đầu được nhắc đến nhiều hơn. Nhiều văn bản liên quan đã được ký kết như: Tuyên ngôn quốc tế và Kế hoạch hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững (1999), các văn bản pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010; tuyên ngôn quốc tế về sản xuất sạch hơn vào năm 1999,... Các chương trình liên quan đến sản phẩm xanh như Chương trình cấp Nhãn sinh thái (Bộ Tài nguyên và Môi trường; Nhãn tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương); Nhãn sinh thái cho ngành du lịch cũng được triển khai.

3. Các mô hình nhóm cộng đồng với tiêu thụ và lối sống xanh:

Chương trình Nhãn xanh: Chương trình Nhãn xanh nhằm mục tiêu liên tục cải thiện và duy trì chất lượng môi trường sống thông qua giảm thiểu sử dụng và tiêu dùng năng lượng, vật liệu cũng như các loại chất thải sinh ra do quá trình sản xuất, kinh doanh và tiều dùng các sản phẩm, dịch vụ tiêu dùng phục vụ đời sống.

Nói không với túi nilon: Khi mua thực phẩm hoặc các chất tẩy vệ sinh, chú ý lựa chọn các sản phẩm đựng trong hộp bìa carton hoặc các bao bì có thể tái chế được. Các loại rác thải có thể tái chế giúp giảm việc xử lý rác trong mỗi hộ gia đình, đồng thời, vừa giúp giảm rác thải vừa bảo vệ môi trường.

Dự án văn phòng xanh: Văn phòng xanh tập trung vào việc thay đổi ý thức và hành vi của nhân viên, hướng tới thực hiện hành vi tiêu dùng bền vững, không ngừng khắc phục các hạn chế, yếu kém, nhằm giảm chi phí, giảm tác động tới môi trường từ các hoạt động của tổ chức, mang lại lợi ích cho tổ chức và tạo môi trường làm việc lành mạnh, thân thiện. Về bản chất, văn phòng xanh giúp thay đổi nhằm cải tiến cách thức vận hành và quản lý văn phòng để giảm tác động tiêu cực lên môi trường, đồng thời giúp doanh nghiệp giảm chi phí.

Những thay đổi này diễn ra trong mọi mặt của vận hành văn phòng: từ giảm tiêu thụ năng lượng (điện) và các nguồn tài nguyên (nước, giấy), đến thiết kế văn phòng để tận dụng ánh sáng tự nhiên và bảo đảm lưu thông không khí; từ các phương tiện mà nhân viên chọn để đi làm và giao dịch hằng ngày đến cách thức tổ chức các hội thảo hay chuyến đi nghỉ của công ty; từ việc chọn mua các sản phẩm và thực phẩm thân thiện với môi trường tới việc xây dựng hệ thống tái chế và tái sử dụng; từ việc sử dụng các nguồn năng lượng xanh đến việc xây dựng ý thức xanh cho toàn bộ nhân viên. Tuy nhiên, không có một công thức chung nào về văn phòng xanh cho tất cả các văn phòng, mà mỗi tổ chức sẽ tùy thuộc vào quy mô, điều kiện của mình để xây dựng một “hệ thống quản lý môi trường” sao cho phù hợp và hiệu quả cho chính họ.

Các mô hình người dân với tiêu thụ và lối sống xanh: Các hành vi người dân với tiêu thụ và lối sống xanh thường áp dụng là:

Không mua rau xanh trái mùa vì có nguy cơ cao nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật, mặt khác giá mua lại cao; Nước rửa rau cuối được sử dụng lại để cọ sàn nhà; Lên xuống các tầng thấp (tầng 5 trở xuống) khôngdùng thang máy; Đi ăn hàng, không gọi quá nhiều thức ăn gây thừa thãi, lãng phí; Hứng nước mưa để tưới cây; Tắt tivi bằng công tắc trên màn hình chứ đừng tắt bằng điều khiển; Tắt đèn khi không cần thiết; Mùa hè để điều hòa ở 26 độ

Một số hành vi cụ thể, người dân với tiêu thụ và lối sống xanh:

Sử dụng sản phẩm nguồn gốc thiên nhiên: Người tiêu dùng cũng có xu hướng chuyển sang các nhãn hàng cam kết làm từ thiên nhiên, nguyên liệu hữu cơ, hoặc thành phần càng đơn giản càng tốt.

Những sản phẩm nguồn gốc tự nhiên, không những giúp cho người sử dụng tiết kiệm tiền mà còn giúp họ an tâm với các thành phần không độc cho môi trường xung quanh và sức khỏe con người, như mỹ phẩm được chiết xuất từ các nguyên liệu tự nhiên như chanh, mật ong, dầu dừa, dầu oliu, trái cây.

Sản xuất thực phẩm hữu cơ đòi hỏi thực hiện trong một hệ sinh thái bảo đảm, không được gần các nhà máy công nghiệp, tại vùng đất nền và nguồn nước có dư lượng kim loại và các chất độc tự nhiên thấp. Nguồn nước tưới và chăn nuôi phải là nước sạch.

Từ những hành động nhỏ trong việc lựa chọn sản phẩm đạt chuẩn “xanh” cũng sẽ góp phân to lớn trong việc thay đổi thị trường. Trong thời đại ngày nay, tiêu dùng xanh là tiêu dùng bền vững, mua sắm xanh là sống. an lành.

Người tiêu dùng cũng có xu hướng chuyển sang các nhãn hàng cam kết làm từ thiên nhiên, nguyên liệu hữu cơ, hoặc thành phần càng đơn giản càng tốt. Xu hướng này thể hiện trong việc lựa chọn sản phẩm/dịch vụ như sau: Ưu tiên sản phẩm có thành phần đơn; Ưu tiên sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên (mỹ phẩm, gia vị, thực phẩm chức năng, đồ chơi,...); Ưu tiên sản phẩm không có thành phần gây ung thư, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe; Ưu tiên sản phẩm không thử nghiệm trên động vật (mỹ phẩm, thuốc, thực phẩm chức năng).

Người dân thực hiện tiết kiệm điện

Tiết kiệm điện năng cho máytính không những góp phần làm cho máy tính hoạt động hiệu quả hơn, kéo dài tuổi thọ phần cứng, giảm chi phí vận hành mà còn góp phần bảo vệ môi trường,

Đối với các hộ dùng điện sinh hoạt và các cơ sở kinh doanh dịch vụ, khuyến khích sử dụng các loại thiết bị điện có hiệu suất cao và được dán nhãn năng lượng; khuyến khích sử dụng các giải pháp tiết kiệm điện như tắt các thiết bị điện khi ra khỏi phòng, cắt hẳn nguồn điện nếu không sử dụng các thiết bị điện, tận dụng tối đa ánh sáng và thông gió tự nhiên, tắt đèn chiếu sáng và các thiết bị điện khi không có nhu cầu sử dụng, chỉ sử dụng điều hòa nhiệt độ khi cần thiết.

Giải pháp thúc đẩy tiêu dùng xanh

Xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về tiêu dùng xanh sẽ tạo ra động lực khuyến khích và nguồn cung cho nhu cầu "tiêu dùng xanh trên thị trường" Đồng thời, cần đưa ra các chính sách khuyến khích các nhà sản xuất các sản phẩm, dịch vụ xanh. Phát triển những ngành nghề, lĩnh vực có áp dụng công nghệ sạch, sản xuất sạch hơn, hướng đến các sản phẩm cho tiêu dùng xanh. Đẩy mạnh xanh hóa sản xuất, ưu tiên các chính sách và kế hoạch hành động phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, phát triển công nghệ xanh, cơ chế phát triển sạch.

Tăng cường thực hiện và nhân rộng các mô hình doanh nghiệp xanh hỗ trợ về giá đối với các sản phẩm, dịch vụ xanh và tăng cường quảng cáo nhằm tiêu thụ nhiều hơn nữa các sản phẩm xanh. Tổ chức chương trình đào tạo về sản xuất xanh cho lực lượng lao động trực tiếp tham gia vào các mô hình doanh nghiệp xanh. Tăng cường thực hiện các chương trình kích cầu tiêu dùng xanh đối với các sản phẩm, nhằm đưa các sản phẩm xanh vào tiêu dùng và nâng cao thói quen tiêu dùng thân thiện môi trường của con người.

Đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của các sản phẩm xanh, chất lượng và giá cả cạnh tranh trên thị trường của các sản phẩm xanh cũng như lợi ích thiết thực trong bảo vệ môi trường đến cộng đồng, người tiêu dùng, người sản xuất để thu hút lực lượng tiêu thụ sản phẩm xanh và nâng cao nhận thức về tiêu dùng xanh. Đồng thời, tạo mối chặt chẽ giữa nhà sản xuất xanh, sản phẩm xanh và người "tiêu dùng xanh". Chính quyền địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức ý nghĩa, tầm quan trọng của hành vi tiêu dùng xanh đối với cá nhân, gia đình và cộng đồng.

Ngoài ra, người dân cần ý thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của tiêu dùng xanh đối với môi trường, sức khỏe của cá nhân, cộng đồng vì sự phát triển bền vững. Tích cực vận động người thân, gia đình thực hiện hành vi tiêu dùng xanh, coi đây là trách nhiệm và vinh dự lớn lao của mỗi con trong xã hội.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành